Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ NGUY HIỂM HƠN KHÓI THUỐC LÁ

(NCTG) “Người Hà Nội đang ngỡ ngàng vì tình trạng không khí đo được sáng 5-10 ở mức “rất không tốt cho sức khỏe”, đồng thời đưa thủ đô nghìn năm văn hiến vươn lên thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí”.
Hà Nội vĩnh viễn không còn bầu trời trong xanh do mức độ ô nhiệm không khí đã ở mức hết sức báo động - Minh họa: us.24h.com.vn
Trong khi Hà Nội đang cạnh tranh với các thành phố của Trung Quốc trên bảng xếp hạng các đô thị có mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng nhất thì từ năm 2013, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức xếp loại ô nhiễm không khí là một tác nhân gây ung thư.

Không khí chúng ta hít thở đã bị ô nhiễm bởi một hỗn hợp các chất gây ung thư” - ông Kurt Straif thuộc IARC nói với tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng”. “Chúng tôi coi đây là tác nhân ung thư nguy hiểm nhất trong môi trường, hơn cả việc hút thuốc thụ động”. Theo dữ liệu từ dự án Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu của WHO, ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm trong 3,2 triệu cái chết trên toàn cầu năm 2010, trong đó 223.000 người chết do ung thư phổi.

Không chỉ có WHO, một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học và bệnh viện Châu Âu đã tiến hành nghiên cứu về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và cân nặng của trẻ sơ sinh. Nghiên cứu được đăng trên “Lancet”, tạp chí lâu đời và nổi tiếng nhất về y học, hồi tháng 10-2013. Các nhà nghiên cứu xem xét 74.178 trường hợp sinh đủ tháng từ 1994 đến 2011.

Dữ liệu địa chỉ của sản phụ giúp ước lượng mức độ tiếp xúc với vài chất ô nhiễm khác nhau, kể cả khí thải xe cộ. Cả ô nhiễm không khí và hút thuốc lá khi mang thai đều làm tăng khả năng thiếu cân và giảm vòng đầu ở trẻ mới sinh. (Các trường hợp sinh non không ở trong nghiên cứu này). Những phụ nữ hít phải lượng PM2.5 - bụi mịn có đường kính dưới 2,5 micro met - dưới 10 μg/m³ trong thai kỳ có xác suất sinh non thấp hơn 22% so với người phải chịu nồng độ ô nhiễm cao hơn. Hút thuốc khi mang thai có liên quan đến 14% trường hợp sinh non.

Người Hà Nội đang ngỡ ngàng vì tình trạng không khí đo được sáng 5-10 ở mức “rất không tốt cho sức khỏe”, đồng thời đưa thủ đô nghìn năm văn hiến vươn lên thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí. Bất chấp những tranh cãi xung quanh chuyện xếp hạng này, điều mà tất cả người Hà Nội đều biết rõ là thứ không khí nhờ nhờ nồng nặc mùi khói họ đang hít thở chắn chắn có hại cho sức khỏe.

Nói đến ô nhiễm không khí, người ta hay nghĩ đến Bắc Kinh nhưng thực ra thành phố này có đến hơn 20 trạm quan trắc không khí, đồng thời chính quyền rất tích cực trong việc cảnh báo, đưa ra các biện pháp hạn chế khói xe và khí thải công nghiệp. Ngược lại, chính quyền thành phố Hà Nội có vẻ quan tâm hơn đến việc tái hiện tác phẩm “Sống chết mặc bay” khi thành phố này chỉ có hai trạm quan trắc không khí công khai ở Đại sứ quán Mỹ và Trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc UNIS.

Hà Nội chưa bao giờ đưa ra cảnh báo chất lượng không khí, ngay cả trong những ngày tồi tệ nhất. Thay vào đó chính quyền cố gắng thuyết phục người dân rằng chất lượng không khí không đến nỗi nào dựa vào những trạm quan trắc không công khai. Mấy ngày nay, độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn giữ ở không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm, cao hơn Bắc Kinh một bậc.

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Minh, từ Amsterdam, Hà Lan