Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ngoại giao Việt Nam 2017-2018: CHIẾC THUYỀN THÚNG HAY LÀ ĐOÀN TÀU ĐANG TĂNG TỐC?

(NCTG) “Không dân chủ hóa mọi mặt trong đời sống xã hội và kinh tế, không xây dựng được một chính phủ kiến tạo thì không thể đẩy mạnh công cuộc hội nhập, không thể xây dựng được hệ thống quan hệ đối tác chiến lược với bên ngoài, với ý nghĩa thực chất, chứ đừng nói gì đến vấn đề cải cách thể chế hay chính phủ phục vụ…”.
Donald Trump ở Châu Á: vận hội mới nào cho Việt Nam? - Ảnh: cnn.com
Lời Tòa soạn: Kết thúc năm APEC Việt Nam và tuần lễ Cấp cao APEC Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, 10 năm qua, việc hầu hết lãnh đạo cấp cao nhất tham dự APEC là điều hiếm. Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit). Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện, chiến lược với các nước, nên khi thương lượng, mời các lãnh đạo các nước thuận lợi hơn. Chúng ta đã ký được 121 thỏa thuận, trị giá hơn 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngay sau APEC 25, những tin không vui đã trở lại trên mặt báo. Mỹ có ý định đình hoãn dự án “Cá Voi xanh”, EU vẫn chưa chuẩn thuận Hiệp định VEFTA, Trung Quốc chuẩn bị phóng thử tên lửa Trường Chinh và nạo vét ở Biển Đông… NCTG xin giới thiệu lại nội dung phần thứ hai của Bàn tròn, do một số tờ báo trong nước tổ chức (Văn hóa Nghệ An, Thông tin & Phát triển, Lý luận Phát triển), vẫn với sự tham gia của GS. Trần Ngọc Vương từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USH) và TS. Đinh Hoàng Thắng từ Trung tâm Truyền thông và Hợp tác Quốc tế thuộc Viện Những Vấn đề Phát triển (VIDS), trọng tâm về tình hình đối ngoại Việt Nam năm qua và thời gian tới.
 
TS. Đinh Hoàng Thắng
TS. Đinh Hoàng Thắng

- Trước khi chuyển sang phần hai, phần nói về chính sách đối ngoại của Việt Nam, các nhà nghiên cứu có thể tóm tắt bức tranh “vân cẩu” vừa phác họa tuần trước về cục diện quốc tế 2017 để độc giả tiện theo dõi mạch chính của câu chuyện?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Có thể nói, toàn cảnh bức tranh chính trị - kinh tế thế giới 2017 đã thay đổi một cách căn bản so với cách đây chỉ khoảng một năm thôi. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong năm qua, đặc biệt là điểm nhấn “tư tưởng Tập Cận Bình trong thời đại mới”; tham vọng muốn tái khẳng định vị thế của nước Nga trong sinh hoạt chính trị quốc tế; sự đảo chiều đến chóng mặt trong chính sách đối ngoại nói chung và quan điểm đối với tư do hóa thương mại nói riêng của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump; chủ nghĩa dân túy nổi lên ở nhiều nơi, đặc biệt là ở châu Âu… tất thảy dường như đã mở ra các điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phong trào dân tuý và các thế lực khủng bố, các lực lượng đối lập mang xu hướng cực đoan ở khắp nơi. Vâng, chúng ta sẽ bàn về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh một thế giới đã khác trước cách đây một thời gian ngắn.

- Vâng, và ngay ở Việt Nam, chúng ta vừa chứng kiến một sự kiện mang tính thông lệ, đó là cuộc hội ngộ hàng năm giữa các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng APEC 25 lại là cột mốc đặc biệt. Nó đặc biệt vì tại Diễn đàn khu vực thường niên lần này, hơn ở bất cứ sự kiện quốc tế nào trong năm, cái pe-rơ-đam của trật tự quốc tế mới đã được khẳng định một cách khó nhầm lẫn. Bình luận của các nhà nghiên cứu? 

