“QUYỀN LỰC MỀM” TẠI UKRAINE
- Thứ tư - 04/03/2015 19:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Một chính sách ngoại giao hữu hiệu đòi hỏi sự kết hợp của “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. Khi chúng ta có được sự cân bằng hợp lý, chúng ta gọi đó là “quyền lực thông minh” - quan điểm của Hoa Kỳ, thể hiện trong bài viết của nhà ngoại giao André Goodfriend.
Tác giả André Goodfriend - Ảnh: Kovács Tamás (MTI)
Lời Tòa soạn: Một năm sau ngày cuộc chiến Ukraine nổ ra, khởi đầu với việc Liên bang Nga ủng hộ các phần tử phiến quân ly khai và đưa quân đội vào “sáp nhập” bán đảo Crimea của Ukraine, có rất nhiều tranh luận được đưa ra, phê phán thái độ cầm chừng, được coi là mềm yếu, đầy do dự và thiếu cương quyết của Phương Tây.
Cho tới bây giờ, kể cả khi những biện pháp trừng phạt và tẩy chay của Phương Tây nhằm vào Nga đã có kết quả rõ rệt, khiến nền kinh tế nước này kiệt quệ và lâm vào khủng hoảng, và Liên bang Nga bị cô lập trên trường quốc tế, vẫn còn một số ý kiến chỉ trích tại sao Mỹ và EU không dùng đến phương tiện quân sự để xử lý vấn đề Ukraine.
Câu hỏi đó, thực ra đã có lời giải đáp rõ ràng trong một bài viết cách đây gần một năm, vào ngày 17-3-2014, khi cuộc “trưng cầu dân ý” ở Crimea vừa diễn ra, đặt thế giới vào một tình thế mới: một cuộc chiến không tuyên bố và không cân sức khởi đầu tại Châu Âu, nhằm chống lại Ukraine, một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Trân trọng giới thiệu đến độc giả bản dịch từ nguyên bản tiếng Anh của bài viết này (*). (NCTG)
*
Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine mang lại nhiều tranh luận trong nội các của các chính phủ về việc phải lựa chọn hành động của mình. Trên cương vị một nhân viên ngoại giao tại Hungary, nơi ký ức về cuộc cách mạng năm 1956 còn sống động, tôi và nhiều người khác mà tôi có dịp trò chuyện không khỏi nhận thấy những điểm tương đồng. Tôi tự hỏi mình, lịch sử liệu có thể thay đổi như thế nào nếu kinh tế của các nước trên thế giới liên quan mật thiết như ngày nay, khi con người quen với việc tự do đi lại, quen với việc chính phủ phải có trách nhiệm với công dân của mình, các phương tiện thông tin phát triển tột độ, giúp con người thông tin hữu hiệu qua điện thoại, mạng Internet, vệ tinh, truyền hình..., vv, bất kể họ ở nơi đâu.
Thỉnh thoảng, có vẻ như, một chính sách đối ngoại được dẫn dắt bởi “quyền lực cứng” (hard power), như ép buộc đối phương, hay “quyền lực mềm” (soft power), như vận động đồng thuận thông qua những giá trị chung và khát vọng chia sẻ lợi ích kinh tế. Nhưng hai loại quyền lực đó không loại trừ nhau. Không nhất thiết phải lựa chọn chỉ loại này, hay loại kia. Một chính sách ngoại giao hữu hiệu đòi hỏi sự kết hợp của “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. Khi chúng ta có được sự cân bằng hợp lý (smart power), chúng ta gọi đó là “quyền lực thông minh”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hilary Clinton, đã phát biểu trong buổi điều trần tại Quốc hội năm 2009 để thông qua sự bổ nhiệm: “Chúng ta sử dụng “quyền lực thông minh”/ “ngoại giao khôn ngoan”, với hàng loạt chính sách khác nhau - ngoại giao, kinh tế, quân sự, chính trị, luật pháp, và văn hóa - lựa chọn phương sách đúng đắn, hay kết hợp giữa nhiều phương sách, cho mỗi trường hợp cụ thể. Với quyền lực thông minh, ngoại giao sẽ đi tiên phong trong chính sách đối ngoại”.
“Quyền lực thông minh” sẽ đưa ngoại giao lên hàng đầu, chứ không phải là hành động quân sự, trong các hoạt động đối ngoại và giải quyết khủng hoảng.
Trong những tuần vừa qua, các đồng sự của tôi và tôi, cùng giới ngoại giao từ nhiều nước trên thế giới cùng làm việc với chính quyền của các nước sở tại, bàn bạc các phương hướng và tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách êm thấm. Đồng thời chúng tôi cũng biết rằng cũng phải chấp nhận tìm phương cách khác nếu không thể giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.
Những lời kêu gọi quốc tế muốn giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine một cách êm thấm, hoà bình cũng cho thấy, sức mạnh phải được sử dụng khôn ngoan, dùng ngoại giao thay vì quân sự đưa lên hàng đầu.
Để trả lời cho những phát ngôn của Nga liên quan đến tình hình ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra thông cáo thẳng thắn chống lại những luận điệu giả dối này. Quan sát viên từ 27 nước khác nhau của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã được cử tới để quan sát một cách khác quan xem liệu có khả năng xung đột sắc tộc dẫn đến nguy cơ bạo lực ở Crimea. Nhưng rất tiếc, những quan sát viên này đã bị giữ lại ở trạm kiểm soát ranh giới với Crimea mà không được vào bán đảo này.
Hoa Kỳ và EU đã bắt đầu đưa ra một số biện pháp trừng phạt và sẽ tiếp tục cân nhắc các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Giới ngoại giao đã lên tiếng công khai ngày càng mạnh mẽ. Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Geoff Pyatt, thường xuyên công bố những quan sát của mình trên Twitter.
Những tuyên bố nối tiếp nhau, từ Mỹ, Nhóm G7, Hội đồng Châu Âu và Ủy ban Châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu ( OSCE), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Khối Visegrád (V4), hay Hungary, phản đối việc Nga đưa lực lượng quân sự vào Crimea, cũng như cuộc “trưng cầu dân ý” trái luật diễn ra vào ngày Chủ nhật vừa qua.
Dùng các phương thức ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng này trong hòa bình, đó là phương án tôi thành thực hy vọng sẽ đem lại thành công trong vụ này.
Ghi chú:
(*) Tác giả bài viết, ông André Goodfriend giữ cương vị Đại biện Lâm thời ĐSQ Hoa Kỳ tại Hungary trong vòng 18 tháng, kể từ khi vị Đại sứ tiền nhiệm, bà Eleni Tsakopoulos Kounalakis rời Budapest cuối hè năm 2013, cho đến lúc tân Đại sứ, bà Colleen Bell tiếp quản nhiệm sở vào tháng 1 năm nay.
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, vừa có phong cách vừa cứng rắn, không khoan nhượng, lại vừa có cách ứng xử hóm hỉnh, “điệu nghệ” như các ngôi sao điện ảnh, trong thời gian làm việc tại Hungary, André Goodfriend đã trở thành “kẻ thù lớn nhất” của chính quyền nước này, vốn bị ông phê phán là phi dân chủ.
André Goodfriend cũng là nhà ngoại giao Mỹ duy nhất không mang hàm đại sứ đã mở blog chính thức để chia sẻ những quan điểm của mình. Blog của ông, từ tháng 1-2014, đã đăng tải nhiều bài viết giá trị, kể cả về những chủ đề đang bị tranh cãi và theo ông, bị hiểu nhầm - trong số đó có bài “Quyền lực mềm” tại Ukraine”.