Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ngày này, năm trước: NHỮNG BÍ ẨN CỦA VỤ CƯỚP MÁY BAY 640

(NCTG) Thời xưa, cướp máy bay là chuyện chỉ hay thấy trong phim ảnh, và thường bị phe XHCN coi là một đặc thù của "chế độ tư bản thối nát". Tuy nhiên, vào thuở giao thời, trước khi chuyển đổi thể chế chính trị, tại xứ Tiệp Khắc (cũ), cũng đã xảy ra một vụ cướp máy bay mà hồi đó, báo chí ít đưa tin và đến giờ cũng không mấy ai còn nhớ.

Ngày 29-3-1989, hai thiếu niên có vũ khí đã đột nhập vào tuyến bay của Hàng không Hungary đi Amsterdam, khi máy bay chuyển tiếp tại Praha, Tiệp Khắc (cũ). Là học sinh trường Kỹ thuật dạy nghề ở Besztercebánya, họ không hề có ý cướp máy bay để khủng bố, mà chỉ muốn được bay đi đâu đó, bất cứ đâu, miễn là sang Phương Tây, nhất là Mỹ. Đây là điều có thể hiểu được vào thời đó: nội các của thủ tướng Grósz Károly - chính phủ Cộng sản cuối cùng của Hungary - khi ấy đã cấp hộ chiếu thế giới cho dân Hung (cho phép người dân đi bất cứ đâu trên thế giới, nơi họ được quốc gia sở tại chấp nhận), nhưng Tiệp Khắc vẫn còn bị bao phủ trong tấm màn thép.

Điều đáng nói nhất trong vụ cướp máy bay này là nếu hành khách và phi hành đoàn không xử sự như họ đã làm, thì chắc chắn là hai thiếu niên nọ đã bị bắn chết ngay tại phi trường Praha. Những người có mặt trong chuyến bay 640 ấy đã cứu bản thân họ và cứu cả hai chàng trai ở độ tuổi mới lớn, bồng bột và thiếu suy nghĩ.

*

Hai thiếu niên nọ lên được chiếc máy bay Hung nhờ một chuỗi những ngẫu nhiên. Đã ba ngày, họ chầu chực tại sân bay Praha và chờ khi người bảo vệ tại phòng đợi dành cho các hành khách VIP đi uống cà phê, họ nhanh chóng bắt làm con tin một nhân viên hàng không và chạy lên chiếc máy bay Hung đang chuẩn bị đi tiếp đến Amsterdam, Hà Lan.

Faludy Győző, trưởng nhóm tiếp viên của chuyến bay, thoạt tiên tưởng các đồng nghiệp của mình đùa cợt gì đó. Nhưng rồi ông cũng thấy hai thiếu niên lăm lăm súng trong tay trong khoang chứa khách. Lập tức, ông ra chỉ thị ngưng khách lên máy bay và tìm cách cho những hành khách ngồi ở phần cuối ra khỏi máy bay.

Zámbó Mihály, cơ trưởng của chuyến bay, đang làm những thao tác thường lệ để chuẩn bị cho máy bay cất cánh thì chợt thấy hai đồng sự của ông ngồi ở vị trí dành cho phi công, hay tay giở cao trên đầu. Ông buột miệng hỏi "các cậu tập thể dục hả?", nhưng rồi lập tức nhận ra hai kẻ có vũ trang. Lập tức, ông ấn nút báo động.

Những hành khách thiếu kiên nhẫn không muốn cựa quậy, chẳng ai hiểu điều gì đã xảy ra. Faludy Győző buộc phải gào lên và đẩy họ xuống máy bay. Ông là người cuối cùng thoát thân được vì ngay sau đó, một trong hai thiếu niên nhận thấy hành khách phía sau ra khỏi máy bay nên đã bắn một phát chỉ thiên. Một vị khách Nhật hoảng hốt đến mức ông ù té chạy vòng vèo qua tất cả các cửa an ninh và chỉ dừng lại ở quảng trường Vencel (cách phi trường 12 cây số); ở đó, ông nhào ngay vào một hãng lữ hành và đòi được về nhà bằng... tàu thủy vì sẽ không bao giờ ông đặt chân lên máy bay nữa!