GS. Trần Ngọc Vương: Vâng, nếu hiểu pe-rơ-đam như một mô thức, một hệ hình, hay nói nôm na, như một khung khổ của trật tự mới, thì rõ ràng APEC 25 phần nào đã thể hiện cái tầm vóc và chất lượng ấy. Có lẽ chưa bao giờ các nguyên thủ quốc tế đến mảnh đất miền Trung cùng một lúc nhiều như thế, đặc biệt là nguyên thủ của các cường quốc và mỗi vị đều mang theo một thông điệp riêng không thể nhầm lẫn, kể cả “những thông điệp vô ngôn”. Này nhé, Abe và Putin không phát biểu gì tại các diễn đàn chính thức và cũng chẳng tiến hành các chuyến thăm song phương. Chẳng nhẽ hai “ông lớn” ấy chỉ đến để hít thở không khí Đà Nẵng? Trên thực tế, ông Abe đến để cứu nguy cho TPP, báo chí quốc tế khôi hài cho rằng, Nhật đã “trợ thở” cho TPP vào phút chót, biến nó thành CPTPP. Còn Putin? Cựu sĩ quan tình báo tài ba ấy được cho là đến Đà Nẵng chỉ để nói với Trump một câu duy nhất, mà phải nói to cho “cả làng” nghe thấy: “Nước Nga đâu có can thiệp vào cuộc tranh cử ở Hoa Kỳ năm 2016. Quý vị đồn thổi lên như thế làm chúng tôi tổn thương” (?). Và cái câu “bồi thêm” của chính ông Trump, “Tôi tin ông ta (Putin) nói thật”, càng làm cho sứ mệnh của Tổng thống Nga vừa qua tại Đà Nẵng trở nên quan trọng. Ông Putin đến để “giải cứu” ông Trump đang bị “kẹt” trong búa rìu dư luận Mỹ. Nhưng có lẽ sự chú ý nhiều nhất được tập trung vào Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Tập cùng với ông Trump đã lần lượt xuất hiện tại Summit CEO như hai “kỳ phùng địch thủ” trên đấu trường Đà Nẵng… 

TS. Đinh Hoàng Thắng: Dư luận chú ý nhiều về hai bài “đít-cua” của hai ông Trump và Tập có xu hướng “chọi nhau” giữa hai vị nguyên thủ hàng đầu thế giới. Một bên cam kết tự do thương mại, đảm nhận sẽ dẫn dắt toàn cầu hóa tiến lên phía trước. Bên kia nói ngược lại. Hẳn nhiên, giữa nói và làm nhiều khi cách xa nhau cả đại dương. Nhưng ít nhất về triết lý, cảm nhận chung là khán giả của “talk-show” (chương trình truyền hình ăn khách) vừa qua đã chứng kiến một cuộc đọ sức quyền lực ngoạn mục. Trước hai chiến lược thương mại đối kháng Mỹ - Trung, các nước còn nhận ra một “đại sự” khác. Trong khi Trung Quốc, thủ vai diễn là cường quốc đang lên, tìm cách khẳng định ảnh hưởng bằng “Nhất đới - Nhất lộ”, thách thức quyền lực với Mỹ (siêu cường vang bóng một thời), thì Mỹ đã không chịu “buông xuôi”, chấp nhận cuộc chuyển giao ấy (như nhiều người lầm tưởng), mà ngược lại, đã công khai phô diễn cái cách thức để kềm chế Trung Quốc trong giai đoạn tới bằng chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng”. Bên kia muốn dùng “Vành đai - Con đường” để ôm trọn khu vực và thế giới thì bên này, ngay lập tức dùng “Tứ giác kim cương” của các nền dân chủ cùng chia sẻ giá trị để chế ngự lại. Sự cọ xát ở đây không còn là vấn đề thương mại nữa, mà là vấn đề đại chiến lược của mỗi nước, là vấn đề trật tự thế giới mới, liên quan đến vận mệnh của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

