Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BẦU CỬ PHÁP TRƯỚC THỬ THÁCH CỦA CUỘC CHIẾN UKRAINE

(NCTG) “Dù kết cục cuộc chiến có thế nào, mỗi người Châu Âu phải nợ dân tộc Ukraine - và mỗi sinh mạng mất đi - một món nợ không bao giờ trả hết!”.
Quốc kỳ Ukraine được khoác lên một trong những biểu tượng của nước Pháp
Hôm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu trước Lưỡng viện Pháp (Senat et Assemble general).

Chiến tranh tại Ukraine bùng nổ đã 1 tháng nay. Pháp nhìn chung có cùng thái độ với Cộng đồng Châu Âu về cuộc chiến này. Tuy vậy, bối cảnh Pháp có một số điểm đặc thù riêng.

Vai trò Pháp trong đối ngoại với Nga

Về các biện pháp đối thoại ngoại giao. Chúng ta vẫn còn nhớ, khi thế giới còn bán tín bán nghi về kế hoạch tấn công của Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người liên tục gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hy vọng ngăn chặn nguy cơ đó. Cuộc viếng thăm điện Kremlin với cái bàn dài 5m trứ danh, kèm những mừng hụt bởi “lời giao hẹn” của Putin về đàm phán tiếp tục tôn trọng thỏa thuận Minsk hôm trước thì hôm sau nổ súng, là những gì Macron thu lại được, và bị báo giới đánh giá là “thất bại”.

Nhưng nhìn lại 1 tháng sau, công bằng mà nói, khó có ai “thành công” thuyết phục được Putin dừng chiến, khi thời điểm đó ông ta cho rằng sẽ “làm gỏi” Ukraine trong vòng vài ngày. Giờ đây, chính Macron, vẫn luôn giữ trao đổi điện đàm với Putin hàng tuần, đã có những tuyên bố đầy bi quan trước khả năng lay chuyển Putin. Theo điện Elysee vài tuần trước, Macron nói “ông ấy (Putin) đã thay đổi so với trước” (tức so với thời gian trước đại dịch Covid, Putin là nguyên thủ đầu tiên Macron mời gặp đón tiếp long trọng tại Versailles).

Sự tích cực của Macron trong nỗ lực đối thoại với Putin được lý giải bới 2 lý do chính. Một là Pháp vừa mới thay Tây Ban Nha giữ trách nhiệm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay nên vai trò của Macron đại diện cho EU chứ không đơn thuần là của nước Pháp. Hai là Pháp đang bước vào kỳ bầu cử tổng thống, việc tích cực khẳng định vai trò đối ngoại cũng đồng thời củng cố vị trí của Macron trong tranh cử.

Bầu cử Pháp:  các ứng viên cực đoan “há miệng mắc quai”

Bầu cử Tổng thống Pháp 5 năm một lần có nhiều chủ đề bị “đảo chiều” do ảnh hưởng của chiến tranh Ukraine. Cũng chính bối cảnh chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến cuộc bầu cử, mà phản ứng của người dân và chính quyền Pháp vừa “nóng” vừa “lạnh” với tình hình chiến sự.

Nóng” ở chỗ chủ đề này, không thể tránh khỏi, tác động trực tiếp vào chiến dịch vận động tranh cử và các hứa hẹn của các ứng viên. Thậm chí làm nhiều phát ngôn, chính sách của họ phải “đổi chiểu”.

Các ứng viên các đảng phái cực đoan “há miệng mắc quai” nhiều nhất trong vụ việc này. Hai đảng cực hữu và cực tả đều từ trước đến nay công khai tỏ thái độ thân thiết với chính phủ Nga của Tổng thống Putin. 

Thậm chí, trên hình ảnh vận động tranh cử của ứng viên cực hữu Marine Le Pen còn có ảnh bà chụp cùng Putin, bà cũng từng sang Moscow để gặp gỡ và tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Nga. Ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon thì cũng đã từng hết lời chỉ trích NATO và đứng về phía Nga chỉ vài ngày trước 24/2 khi cuộc chiến bùng nổ.