Karády György, một tiếp viên hôm đó, nhớ lại: ông nghĩ rằng mọi sự hệt như trong một cuốn phim và hy vọng rằng còn có dịp kể lại những gì đã xảy ra. Karády ở lại máy bay, cũng như Farkas Bálint, một diễn viên đang trên đường sang Mỹ công diễn. Farkas cũng không hiểu đầu đuôi ra sao, nhưng khi thấy các tiếp viên mặt mày tái ngắt, ông biết là đã gặp hiểm nguy.

Ông Taba Lajos - lãnh sự Hung tại Praga thời đó - được thông báo ngay về vụ cướp máy bay. Ngay lập tức, ông lên xe hơi ra phi trường và thỏa thuận với hai thanh niên cướp máy bay rằng nếu họ thả phụ nữ và trẻ em, ông sẽ lên làm con tin và sẽ giúp họ trong vấn đề ngôn ngữ bất đồng. Khi ấy, không còn thời gian suy nghĩ và vị lãnh sự đã hành động một cách quả cảm. Vừa lên máy bay, ông đã nhận ra đây không phải là những tên khủng bố chuyên nghiệp: ở độ tuổi 15-16, hai thiếu niên này hẳn đã chỉ chuẩn bị cho vụ cướp máy bay thông qua sách vở mượn thư viện, và không biết một điều đơn giản là máy bay TU154 khôn thể bay vượt đại dương sang Mỹ.

Cuối cùng, vị lãnh sự và cơ trưởng thuyết phục được họ rằng cho dù không sang được đến Mỹ, nhưng nhảy xuống biển Xích đạo ở Tây Ban Nha cũng không phải là một sáng kiến hay ho gì. Bởi lẽ, ngay cả trong trường hợp TU154 bay với vận tốc tối thiểu (250 km/h) thì nhảy xuống biển từ máy bay cũng chả khác gì nhảy xuống... sàn bê-tông, và đây là điều các cậu thiếu niên không hề nghĩ đến!

Chiếc máy bay đổi vận tốc và lên cao khiến hai thiếu niên sung sướng. Và nhất là khi vị lãnh sự bảo họ rằng muốn sang Mỹ, đơn giản nhất là để máy bay hạ cánh tại một căn cứ quân sự gần nhất nào đó của Mỹ. Như thế, hướng đi của máy bay được thay đổi và rốt cục, nó được phép hạ cánh xuống Frankfurt.

Lính Mỹ không lấy gì làm hồ hởi khi thấy hai thiếu niên, thậm chí còn không thèm trò chuyện với họ, tuy nhiên cảnh sát Tây Đức lập túc xuất hiện và xích tay hai chàng trai thiếu suy nghĩ. Mười hành khách còn lại trên máy bay và phi hành đoàn (gồm 4 người) thoát nạn như thế. Sau 19 giờ căng thẳng và đầy kịch tính, nhờ sụ tỉnh táo và dũng cảm của vị lãnh sự cùng phi hành đoàn, mọi sự đã chấm dứt may mắn.

Phía Tây Đức không trao trả hai thiếu niên cho Tiệp Khắc (cũ), mà giam họ trong trại cải tạo 2 năm. Năm đầu, họ được học tiếng Đức, và đến năm thứ hai thì có điều kiện tốt nghiệp khóa học nghề sửa chữa ô tô. Đến giờ, họ vẫn sống ở gần Frankfurt và có xưởng sữa chữa xe hơi riêng. Họ không bị ai sách nhiễu, và có lẽ cũng không ai biết về "tiền sử" của họ. Nếu có lúc còn nghĩ lại về những gì xảy ra 17 năm trước, không hiểu họ có nhận thức được rằng nếu không có phi hành đoàn và vị lãnh sự Hung tỉnh táo, cảm thông với hành động kiểu "trẻ mới lớn" của họ, thì họ đã bị bắn chết ngay tại phi trường Praha rồi!

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn dịch, theo RTL Klub Hungary