- Nghe các vị phân tích, có cảm tưởng, các đại cường sắp “ra đòn choảng nhau” đến nơi. Tình hình có thật là sẽ “bốp chát” đến mức như vậy không?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Cách phân tích của GS. Trần Ngọc Vương là để chỉ cái xu thế. Ta không nên hiểu một cách máy móc là sau một vài vụ “lấn sân” của Trung Quốc ở Camphuchia hay trên Biển Đông (Vụ Repsol trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), Trung Quốc có thể thừa thắng xông lên, đẩy Mỹ vào một góc. Trên thực tế, sóng ngầm địa-chính trị ở khu vực cũng như trên thế giới phức tạp hơn nhiều. Việt Nam là một đối tác “chiến lược toàn diện” với Trung Quốc, lại là địa điểm “đầu cầu” của đại chiến lược “Vành đai - Con đường”, và đặc biệt, Việt Nam là nước có phần lãnh thổ trải dài, gần như bao trùm trọn một không gian của Biển Đông. Chính vì vậy, Việt Nam là nước có nhiều lợi ích song trùng với Hoa Kỳ, với nhiều nước lớn khác và với ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn trên Biển Đông. Vô hình chung, Việt Nam trở thành một “đất nước chiến trường” trên bàn cờ Biển Đông. Điều này gần như trở về với “lời nguyền địa-chính trị” của Việt Nam như giới phân tích chiến lược đã từng nhận định. Cái khó là từ nay, chúng ta phải biết cách hóa giải “lời nguyền” oái ăm ấy.

GS. Trần Ngọc Vương: Cái hay, cái dở của Việt Nam nằm ngay chính ở vị thế độc đáo nói trên. Nếu Việt Nam trở thành một quốc gia bản lĩnh như Israel ở châu Âu hay như Singapore ở châu Á, Việt Nam sẽ có cơ để hóa giải thành công thách thức địa-chính trị của đất nước như một lời nguyền lịch sử, và như thế, sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong tương lai. Điều này được minh chứng trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”. Chúng ta đã “đi giữa” mâu thuẫn Trung - Xô, không nghiêng hẳn về bên nào nhưng cũng không độc lập một cách cứng nhắc và thành công ở chỗ là Việt Nam đã tranh thủ được cả hai. Cục diện ngày nay đương nhiên là khác trước đây rất nhiều. Giữa Mỹ và Trung Quốc vừa ký xong một cái “deal” trên 250 tỷ USD. Nghĩa là hai đại cường này sẽ không “khai đao” chỉ vì những tranh chấp trên Biển Đông hay Hoa Đông. Đấy là chưa kể, lợi ích chung của họ có chỗ còn lớn hơn cả cái “deal” 250 tỷ vừa ký rất nhiều. Nhưng mặt khác, Tập Cận Bình không thể không lấn lướt trên Biển Đông để thỏa mãn não trạng của 1,4 tỷ dân Trung Quốc luôn có xu hướng muốn nới rộng lãnh thổ, lãnh hải. Hoa Kỳ, ngược lại không thể “bỏ lơ” các đồng minh chiến lược cũng như bạn bè truyền thống của mình như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philipinnes để mặc cho Trung Quốc tự tung tự tác. Tình huống dẫn đến sự “bốp chát” nhau chính là ở chỗ này. Cái máu “bành trướng” (trong vỏ “Giấc mộng Trung Hoa” về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc) và cái chất “sen đầm” (dù dưới thời “nước Mỹ trước đã” đã bị suy giảm ít nhiều) sẽ tiếp tục “đối chọi” nhau trên vũ đài thế giới trong nhiều sắc thái từ nay về sau.

- Việt Nam sẽ ở đâu trong cuộc “đọ sức” lịch sử ấy, thưa các nhà nghiên cứu?

