Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUAN ĐIỂM TỰ DO ĐẾN TỪ TRUNG QUỐC CỦA TẬP CẬN BÌNH

(NCTG) Lần đầu tiên trên đất Mỹ, họ Tập bày tỏ công khai quan điểm của mình về Tự do luôn gắn liền với Trật tự như một điều kiện tiên quyết, các quan điểm này áp dụng cho cả trật tự xã hội trong đời thực và trên không gian mạng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt điểm binh tại cuộc diễu binh đánh dấu kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai tại Bắc Kinh ngày 3-9-2015 - Ảnh: Damir Sagolj (“Reuters”)
Bài nhận định sau đây đăng trên “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn” (Washington Post) ngày 23-9-2015, bản dịch Việt ngữ do Leonvu Quant thực hiện. (NCTG)
 
Trước khi tới Hoa Kỳ và dự dạ tiệc cấp nhà nước tại Washington cuối tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết một loạt hồi âm để đáp lại các câu hỏi do tờ tạp chí “Wall Street” viết gửi và công bố hồi đầu tuần.

Các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là họ Tập và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, không được biết đến với các phát ngôn thẳng thắn và sáng tỏ. Họ lèo lái một nhà nước độc đảng tập trung cao độ và chả bao giờ đối mặt với các cuộc họp báo rắc rối hay khẩu-luận-chiến trên các phương tiện truyền thông nóng hổi. Do vậy, chả có gì ngạc nhiên khi cuộc trao đổi rộng mở của Tập với tờ tạp chí đã không tạo được hứng khởi nơi độc giả.

Khi bị dồn về vấn đề xâm nhập mạng trái phép, Tập nhất định phủ nhận ngụ ý là Bắc Kinh khuyến khích các công ty Trung Quốc hoặc đối tác ủy thác dính líu vào các hoạt động này. Đồng thời tiếp tục bảo vệ hệ thống kiểm duyệt mạng tinh vi của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt với các hãng truyền thông nước ngoài.

Chúng ta cần tôn trọng đầy đủ quyền bày tỏ bản thân của các cư dân mạng, đng thời, đảm bảo trật tự lành mạnh trong không gian mạng để bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các cư dân mạng”, Tập nói.

Họ Tập mở đầu tuyên bố với lời lẽ như sau: “Tự do và trật tự phải được duy trì sóng đôi cả trong không gian mạng và trong thế giới thực. Tự do là cái đích của trật tự, và trật tự là sự đảm bảo cho tự do”.

Đó là những gì Tập nói, và nó đáng được làm rõ. Khái niệm chính trị “tự do” tại Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác thường phức tạp, và đôi lúc, gây tranh cãi. Nhưng nó không mấy khi được ghép đôi, theo kiểu không thể tách rời, kèm với ý niệm “trật tự”.

Dầu sao thì trong thế giới quan của Tập trật tự là tiên-quyết. Câu thần chú này là chỉ dẫn cho cả hệ thống thanh trừng chống tham nhũng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản của Tập, và hậu thuẫn cho các cấp thanh-kiểm-soát thâm sâu ở Trung Quốc.

Thay vì viện dẫn các giáo điều Mao-ít hay Mác-xít tồn lưu hàng thập kỷ, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã không ngừng tìm cách xây dựng hệ tư tưởng dân tộc mới, nằm sâu trong các nguyên tắc Khổng giáo vốn chú trọng tính thiết yếu của hài hòa và tuân thủ quyền hành.

Để giải quyết các vấn đề của Trung Quốc, chỉ ở trong đất Trung Quốc chúng ta mới có thể tìm thấy các phương cách phù hợp” - Tập nói trong phát biểu trước Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm trước. “Chúng ta cần vận dụng trọn vẹn minh triết đã được dân tộc Trung Hoa tích lũy hơn 5.000 năm qua.

Michael Schuman, một nhà báo thường trú tại Trung Quốc và là tác giả của một cuốn sách gần đây về vai trò của tư tưởng Khổng giáo ở Châu Á hiện đại, đã đào sâu chi tiết mê đắm Khổng của Tập:

“Đừng làm với người khác những gì mà bản thân mình không muốn” (1) - ông nói trong một bài phát biểu [vào tháng 9-2014], trích dẫn một câu nói nổi tiếng nhất của Khổng.

Đầu năm nay, ông đã ca tụng sự kỳ diệu của Nhân đức Trị trong một bài phát biểu với nội bộ quan chức đảng, dẫn đoạn văn nổi tiếng trong “Luận ngữ”, bộ sách xác tín nhất ghi lại lời dạy của Khổng: “Cầm quyền bởi Đức cũng như sao Bắc Đẩu cố định một nơi mà dẫn hướng cho các ngôi sao khác tụ về
” (2).

Năm trước, theo gương nhiều Hoàng đế thuở xưa, Tập đã tới thăm Khúc Phụ quê hương Khổng. Trong suốt chuyến đi, Tập đã tự ước định chỉ đọc kinh sách Khổng và ca ngợi giá trị liên hồi của văn hóa truyền thống Trung Quốc”.

Như Schuman giải thích, nền cai trị lý tưởng theo Khổng là “được dẫn dắt bởi một “vị vua hiền” - một người có Trí, Nhân đức và Ngay chính - nhờ đó mà Đức Trị sẽ mang lại hòa bình và trật tự xã hội cùng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quảng đại quần chúng Trung Hoa”. Điều này có tác dụng ngay lúc đương thời. Schuman kết luận:

Bằng cách kết hợp nguyên tắc một-đầu mối với đạo đức Trung Hoa cổ đại, dường như Tập tự mô tả mình như một dạng vua hiền chưa từng có lai ghép Nho giáo và Cộng sản - hình ảnh một vị tổng tư lệnh, người sẽ mở ra một kỷ nguyên an khang thịnh vượng mới”.

Dầu sao thì, kỷ nguyên đó còn lâu mới được đảm bảo. Tập tới Washington sau nhiều tuần khó khăn và rối loạn kinh tế nơi quê nhà, được xử lý bằng sự can thiệp nhà nước hầu như điên rồ và rối rắm theo phương cách đâu đâu. Nó đặt trên bối cảnh một thời khắc bối rối của mối quan hệ song phương, tại một thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở cả hai nước.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ “Wall Street”, Tập dường như bác bỏ ý niệm về các giá trị phổ quát, và nhấn mạnh tính độc đáo nền tảng của đất nước Trung Hoa, gồm cả văn hóa và chính trị. Với ẩn ý thật đơn giản: xin miễn cho chúng tôi các bài giảng về dân chủ và nhân quyền của quý vị.

Hẳn nhiên là Tập đã làm thế, bằng cách cầu gọi quá khứ. “Một nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại là Mạnh Tử có nói”, Tập đáp lại tờ tạp chí, “bản chất của vạn vật là khác biệt” (3).

Ghi chú:

(1) - (2) Những câu nói nổi tiếng của Khổng Tử:

“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là: “Đừng làm với người khác những gì mà bản thân mình không muốn”.

“Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi”, nghĩa là: “Cầm quyền bởi Đức cũng như sao Bắc Đẩu cố định một nơi mà dẫn hướng cho các ngôi sao khác tụ về”.

(3) Lời Mạnh Tử: “Phù vật chi bất tề, vật chi tinh dã”, nghĩa là: “Bản chất của vạn vật là khác biệt”.

Tác giả bài viết: Leonvu Quant dịch