Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nước Nga trẻ (3): KỲ VỌNG HAY MỐI HỌA ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC?

(NCTG) Năm 2005 là năm bùng nổ “dịch” các tổ chức thanh niên mang màu sắc chính trị tại Liên bang (LB) Nga do các phe cánh chính trị thi nhau lập ra. Cho đến cuối năm 2007, các tổ chức này hoạt động ngày càng ráo riết hơn, nhất là vào thời điểm chuẩn bị bầu cử Hạ viện Nga vừa qua và khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần.

Một cuộc ra quân ầm ĩ của "Nashi"

Dù là phong trào trẻ của cánh hữu hay cánh tả thì họ đều có chung một đặc điểm: đó là sự thể hiện mình sôi nổi, đôi khi vụng về đến lố bịch, nhưng đều rất ấn tượng, có ảnh hưởng khá lớn đến đời sống xã hội Nga. Hơn thế nữa, theo dõi các động thái của họ, chính giới phương Tây hoàn toàn có thể đoán được thái độ của các phe đảng đối với các sự kiện chính trị trong và ngoài nước.

Suy cho cùng, việc những người trẻ quan tâm đến vận mệnh của đất nước là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Nga từng trải qua và cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng dân số - xã hội, khi giữa các thế hệ có một hố ngăn cách khá sâu, thì việc “những người lớn” khơi mào cho các hoạt động thanh niên sẽ khiến dư luận xã hội nghi ngờ về mục đích của họ - đó là điều dễ hiểu.

Từ năm 2004 đến 2007, số lượng các tổ chức này ngày càng tăng “như nấm sau mưa” (nhận xét của báo chí Nga), khó có thể giới thiệu hết về họ. Tựu trung có thể tạm chia tính chất của những phong trào thanh niên thành bốn nhóm.

Nhóm thứ nhất là những tổ chức thân Điện Kremlin, ủng hộ Putin và ngược lại, được chính phủ ủng hộ, như đã nói tới trong các phần trước. Đó là “Nashi”, “Mestnye”, “Molodaia Gvardia”, “Rossia Molodaia”( Nước Nga trẻ).

Tổ chức „Molodiozhnoe iabloko” phản đối Putin và ý tưởng tìm người kế vị của tổng thống (tháng 9-2007), ngay gần bức tường thành Kremli

Nhóm thứ hai là một loạt các phong trào trẻ đối lập, những người tỏ rõ sự không đồng tình với thực trạng của nước Nga cũng như thể chế chính trị hiện hành. Họ phản đối sự chuyên quyền của cảnh sát, chế độ trưng dụng quân dịch, hiện tượng “ma mới hành ma cũ, trên hành dưới” trong quân ngũ. Tóm lại, khác với các thanh niên của Putin, họ hoạt động trên cương vị “những người không đồng tình” với chính phủ. Đó là tổ chức „Molodiozhnoe iabloko“ (Quả táo Tuổi trẻ) - một trong những phong trào thanh niên cánh hữu “ồn ào” nhất; rất nhiều phong trào thanh niên vì môi trường, một trong số đó là „Gìn giữ dải cầu vồng“; tổ chức cánh tả trẻ „Người tiên phong thanh niên đỏ“; phong trào „Chống chủ nghĩa xã hội“; tổ chức thanh niên chống phát-xít “Da“ (Vâng, đúng!), tổ chức „Những người mới“... Đặc biệt trong số này phải kể đến tổ chức có tên „Đảng bôn-sê-vích dân tộc“ (NPB) với ý thức hệ lẫn lộn giữa phương châm của cánh tả và chủ nghĩa dân tộc. Tổ chức này giữ kỷ lục về số lượng thành viên bị kết án chính trị do những hành động quá khích của họ đối với người thừa hành công vụ hoặc các cơ quan nhà nước.

Thành viên tổ chức„Đảng bôn-sê-vích dân tộc“ (ảnh tư liệu của Kênh truyền hình NTV)

Nhóm thứ ba là nhóm những phong trào sinh viên. Một trong số đó là RAPOS – Hiệp hội các tổ chức công đoàn sinh viên Nga -, thành lập năm 1991 và, theo số liệu của tổ chức này đưa ra, trong hàng ngũ của họ tập hợp được hơn 1,2 triệu sinh viên từ 328 trường đại học Nga. Song báo chí Nga cho rằng đây là con số trên giấy tờ, độ chính xác của thông tin không thể kiểm chứng được. Lý do là trong tất cả các cuộc tuần hành của tổ chức này, người ta hiếm khi thấy số lượng người tham gia quá 5.000 người! Ngoài ra, có rất nhiều các tổ chức sinh viên „phi chính trị“ khác, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phát triển trí tuệ hoặc giải trí của giới trẻ. Một trong số những tổ chức ấy là AIESEC, hiện là cầu nối giữa sinh viên Nga với môi trường học tập quốc tế, đồng thời là một trung tâm giới thiệu việc làm rất có uy tín ở Nga.

Và cuối cùng, nhóm thứ tư là nhóm những tổ chức phát-xít trẻ. Những tổ chức skin-head hoàn toàn có thật ở Nga, nêu cao biểu ngữ „Nước Nga của người Nga“, tấn công những người ngoại quốc. Thường thì đó là những thanh niên ở tầng lớp dưới cùng của xã hội Nga, những thanh niên nghèo hoặc xuất thân từ trại trẻ mồ côi, cảm thấy không có cơ hội tự khẳng định mình trong cuộc sống, bị kích động và lợi dụng...