Giờ đây, hai ứng viên này vội vàng lảng tránh hoặc phủ nhận những câu hỏi về sự ủng hộ với Putin khi trước, quay ra cổ vũ và đoàn kết với người dân Ukraine. 

Éric Zemmour, một ứng viên cực hữu khác xuất thân từ một nhà bình luận trên truyền hình, nổi lên như một hiểm họa mới khi tuyên bố sẽ cứng rắn với chế độ Zero nhập cư, thắt chặt các vấn đề Hồi giáo, khi đổ mọi vấn đề nghèo đói, bạo lực và yếu đi của Pháp đến từ dân nhập cư và đạo Hồi. Chỉ trong vòng vài tháng, thăm dò dư luận đưa ông lên vị trí thứ ba.

Nhưng một phần không nhỏ trước bối cảnh người dân Pháp và tất cả các nước Châu Âu, thậm chí người Anh đòi Brexit một phần vì lo ngại làn sóng nhập cư, đã sẵn sàng mở cửa đón nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn Ukraine, tỉ lệ ủng hộ ông này đã “rơi tự do”! Ông cũng lúng túng không còn có thể mạnh miệng với đề xuất “Zero nhập cư” đã phá sản hoàn toàn.

Người dân Pháp - bận tâm bầu cử và cứu trợ người tỵ nạn

Nhưng chính cuộc bầu cử đang đến rất gần là thời điểm quan trọng quyết định hướng đi của Pháp trong 5 năm tới, mà chủ để chiến tranh Ukraine lại có phần “nguội”, nhất là trong các tranh luận cũng như các cuộc biểu tình chống chiến tranh.
 
Vận động tranh cử dưới bóng cuộc chiến Ukraine
Vận động tranh cử dưới bóng cuộc chiến Ukraine

Thời điểm gần bầu cử là lúc diễn ra liên tục những cuộc biểu tình trên cả nước. Các thành phần xã hội, nghiệp đoàn tận dụng cơ hội đưa ra các yêu sách. Chính phủ đương nhiệm dễ phải lùi bước trong thời gian này để không bị mất điểm, tránh bạo loạn hay trì trệ làm ảnh hưởng phiếu bầu. Các ứng cử viên cũng nhìn vào đó mà “đo lường” các hứa hẹn tranh cử để lôi kéo cử tri.

Chính vì thế, những chủ đề gián tiếp từ chiến tranh như tự chủ năng lượng, vật giá tăng cao, giảm ảnh hưởng của các chính sách trừng phạt Nga lên đời sống... được đem ra tranh cãi.

Bởi vậy, các cuộc mít tinh của các ứng viên liên tục thu hút người quan tâm, cộng với các cuộc biểu tình đòi quyền lợi trên nhiều chủ đề, đã phần nào “chiếm sóng” và chia nhỏ sự lưu tâm đến chiến sự. Khiến các cuộc biểu tình phản chiến rầm rộ mấy tuần đầu giờ đã dần giảm bớt sức nóng. Tuy vậy, các cuộc xuống đường lớn thu hút hàng ngàn người tham gia của các ứng viên vẫn luôn kèm theo thông điệp phản chiến, ủng hộ người dân Ukraine.

Cũng vì tin tức bầu cử chiếm sóng, mà ít được nhắc đến hơn chuyện Pháp cũng có 1 trang web mở ra ngày 8/3 để cư dân đăng ký đón người tỵ nạn, và qua đó đã có hơn 30 ngàn gia đình nhận đón tiếp ngay sau vài ngày đầu. Không cần chờ chính quyền, một số trang mạng tự phát hay các địa phương trước đó cũng thu thập được hàng ngàn người đăng ký đón người tỵ nạn về nhà.

Những đoàn xe cứu trợ có tổ chức hoặc tự phát của người dân Pháp vẫn lũ lượt sang Ba Lan, mang theo nhu yếu phẩm và đưa về những gia đình tỵ nạn Ukraine. Trên các diễn đàn người Việt, cũng thấy tin những gia đình có thể đón 5-10 người Việt lánh nạn đến từ Ukraine. 

