Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


OSCE HỌP HỘI NGHỊ VỀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

(NCTG) Phân biệt đối xử vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, một phần, do các chính phủ không tiến hành những hành động hiệu quả để chống lại các tình huống như vậy, nhưng cũng có lúc, ngay giới lãnh đạo của chính các quốc gia đó cũng không không tôn trọng điều này.
Một phiên họp của hội nghị - Ảnh do nhân vật cung cấp
Lời Tòa soạn: Trong hai ngày 1-4 và 2-4-2019 vừa qua, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) - tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới - đã tổ chức kỳ hội nghị mùa xuân về chủ đề phân biệt đối xử và bảo vệ tự do tôn giáo tại Vienna, thủ đô Cộng hòa Áo.

Bài tường thuật sau đây là của Lange László, một thân hữu của NCTG. Năm nay 44 tuổi, ông giữ cương vị Giám đốc Quan hệ Công chúng (PR) của Giáo hội Khoa luận giáo Budapest (Szcientológia Egyház Budapest), và đã tham dự nhiệt tình nhiều hoạt động văn hóa, xã hội và tâm linh của cộng đồng Việt Nam tại Hungary.

Trên tinh thần tôn trọng việc tìm hiểu sâu sắc các nền văn hóa, cũng như tôn trọng và chấp nhận tôn giáo của các dân tộc, Lange László đã chia sẻ bài viết này với mong muốn, cộng đồng Việt Nam tại Hungary cũng có thêm thông tin về các vấn đề trên, nhận biết được chúng để có phương sách thích hợp (NCTG).
 
Nhà báo Lange László tham gia kỳ hội nghị - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà báo Lange László tham gia kỳ hội nghị - Ảnh do nhân vật cung cấp

Có trụ sở của Tổng thư ký tại Vienna, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu liên kết 57 quốc gia thành viên đến từ Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Á, cùng 11 quốc gia đối tác, với mục đích cảnh báo kịp thời và ngăn chặn xung đột, kiểm soát và xử lý khủng hoảng, cũng như tái thiết sau khủng hoảng.

Kỳ hội nghị lần này của OSCE được tổ chức tại Hoàng Cung Hofburg (Vienna) với sự tham gia của hơn 150 tham dự viên cùng thảo luận đề tài “Duy trì những nguyên tắc cơ bản của sự khoan dung và chống phân biệt đối xử, bao gồm việc thúc đẩy và bảo vệ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng” (*).

Sự kiện này tạo cơ hội cho các nước tham gia, các tổ chức liên chính phủ, chuyên gia giáo dục, cộng đồng tôn giáo và đại diện của xã hội dân sự có điều kiện thảo luận xem các hướng dẫn trước đây của OSCE đã được thực hiện ở mức độ như thế nào trong việc xử lý hiệu quả các hình thức phân biệt đối xử (phân biệt chủng tộc, bài ngoại, chống Do Thái, chống Hồi giáo, sự bất khoan dung trước các Ki-tô hữu và tín đồ các tôn giáo khác).

Hội nghị cũng thảo luận về các bước thực tiễn, khi các tham dự viên đã đạt thành công trong việc ngăn chặn sự bất khoan dung, hoặc đã có hành động hiệu quả để chống lại nó. Cá nhân tôi đại diện cho một tổ chức mang tên “Những thành viên Giáo hội Khoa luận giáo Chống lại Sự phân biệt đối xứ” (tiếng Anh: STAND). 

Cùng các đồng nghiệp, chúng tôi đã thông báo cho các tham dự viên của hội thảo về quan điểm của Giáo hội Khoa luận giáo. Theo chúng tôi, chính phủ Hungary đang làm một công việc tuyệt vời để giúp đỡ các Ki-tô hữu bị đàn áp, và chúng tôi yêu cầu các cơ quan chính thức quan tâm đến việc tôn trọng tự do tôn giáo vì lợi ích của tất cả các cộng đồng tôn giáo ở Hungary.

Các diễn giả của hội nghị đã lưu ý cử tọa về các xung đột an ninh ở Châu Âu, như xung đột Ukraine - Nga, các vấn đề của người thiểu số Hồi giáo ở Hy Lạp, mâu thuẫn nội bộ ở đảo Síp, sự phân biệt đối xử của dân Châu Âu với người Hồi giáo, cũng như sự đàn áp các tín đồ của Giáo hội Nhân chứng Jehovah ở Nga.

Đại diện của các chính phủ đã trả lời những vấn đề này và có thể thấy là các quốc gia đã đồng ý trên bình diện lý thuyết rằng trong thế giới hiện đại của chúng ta, không có chỗ cho sự phân biệt đối xử, nhưng thật đáng tiếc là điều này không được thực hiện ở nhiều nơi.

Một phần, do các chính phủ không tiến hành những hành động hiệu quả để chống lại các tình huống như vậy khi chúng phát sinh tại các quốc gia, nhưng cũng có lúc, ngay giới lãnh đạo của chính các quốc gia đó cũng không không tôn trọng điều này.

Điều quan trọng là cộng đồng Việt Nam tại Hungary nhận thức được tình hình này và thực hiện các bước đi để ngăn chặn những vấn đề phát sinh, hoặc nhận ra chúng để chống lại chúng một cách hiệu quả.

(*) Tiếng Anh: “Upholding the Principles of Tolerance and Non-Discrimination including in the Promotion and Protection of Freedom of Religion or Belief”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh dịch từ nguyên bản tiếng Hungary