Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUÁ NHIỀU BẤT ỔN TRONG QUY CHẾ LƯU HỌC SINH

Với rất nhiều điểm thể hiện tư duy “thấy lỏng lẻo thì phải quản”, “không quản được thì cấm”, bản dự thảo quy chế mới về quản lý lưu học sinh (LHS) đang gây bức xúc trong đông đảo công dân Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài.

Một hoạt động dã ngoại của DHS Việt Nam tại Hungary - Ảnh: Diễn đàn Tökjó


Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố một văn bản mang tên “Dự thảo và bổ sung quyết định ban hành quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài”.

Đây là một quy chế mới nhằm quản lý công tác lưu học sinh (LHS) Việt Nam, với đối tượng áp dụng bao gồm tất cả công dân Việt Nam du học, không phân biệt nguồn kinh phí đào tạo: học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, người dự khóa học bồi dưỡng ngắn hạn từ 90 ngày đến 1 năm.

Điều đó có nghĩa là, Quy chế nếu được thông qua sẽ điều chỉnh hành vi của cả LHS được cấp học bổng lẫn LHS theo diện tự túc.

Bản dự thảo được đưa lên trang web của Bộ GD-ĐT ngày 2/12, không đầy một tuần sau đã gây “dư luận”. Trên một diễn đàn của LHS Việt Nam (PhDvn), các thành viên đã vạch ra nhiều điểm bất cập của quy chế và mong muốn gửi thư kiến nghị.

Du học tự túc, vẫn phải báo cáo kết quả cho… UBND!

Ở Chương II, “Quyền và nghĩa vụ của LHS”, bên cạnh 10 quyền căn bản (phần nào mang tính chất “đương nhiên”), dự thảo Quy chế nêu rõ 9 nghĩa vụ của LHS, trong đó có những nghĩa vụ như: báo cáo tình hình học tập, nghiên cứu sau mỗi năm học với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (khoản 7, Điều 5).

Nghĩa vụ này được cụ thể hóa bằng các thủ tục nêu trong Chương III, “Điều kiện, hồ sơ, thủ tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của LHS”:

LHS đi học bằng ngân sách Nhà nước báo cáo kết quả học tập với Bộ GD-ĐT hoặc Bộ LĐTB&XH” (khoản 1, Điều 12)

LHS tự túc báo cáo kết quả học tập với Bộ GD-ĐT hoặc Bộ LĐTB&XH, hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW” (khoản 3, Điều 12).

Xét riêng với các LHS theo diện tự túc, đây là một quy định khá kỳ cục: Tuy bỏ tiền túi đi học hoặc du học theo diện học bổng tự tìm kiếm được, nhưng LHS vẫn có nghĩa vụ báo cáo kết quả học tập với những cơ quan không tài trợ một xu cho họ, chưa kể còn có rất ít liên quan tới họ (như UBND các tỉnh, thành phố).

Nếu LHS thực hiện đúng nghĩa vụ này, chúng ta có thể dễ dàng hình dung cảnh hồ sơ báo cáo kết quả học tập của họ sẽ được chất đống hoặc nằm tản mát đâu đó trong văn phòng làm việc của một UBND tỉnh nào đó. Chẳng hay UBND tỉnh có cần “rước” thêm hồ sơ vào tủ không?

Đó là chưa kể, kết quả học tập ở một số nước có thể được xếp vào danh mục thông tin cá nhân, cần tôn trọng, bảo vệ; cơ quan quản lý Việt Nam không nên và cũng khó mà “vươn cánh tay” quá xa.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ GD-ĐT), có giải thích, đại ý Quy chế nhằm “tăng cường hơn trách nhiệm phối hợp thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương”. Ông cho biết khi có thông tin, “các đơn vị sẽ biết được nhu cầu để điều tiết trong việc cử cán bộ đi học. Đồng thời, xã hội cũng có định hướng để chọn ngành đi du học...”.

Tuy nhiên, không thể lấy đó làm lý do để tăng cường “quản” LHS. Nếu cần nắm được thông tin (cá nhân) về LHS, Nhà nước không thể luật hóa việc LHS báo cáo tình hình học tập.

Không được ở lại quá 3 năm

Khoản 1, Điều 9 Chương III quy định: “Sau khi tốt nghiệp, LHS được ở lại làm cộng tác viên khoa học hoặc hợp đồng sản xuất, thời gian ở lại không quá 3 năm kể từ khi tốt nghiệp”.

Khoản 3: “LHS được ở lại làm cộng tác viên khoa học, hợp đồng sản xuất (hoặc nghiên cứu theo hình thức hợp đồng được nhận tiền) phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước”. (Ở đây, Quy chế chỉ nói LHS chung chung, không nêu cụ thể là LHS học bổng hay tự túc).

Một nghiên cứu sinh trên diễn đàn PhDvn đặt câu hỏi: “Khi một công dân Việt Nam muốn đi ra nước ngoài công tác, làm việc (ví dụ xuất khẩu lao động) thì Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện, vì đây không chỉ là quyền lợi cá nhân mà còn là một nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Vậy tại sao, chỉ vì trước đó là LHS mà một công dân lại không thể làm việc ở nước ngoài, khi có thể coi họ là xuất khẩu lao động chất lượng cao?”.

