Nhớ gì viết nấy: UKRAÏNA BÊN HÔNG NƯỚC NGA
- Thứ bảy - 26/02/2022 13:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Những trận đấu tưng bừng, những khán đài cuộn sóng và hai cô gái chơi bandura bên ngoài sân hôm nào biến mất, khiến mình nhiều lúc cứ ngỡ Donetsk đẹp và yên bình ngày nào chỉ là ảo giác, của mình” - hồi ức của nhà báo Đỗ Hùng về kỷ niệm tác nghiệp và trải nghiệm với con người Ukraïna tại đất nước này cách đây 10 năm.
Một hôm, mình lục trong hộp thư rác Facebook thì bắt gặp tin nhắn của một người lạ, bằng thứ tiếng Anh mà đọc lên là mình biết không phải người bản ngữ.
“Hi! Do you remember me, I’m with the hotel in Kiev!” (Ý là: “Ê, nhớ mình không? Mình ở cùng khách sạn tại Kyiv nè!”)
Mình không nhớ ra ai cả, sau khi đã lướt một chặp qua Facebook gã kia để kiểm tra.
“Mình là thằng con trai đi một mình. Hôm đó có một đám con trai nữa vây lấy cậu.”
Ồ, mình nhớ rồi. Đó là cái hôm mình vừa đến Kyiv nhiều năm về trước. Có một đám choai choai từ Sevastopol mới lên, chung phòng với mình trong nhà trọ mang tên Zig Zag ở số 3A Gorkogo. Thấy mình là người dị chủng, mấy cậu nhóc bèn vây quanh hỏi đủ thứ, bằng thứ tiếng Anh giật cục.
“I Sergey, you name?”, “I Alex, you?” Mình đáp: “I Hùng, Việt Nam”.
Đại khái thế, một hồi thì tụi nó khoác vai mình và bắt nhịp hô to từ gì đấy, kêu mình hô theo. Ban đầu mình hô rất khí thế, sau thấy mấy cu cậu đổi sang từ khác và cười khoái chí khi thấy mình hô theo, mình đoán là đã mắc lỡm rồi nên không hô nữa.
Lúc bấy giờ phía giường đối diện có một chàng trai trẻ, không tham gia trò vui. Cậu ta khác đám. Tới lúc tụi kia đi ra, cậu ta bèn lân la hỏi chuyện.
“Cậu biết nãy mấy tay kia kêu cậu hô gì không?”
“Không rõ, có lẽ là chửi thề.”
“Ừ, mấy từ rất bậy.”
Cậu trai trẻ tên Grigory và đó là mùa hè năm 2012.
“Hi! Do you remember me, I’m with the hotel in Kiev!” (Ý là: “Ê, nhớ mình không? Mình ở cùng khách sạn tại Kyiv nè!”)
Mình không nhớ ra ai cả, sau khi đã lướt một chặp qua Facebook gã kia để kiểm tra.
“Mình là thằng con trai đi một mình. Hôm đó có một đám con trai nữa vây lấy cậu.”
Ồ, mình nhớ rồi. Đó là cái hôm mình vừa đến Kyiv nhiều năm về trước. Có một đám choai choai từ Sevastopol mới lên, chung phòng với mình trong nhà trọ mang tên Zig Zag ở số 3A Gorkogo. Thấy mình là người dị chủng, mấy cậu nhóc bèn vây quanh hỏi đủ thứ, bằng thứ tiếng Anh giật cục.
“I Sergey, you name?”, “I Alex, you?” Mình đáp: “I Hùng, Việt Nam”.
Đại khái thế, một hồi thì tụi nó khoác vai mình và bắt nhịp hô to từ gì đấy, kêu mình hô theo. Ban đầu mình hô rất khí thế, sau thấy mấy cu cậu đổi sang từ khác và cười khoái chí khi thấy mình hô theo, mình đoán là đã mắc lỡm rồi nên không hô nữa.
Lúc bấy giờ phía giường đối diện có một chàng trai trẻ, không tham gia trò vui. Cậu ta khác đám. Tới lúc tụi kia đi ra, cậu ta bèn lân la hỏi chuyện.
“Cậu biết nãy mấy tay kia kêu cậu hô gì không?”
“Không rõ, có lẽ là chửi thề.”
“Ừ, mấy từ rất bậy.”
Cậu trai trẻ tên Grigory và đó là mùa hè năm 2012.