GS. Trần Ngọc Vương: Nội dung mới của thời đại chính là ở chỗ, Việt Nam ngày nay không chỉ có một lối ra duy nhất là chọn giữa Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Trên thực tế, mặc dù cho đến nay Việt Nam đang đặt cược vào hai cửa của cả hai “nhà cái”. Mà không chỉ Việt Nam, các thành viên ASEAN ít nhiều có hoàn cảnh giống Việt Nam đều đang lựa chọn như vậy. Tuy nhiên, chọn cả hai, không có nghĩa là tiếp tục “trò đi dây” như từ trước đến nay. “Đi dây” hay “đu dây” chỉ là ngón nghề để tồn tại (Art for Survival). Xu thế của thời đại mới cho phép từ nay chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế, làm được mạnh hơn thế. Một chính sách đối ngoại “đa phương hóa” trong kỷ nguyên quyền lực thế giới được chia thành “đa trung tâm” cho phép các quốc gia, ở vào vị trí địa-chính trị như của Việt Nam, có một “không gian” linh hoạt hơn và có thể sáng tạo ra nhiều mô thức quan hệ phong phú hơn trước đây. Chỗ này, bản lĩnh của các nhà lãnh đạo quốc gia có vai trò quyết định. Vì ở đây liên quan đến chiến lược lâu dài, trong đó bao hàm cả vấn đề về cách thức dàn xếp các thương vụ (Art of the Deal), đúng như tên một cuốn sách của Trump. Riêng điểm này, phải nói Việt Nam khá nhanh nhậy. Việt Nam đã có ba động thái để “đối ứng” lại chuyến thăm lịch sử của Trump: i) Về kinh tế, ký hợp đồng 12 tỷ USD mua sản phẩm của Mỹ; ii) Về quân sự, hoan nghênh hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên tới Cam Ranh của Việt Nam trong năm 2018 và khẳng định kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ trong giai đoạn 2018-2020; iii) Về chính trị, ngoại giao, đã dàn xếp mời Trump ra Hà Nội, thăm cấp nhà nước, mở quốc yến, họp báo trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, ra Tuyên bố chung một ngày trước khi ông Tập tới (cũng từ Đà Nẵng).

TS. Đinh Hoàng Thắng: Tôi chia sẻ với GS. Trần Ngọc Vương, muốn “giải mã” chiến lược của các cường quốc để biết Việt Nam sẽ ở đâu trong chiến lược của mỗi nước, hãy “tracing” (lần theo) chuyến công du mới đây của Trump. Từ trước đến nay, các đời Tổng thống Mỹ luôn nhắc đến Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á hay vùng Biển Đông. Giờ đây, lần đẩu tiên, Trump nói đến Việt Nam trong bối cảnh của cả “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương” và đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm ở đấy. Khu vực này về tên gọi thì không mới (mười năm trước Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất sáng kiến này), nhưng về thực chất đối với Chính quyền Trump là mới. Tại Hà Nội, bản Tuyên bố chung (trong vòng chưa đẩy 6 tháng mà Việt - Mỹ có tới hai bản Tuyên bố chung liền nhau cũng là điều xưa nay chưa từng có) nhắc tới khái niệm “Indo-Pacific” hai lần. Cũng vậy, trong bài phát biểu cám ơn thịnh tình của Việt Nam ông Trump lại nhắc tiếp thêm hai lần nữa. Đây hoàn toàn không phải là những ngẫu nhiên trong ngoại giao! Tuy nhiên, nhìn một góc khuất khác, chúng ta vẫn chưa liễu giải (hiểu được) “tư tưởng Tập Cận Bình” bao gồm những nội hàm gì. Tuyên bố hôm 18-10 của ông Tập rằng, Trung Quốc từ nay sẽ hành động như một siêu cường, sẽ ảnh hưởng đến ta thế nào. Tương tự, khi ông Tập khẳng định, các đảo nhân tạo vừa được dựng lên trên Biển Đông là một trong những thành tựu hàng đầu của ông từ trước tới nay và cao giọng tuyên bố “sẽ tiếp tục thành công trong nỗ lực theo đuổi các quyền hàng hải”, thì Việt Nam rồi đây sẽ bị tác động như thế nào. Tôi cho rằng, cần phải cấp bách nghiên cứu cục diện quốc tế thời kỳ tới, khi đại chiến lược “Vành đai - Con đường” (BRI) của Tập Chủ tịch đi vào triển khai trên thực tế và khi cái “Tứ giác kim cương” do sáng kiến ban đầu của Thủ tướng Abe được tái dựng. Trong cuộc thư hùng này, nếu ASEAN có một vị trí nào đó, thì chắc chắn sẽ thuận cho Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam phải tính đến khả năng, cùng với một vài thành viên ASEAN khác, chủ động tìm cách tiệm cận cái cấu trúc mở của hệ thống an ninh mới. Trong tình thế “tứ bề thọ địch” như hiện nay, Việt Nam không thể đơn thương độc mã, mà phải hội đủ bản lĩnh để tìm cách hòa nhập được vào cấu trúc an ninh mới ở khu vực.
 