Yêu cầu nộp thuế theo quy định của Nhà nước cũng gây bức xúc. LHS làm việc ở nước ngoài, nếu có thu nhập thì khả năng rất cao là họ phải đóng thuế cho nước sở tại. Không ở đâu có luật buộc cá nhân phải đóng thuế tới hai lần, cho dù là trên danh nghĩa “đóng góp cho Tổ quốc”.


Nếu phải tuân thủ ngặt nghèo những quy chế bất hợp lý và duy ý chí, GS TS Ngô Bảo Châu hẳn đã không đạt được những đỉnh cao toán học như hiện tại


Chúng ta có thể hiểu thực chất của vấn đề nằm ở việc cơ quan quản lý muốn ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”, khi LHS du học và rồi ở lại nước sở tại làm việc, đóng góp cho nước sở tại thay vì trở về quê hương “phục vụ”. Nhưng, nhìn rộng hơn, sẽ thấy phải có những cách khác tốt hơn để thu hút các nhà khoa học trở về thay vì dùng biện pháp “ép phải về”.

Nếu LHS lựa chọn ở lại (hoặc do được nước sở tại mời ở lại), chúng ta nên vui vì như vậy là chất xám Việt Nam đã được công nhận và đánh giá cao. Họ có thể đóng góp cho đất nước dưới nhiều hình thức hiệu quả hơn (ít nhất là về phương diện tài chính, hoặc uy tín cho quốc gia) thay vì cứ phải trở về mà không chắc môi trường, năng lực khoa học kỹ thuật trong nước đã đủ để tiếp nhận họ.

Nếu sinh viên Ngô Bảo Châu năm xưa phải về nước sau khi tốt nghiệp, thì liệu chúng ta có được nhà toán học tài năng Ngô Bảo Châu của ngày hôm nay?

Thừa quy định

Quy chế cũng được giải thích là nhằm bảo đảm cho LHS được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong thời gian học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, xét kỹ ra thì thấy nó không tăng thêm bao nhiêu quyền lợi cho LHS.

Những quyền liệt kê trong Điều 4 đều là quyền lợi mặc nhiên LHS cần được hưởng kể cả khi không có Quy chế này; nói cách khác, Quy chế chỉ làm cái việc văn bản hóa các quyền đó một cách không thật cần thiết.

(Ví dụ: quyền tham gia các hoạt động khoa học, thi học sinh giỏi do cơ sở đào tạo của nước sở tại tổ chức ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, quyền được bảo hộ về lãnh sự và tư pháp trong thời gian lưu trú học tập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam).

Hoặc, khoản 3, Điều 5, Chương II quy định LHS phải “nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại”. Từ trước đến nay, khi chưa có quy chế này, LHS cũng vẫn luôn phải chấp hành pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại. Nếu vi phạm, họ có thể bị xử lý theo quy định của nước người. Có lẽ đây là một quy định thừa.

Bất khả thi!

Một điều quan trọng cũng rất cần được bàn tới, đó là tính thiếu khả thi của Quy chế.

M., một nghiên cứu sinh Việt Nam theo học ngành điện tử ở Pháp với học bổng tự tìm, cười nói: “Từ khi sang đây, tôi chưa từng “được” Đại sứ quán quản. Tôi đi thực tập, du lịch, thành lập nhóm bạn bè thân thiết, chưa bao giờ thấy cơ quan đại diện ngoại giao xuất hiện. Tôi không hiểu các nhà quản lý sẽ thực hiện Quy chế này như thế nào, mà nói thật là bọn tôi cũng chẳng để ý tới nó lắm”.

Và đây lại chính là một điểm bất cập nữa. Nếu một quy định thiếu tính khả thi thì rất cần phải xem lại sự hữu dụng của nó.

Công tác soạn luật thực chất là một hoạt động khá tốn kém. Từ góc độ kinh tế vĩ mô mà xét, nó hẳn nhiên là hoạt động tiêu tốn nguồn lực của quốc gia. Do vậy, sản xuất ra những văn bản luật có nhiều bất cập, ít tính khả thi, là một sự lãng phí nguồn lực. Không đơn giản chỉ là “thấy lỏng lẻo thì phải quản”, “không quản được thì cấm”, “không cấm được… thì thôi”!

Để kết thúc, người viết bài này xin mượn lời một chuyên gia tư vấn pháp lý có kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu luật học ở Việt Nam: “Pháp luật sinh ra không phải để chính quyền kiểm soát công dân, mà ngược lại, để công dân “quản lý” chính quyền mới đúng.

20 năm qua, tôi chứng kiến luật pháp Việt Nam có nhiều thay đổi. Cũng có những luật được kiện toàn, tốt cho xã hội, nhưng tình hình chung là nhiều văn bản luật hơn, phức tạp, tinh vi, chi tiết hơn. Đó tiếc thay lại là biểu hiện của sự thắt chặt quản lý từ phía chính quyền, thay vì tiến tới cởi mở hơn để thực sự vì quyền của người dân”.

(*) Bài viết đã đăng trên chuyên trang “Tuần Việt Nam” của mạng tin “VietNamNet”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

Tác giả bài viết: Đoan Trang