Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 40 tại Hungary: ĐOÀN VIỆT NAM THẮNG LỚN!

Với kết quả 2 HCV thuộc về Bùi Tuấn Linh (học sinh lớp 12 trường Hà Nội – Amsterdam) và Vũ Minh Châu (học sinh lớp 11, khối Phổ thông chuyên Hóa, ĐHQG Hà Nội), 2 HCĐ thuộc về Phạm Anh Tuấn (học sinh lớp 12 khối PT chuyên Hóa, ĐHQG Hà Nội) và Chu Thị Ngọc Anh (lớp 12, PT Trần Phú, Hải Phòng), đoàn Việt Nam đã đạt kết quả rất cao tại Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 40, tổ chức từ ngày 13-7 đến ngày 20-7-2008 tại thủ đô Budapest, Hungary.

Đoàn Việt Nam trước Hội trường Lớn Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE) - Ảnh do Đoàn cung cấp

Kết quả chính thức được công bố vào hồi 15 giờ ngày Chủ nhật 20-7 tại Giảng đường Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE). Được biết, có 257 học sinh đến từ 66 quốc gia trên thế giới (trong đó có Kowait tham dự lần đầu) đã tranh tài trong khuôn khổ Olympic năm nay, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng thống Hungary Sólyom László, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Hiller István và nhà hóa học người Hungary Oláh György (George A. Olah, Giải Nobel Hóa học 1994).

Được tổ chức thường niên kể từ năm 1968, Olympic Hóa học Quốc tế là một trong 5 cuộc thi dành cho học sinh trung học quốc tế (Toán, Lý, Hóa, Sinh học và Tin học) với mục tiêu phát hiện và phát triển những năng khiếu, hình thành và củng cố các mối quan hệ quốc tế. Theo thông lệ, mỗi quốc gia được cử 4 thí sinh (tuổi đời dưới 20 và không học các trường chuyên sâu về Hóa học) và họ được dự thi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Cuộc thi được tổ chức thành 2 phần: phần Lý thuyết (tối đa 60 điểm) và phần Thực nghiệm (trong phòng thí nghiệm, tối đa 40 điểm). 10% số thí sinh có điểm số cao nhất sẽ được nhận HCV, 20% và 30% số thí sinh có điểm số tiếp theo sẽ được HCB và HCĐ.

Đánh giá sơ bộ về kết quả của đoàn Việt Nam, ông Đỗ Quý Sơn (Viện Năng lượng Nguyên tử), trưởng đoàn, cho biết: xét về số HCV, đoàn Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Liên bang Nga (4 HCV), Hàn Quốc và Ukraina (3 HCV), và đồng hạng với Ba Lan và Đài Loan (2 HCV) - như thế, đây là một kết quả rất tốt. Ông Sơn cũng cho biết thêm: do hoàn cảnh học sinh ở nước ta ít có điều kiện làm quen với thực nghiệm như các nước khác, Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế tương đối muộn (từ năm 1997), nhưng trong những năm gần đây, thông thường đoàn Việt Nam luôn đạt thứ hạng cao ở nhóm 5-6 nước đứng đầu.

(*) Bản tin đã đăng trên "Văn hóa & Thể thao".

Tác giả bài viết: H.Linh