Chuyện cũng chẳng có gì quá ấn tượng, cho đến sáu năm sau, cậu ấy tìm được mình trên Facebook và gửi cho mình tấm hình chụp mình cùng với một gã trai trong đám Sevastopol. Mình nhớ lại ngay khoảnh khắc ngớ ngẩn ngày trước.
“Mình nhớ cậu ở Sevastopol, nhỉ?”.
“Không, là ở Kerch.”
Mình vào Google, thấy Kerch cũng nằm trên bán đảo Krym (Crimea), nhưng nhỏ hơn Sevastopol nhiều.
Lúc bấy giờ là mùa hè 2018 và Krym đã có một số phận khác, trên thực tế thì đã trở thành một nước cộng hòa nằm dưới quyền kiểm soát của Nga kể từ làn sóng cách mạng Euromaidan 2014.
Đấy có lẽ là một kết cục phải đến của Krym, vùng đất với lịch sử thăng trầm từng qua tay nhiều đế chế.
Dấu mốc quan trọng nhất đánh dấu Krym ngả về phía Sa hoàng là vào năm 1654, khi lãnh đạo Bohdan Khmelnytsky của người Cossack khởi nghĩa chống lại Khối thịnh vượng chung Ba Lan - Litva.
Ba thế kỷ sau, vào năm 1954, lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển giao Krym cho Ukraïna, lúc bấy giờ là một thực thể thuộc Liên bang Xô-viết. Đến thập niên 1990, khi Liên Xô tan rã thì sự kiểm soát của Ukraïna đối với Krym bắt đầu lung lay.
Năm 1992, Nghị viện Krym bỏ phiếu tuyên bố độc lập khỏi Ukraïna nhưng sau đó đã phải rút lại dưới sức ép từ Kyiv. Đến năm 1994, Quốc hội Nga bỏ phiếu hủy quyết định năm 1954 của Khrushchev.
Làn sóng biểu tình, bạo động năm 2014 như giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Krym nhanh chóng tuyên bố độc lập và từ đó trên thực tế đã sáp nhập vào lãnh thổ mênh mông của Nga.
“Hi, Grigory. Kerch giờ do Nga kiểm soát à? Cậu thấy sao?”
“Mình là người Nga nên mình muốn tách khỏi Ukraïna.”
Bán đảo Krym có tới bảy mươi phần trăm là dân Nga. Việc cậu bạn Grigory này là người Nga và ủng hộ Putin với mình không có gì lạ.
Mùa hè năm 2012, mình đi vào Ukraïna từ phía Ba Lan. Chuyến tàu nhanh chạy từ Warszawa nửa đêm thì đến ga Dorohusk trên miền biên giới hai nước.
Qua khỏi chỗ này, tàu dừng lại tầm bốn tiếng đồng hồ, và trong khi lính biên phòng Ukraïna lên kiểm tra hộ chiếu thì đội kỹ thuật bắt đầu “thay bánh” tàu. Nghe tiếng búa gõ, rồi thấy toa tàu được nâng lên, mình biết đã đến đoạn giao nhau giữa hai khổ đường sắt, bởi trước đó chị Mạc Việt Hồng ở Warszawa đã nói với mình chuyện này.
Có nhiều cách để nhận diện không gian quyền lực của Đế quốc Nga. Một trong số đó, tương đối thôi, là đường sắt khổ rộng.
Nếu đi từ phía Đông Nam Châu Á lên, tới biên giới Trung Quốc – Mông Cổ thì tàu phải dừng lại để “đổi bánh”, chuyển từ đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 cm sang đường sắt khổ rộng 1.520 của Nga (Năm 2018, mình đi tàu hỏa từ Sài Gòn tới Moscow, nhưng khúc Bắc Kinh – Nhị Liên Hạo Đặc mình đi xe đò nên không có được trải nghiệm “thay bánh tàu” ở biên giới Mông Cổ).
Đường sắt khổ rộng không phải là phát minh của người Nga nhưng nó đã được mở rộng không ngừng kể từ khi Đế quốc Nga đưa vào sử dụng hồi giữa thế kỷ 19. Hiện nay, Nga và các quốc gia phụ cận là nơi có mạng lưới đường sắt khổ rộng lớn nhất thế giới.
