Những câu chuyện tác nghiệp: BIỂN ĐÔNG Ở... CHÂU ÂU
- Thứ sáu - 06/06/2014 09:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Chúng tôi trao đổi danh thiếp cho nhau. Nắm tay nhau. Nói với nhau rằng “mong mọi chuyện sớm tốt đẹp và hẹn ngày tái ngộ”. Tôi thấy đôi bàn tay bạn rất mềm. Mềm như thế, không thể cầm súng để bắn tôi (?). Mềm như thế chỉ có thể cầm bút, mà nếu là người cầm bút chân chính thì bạn sẽ không dùng ngòi bút để “bắn” tôi và đồng bào của tôi (?)” - nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến chia sẻ một số kỷ niệm tác nghiệp tại Cộng hòa Áo.
Tác nghiệp cùng các nhà báo quốc tế tại Hội nghị Iran Talks (Vienna, Cộng hòa Áo)
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã “tràn” vào vòng đám phán hạt nhân, Iran và sáu cường quốc (E3/EU +3- Iran Talks) tại Áo. Một số quan chức Châu Âu và hai trăm nhà báo quốc tế, mấy tháng nay vốn chỉ theo dõi sự kiện đàm phán hạt nhân nay, đã không ngần ngại dành cho tôi những cuộc phỏng vấn, những ý kiến, quan điểm và cả... “lời hứa” Biển Đông.
Phát ngôn viên EU và “lời hứa” Biển Đông
Như thường lệ, sau mỗi ngày họp của vòng đàm phán Iran Talk, ông Michael Mann (người phát ngôn của Cao ủy Liên hiệp Châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton) sẽ họp báo, thông báo tiến trình của ngày đàm phán. Cứ sau mỗi đợt thông báo, ông rời khỏi bục thì lại bị cánh nhà báo vây chặt lấy. Và ông phải trả lời tất cả các câu hỏi có liên quan.
Tôi băn khoăn với câu hỏi của mình vì nó chả liên quan gì đến vòng đàm phán này. Vì thế, tôi cũng đồng thời chuẩn bị “xin lỗi ngài, tôi biết đây là vòng đàm phán về hạt nhân nhưng...”. Đợi cho cánh nhà báo hỏi hết tôi mới tiến lại gần:
- Xin ông cho biết quan điểm về tình hình xung đột Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
Ông Michael Mann nhìn tôi vài giây rồi như kịp nhận ra lý do là tôi nhà báo Việt Nam.
- Xin lỗi, tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này rồi trả lời cô.
Ông vừa dứt câu trả lời tôi thì các nhà báo khác lại xông lên phỏng vấn, khiến tôi không kịp dùng câu thứ hai.
Tôi rút khỏi đám đông và quan sát xung quanh, thấy mấy nhà báo Trung Quốc cũng đang chuẩn bị máy móc đứng cạnh đó. Một cô mặc áo hồng, tóc ngắn, quay lưng lại phía chúng tôi. Nhưng cái micro và máy quay của cô và đồng nghiệp thì hết đưa lên cao, xuống thấp, sang phải, sang trái, sau lưng rồi trước mặt. Tôi không hiểu họ đang gỡ dây hay đang tác nghiệp.
“Lời hứa” Biển Đông của ông Michael Mann
Một lúc sau chúng tôi đi ăn trưa. Lúc trở lại phòng, tôi chợt nhìn thấy ông Michael Mann đang đi phía trước, sốt ruột quá tôi lại đuổi theo ông ấy:
- Thưa ông khi nào thì ông có thể cho tôi biết ý kiến về Biển Đông?
- Ôi, xin lỗi cô cho tôi email, tôi sẽ trả lời sau nhé.
- Đợi tôi vài phút - tôi nói rồi chạy vội vào chỗ cất đồ.
