Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NƯỚC ĐỨC: DI SẢN NẶNG NỀ CỦA QUÁ KHỨ

(NCTG) 20 năm đã trôi qua kể từ khi bức tường Berlin ngăn cách Đông Tây sụp đổ, nước Đức thống nhất. Được thừa hưởng một nền kinh tế hùng mạnh, một định chế xã hội dân chủ và phát triển (CHLB Đức), và một nước Đức XHCN (CHDC Đức) hồi đó thuộc hàng "Top" trong khối Hiệp ước Warsaw, tuy nhiên, nước Đức hiện tại vẫn phải chịu một số vấn đề nhức nhối xuất phát từ di sản của quá khứ.

Các phong trào tân phát-xít được hưởng ứng ở nhiều nơi trên nước Đức

Bài ngoại và cực đoan lan tràn

Theo một thống kê mới đây, nước Đức thuộc nhóm 5 quốc gia ở Châu Âu mà tình trạng bài ngoại, cũng như sự nảy nở của những tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan, là đáng lo ngại nhất.

Dân tộc chủ nghĩa cực đoan vốn là một vấn đề mà nhà nước Tây Đức, kể từ khi được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến, đã hết sức lưu ý và dùng mọi phương tiện luật pháp để đề phòng, một phần cũng vì quá khứ không lấy gì làm đẹp đẽ của đất nước. Nhất là, đâu đó trong tâm thức của người dân Đức, vẫn có ý nghĩ coi mình là "thượng đẳng".

Những nỗ lực của nhà nước Tây Đức đã rất thành công, khiến trong 40 năm tồn tại của nước này, các biểu hiện bài ngoại công khai hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, sau ngày thống nhất, đồng thời với sự nảy nở hàng loạt của các tổ chức mang màu sắc tân phát-xít, cực đoan, bầu không khí phân biệt sắc tộc đã trở nên rất phổ biến trong giới trẻ tại phía Đông, và bắt đầu xuất hiện, dù lẻ tẻ, ở phía Tây, như phân tích của ký giả Christoph Seils trên tờ "Tageszeitung".

Báo chí Đức thường xuyên đưa những tin tức về việc người ngoại quốc bị hành hung, về những khẩu hiệu cực đoan như "Bọn nước ngoài, cút đi!", "Nước Đức của người Đức!", "Phải thuần phục trước phong trào đề kháng dân tộc", v.v... Thống kê cho thấy có ít nhất 130 người ngoại quốc bị thiệt mạng ở Đức trong những cuộc tấn công bài ngoại, kể từ năm 1990. Theo báo cáo thường niên của Cơ quan Quyền cơ bản Châu Âu trực thuộc LHQ, có trụ sở tại Vienna, chỉ trong năm 2006, đã có tới 18.142 hành vi tội phạm mang màu sắc cực đoan được nước này ghi nhận.

Nghiêm trọng hơn nữa, Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP), một chính đảng cực đoan mà chính giới EU từng cho biết họ sẽ rất vui mừng nếu nó bị cấm ở Đức, còn có đại diện tại Quốc hội một số tiểu bang mới (cách gọi phần đất Đông Đức cũ), ở những nơi mà các hành vi bạo lực trên cơ sở sắc tộc xảy ra thường xuyên. Thậm chí, Ban lãnh đạo và thành viên đảng này cũng không buồn phủ nhận những ý kiến cho rằng họ là những kẻ tân phát-xít. Dân biểu đảng này, ông Udo Pastörs, khi trả lời báo chí, đã ngang nhiên cho rằng "công bằng mà nói, phải thừa nhận rằng cả thể chế Quốc xã lẫn thể chế Đông Đức đều có những thành tựu đáng kể", và nếu vì nhận định này mà ai đó bị coi là tân phát-xít, thì ông sẵn sàng nhận "danh hiệu" đó.

Sự "lấn sân" của những ý tưởng, những phong trào dân tộc cực đoan là một thực tế khiến nước Đức phải tự đặt ra những câu hỏi cho mình. Tại sao tệ bài ngoại, tân phát-xít lại được ưa chuộng và phát triển hơn nhiều ở miền Đông, so với miền Tây? Cho dù, ở đó, lượng lao động nhập cư ít hơn nhiều so với các tiểu bang cũ?

Bất đồng đều kinh tế vẫn tồn tại

Một trong những lý do được nêu ra, theo “Tuần báo Kinh tế Thế giới” (HVG), là sự phát triển bất đồng đều giữa hai miền của nước Đức, cả về văn hóa, xã hội lẫn kinh tế, những quan trọng nhất là về kinh tế.

Cho dù ở thời điểm thống nhất, CHLB Đức là một quốc gia có tiềm lực kinh tế khổng lồ, có sức mạnh chính trị bậc nhất ở Châu Âu, nhưng việc phải ghé vai "gánh vác" người anh em Đông Đức vẫn là điều khó nhọc. Vẫn theo phân tích của ký giả Christoph Seils, không thể phủ nhận được rằng, cho dù cơ sở hạ tầng, hệ thống kinh tế, phúc lợi xã hội ở các tiểu bang mới đã phát triển chóng mặt trong vòng 2 thập niên qua, thì vẫn có một giai tầng không nhỏ, bị coi là kẻ bại trận của quá trình thống nhất nước Đức.

