Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC: CẢNH GIÁC, HÙNG MẠNH NHƯNG CHƯA DỄ BÁ CHỦ

(NCTG) Quân đội CHND Trung Hoa phải chống lại những lực lượng thù địch để bảo vệ ổn định xã hội – đó là nội dung một xã luận đăng trên “Nhân dân Nhật báo” số ra ngày 1-8 vừa qua.

Đạo quân thường trực đông đảo nhất thế giới

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhắc lại một số ý trong bài phát biểu trước đó một hôm của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tại lễ kỷ niệm lần thứ 82 ngày thành lập quân đội Trung Quốc.

Quân Giải phóng Nhân dân (GPND) Trung Hoa, đạo quân thường trực đông đảo nhất thế giới với 2,3 triệu binh lính, được nhắc nhở rằng phải củng cố chặt chẽ hơn nữa mối hợp tác với chính quyền địa phương, nhằm chuẩn bị cho việc “xử lý” những “đụng độ bất ngờ”.

Cảnh giác và chống lại mọi âm mưu

Chúng ta phải tăng cường cảnh giác trước những sự kiện trong nước và quốc tế… và cương quyết chống lại mọi hoạt động bạo lực tội lỗi nhằm chia cắt đất nước” – xã luận “Nhân dân Nhật báo” nhấn mạnh. Đồng thời, tờ báo cũng dẫn lời của vị Bộ trưởng Quốc phòng (đã từng sang thăm Việt Nam trên cương vị Tổng tham mưu trưởng): quân đội phải ngăn chặn mưu đồ ly khai và những hành động phá hoại của “các lực lượng thù địch”, bảo vệ an ninh quốc gia và ổn định xã hội.

Như vậy, bỏ ra ngoài những lời lẽ đã thành “kinh điển” trong các bài diễn văn, xã luận trên báo đảng, có thể nhận ra rằng trong thời gian gần đây, an ninh nội địa của Trung Quốc đã dần dần trở thành một vấn đề nóng bỏng.

Phát triển kinh tế chững lại, chênh lệch trong thu nhập gia tăng ở mức nổi cộm và do đó, những bất đồng xã hội giữa người giàu và kẻ nghèo được thể hiện ngày một rõ rệt tại Đại lục. Đặc biệt, Bắc Kinh thực sự lo ngại trước những đụng độ sắc tộc ở Tây Tạng, và gần đây nhất, ở khu tự trị Tân Cương của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Cuộc nổi loạn này - diễn ra trong nhiều ngày, được truyền thông thế giới hết mực quan tâm - đã khiến chừng 200 người thiệt mạng và căng thẳng trong khu vực vẫn tiếp tục tồn tại.

Xưa nay, Trung Nam Hải vẫn cho rằng các mâu thuẫn mang tính chất sắc tộc đều là sản phẩm của những kẻ khủng bố, ly khai và của “các thế lực phản động nước ngoài” với mục đích chia cắt Trung Quốc. Chắc hẳn, khi hình thành quan điểm này, Bắc Kinh có tham khảo các bài học của Liên Xô và Nam Tư, đã tan rã một phần dưới sức nặng của những vấn đề sắc tộc, âm ỉ và không được giải quyết trong nhiều thập kỷ.

Cho nên, cái nhìn mang màu sắc phòng ngừa và đầy nghi ngại trong nhiều phát biểu chính thức của giới quan chức quân sự Trung Quốc không chỉ phản ảnh “não trạng” cảnh giác thường trực của Bắc Kinh, mà trong trường hợp này còn có một nội hàm mới: nỗi lo âu trước hiểm họa xung đột sắc tộc.

Bùng nổ đầu tư cho quân sự

Một điều không thể phủ nhận là từ hai thập niên nay, viện cớ những lý do an ninh và quốc phòng, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng sức mạnh quân sự ở mức cao độ khiến nước này trở thành mối lo ngại cho an ninh trong khu vực.

Trong năm ngoái, xét trên góc độ ngân sách dành cho quân sự, Trung Quốc đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và vượt Pháp, Anh và Liên bang Nga. 84,9 tỉ USD đã được Đại lục đầu tư cho mục đích này, theo tờ trình thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, công bố vào thượng tuần tháng 6-2009.

Trong vòng 15 năm qua, từ một đội quân đông đảo nhưng ít nhiều mang tính ô hợp, “quần chúng”, trang bị sơ sài và lạc hậu, Quân GPND Trung Hoa đã được cải tổ thành một đạo quân với quân số ít hơn, nhưng thích hợp cho chiến tranh thời hiện đại với những vũ khí có độ chính xác cao, những hệ thống thông tin và viễn thông được xây dựng trên cơ sở công nghệ tân tiến nhất.

Để đạt được điều đó, từ đầu thập niên 90 tới nay, chi phí cho quân sự Trung Quốc đã được tăng 20 lần! Trong năm 2009, theo công bố hồi đầu tháng 4, ngân sách dành cho quân sự của nước này sẽ còn tăng 14,9% so với năm ngoái. Ấy vậy mà theo lời Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Lý Triệu Tinh, đà tăng trưởng của những chi phí cho quân sự ở Đại lục mới chỉ “ở mức độ khiêm tốn”.