Có một chuyện nữa là lúc chuẩn bị đi Ukraïna bằng tàu, mình được nhiều người rành chuyện cảnh báo các rủi ro khi đối diện với sự thô lỗ của “biên phòng U”. Nhưng hóa ra mọi chuyện khá êm đẹp. Sau khi lấy hộ chiếu của mình, anh cán bộ biên phòng không quên dặn “ngủ chút đi” (take some sleep). Tầm hai tiếng đồng hồ sau, anh trả lại với một nụ cười, kèm câu tiếng Anh phát âm rất chuẩn: “Welcome to Ukraine!”.
Sau đó mình bèn ngủ giữa lúc bình minh lên và tàu chạy xuyên qua vùng nông thôn phía Tây Ukraïna.
Đây là mình đang đi giữa lòng một “đất nước bị cắt xé” (a cleft country), như cách gọi của Samuel P. Huntington, theo phương vuông góc với đường đứt gãy (fault line) giữa hai nền văn minh.
Trong sách “Sự va chạm giữa các nền văn minh và quá trình sắp xếp lại trật tự thế giới”, Huntington cho rằng có một ranh giới văn minh Đông và Tây giữa lòng đất nước Ukraïna. Phía Tây là người Ukraïna theo Công giáo (ở đây là Công giáo Phương Đông - Uniate Church) và phía Đông là người gốc Nga theo Chính thống giáo Phương Đông - Eastern Orthodox Church).
Người miền Tây Ukraïna có xu hướng nghiêng về Phương Tây, trong khi người miền Đông ngả về Nga. Điều này thể hiện theo nhiều cách, chẳng hạn trong bầu cử thì các ứng viên thân phương Tây thường nhận được nhiều phiếu hơn ở miền Tây trong khi các ứng viên thân Nga lại được dân miền Đông ủng hộ áp đảo.
Vào buổi sáng hôm đó, mình nhắn qua Facebook cho cô chủ nhà trọ Zig Zag là mình sắp đến Kiev nhưng có lẽ mình sẽ check-in vào đêm khuya vì trước đó còn phải đi một số sự kiện. Cô ấy nhắn chào mừng mình tới “Kyiv” và gửi mã để tự mở khóa tòa nhà. Vài ngày sau, trên chuyến tàu tiếp tục sang Phương Đông, mình nói với một chị soát vé trung tuổi béo tròn là “tôi sang Kharkov”, chị ấy đáp, “Kharkiv”.
Kyiv – Kiev, Kharkiv – Kharkov, Lviv – Lvov, sự khác biệt xíu xiu không mấy ý nghĩa với một kẻ ngoài cuộc như mình, hóa ra lại chuyên chở trong đó niềm tự tôn mãnh liệt. Cả cái tên đường Gorkogo đặt theo tên văn hào Liên Xô Maxim Gorky, vài năm sau mình dò lại thì đã được đổi thành Antonovycha, theo tên sử gia Volodymyr Antonovych, một người Ukraïna chân chính.
Vết dấu của sự đứt gãy trong lòng Ukraïna càng rõ hơn khi mình càng đi xa sang miền Đông, tới Kharkiv, rồi tới vùng mỏ Donbas với thủ phủ Donetsk đầy hoa hồng và những cô gái đẹp.
Ở Kharkiv, một đêm khuya, mình bắt tắc xi từ sân vận động Metalist về làng Thời Đại của một đại gia gốc Việt. Đây là nơi mà, trong lúc kẹt quá, mình đã nhờ anh Trương Anh Ngoc bố trí một chỗ tá túc qua đêm. Anh tài xế giải thích với mình “tôi thích Putin vì tôi là người Nga”, khi mình hỏi quan điểm của anh ta về chính phủ Nga.
Ấy là lúc mình ngồi trên một chiếc Lada cũ kỹ, đang ám ảnh bởi xung khắc giữa hai quốc gia, nhất là sau vụ đầu độc Viktor Yushchenko và làn sóng Cách mạng Cam của thập niên trước đó. Anh tài xế kể mình đã bầu cho Viktor Yanukovych và nhờ ông ta lãnh đạo mà quan hệ với Nga mới êm thấm.
Nhận định của anh Ivan này có thể là thật, nhưng sự hiện hữu của đường đứt gãy văn minh, theo cách nói của Huntington, khiến cho Ukraïna luôn rơi vào thế lưỡng nan bất kể ông bà nào hay đảng phái nào lên dẫn dắt đất nước.
Một lãnh đạo thân Nga sẽ giúp cho quan hệ hai nước êm thấm, nhưng lại khiến miền Tây nhích thêm về phía ly khai và kích hoạt các cuộc phản kháng dân chủ, chống Nga trong lòng đất nước. Điều này, trên thực tế, đã xảy ra vào năm 2014, với cách mạng Euromaidan.