Miền đất Đông Đức cũ, vốn nghèo khó, lạc hậu hơn miền Tây, hiện lại là nơi tập trung đông người thất nghiệp, mất công ăn việc làm, chỉ nhờ cậy vào trợ cấp xã hội sau ngày thống nhất. Quen với cung cách thời "bao cấp", với những định chế xã hội thời XHCN, khi bất cứ ai cũng có công ăn việc làm, bất kể năng lực và hiệu suất lao động, bất cứ ai cũng có thu nhập (ít, nhưng được "cào bằng"), lớp người này chưa quen được với lối sống dựa trên cơ sở luôn cạnh tranh và phải tự hoàn thiện mình của xã hội phương Tây. Lứa con cháu họ, thừa hưởng những bất mãn của cha chú, trở nên những kẻ cực đoan, thù ghét phương Tây và người ngoại quốc nói chung.

Đấy là chưa nói đến chuyện xã hội Tây Đức, từ nhiều thập niên nay, đã quen với sự hiện diện của sắc dân nhập cư ngoại quốc trên tư cách người lao động làm những việc, trong những ngành kinh tế mà dân bản địa không làm. Bầu không khí đa văn hóa, đa sắc tộc đã hình thành từ lâu ở phần Tây, trong khi Đông Đức chưa hề có được cái nhìn thiện cảm đối với người ngoại quốc, và bạo lực tại CHDC Đức cũng được coi là một phần của đời sống hàng ngày.

Đó là lý do khiến một chính đảng cực đoan như NDP được ưa chuộng và ủng hộ, được cư dân coi như "không có vấn đề gì", vì "đó cũng là một đảng như những đảng khác", như lời một số cử tri trả lời báo "Frankfurter Rundschau". Bởi lẽ, NDP hiện diện trên cương vị đại diện cho lớp người thấp hèn, thua cuộc, không tin và cũng không "với tới" lời lẽ của giới chính khách elite. Như nhận định của ký giả Christoph Seils, "NDP đưa ra lời đáp cho những nỗi âu lo, hoảng hốt của những kẻ thất nghiệp, bại trận".

Một luận điểm nữa cũng được một nghiên cứu của Đại học Leipzig (theo sự ủy nhiệm của Quỹ Friedrich Ebert) nêu ra mới đây là trong tâm tưởng, đa số dân Đức phản đối sự đa dạng, trong đó có đa dạng về văn hóa, chủng tộc và ở những vùng kinh tế kém phát triển (các tiểu bang mới), sự thiếu hiểu biết về dân chủ khiến cư dân nghĩ rằng dân chủ đồng nghĩa với một đời sống thịnh vượng. Vì vậy, khi chưa có được điều đó, những hành vi phản dân chủ, cực đoan nảy nở, và người "chịu trận" không phải ai khác, vẫn là sắc dân ngoại quốc.

Rào cản trong tâm thức vẫn còn

Như vậy, theo ký giả Christoph Seils, bản thân nước Đức cũng nhận ra rằng, việc tẩy chay, cách ly các tổ chức và phong trào tân phát-xít, hoặc hô hào đa văn hóa, đồng cảm với dân nhập cư, là chưa đủ. Cách ngăn chặn hiệu quả là giải quyết triệt để những vấn đề của lớp người “bại trận”: đói nghèo, thất nghiệp, thất học…

Tuy nhiên, đó vẫn ít nhiều là những vấn đề trên bề nổi. Chị T. Hoài, một người Việt sinh sống ở Đức từ hơn 20 năm nay và am hiểu tình hình đất nước này, nhận xét rằng cho dù hai thập niên đã trôi qua, nhưng lòng người chưa hẳn đã hàn gắn, không ít rào cản vẫn còn trong tâm thức nhiều công dân Đức. Không ít người miền Đông vẫn hoài nhớ những năm tháng thời XHCN, với những lý tưởng đẹp đẽ như công bằng xã hội, “người với người là bạn”, v.v… và chưa nhìn nhận được đúng đắn những nỗ lực và tấm lòng mà người anh em miền Tây đã làm cho mình. Ngược lại, đã có những người miền Tây tỏ ra nuối tiếc trong lòng, rằng bức tường đã được mở trước các đồng hương, vì có thể họ chưa được chuẩn bị để đối diện với những hệ lụy nặng nề của quá khứ mà đến giờ, dân tộc Đức vẫn phải trải qua.

Dầu sao đi nữa, bánh xe lịch sử đã quay, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất đã là tiền đề cho một mái nhà chung Châu Âu trong những năm đầu thiên kỷ 21. Nước Đức chắc chắn sẽ đủ nghị lực và lòng kiên nhẫn để vượt qua tất cả những vấn nạn của riêng mình!

Tác giả bài viết: Trần Lê