Các số liệu cho thấy trong vòng hai thập niên qua, đây là lần thứ 19 mà tỉ lệ tăng trưởng của ngân sách quân sự Trung Quốc lên tới mức hai chữ số. Không phải ngẫu nhiên mà một siêu cường như Hoa Kỳ, bên cạnh việc phê phán những khoản chi của Trung Quốc cho quân sự (mà họ coi là không minh bạch), đã nhiều lần tỏ ý quan ngại về tham vọng bá quyền quân sự của Đại lục.

Chưa dễ dàng bá chủ

Bởi lẽ, bản thân xung đột sắc tộc nội địa hẳn nhiên không thể là lý do chính và duy nhất khiến Bắc Kinh gia tăng phát triển bộ máy quân sự đến mức ấy.

Điều này cũng được phản ánh trong phát biểu đã dẫn của Đại tướng Lương Quang Liệt, khi ông nhấn mạnh “Quân GPND Trung Quốc sẽ đẩy nhanh cải cách quân sự”, “kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc”. Đặt bên cạnh tuyên bố của vị Phát ngôn viên Quốc hội Lý Triệu Tinh - theo đó những đầu tư trong quân sự Trung Quốc chỉ nhằm mục đích “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” chứ không hướng tới bất cứ nước nào khác – có thể thấy chính Đại lục cũng phải lo hồi âm cho những quan ngại của thế giới về sự phát triển vũ trang ở xứ này.

Dễ thấy Đại lục đang ở ở vị thế vững mạnh và uy thế hơn bao giờ hết, và khó có thế lực bên ngoài nào có thể đe dọa xứ sở 1,3 tỉ dân này. Cho dù vị Bộ trưởng Quốc phòng có nói đến việc nước này luôn phản đối “những hoạt động và âm mưu chia cắt Đài Loan với Trung Quốc” thì ai cũng biết rằng, đảo quốc Đài Loan không phải là mối hiểm nguy cho an ninh Đại lục.

Vậy, việc Bắc Kinh đầu tư ở mức kỷ lục cho quân sự, nhằm mục đích gì? Có lẽ, câu trả lời sẽ được rút ra bởi chính các quốc gia đang bày tỏ sự lo ngại trước sức mạnh quân sự và sự bành trướng của Trung Quốc, trước hết là trong khu vực.

Còn nhớ, đầu năm 2008, khi vừa nhậm chức Bộ trưởng, ông Lương Quang Liệt đã có một tuyên bố “bất hủ”: “Ba ngày, tôi sẽ lấy xong Đài Loan”. Báo chí còn nhắc đến phương châm “táo bạo” của ông trong vấn đề Đài Loan: “Đối với Đài Loan, đánh chậm không bằng đánh sớm, đánh nhỏ không bằng đánh lớn, đánh chiến tranh thường qui không bằng đánh chiến tranh hạt nhân, chỉ đánh Đài Loan không bằng lôi cả Nhật Bản vào cùng đánh”.

Tư duy ấy, đối với một vị tướng từng kinh qua trận mạc và có kinh nghiệm tác chiến như ông Liệt (từng là trợ lý của thượng tướng Dương Đắc Chí tại cánh quân phía Tây trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm 1979), hẳn phải khiến không ít người âu lo.

Có điều, cho dù là nước đầu tư cho quân sự nhiều thứ hai trên thế giới trong năm qua, Trung Quốc còn xa mới có thể là cường quốc quân sự thứ hai thế giới, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm.

Nhiều quốc gia khác, trong nhiều năm ròng, đã chi “mạnh tay” hơn hẳn Trung Quốc cho mục tiêu quân sự. Trong năm ngoái, siêu cường hàng đầu thế giới về quân sự là Hoa Kỳ đã dành 607 tỉ USD cho việc phát triển quốc phòng, gấp hơn 7 lần so với Đại lục (và chiếm chừng 42% tổng chi cho quân sự trên toàn thế giới). Như vậy, trong cán cân quân sự toàn cầu, Trung Quốc chưa chiếm địa vị thượng phong độc tôn.

Ngay các quốc gia trong vùng, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao và quân sự với nhau và với các nước lớn một cách mềm dẻo, khéo léo và có tính toán, cũng sẽ không dễ dàng để Trung Quốc công nhiên thực hiện ý đồ bá quyền, trước tiên là thông qua những động thái lấn át trên Biển Đông, mà Bắc Kinh vẫn coi 80% diện tích là thuộc quyền kiểm soát của họ.

Chỉ cần nhắc đến thái độ cứng rắn gần đây của Jakarta khi nước này phản đối những đòi hỏi chủ quyền quá trắng trợn và trùm lấn của phía Trung Quốc tại Biển Đông bằng cách giữ 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lọt vào chủ quyền trên biển của Indonesia.

Điều đó cho thấy, sức mạnh quân sự và những đầu tư khồng lồ cho quân đội, ở một thế giới hiện đại, chưa hẳn và không nhất thiết đã là tất cả…

Tác giả bài viết: Trần Lê