GS. Trần Ngọc Vương
GS. Trần Ngọc Vương

- Nhưng sau APEC có tin nói Mỹ sẽ tính toán lại dự án “Cá Voi xanh”. Trước APEC, Tây Ban Nha cũng bị ép rút khỏi dự án “Repsol”. Hiệp định song phương Việt-Mỹ thế hệ mới (TIFA) chưa thấy đâu trong khi Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (VEFTA) xem chừng đang phải chờ Quốc hội EU phê duyệt. Tất cả những thứ này còn hơn cả “tiền tươi thóc thật” đang rất cần cho công cuộc phát triển. Các ông đánh giá thế nào vể những được mất sau APEC, khi những thông tin trên lan truyền nhanh trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố là giữa họ với ta đã đạt được đồng thuận quan trọng trên Biển Đông?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Đúng là cách đây mấy tháng, Công ty ExxonMobil đã có thông báo chính thức về việc khởi động dự án mỏ khí đốt Cá Voi Xanh trị giá 10 tỷ USD. Khu vực mỏ Cá Voi Xanh ở tại lô 118, nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam. Phát biểu trong diễn đàn APEC hôm 7-11, giám đốc ExxonMobil Development Company là Liam Mallon cho biết “có những thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi cần phải bàn bạc thêm” và đã hoãn lại quyết định đầu tư vào mỏ dầu này đến năm 2019. Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km. Có thể xem mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến mỏ này có thể đóng góp gần 20 tỷ USD vào ngân sách Việt Nam. Từ Hà Nội, cho đến nay chưa có thông tin chính thức gì về việc đình hoãn này. Thật ra vấn đề được mất sau APEC không chỉ thể hiện qua các con số cụ thể. Cái được mất ở đây, ngoài các khoản “tiền tươi thóc thóc thật” gom lại trên bàn đàm phán sau sự kiện nổi như cồn, điều quan trọng hơn là những gì diễn ra sau đó; là những gì mà nước chủ nhà nắm bắt được, tận dụng được cái “momentum”, tạm hiểu là cái “xung lượng” mà sự kiện quốc tế ấy tạo nên.

GS. Trần Ngọc Vương: Theo tôi, hiện nay chúng ta chưa đủ dữ kiện để bàn về dự án mỏ Cá Voi Xanh. Mặc dầu các mỏ của ExxonMobil nhìn chung an toàn hơn so với dự án Repsol, hơn nữa, do tầm vóc đại quy mô và ảnh hưởng toàn cầu của tập đoàn Mỹ, dự án này khó có thể bị cản trở. Lại nữa, dự án này nằm gần đất liền của Việt Nam hơn (so với Repsol) và mỏ khí ấy rơi vào ngoài đường lưỡi bò. Bên cạnh đó, tập đoàn này có liên hệ chặt chẽ với đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Thách thức lớn từ trước tới nay đối với ngoại giao vẫn là làm sao những gì đang thúc đẩy bang giao giữa ta với Mỹ đừng trở thành vết rạn với Trung Quốc và ngược lại. Để nắm bắt được, để phát huy tối đa cái mà TS. Đinh Hoàng Thắng đề cập ở trên, tức là cái “động lượng” mà APEC tạo ra, tôi nghĩ còn cần nhiều thứ khác, chỉ một mình ngoại giao không thôi thì chưa đủ để nắm bắt cái đà ấy. Tôi vẫn có nhiều quan ngại đối với những năm trước mắt. Nếu ta không có một quyết tâm đẩy hội nhập cao hơn, sâu rộng hơn, ngoại giao cứ phải đi “chữa cháy” từng vụ việc một như hiện nay đang lo khắc phục hệ lụy của việc Đức bỏ “đối tác chiến lược” với Việt Nam, thì ngoại giao, sẽ cứ loay hoay như chiếc thuyền thúng Hội An và sẽ khó tiến lên được bao nhiêu. Cả nội trị với ngoại giao phải “tích hợp” thành một mặt trận duy nhất. Qua rồi cái thời chúng ta vẫn coi nội trị và ngoại giao là hai bộ phận riêng biệt, chỉ cần “kết hợp” với nhau (theo một quan niệm cũ, coi cái này là sự nối dài của cái kia). Từ nay, Ngoại giao với nội trị phải cùng trong một toa tàu của đoàn tàu Việt Nam đang cần phải tăng tốc hơn nữa để không bị bỏ lại sau quá xa.