Tôi trở lại căn phòng để đồ đạc. Đoạn đường này cũng không phải là gần. Tôi loay hoay tìm danh thiếp, khổ nỗi do mang nhiều túi nên chẳng biết nó lẫn ở chỗ nào. Một lúc sau, tìm được danh thiếp, tôi lật đật chạy ra, nghĩ bụng, đợi lâu như thế khéo ông ấy đi rồi. Nhưng ông Michael Mann vẫn đứng đó cùng một nhân viên. Ông ấy cầm danh thiếp của tôi, rồi nói:
- Ok, tôi hứa !
Tôi hơi ngỡ ngàng, một lãnh đạo EU như ông ấy, cần gì phải “hứa” trịnh trọng thế với tôi. Thấy thái độ tôi hơi sững, ông ấy cười, cô nhân viên cũng cười. Rồi họ bước đi. Tôi biết mình hành động dồn dập như thế có vẻ không lịch sự, nhưng tôi còn cách lựa chọn nào tốt hơn đâu.
Tối hôm sau, trong khi cánh nhà báo ngồi đầy ở khách sạn Coburg trực chờ thông tin cuối ngày từ ông Michael Mann thì tôi trở về nhà. Vài phút sau tôi nhận được hai email, một có nội dung là câu trả lời của ông và EU, một là tài liệu bổ sung mà ông đã trả lời báo chí quốc tế tuần trước. Trong email có đoạn: “... EU kêu gọi các bên liên quan tìm ra những giải pháp hòa bình và hợp tác theo đúng luật pháp quốc tế, mà cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
EU khuyến khích Việt Nam và Trung Quốc tham gia đối thoại để giải quyết vấn đề này. EU muốn đóng vai trò trung gian trong việc ổn định an ninh khu vực bởi khu vực này có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược trên thế giới. Gần 50% số lượng hàng hóa vận chuyển đường hàng hải trên thế giới đều qua khu vực biển Đông, chính vì thế bất kỳ một sự việc nào xảy ra cũng có thể ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thương mại xuyên Á và cả nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Châu Âu.
EU lấy làm lo ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. EU cho rằng, các hành động đơn phương có thể gây ảnh hưởng đến môi trường an ninh trong khu vực mà cụ thể là việc tàu Trung Quốc đã đâm và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam.
EU kêu gọi các bên có những biện pháp hạ nhiệt căng thẳng và kiềm chế không có những hành động đơn phương làm tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình hiện nay”.
Khỏi phải nói nhận được câu trả lời của ông Michael Mann tôi vui mừng đến thế nào. Ông xã tôi - là người nghiên cứu về lịch sử, chính trị Châu Á (đặc biệt là Việt Nam) - cũng vui lây, giục tôi gửi tin ngay cho báo chí. Tôi thường nói với ông xã và các đồng nghiệp nhà báo quốc tế: “Không cần các anh phải bênh vực Việt Nam mà chỉ cần các anh nói lên tiếng nói lương tri của mình, vậy là đủ”.
Tác nghiệp ngoài biển
Các vòng đàm phán Iran Talk giữa Iran và sáu cường quốc đã kéo dài cả nửa năm nay, mỗi tháng một lần. Chúng đặc biệt quí giá đối với tôi vì ngoài chuyện tác nghiệp diễn biến của các vòng đàm phán hạt nhân, tôi còn có thể cập nhật ý kiến của các quan chức EU và hai trăm nhà báo quốc tế về các vấn đề thời sự nóng bỏng.
Tại vòng đàm phán Iran Talk tháng 3-2014, một đồng nghiệp hãng Reuters (chuyên theo dõi mảng chiến trường) đã nói với chúng tôi: “Vấn đề Nga và Crimea là chuyện nhỏ. Xong rồi. Mọi người hãy chú ý đến Donetsk và những vùng đất có biên giới với Nga”. Lúc đó chúng tôi thấy Donetsk có vẻ bình yên. Ấy thế mà chỉ một tháng sau, khi chúng tôi trở lại vòng đàm phán Iran tiếp theo (tháng 4-2014) thì người biểu tình đã tuyên bố Donetsk là… nhà nước độc lập. Tôi tìm kiếm anh đồng nghiệp Reuters hôm trước, nhưng không thấy anh ấy. Hóa ra, bạn anh ấy nói rằng anh đang đi tác nghiệp ở Ukraine.
