PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM?
- Chủ nhật - 13/12/2015 22:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Vẫn còn chút hy vọng để không thấy đảng FN nắm quyền trên một nửa nước Pháp như những gì đã cho thấy ở vòng một. Hy vọng là đa số người Pháp sẽ vượt qua được sự sợ hãi để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố mà không cần phải dẹp bỏ những giá trị văn minh tiến bộ mà họ đã dày công gây dựng qua nhiều thế kỷ”.
Mùa thu đêm mưa,
Phố cũ, hè xưa... (**)
Phố cũ, hè xưa... (**)
Paris đẹp nhất về đêm.
Còn gì thú vị hơn một đêm thu mưa bay lất phất, mặc áo choàng khăn, dắt theo một chai whisky nho nhỏ, rồi cứ thế một mình bước vô định trên những vỉa hè nhỏ hẹp, ướt đẫm ánh đèn vàng ?
Còn gì mê hoặc hơn khi đang nhấp môi trên bậc tam cấp điện Louvre mờ ảo không một bóng người, bỗng nghe văng vẳng một tiếng đàn réo rắt? Hãy coi bạn là một người may mắn, và lần theo tiếng nhạc. Nó sẽ dẫn bạn đến chiếc cổng vòm uy nghi nối từ sân chính sang Cour Carrée, nơi đó một người hành khất đang mải miết kéo hồ cầm. Hãy lấy hết tiền xu trong túi bạn, nhẹ nhàng đặt vào chiếc hộp đàn cũ kỹ.
Rồi ra khỏi Cour Carrée về bên tay mặt. Băng qua đường, và bạn đã ở bên bờ sông Seine. Trước mặt sẽ là chiếc cầu Pont des Arts, nơi bao nhiêu thế hệ uyên ương đã gắn ổ khóa có khắc tên mình và ném chìa khóa xuống sông. Truyền thuyết kể rằng họ sẽ mãi ở bên nhau, trừ khi có kẻ lặn xuống sông tìm được đúng chiếc chìa khóa và tháo ổ khóa của họ ra khỏi cây cầu ...
Nếu nhìn sang đầu bên kia cầu, bạn sẽ thấy một tòa nhà có mái vòm tuyệt đẹp, đó là Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Nhưng đừng vội, hãy dừng lại ở giữa cầu và nhìn sang bên trái. Bạn sẽ thấy một mỏm đất nhọn, tựa như một chiếc sừng, có kè đá bảo vệ. Mỏm đất ấy là điểm tận cùng của đảo Ile de la Cité, nơi có Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng.
Bản thân mỏm đất ấy thì có gì hay? Tôi cũng không biết. Chỉ biết là từ nhiều năm trước khi có cơ hội sang Pháp, khi nhìn một tấm bưu ảnh Paris chụp từ trên cao, tôi đã có một ước muốn là một ngày nào đó tôi sẽ đến ngồi đúng ngay chỗ mỏm đất ấy. Nhưng đến khi đặt chân được đến Paris, tôi lại quên khuấy cái ước muốn ngớ ngẩn ấy.
Tôi chỉ nhớ lại nhiều năm sau đó, khi tôi đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn và muốn có một nơi yên tĩnh để ngồi suy ngẫm. Tôi đã tìm đến mỏm đất ấy và ngồi hàng giờ liền. Nhưng chẳng suy ngẫm được gì cả. Chỉ ngồi đó, nghe những ngọn sóng nhỏ đập vào kè đá, và để cho mình mê mẩn đến mụ mị trước vẻ đẹp của thành phố về đêm...
Thời gian như nước chảy qua cầu, chậm rãi và bền bỉ. Thắm thoắt tôi đã ở thành phố này 13 năm. Theo truyền thuyết Phương Tây thì con số này không lấy gì làm may mắn. Và thật là trùng hợp, năm thứ 13 này mang đầy biến cố. Đầu tiên là mười mấy người trong Ban biên tập “Charlie Hebdo” bị sát hại chỉ vì họ kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Tiếp đó là hàng loạt vụ tấn công khủng bố khác, nhưng may mắn tránh được thảm họa vào phút chót nhờ vào những việc tình cờ.
Có điều vận may không thể kéo dài mãi mãi. Vào một đêm thứ Sáu, ngày 13 - lẽ ra đã nhẹ nhàng trôi qua như một đêm thu mà tôi hằng yêu mến - một nhóm khủng bố đã tấn công đồng loạt vào nhiều điểm ở Paris, giết 130 người và làm bị thương hơn 300 người khác. Tất cả đều là những người bình thường như bạn và tôi, họ chỉ muốn ra ngoài tận hưởng không gian đẹp như tranh vẽ của thành phố về đêm...