Ngược lại, một lãnh đạo ngả về phương Tây sẽ chọc giận Nga, đồng thời kích thích xu hướng ly khai ở miền Đông. Tâm lý ly khai không ngừng trỗi dậy cộng hưởng với tác động của Nga sẽ làm bùng lên xung đột. Đấy là những gì đã xảy ra trong hai thập niên qua, với cao trào năm 2014 và cuộc chiến xâm lược của Nga vào năm 2022.
Đi từ Tây sang Đông, mình bèn rút ra một kết luận đanh thép rằng sự ảnh hưởng của Nga tỉ lệ thuận với kích cỡ của tượng đài Lenin. Tại Kyiv, ông Lenin màu đồng be bé đứng trên một cái bệ cao nằm khiêm tốn ở một góc đường nơi dẫn vào Quảng trường Độc Lập (Maidan Nezalezhnosti).
Tại Kharkiv, ông Lenin đứng trên cái bệ to đùng giữa Quảng trường Tự Do (Plóshcha Svobódy) mênh mông.
Sang tới Donetsk, có một ông Lenin mặc áo khoác xỏ tay vào túi đứng ung dung đường bệ giữa quảng trường mang tên chính mình. Bức tượng ở đây đen thui, có lẽ được tạo tác theo “theme” của vùng mỏ than Donbas.
Hai ông Lenin trước đã bị giật sập trong làn sóng Euromaidan 2014 (*). Ông Lenin sau thì vẫn còn, hẳn là do chỗ này phe thân Nga quá mạnh.
Ở Donetsk, dưới chân tượng ông Lenin đứng xỏ tay vào túi, mình gặp mấy cô gái Ukraïna đẹp như những đóa hồng. Mình đoán là họ nói tiếng Nga, vì họ phát âm “Kiev” và “Kharkov”, dù trình tiếng Nga của mình chỉ dừng lại ở mấy từ “khờ-ra-sồ”, “ka-nhét” (xem phim Liên Xô ngày trước thì kết thúc thường có từ này, nghĩa là “The End”) hay là nhìn mặt chữ ở các biển báo nơi công cộng có thể bập bõm phiên ra ký tự Latin.
Trước sân vận động Donbas, sân đấu hình đĩa bay cực kỳ hiện đại do một đại gia người Tatars tên Rinat Akhmetov sở hữu, mình bắt gặp hai cô gái chơi đàn bandura. Họ chơi say mê, nhiều giai điệu nghe ra như dân ca du dương trầm bổng, rốt cuộc mình chỉ biết mỗi một bài ca Xô-viết – “Katyusha”.
Thế rồi chỉ hai năm sau, nơi chốn này trở thành tâm điểm của một cuộc chiến tranh. Sân đấu hình đĩa bay bị pháo kích xé toạc nhiều chỗ. Đội bóng Shakhtar Donetsk phải lánh nạn sang Kyiv. Những trận đấu tưng bừng, những khán đài cuộn sóng và hai cô gái chơi bandura bên ngoài sân hôm nào biến mất, khiến mình nhiều lúc cứ ngỡ Donetsk đẹp và yên bình ngày nào chỉ là ảo giác, của mình.
“Ukraïna hay đúng hơn là miền Đông Ukraïna sẽ trở về (với đất mẹ Nga) trong vòng năm, mười, mười lăm năm nữa. Còn miền Tây Ukraïna có thể biến xuống địa ngục!”.
Một vị tướng Nga từng nói như thế, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1992 (trang 167, sách “Sự va chạm...” của Huntington, bản tiếng Anh).
Năm, mười, mười lăm năm kể từ thời điểm phát ngôn, viễn cảnh Ukraïna bị chia cắt theo đường đứt gãy văn minh chưa xảy ra. Nhưng những xung khắc trong lòng ngày một lớn, thảng hoặc bùng lên thành các biến cố gay cấn trong thập niên 2000, rồi thành lửa chiến tranh vào tám năm trước.
Đến năm nay thì nổ ra cuộc xâm lược của Nga – kịch bản tồi tệ nhất trong ba kịch bản mà Huntington đã dự báo và cho rằng ít có khả năng xảy ra nhất.
(*) Một số báo Việt Nam đưa tin này sau đó bèn 404 và bị phạt.