Tháng 5-2014, khi vòng đàm phán Iran Talk tiếp theo diễn ra thì vấn đề xung đột Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam đang rất căng thẳng. Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây lên làn sóng biểu tình của người Việt trên toàn thế giới.
Tôi đã tìm gặp các đồng nghiệp BBC, phỏng vấn họ về vấn đề này. Họ bảo “Chúng tôi không nắm được chi tiết vụ việc Biển Đông nên không thể trả lời cô được”. Tôi lại tìm mấy bạn nhà báo Mỹ thì họ nói “xin lỗi cô, tòa soạn chúng tôi không cho phép trả lời các cuộc phỏng vấn”. Nhưng may mắn cho tôi là các nhà báo EU, Trung Đông lại sẵn sàng trả lời tôi. Họ bày tỏ thẳng thắn ý kiến, quan điểm thậm chí là đối nghịch nhau về vấn đề của Trung Quốc (không chỉ ở Biển Đông mà còn là sự hiện diện của Trung Quốc ở khắp các châu lục).
Một đồng nghiệp nói (xin lỗi vì lý do nghề nghiệp nên không thể nêu đích danh):
- Chúng ta nên chấp nhận như vậy đi, bởi đó là trò phô trương sức mạnh của Trung Quốc với Mỹ trong cuộc chạy đua trở thành cường quốc số một. Trung Quốc sẽ thỉnh thoảng làm như vậy không chỉ ở biển đông, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các châu lục khác để đạt được tham vọng bá chủ của mình. Theo một nguồn tin tình báo, đến năm 2050, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một, Mỹ số hai, Nga số ba, Ấn Độ số bốn. Bốn nước này sẽ có quyền phân chia lại thế giới.
- Tức là các nước nhỏ phải chịu sự gặm nhấm của Trung Quốc từ giờ đến lúc đó à? - tôi hỏi.
- Thế nên các nước phải biết tự bảo vệ mình.
- Anh có thể nói rõ hơn không?
- Để bảo vệ hòa bình, tính mạng cho nhân dân thì đất nước đó phải có một loại vũ khí tự vệ đặc biệt.
- Vũ khí đặc biệt?
- Vũ khí hạt nhân!
Một đồng nghiệp Châu Âu khác thì chỉ cho tôi xem một bộ phim tài liệu do anh và các đồng nghiệp thực hiện. Bộ phim có nhan đề “Trung Quốc đang nuốt dần thế giới” (tạm dịch). Có thể tóm tắt thành hai vấn đề chính: Thứ nhất, ở đất liền, người dân Trung Quốc đã định cư, buôn bán và thành công trên khắp các châu lục (*). Thứ hai, trên Biển Đông: Mặc dù Trung Quốc đã và đang giở nhiều chiêu trò với các nước láng giềng, nhưng chưa thực sự thể hiện được sức mạnh của mình như ở đất liền.
Nhà báo Sohail (đeo ba lô) đang tác nghiệp - Ảnh: Mohamad Tajik
Đặc biệt, tôi đã may mắn lắng nghe được ý kiến của các nhà báo Iran chuyên theo dõi mảng chiến trường. Họ đã từng tác nghiệp mấy chục năm ở chiến trường Afghanistan, Iraq, Syria... Có người vẫn mang trong mình những mảnh đạn nhỏ. Họ cho tôi xem những thước phim tư liệu, phóng sự mà họ đã thực hiện ngoài chiến trường. Họ kể cho tôi nghe những lần họ chết hụt. Thấy tôi là người Việt, nhà báo Sohail hỏi:
- Tình hình biển đông Việt Nam - Trung Quốc căng thẳng nhỉ?
- Vâng. Anh có nghĩ là giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), đang thách thức dư luận quốc tế không? - tôi hỏi.
- Có vẻ là như thế.