- Trong chuyến thăm 12 ngày tại Châu Á vừa qua, Tổng thống Trump hình như không đặt vấn đề nhân quyền như một ưu tiên, một điều kiện trong làm ăn với các nước. Liệu ngoại giao Việt Nam Việt Nam có cho đây là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn với Mỹ và các nước phương Tây?

GS. Trần Ngọc Vương: Nhìn bề ngoài thì có thể là như vậy. Trong suốt chuyến công du Á châu, hình như Tổng thống Trump chỉ một lần đề cập đến “Individual Right” (có một vài nơi, dịch chữ này thành “nhân quyền” hay “quyền con người” là chưa chính xác!). Ở đây, ông Trump muốn nói tới “quyền cá nhân” thôi (mà ở Mỹ được hiểu như là quyền mang súng). Tuy nhiên, không đề cập trực tiếp không có nghĩa là Quốc hội Mỹ, một bộ phận trong chính giới Mỹ sẽ buông “vấn đề nhân quyền” như một lợi khí trong chính sách đối với các nước. Hãy xem cách Trung Quốc và Hoa Kỳ phản ứng về vấn đề khủng hoảng sắc dân Rohingya ở bang Rakhine (Myanmar). Từ Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc “ủng hộ các nỗ lực của Miến Điện để gìn giữ sự ổn định và phát triển của đất nước”. Đó là vì Bắc Kinh muốn duy trì các dự án kinh tế khổng lồ tại bang Rakhine, thêm vào đó vùng này lại nằm trên trục “Con đường tơ lụa mới”. Hoa Kỳ, ngược lại, ngay sau hội nghị ASEAN tại Philippines, đã cử Ngoại trưởng Tillerson đã đến Miến Điện hôm 15-11 vừa qua, với mục tiêu gây sức ép lên chính phủ và quân đội nước này nhằm chấm dứt bạo lực ở bang Rakhine. Hay lấy ngay một câu chuyện vừa xẩy ra liên quan đến APEC 25 ở ta: Phu nhân Tổng thống Mỹ, bà Melania Trump đã không cùng chồng tới thăm Việt Nam trong một chuyến công du có thể coi là lịch sử.

TS. Đinh Hoàng Thắng: Cần nhìn nhận vấn đề nhân quyền trên một bình diện rộng lớn hơn, để thấy rằng chúng ta cải thiện vấn đề nhân quyền như là một nhu cầu nội tại để phát triển, một đòi hỏi tất yếu từ các chiều kích “an ninh con người” trong kỷ nguyên “số hóa”, chứ không phải để đối phó ngoại giao. Có người ngộ nhận rằng, từ TPP chuyển thành CPTPP, giữa 20 điều khoản trong Hiệp định TPP (cũ) có một số vấn đề thuộc về “quyền con người” tạm thời bị “treo” lại là hợp với “gu” của Việt Nam. Nhìn nhận như vậy là không thấy các chiều kích khác nhau của vấn đề nhân quyền: Không dân chủ hóa mọi mặt trong đời sống xã hội và kinh tế, không xây dựng được một chính phủ kiến tạo thì không thể đẩy mạnh công cuộc hội nhập, không thể xây dựng được hệ thống quan hệ đối tác chiến lược với bên ngoài, với ý nghĩa thực chất, chứ đừng nói gì đến vấn đề cải cách thể chế hay chính phủ phục vụ…