Một thành viên skin-head

Trong số những phong trào kể trên của giới trẻ Nga, có cả tổ chức của những người Nga trẻ có đức tin, tức là dưới sự hướng dẫn của nhà thờ. Song hoạt động của họ trầm hơn và ít gây sự chú ý của dư luận, mặc dù đây cũng là một hướng rất quan trọng để bồi dưỡng tình cảm yêu nước và đạo đức con người theo tiêu chuẩn của Giáo hội Chính thống Nga – „đức tin làm nên tâm hồn Nga“, theo quan niệm của nhà tư tưởng Nga Ivan Ilin.

Với số lượng các tổ chức trẻ khổng lồ như vậy, liệu Nước Nga trẻ của thế hệ „2000“ có thực sự đang bước vào thời kỳ thăng hoa phát triển của mình? Câu hỏi này tạm thời chưa có lời đáp. Chỉ biết rằng, không phải tất cả các thành viên trẻ xuống đường hò hét trong các buổi mít-tinh hay tụ tập đâu đó thể hiện sự chống đối đều làm những việc này với một lý tưởng được giác ngộ sâu sắc. Rất nhiều người trong số họ muốn có nơi giải trí hay chỉ đơn giản là muốn thể hiện mình trong đám đông, thậm chí, còn là do có người „dụ dỗ“ hứa hẹn những trò vui nữa. Chẳng hạn, báo „Kommersant“ số ra 8-10-2007 thuật lại về cuộc mit-tinh của „Nashi“ chào mừng sinh nhật Putin với sự có mặt của 10 ngàn thanh niên từ 20 tỉnh thành dưới trời mưa giá. Phóng viên được một thanh niên từ Kovrov cho biết, người tổ chức hứa cho tiền và đồ ăn trưa, vậy mà lúc đó, sau khi đã gào thét khản giọng, anh ta vẫn chưa nhận được gì, điều này khiến anh chàng rất thất vọng!

Một ví dụ nữa, một số các tổ chức sinh viên đã kêu gọi sự ủng hộ của sinh viên bằng cách lợi dụng tiếng nói của „chính quyền gần gũi nhất“: Văn phòng Khoa. Không hiếm sinh viên gia nhập các tổ chức này với hy vọng có được cảm tình từ giáo vụ.

Tại Serpukhov, một thành phố cách Moscow gần 100 cây số, nơi người viết những dòng này sinh sống, có một vài thanh niên tham gia phong trào „Mestnye“. Khi tôi hỏi Aliosha (16 tuổi), một trong số họ, về lý do em gia nhập tổ chức này, thì em bảo, do cả hội bạn bè rủ nhau chứ cũng chẳng vì một mục đích chính trị nào cả. „Cuộc sống buồn quá, phải làm sao cho đỡ buồn!“

Đương nhiên, những ý kiến được nêu ra trên đây chỉ là số ít, chưa thể đại diện cho cả đám đông, nhưng rõ ràng, chúng cũng nói lên một điều gì đó.

Tháng 9-2007, Ủy ban quốc gia về các vấn đề thanh niên (UBQGVCVĐTN) được tái thành lập và trọng trách của người đứng đầu được trao vào tay Vasilii Iakemenko (sinh năm 1971), cựu thủ lĩnh „Nashi“. Xuất thân từ Liubertsy, vùng ngoại vi Moscow, Iakemenko tốt nghiệp trường Đại học Xã hội Quốc gia Nga, từ năm 1992-1999 giữ chức vụ giám đốc tài chính trong một số công ty xây dựng, đầu năm 2000 từng có 3 tháng làm việc ở vị trí trưởng Ban Công tác các tổ chức xã hội thuộc Vụ Đối nội Văn phòng Tổng thống. Từng là cựu lãnh đạo hai phong trào „Đồng hành“ và „Nashi“, nay nắm được giữ chức vụ quan trọng này, Iakemenko hẳn sẽ đưa ảnh hưởng nhất định của tư tưởng „Nashi“ vào các hoạt động của UBQGVCVĐTN. Theo sắc lệnh của tổng thống, Ủy ban này có nhiệm vụ „xác định chính sách thanh niên, hỗ trợ các tổ chức và phong trào của giới trẻ, tạo điều kiện đảm bảo cho thanh niên một nếp sống lành mạnh, luyện tập thể thao, giáo dục đạo đức và tinh thần yêu nước“.

Không ai nói trước được Iakemenko có đảm đương được trọng trách nặng nề này không. Nhưng một điều chắc chắn rằng, giữa hàng trăm các tổ chức thanh niên đang hoạt động ở LB Nga, „Nashi“ – những thanh niên của Putin – vẫn sẽ tiếp tục là đại diện dẫn đầu.

Dầu vậy, lớp trẻ chỉ có thể thực sự tự mình tham gia vào các vấn đề chính trị quốc gia mà không bị „người lớn“ giật dây và lợi dụng khi họ bồi dưỡng được cho mình một nhân sinh quan, thế giới quan có định hướng cụ thể và một tri thức nền vững chắc. (Điều này lại liên quan mật thiết đến nền Giáo dục mà họ được hưởng). Bằng không, khó có thể biết, thể hiện mình trên chính trường bằng các „show đường phố“, giới trẻ sẽ là kỳ vọng hay là mối họa của đất nước!

(*) Một phần của bài viết đã được trích đăng trên „Tuổi Trẻ“.

Xem Phần 1Phần 2 của loạt bài viết.

Tác giả bài viết: Mạc Thủy, từ Liên bang Nga – tháng 12-2007