- Nếu Biển Đông xảy ra chiến sự, các anh có ra đó tác nghiệp không?
- Chắc chắn 100%, tôi và mấy đồng nghiệp này sẽ đi - anh nhìn tôi cương quyết, rồi quay sang các bạn. Mấy đồng nghiệp đều gật đầu đồng tình với anh.
- Đó đâu phải là đất nước của các anh, điều gì đã thôi thúc các anh vậy?
- Độc giả - công chúng - họ muốn biết sự thật. Chúng tôi ra đó vì sự thật, vì công chúng.
- Các anh không sợ chết à?
- Phải tin rằng mình không thể chết thì bạn sẽ có sức mạnh để trở về.
- Vậy tôi có thể hiểu ngắn gọn là vì công chúng, vì sự thật, vì sức mạnh nội lực nên các anh không sợ chết?
- Đúng vậy! Sohail cười lớn.
- Đây là bức ảnh do thầy Mohamad Tajik “chộp” được khi tôi đang tránh đạn.
- Thầy giáo của anh cũng ra chiến trường à?
- Ừ. Chính thầy Mohamad Tajik đã đưa tôi ra chiến trường để dạy cách tác nghiệp. Trong bức ảnh này, đạn bay vèo vèo nhưng thầy ấy cứ ngồi huýt sáo (anh làm động tác). Tôi rất nể phục thầy. Thầy không bao giờ sợ chết. Thầy luôn tỉnh táo và bình tĩnh trong mọi tình huống. Đôi lúc tôi thấy thầy bình thản đến kinh ngạc, thầy khen những quả dâu đất, những bông hoa dại, trong lúc chúng tôi đang nằm rạp xuống đất tránh đạn.
- Có lần nào anh suýt chết chưa?
- Nhiều chứ cô. Có lần tôi đang đứng sau một cậu lính để tác nghiệp thì bỗng nhiên anh ta trúng đạn, chết tại chỗ. Tôi bèn vứt camera, cầm lấy khẩu súng của anh ta mà bắn lia lịa. Bây giờ thì khác, tôi đã đi nhiều, quen rồi nên có kinh nghiệm hơn.
- Anh còn ấn tượng lần nào nữa?
- Có thời gian tôi tác nghiệp ở sa mạc, bốn ngày liền tôi không được ăn, không được uống bất kì một giọt nước nào. Sau này có những đợt kéo dài đến gần cả tuần, tưởng như chết rồi.
Nhà báo Sohail tác nghiệp ở Syria - Ảnh: Mohamad Tajik
- Các anh đã bao giờ tác nghiệp ngoài biển chưa?
- Cô xem đi - vừa nói Sohail vừa bật máy tính cho tôi xem một đoạn phim tài liệu trên biển mà anh đã thực hiện cùng đồng nghiệp. Đoạn phim chiếu cảnh một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển. Trên thuyền có một người lính đang cầm súng chĩa vào đầu năm tù binh.
- Theo các anh tác nghiệp ở đâu khó hơn, trong đất liền hay ngoài biển?
- Trên cạn, trong đất liền thì bom, đạn vèo vèo, đất đá văng tung tóe, có khi bạn chết không phải do đạn mà do trúng những mảnh vụn đó. Còn ngoài biển bạn có cơ may để lặn sâu xuống nước mà tránh đạn - đồng nghiệp Sajad Vaez đáp.
- Theo anh nhà báo khi tác nghiệp ngoài biển cần chú ý những gì?
- Hãy mang theo những thứ máy móc chống nước, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Càng ít dụng cụ càng tốt. Bọc những thứ dự trữ trong các túi ni lông cho vào ba lô chống nước, đeo sau lưng. Những thiết bị còn lại như máy quay, máy ghi âm, máy ảnh thì đeo trên trán, cánh tay, trước ngực. Bạn phải luôn quan sát, định vị kỹ các vị trí trên mặt nước. Sẵn sàng nhảy ra khỏi tàu khi thấy tín hiệu bất thường. Tất nhiên là bạn phải biết bơi, lặn giỏi. Nếu chẳng may bạn phải nhảy xuống nước thì cũng cố gắng quan sát để tác nghiệp nhé - Sohail chia sẻ.
- Khi nào đi hả cô? - nhà báo Sajad Vaez hỏi.
- Các anh chờ tin nhé - tôi cười.
- Cô có đi không?
- Tất nhiên là tôi sẽ đi cùng các anh.
- Cô có biết bơi không?
- Không. Nhưng như các anh đã nói thì tôi có...
- Đừng sợ, chúng tôi sẽ bảo vệ cô - Sohail nghiêm nghị.
Rồi cả bốn đồng nghiệp đều nhìn tôi như muốn khẳng định thêm câu anh Sohail vừa nói.
- Chúng tôi sẵn sàng đợi lệnh vì công chúng cần biết sự thật nào đang diễn ra ngoài biển - Sohail đáp.
- Các anh chắc chắn chứ? - tôi hỏi lại.
- Cô có cần chúng tôi cắt máu thề không? - Nhà báo Sohail vừa nói vừa dùng cử chỉ cứa vào cổ tay anh.
Các nhà báo quốc tế tác nghiệp tại cuộc biểu tình của kiều bào Áo
Lạ thật, tôi gặp họ chưa lâu nhưng lại có cảm giác như những người anh em, thân thiết tự kiếp nào. Tôi coi lời họ nói như một lời hứa cho Biển Đông. Và họ đã không nói suông khi hủy chuyến bay để ở lại tác nghiệp khi biết có cuộc biểu tình của kiều bào Áo (kết hợp với các bạn Philippine, Tây Tạng, EU) hôm 8-5-2014 phản đối Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chia tay tôi, Sohail nói: “Các nước đều phải thể hiện sức mạnh của mình một khi bị nước lớn đe dọa. Việt Nam đang có một thứ tài sản vô cùng quí giá, đó là lòng yêu nước của người Việt trên thế giới. Họ đã luôn hướng về đất mẹ như thế này. Chúng tôi mong sớm ra biển để tác nghiệp với các bạn. Khi đó chúng tôi sẽ mang theo lá cờ này, những thước phim biểu tình hôm nay để làm hành trang nhé”.
Đồng nghiệp Trung Quốc
Thấy tôi vứt đồ đạc một chỗ, chạy đi, chạy lại, trò chuyện phỏng vấn hết nhà báo này đến nhà báo khác, chị nhà báo Palestine mắng:
- Cô không được vứt đồ như thế. Tôi ngồi đây thì không sao, nếu tôi đi ra ngoài ai sẽ trông đồ cho cô.
- Mấy bàn kia cũng đâu có người mà đồ đạc vẫn để lung tung đó chị - tôi cự lại.
- Họ đi theo đoàn - chị gằn giọng.
Những ngày sau, tôi vẫn không nghe lời khuyên của chị. Tôi vẫn tiếp tục những cuộc phỏng vấn và vất đồ đạc một chỗ. Có lẽ chỉ chờ đến lúc tôi quay về, hai chị đồng nghiệp Palestine và Croatia túm hai cánh tay tôi:
- Chúng tôi cảnh báo mà cô không nghe à? Thôi tôi nói thẳng nhé, nếu Việt Nam và Trung Quốc không có chuyện gì thì thôi nhưng bây giờ tình hình như thế... Nếu cô bị mất tài liệu, mất mật khẩu sẽ không ai cứu được cô đâu.
Các chị còn chỉ cho tôi thấy (tại vòng đàm phán Iran lần này), tôi đi đến đâu trò chuyện với ai, phỏng vấn ai, đều có người Châu Á đi theo. Đúng là có lần tôi đang phỏng vấn mấy đồng nghiệp quốc tế, lúc quay ra tôi đã thấy một đồng nghiệp Trung Quốc đi đến sát bên. Tôi lắc đầu nhìn họ, họ cũng nhìn lại tôi và nở một nụ cười như là cười đểu.
Trong số những đồng nghiệp Trung Quốc đó, có người đã từng tác nghiệp thân thiện với tôi ở nhiều sự kiện. Nhưng dạo này có vẻ như giữa chúng tôi đang có một khoảng cách.
Mặc dù chúng tôi đã được nghề tôi luyện “tôn trọng tuyệt đối các nguyên tắc khách quan, trung thực, trung lập, độc lập”, nhưng trong hoàn cảnh nhạy cảm như thế này, trong bối cảnh tác nghiệp quốc tế ở đây, chúng tôi đã phải cố gắng hơn gấp trăm lần.
Chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải ở hai phía chiến tuyến
Sáng hôm sau, khi ra phòng ăn sáng (Iran Talk), tôi quyết định hỏi chuyện một nhà báo Trung Quốc, hiện đang làm đại diện cho Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc tại Châu Âu. Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi cũng đi đến chủ đề chính cần trao đổi:
- Bạn nghĩ thế vào về tình hình Biển Đông và giàn khoan Hải Dương 981? - tôi hỏi.
- Chúng ta nói chuyện với nhau như hai độc giả thôi nhé - bạn ngập ngừng.
- Vâng, chỉ như hai độc giả thôi mà - tôi nhắc lại.
- Chính trị luôn xấu ! Tôi và bạn đều có gia đình, người thân và họ hàng. Nếu chiến tranh xảy ra, sẽ rất đau đớn cho tất cả nhân dân và chúng ta -bạn ngừng nói và quay đi chỗ khác.
Tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ Dư Thị Hoàn: “Văn hóa Trung Quốc đáng kính, bá quyền Trung Quốc đáng khinh”. Nhà thơ thật thâm thúy khi gói gọn được tất cả suy tư của giới trí thức chỉ trong một câu ngắn gọn như vậy.
Một lúc sau, chúng tôi trò chuyện về gia đình. Bạn nói bạn chưa lập gia đình, sắp hết nhiệm kỳ và chuẩn bị về nước. Tôi hỏi:
- Bạn có quay lại Châu Âu nữa không?
- Không - bạn trả lời không chút do dự.
- Tại sao?
- Mẹ tôi đang ốm nặng. Bà ấy, bị bệnh ung thư.
Tôi luống cuống nói lời cảm thông. Bạn cười buồn. Rồi chúng tôi nói sang chuyện khác. Tôi kể lại cho bạn nghe câu chuyện: hôm trước ở Hội nghị Ủy ban Bộ trưởng Châu Âu (6-5-2014), tôi đã hỏi một nhà báo Nga rằng “có phải đa số nhân dân Nga đang rất tự hào và ủng hộ đường lối, chính sách của vị Tổng thống hiện nay không?”.
- Nhà báo đó có trả lời bạn không? - bạn hỏi.
- Có. Anh ta vừa lắc đầu vừa bảo tôi rằng “chúng tôi đang có vấn đề bạn ạ...”.
Tôi kể tiếp: tôi lại hỏi anh ấy “có phải truyền thông nước anh đang tuyên truyền một chiều về vấn đề giữa Nga và Ukraine không?". Anh ấy đáp: “Chúng tôi đã gặp khó khăn với độc giả nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng cân bằng thông tin".
Trong Hội nghị đó, tôi đã quan sát thấy các nhà báo Nga và Ukraine mỗi nhóm ngồi một bên. Khi đặt câu hỏi cho các bộ trưởng, họ tỏ ra bình thản và không hề có thái độ công kích. Cuộc họp kết thúc, một bạn nhà báo Ukraine quay ra nhìn tôi nhún vai: “Sao bộ trưởng Nga nói dài thế mà bộ trưởng của chúng tôi nói ít thế nhỉ? Mọi thứ cần phải...". Lúc này, tôi hiểu thêm là hàng trăm nhà báo đang ngồi đây, họ như những thùng thuốc súng. Ai cũng sôi sục về vấn đề đất nước mình, khu vực mình và vấn đề đại cục, nhưng họ vẫn giữ được sự điềm tĩnh, khách quan, trung lập và trung thực.