- Các ông còn có những ấn tượng gì khác nữa với thông điệp nổi bật của ông Trump và ông Tập khi họ đến Việt Nam? Những thông điệp ấy có đặt ra cho nền ngoại giao đổi mới khó khăn và thuận lợi gì hơn trước đây trong giai đoạn tới?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Với tôi, quyết tâm cao của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, không bên nào chịu từ bỏ cái vị thế hiện nay và tương lai của mình là ấn tượng rõ rệt nhất. Hãy chú ý thông điệp nổi bật nhất từ Tổng thống Trump: “Nước Mỹ trước đã!” Trong những năm tháng tới, nước Mỹ sẽ tiếp tục bỏ xa các nước trên thế giới nhờ vào công nghệ hiện đại và ngân sách quốc phòng khổng lồ. Quốc hội Hoa Kỳ vừa chấp thuận ngân sách quốc phòng 700 tỷ USD (năm 2016 chỉ có 523,9 tỷ) chi dùng vào chương trình “từng bước nâng cấp quân đội Mỹ” theo yêu cầu của Tổng thống Trump. Số ngân sách quốc phòng này vượt quá nửa tổng số ngân sách quốc phòng của các nước trên thế giới cộng lại. Với tiềm lực đó, nước Mỹ vẫn là một siêu cường đại dương trong thế kỷ này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không chịu lùi bước, từ đại chiến lược đến các tiểu xảo như dùng du kích biển, dùng lực lượng bán quân sự, với chiến thuật “mềm nắn, rắn buông”, họ đã xây “Vạn Lý Trường Thành” trên Biển Đông để làm đầu cầu xuất phát cho quốc sách “Vành đai - Con đường” mà ông Tập Cận Bình chính thức tuyên bố trong hội nghị APEC tại Đà Nẵng là “không thể đảo ngược”. Ngoại giao Việt Nam như người lướt ván trước những cơn sóng lừng. Phải làm sao thoát khỏi được những vùng “sóng vỡ” (surf zones)? Cái khó của người lướt ván là phải men theo các “dòng dọc bờ” (nearshore currents) để ra khơi xa nhưng lại phải tránh cho được những “con sóng bạc đầu” (breakers). Điều kiêng kỵ nhất là không bao giờ được bơi ngược dòng!

GS. Trần Ngọc Vương: APEC năm 2017 ở Đà Nẵng vừa rồi, qua hai bài diễn văn của Donald Trump và Tập Cận Bình đã định hình rõ hơn về một thế đối kháng về chiến lược giữa “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” với “Vành đai - Con đường” mà Biển Đông là tâm điểm của những tương khắc đó. Cuộc đối đầu này không chỉ đơn thuần về quân sự, nó là một trận chiến tổng hợp về kinh tế, quân sự, ngoại giao, tin học… Trọng tâm của cuộc đối đầu Trung-Mỹ lần này lại xẩy ra trên vùng biển Việt Nam, dân tộc ta một lần nữa phải tìm mọi cách tránh rơi vào cái vòng xoáy của cuộc tương tranh ấy. Đấy là một sứ mệnh đầy khó khăn và thách thức của Ngoại giao Việt Nam trong những năm trước mắt. Đối với những lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn có ý đồ qua nước ta để tràn xuống Đông Nam Á, thì các nguy cơ đang rình rập ở Tây Nguyên, Vũng Áng là không thể coi thường. Khá nhiều ý kiến bi quan cho rằng, không một lực lượng nào, kể cả của Mỹ, có đủ ý chí và đủ sức để ngăn chận được “đà” tràn xuống Biển Đông của Trung Quốc. Thật ra, trong quan niệm cổ xưa ở Trung Hoa, Việt Nam là một phiên thuộc “viêm hoang”, tức là một vùng ngoại vi hoang dã, nóng nực. Tiếc rằng với nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, nay chúng ta “bị/được buộc” vào cỗ xe Trung Quốc. Hãy biến điều thực tế này thành cơ hội để ra với thế giới, đồng thời chung sống hòa bình với Trung Quốc. Đòi hỏi này thách thức “tài” ngoại giao của cả nước, nhất là của đội ngũ lãnh đạo cấp cao, chứ không chỉ là công việc của riêng một ngành Ngoại giao.