Lập tức, tình trạng khẩn cấp được ban bố và người ta bắt đầu nói nhiều đến “chiến tranh”, cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Cư dân Paris có hai ngày cuối tuần để ở nhà tự xử lý nỗi hoang mang. Đến thứ Hai, mọi người lại bắt đầu một tuần mới. Trường học, công sở, trung tâm mua bán đều mở cửa, như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Một người nếu không theo dõi tin tức có thể sẽ không nhận ra thay đổi đáng kể nào trong cuộc sống.
Tuy nhiên, bên dưới những vẻ mặt bình thản gần như lạnh lùng cố hữu của người Pháp, rõ ràng đang ẩn chứa một nỗi sợ hãi. Số lượng khách đến các nhà hàng và rạp hát giảm xuống rõ rệt. Nhiều người đi xem hòa nhạc hoặc đi ăn tối ở terrasse tự cảm thấy mình thật là dũng cảm, dám đương đầu với các thế lực đen tối. Trong khi họ chỉ làm một việc được xem là vô cùng bình thường vài tuần trước đó.
Chính phủ thông báo sẽ tổ chức một buổi tưởng niệm các nạn nhân, đúng hai tuần sau vụ thảm sát. Nhân dịp này, tổng thống kêu gọi tất cả mọi người treo quốc kỳ ngoài cửa sổ để thể hiện sự đoàn kết. Tôi nhớ trong nhà có một lá cờ Pháp, cũng muốn lấy ra treo ngoài cửa sổ, như mọi người. Nhưng tìm mãi không thấy. Đành tặc lưỡi, không mợ chắc chợ vẫn đông...
Đến buổi sáng đúng ngày treo cờ, việc đầu tiên sau khi ngủ dậy, tôi nhìn qua cửa sổ, chắc mẩm sẽ nhìn thấy một rừng cờ từ cửa sổ các tòa nhà xung quanh. Nhưng không, tôi chỉ thấy một lá cờ duy nhất ở tòa nhà bên cạnh. Lá cờ kiêu hãnh tung bay phần phật. Nhưng hoàn toàn cô độc. Buổi tối đi làm về, trời mưa tầm tã, lá cờ buổi sáng vẫn còn đó nhưng đã ướt nhẹp, và vẫn cô độc.
Ba tuần sau vụ thảm sát, có một cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp vùng. Kết quả là Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) thắng lớn, chiếm đến 30% số phiếu, hơn cả hai đảng truyền thống là Cộng hòa và Xã hội. Hai đảng truyền thống này vốn là hai đảng trụ cột trong hệ thống chính trị “lưỡng đảng” của Pháp, nay chỉ xếp hạng hai và ba. Vấn đề là cách đây vài năm, FN vẫn còn được coi là một đảng “phản động”, bị ruồng bỏ vì đi ngược lại xu thế dân chủ tiến bộ của Pháp.
Đảng này cổ vũ chủ nghĩa dân tộc, chủ trương rút nước Pháp ra khỏi Liên hiệp Châu Âu (cũng như khối sử dụng đồng Euro và khối Schengen), kỳ thị người nước ngoài, đặc biệt là người nhập cư, người Hồi giáo và người Do Thái. Tuy nhiên, khi người Pháp sợ hãi, họ dường như bắt đầu cảm thấy sẽ an toàn hơn nếu rút vào nhà và đóng hết cửa lại. Đó chính là lúc FN giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa như một giải pháp để cứu nguy nước Pháp.
Sự trỗi dậy của đảng FN là một minh chứng cho thấy một sự thay đổi lớn theo chiều hướng tiêu cực về cách nhìn nhận các vấn đề xã hội của người Pháp. Việc này còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc họ thay đổi lối sống để không đi xem hòa nhạc hoặc ăn uống ở nhà hàng buổi tối.
Bốn tuần sau vụ thảm sát, ngày mai 13-12, sẽ có cuộc bầu cử vòng hai. Vẫn còn chút hy vọng để không thấy đảng FN nắm quyền trên một nửa nước Pháp như những gì đã cho thấy ở vòng một. Hy vọng là đa số người Pháp sẽ vượt qua được sự sợ hãi để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố mà không cần phải dẹp bỏ những giá trị văn minh tiến bộ mà họ đã dày công gây dựng qua nhiều thế kỷ.
Ghi chú:
(*) “Mùa thu Paris”, thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy.