Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


OLYMPICS – “PHONG VŨ BIỂU” CỦA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

(NCTG) Thế vận hội mùa Đông Vancouver đem lại một cơ hội quan trọng để mọi người thấy rằng thế giới hiện đại không đáng sợ như ta vẫn tưởng.

Cách đây chỉ 20 năm, các quốc gia như Ukraine, Latvia và Gruzia còn thuộc Liên bang Xô-viết. Nước Đức vừa thống nhất, còn Nam Phi thì mới bắt đầu thoát ra khỏi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.

Trên thực tế, nếu sử dụng Olympics như là phong vũ biểu của sức khỏe toàn cầu, chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng thế giới đang phát triển triển theo hướng tốt đẹp hơn.

Trong nhiều thập niên, Olympics bị chính trị hóa cao độ, và thường là nặng tính phân biệt, phân cực, phản ánh một thế giới chia cắt sâu sắc. Năm 1916, Olympics bị hủy vì Thế chiến I, và khi được nối lại vào năm 1920 tại Antwerp (Bỉ) thì nó là một dịp để tưởng niệm 16 triệu người đã thiệt mạng trong chiến tranh.

Thế vận hội năm 1936 tại Berlin, Adolf Hitler cho dựng một sân khấu để chứng minh tính ưu việt của “chủng Aryan cao quý”, và y bị hạ nhục trước thành tựu xuất sắc của vận động viên chạy nước rút và nhảy xa Jesse Owens, người Mỹ da đen.

Sau Thế vận hội Berlin năm đó, thế giới bị tàn phá tới mức mãi đến tháng 1-1948 mới tập hợp lại được cho kỳ Olympics tiếp theo, ở Thụy Sĩ. Nhưng sự xung đột và mâu thuẫn chưa dừng ở đó. Năm 1956, các nước đã tẩy chay Olympics để phản đối việc Liên Xô đem quân vào Hungary, khủng hoảng kênh đào Suez và sự tồn tại của Đài Loan.

Thế vận hội ở Mexico City năm 1968 diễn ra sau những vụ nổ súng nhằm vào sinh viên.

Khủng hoảng quan hệ Palestine – Israel nhận giọt nước làm tràn ly tại kỳ Thế vận hội mùa hè ở Munich năm 1972, với 11 vận động viên Israel bị thảm sát.

Và cách đây 30 năm, Mỹ dẫn đầu 62 nước tẩy chay Olympics 1980 ở Matxcơva, như một phản ứng trực tiếp trước việc quân đội Xô-viết vào Afghanistan.

Và Liên Xô trả đũa bằng việc đi đầu trong cuộc tẩy chay của 14 nước đối với Olympics 1984 ở Los Angeles.

Thế vận hội Vancouver và Olympics 2008 ở Bắc Kinh cho thấy một thế giới toàn cầu hóa cao hơn, mặc dù chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn là mối đe dọa đang dâng lên tại nhiều nơi trên thế giới. Tình hình Afghanistan và Iraq vẫn bất ổn.

Tất nhiên, thế giới vẫn còn vô số vấn đề. Chi phí an ninh ngày càng tăng trong những kỳ Olympics gần đây để phát hiện và tiêu diệt các phần tử khủng bố quốc tế là một chỉ số cho thấy rõ ràng điều đó.

Nhưng Olympics mùa Đông Vancouver đang cho chúng ta thấy một trái đất đa dạng hơn, những đất nước tự do mới đang tranh đấu với kẻ áp bức cũ. Đây là điều nhắc nhở rằng bất chấp những vấn đề của thời nay, thế giới vẫn đang tiến triển. Chúng ta đã có thể gặp những chuyện tồi tệ hơn thế này nhiều, như đã thường xuyên gặp trong thế kỷ trước.

Do đó, những thời khắc khi thể thao có thể chỉ đơn giản là thế thao thôi, là những thời khắc rất đáng để chúng ta hoan hỉ.

Tác giả bài viết: Hoàng Thư, theo “The Kansas City Star”