- Câu hỏi cuối cùng: Trước đây, có lúc TS. Đinh Hoàng Thắng từng đánh giá hai năm 2016-2017 là thời điểm “phá vây” của Ngoại giao Việt Nam, dựa vào một số tiến triển trong quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Trung… Chúng ta sắp chia tay 2017 để bước sang 2018, các nhà nghiên cứu tại Bàn tròn lần này có thay đổi nhận định ấy không và các ông đánh giá triển vọng mặt trận đối ngoại của Việt Nam năm tới sẽ như thế nào? 

TS. Đinh Hoàng Thắng: Tôi vẫn giữ nguyên đánh giá ấy, nhất là gần đây, một số nhà nghiên cứu “quốc doanh” cũng buộc phải thừa nhận, Việt Nam đang bị bao vây chiến lược. Mà đã bị “bao vây” thì buộc phải “phá vây” thôi! Từ cách đây mấy năm, chúng tôi đã cảnh báo tình thế “tứ bề thọ địch” của đất nước. Bản thân Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình minh năm ngoái cũng đã phát biểu công khai: “Môi trường đối ngoại chiến lược đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta”. Bên cạnh đánh giá “thế nước đang lên” thì những nhận định kiểu như thế này nói lên yêu cầu “phá vây” của Ngoại giao Việt Nam. Chia tay 2017, chúng ta không thiếu những thành tựu cả về nội trị lẫn ngoại giao, nhất là vào năm có một hội nghị quốc tế mà hầu hết các lãnh đạo cấp cao đến từ 21 nền kinh tế thành viên đều tới dự. Đặc biệt năm nay đã có hai chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ, hai chuyến thăm chính thức của Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada. Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử và đạt được các thỏa thuận mang tầm chiến lược. Nhưng đấy mới chỉ là mặt phải của tấm huân chương…

GS. Trần Ngọc Vương: Tôi không muốn làm cái công việc bạc bẽo là vẽ ra mặt trái của tấm huân chương nói trên (Cười!). Nhưng tôi không thể không nhắc lại ở đây cái nhìn có phần bi quan lịch sử của cá nhân. Nhiều đêm tôi cứ băn khoăn tự vấn, trong các thành viên ASEAN, nước nào hiểu Trung Quốc nhất? Đằng sau những lời đe dọa của Trung Quốc đối với các lân bang, đâu là sự thật? Tại sao có lúc dường như ta từ bỏ trận địa pháp lý và truyền thông? Dự án Repsol nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại sao ta không cho thế giới và trong nước biết về sức ép vô luân vô pháp ấy? Vấn đề không phải là để “động binh”. Thời này, quốc gia càng giầu có, không có bạn bè đồng minh “ruột”, càng không dám động binh. Vậy, chúng ta sợ cái gì? Sau APEC, trước những hỗn loạn của thế giới hôm nay, chúng ta lo gì? Một Trung Quốc đang rắp tâm chớp cơ hội để ngoi lên làm bá chủ, Mỹ thì lo cho nước mình trước đã, Nhật buộc gồng lên để đối phó với các mối nguy sát sườn, nước Nga Putin bận “đánh quả” để phục hồi đế chế sa hoàng. Trong khi đó, ở Việt Nam, câu chuyện ưu tiên số một hình như vẫn là vấn đề lò khô với củi tươi... Thật là “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh…”.

Tác giả bài viết: NCTG