Bạn nghe xong câu chuyện thì hỏi tôi:
- Bạn đã đến Trung Quốc chưa?
- Tôi đã được thăm một số vùng biên giới.
- Bạn đến Bắc Kinh chưa?
- Chưa. Tôi cũng có ba người bạn Trung Quốc từ hồi học thạc sĩ. Họ đang ở Bắc Kinh. Tôi cũng chưa có nào dịp thăm họ.
- Khi nào đến Bắc Kinh thì gọi cho mình nhé - bạn dặn tôi.
Tôi gật đầu và dặn lại bạn nếu có quay lại Áo hoặc đến Việt Nam thì cho tôi biết, tôi sẽ đón bạn.
Chúng tôi trao đổi danh thiếp cho nhau. Nắm tay nhau. Nói với nhau rằng “mong mọi chuyện sớm tốt đẹp và hẹn ngày tái ngộ”. Tôi thấy đôi bàn tay bạn rất mềm. Mềm như thế, không thể cầm súng để bắn tôi (?). Mềm như thế chỉ có thể cầm bút, mà nếu là người cầm bút chân chính thì bạn sẽ không dùng ngòi bút để “bắn” tôi và đồng bào của tôi (?). Chia tay bạn, tôi cứ nghĩ liên miên về đôi bàn tay đó...
Hẹn nhau ngày tái ngộ
Ghi chú:
Theo bộ phim, Trung Quốc tìm cách bành trướng và lan tỏa trên thế giới với chính sách di dân như sau:
1- Tại Châu Phi: Trung Quốc chủ yếu khai thác tài nguyên (như chủ nghĩa thực dân kiểu mới) chứ không thực sự tạo công ăn việc làm cho người châu Phi. Họ mua lại đất đai, cánh đồng, xây dựng nhà xưởng... đưa nhân công (bất hợp pháp) và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang. Họ hình thành lên các làng người Trung Quốc, đồng thời đuổi những người châu Phi đi chỗ khác. Việc làm này, thời gian gần đây đã khiến cho dân chúng một số nước Châu Phi “tỉnh ngộ”. Có những nơi người dân đã nổi lên đánh đuổi các nhà đầu tư Trung Quốc. Hiện nay đã có hơn một triệu người Trung Quốc sinh sống ở châu Phi.
2- Tại Châu Á (đặc biệt là Đông Nam Á): Có nhiều người Hoa kiều đang sinh sống, làm ăn ở khu vực này. Họ rất thành công, thậm chí giàu có hơn những người bản địa.
3- Tại Châu Mỹ: Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà xưởng, doanh nghiệp, mua đất đai... định cư ở đây.
4- Tại Châu Âu: Giới thượng lưu, giới doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên tổ chức các buổi tiệc sang trọng, gặp gỡ các chính khách, các doanh nghiệp lớn của EU. Thông qua đó họ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm ăn. Hiện nay, nhiều tỷ phú Trung Quốc đang muốn chuyển đến sinh sống ở Châu Âu. Lý do mà họ đưa ra đó là Châu Âu có môi trường kinh tế, chính trị khá ổn định, xã hội khá yên bình. Tuy nhiên “làn sóng “ này đang gặp phải sự phản đối của người dân châu Âu.
Đơn cử một ví dụ mà tôi quan sát: trong những chuyến bay từ Nga sang Áo, hầu như toàn trẻ con Trung Quốc. Lứa tuổi từ 5, 6 đến 14, 15 tuổi. Mỗi đứa đeo một cây đàn. Họ là con cái những gia đình giàu có, được bố mẹ gửi sang Áo học nhạc. Theo người dân bản xứ thì sinh viên Trung Quốc sau khi ra trường, thường tìm cách kết hôn với người Áo, EU giàu có và ở lại lập nghiệp. Cũng có những nơi người Hoa sống thành từng khu phố khép kín mà người nước ngoài (kể cả người bản xứ) ít có khả năng thâm nhập.