Trong chuyên ngành kiến trúc mà tôi làm việc, Hội đồng Nghề nghiệp đăng tải tuyên bố kêu gọi tuyển dụng kiến trúc sư Ukraine, một số vùng hứa hẹn trợ cấp để các kiến trúc sư định cư và đơn giản hóa thủ tục giấy tờ... Nhiều công ty khắp cả nước đăng tuyển nhận kiến trúc sư Ukraine vào làm việc.

Hướng đi tương lai của Pháp để đối phó với hậu quả chiến tranh và trừng phạt Nga

Về mặt năng lượng, Pháp may mắn là một nước ít phụ thuộc nhất vào Nga, do có khả năng tự chủ năng lượng đến 70% nhờ phần lớn vào điện hạt nhân. Chủ đề về điện hạt nhân trước đây còn gây tranh cãi, giờ với sức ép dừng mua dầu khí Nga, hướng đi này được củng cố, việc đẩy nhanh năng lượng tái tạo để chuyển hóa sang năng lượng xanh cũng càng là một lựa chọn tất yếu.

Về quân sự, thỏa thuận của các nước EU tăng gấp đôi ngân sách cho quốc phòng sau Hội nghị Versailles vài tuần trước là một kết quả mờ nhạt. Từ nhiều năm nay, quan điểm của chính quyền Macron kêu gọi Châu Âu tự chủ quân sự hơn, giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ. Đề xuất liên minh quân sự EU của Pháp luôn gặp phải sự lạnh nhạt của Đức, nước từ trước đến nay dưới thời của Thủ tướng Angela Merkel ít mặn mà với việc tăng cường vũ tranh Châu Âu.

Chiến sự xảy ra tại lục địa này khiến đề xuất của Pháp càng thêm có cơ sở và trở nên cấp thiết. Nhưng Liên Âu vẫn chưa sẵn sàng trong nhiều hồ sơ trong tương quan với Hoa Kỳ. Ngay việc trang bị vũ khí, Đức đã ngay lập tức ký kết mua bán vũ khí với Mỹ. Các nước ít có tiềm lực khí tài vẫn không tránh khỏi phải hợp tác với Mỹ, thân ai nấy lo. NATO vì thế với trọng lượng quyết định lớn nhất thuộc về Mỹ, vẫn đang là lựa chọn duy nhất để đảm bảo an ninh chung cho các nước thành viên EU.

Tham vọng của Pháp một sức mạnh quân sự Liên Âu xem ra vẫn còn quá xa vời. Cuộc bầu cử diễn ra trong 3 tuần tới, nếu Macron thất bại, chủ đề này liệu có là ưu tiên với người kế nhiệm và dân chúng? Trong khi một bộ phận không nhỏ luôn phản đối ngành công nghiệp vũ khí Pháp? 

Làm gì để trả “món nợ” với người dân Ukraine? 

Trong bối cảnh này, e rằng khó có thêm động thái nào đáng kể từ phía Pháp sau phát biểu của Tổng thống Ukraine chiều nay. Dù những câu hỏi “để người dân và chính phủ Ukraine phải chiến đấu và hy sinh cho giá trị dân chủ của chúng ta đến bao giờ nữa đây?” vẫn đặt ra nhức nhối trong dư luận.

Liệu có thể làm gì thiết thực hơn? 

Đất nước Ukraine đã và đang hy sinh bảo vệ cửa ngõ Châu Âu, hy sinh vì tin theo và bảo vệ đến cùng giá trị tự do dân chủ mà Châu Âu muốn chia sẻ rộng rãi. Chưa ai quên cuộc biểu tình đòi dân chủ Euromaidan, hình ảnh người dân Ukraine giương cờ Châu Âu thể hiện nguyện vọng của mình.

Và dù kết cục cuộc chiến có thế nào, mỗi người Châu Âu phải nợ dân tộc Ukraine - và mỗi sinh mạng mất đi - một món nợ không bao giờ trả hết!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bùi Uyên, từ Paris