Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NƠI ẤY LÀ THIÊN ĐƯỜNG

(Tặng các cháu yêu tuổi thơ của dì!)
(NCTG) Các món quê đã thành đặc sản chốn phồn hoa đô hội. Tôi gửi một món quà quê, giấc mơ tuổi thơ đêm qua nhuộm sự yên bình của làng tôi tới đa số các bạn, những người mà ngay từ nhỏ cuộc sống rất có thể đã chật căng những âm thanh của phố phường.

Ai còn nhớ, ngày xa xôi lắm, trên con đường làng đất nâu mịn, vài chú trâu đủng đỉnh nằm lim dim dưới gốc đa trầm mặc, mái đình xiêu xiêu, âm âm tiếng trẻ vỡ lòng - tiếng những cô bé, cậu bé mặt sáng ngời mà áo xống vẫn nồng mùi cưỡi trâu hôm trước.

Hãy thong thả nhìn xa xa, trên con đường vươn ra cánh đồng làng, mấy chị thôn nữ quay quảy, uyển chuyển gánh rơm non về, mùi thơm phưng phức sau mỗi bước đi. Chị nào cũng bịt kín các ống tay, ống chân bằng các ống tay áo giả có thể tháo rời ra mỗi khi đặt gánh uống nước hay thẹn thùng đùa trêu nhau. Cái nón trắng nhấp nhô trên đầu để gương mặt chất phác khỏe khoắn chỉ thành thấp thoáng. Cũng là một gương mặt trắng trẻo luôn được quấn phủ bằng một chiếc mùi xoa đúng điệu.

Ngõ lớn chia làng ra làm đôi, ngõ nhỏ chia làng thành bàn cờ diêm dúa bởi những rãnh nước mưa theo năm tháng xói chảy theo đường, theo giọt gianh của làng mà thành. Tuổi thơ nhìn những dòng chảy ấy trong mưa, qua kẽ áo mưa trên lưng mẹ, thấy nước vấp lên từng mô đất, từng viên đá. Nhìn chúng chảy xiết, ngầu vàng màu đất trên núi trôi về, ai cứ ngỡ rằng những dòng sông dữ dội ngoài đời sau này chắc cũng chỉ xiết đến vậy.

Trưa hè là mát rượi những bụi tre tiếp nhau, một bên soi bóng xuống hàng chục dãy ao nối tiếp, thả trăm chiếc thuyền lá lênh đênh, còn một bên là bóng mát của ngõ nhỏ vào nhà. Kìa, vài mẹ xề nom rất xơ xác mà đàn ỉn con lon ton chạy theo chú nào cũng tròn mây mẩy, nhìn rất thích mắt. Kìa, vài đàn gà cung cúc bới rơm rạ tìm ăn. Kìa, chiêm chiếp chục chú gà con nghịch ngợm trêu nhau tranh mẹ, hay đây đó vài chị mái ngứa chân bới tung cả đống phân gio ủ trấu, để mở ra hàng tràng gọi gà lảnh lót của bác hàng xóm.

Những đêm mưa, tiếng của làng râm ran lắm. Tiếng mưa lộp bộp trên tàu lá chuối, lách tách trên tàu dừa, tiếng gà sốt ruột đổi chân lặng lẽ nghe mưa, tiếng thở mãn nguyện, vô tư của chú ỉn đang ngủ ngon, mát mẻ trong chuồng, và nhất là tiếng ếch nhái kêu ồm ộp gọi nhau từ bờ ao ran ra bờ ruộng, bờ mương, thành một dàn hòa tấu tuyệt tác mà chỉ thiên nhiên mới có thể tạo ra.

Vâng, cũng những đêm mưa, bếp hồng thơm khói củi, nhà ai quây quần ấm áp cũng với tiếng lách tách theo vũ điệu của các hạt ngô bỏng ran chảo cát.

Ôi, những đêm mưa thứ bảy, đứa trẻ nào hóng từng câu truyện cảnh giác, cố tập trung để nhịn cơn buồn ngủ rũ mắt, hòng nghe tới nửa buổi sân khấu truyền thanh. Khi lớn thêm, ai đã biết thao thức cùng bố nghe truyện đêm khuya để thấy thế giới có biết bao làng, còn đói khổ hơn làng và còn rộng lớn hơn làng nhiều lắm.

Làng tôi đấy! Nhà nào cũng như nhà nào: dăm ba gốc mít, vài cây chanh, bưởi, cam, quýt,... để cứ mộc mạc thơm, xao xuyến mỗi mùa hoa, để cho ai mãi ngơ ngác kiếm hương trong lá. Làng với bao sân gạch cho người rẽ thóc phơi mỗi vụ mùa. Làng với cây rơm như cây nấm khổng lồ bên trái bếp, tưởng cứ rút cả đời mà đun không thể hết...

Những nùn rơm mới đầu đông như còn đang âm ỉ cháy trên tay tung tăng đầu ngõ xóm. Những nùn rơm trẻ làng thường quấn cho rất chặt, châm lên tưởng như tắt mất mà lại cháy âm thầm. Ai tròn miệng thổi để nẻ chín má hồng, thấy ổ than tròn xinh sáng lên, sung sướng cười, lại tưởng sẽ không bao giờ cháy hết. Mùi thơm của rơm cũng nôn nao thơm như mùi cơm mới, chẳng thể nào nhầm được, chẳng thể nào quên được. Phải chăng đó là hương thơm ngọt ngào, đơn sơ của duyên quê?

Làng tôi, một làng trung du Bắc Bộ như bao làng quê của bạn, có gì là của riêng làng đâu, vậy mà mỗi khi lớn thêm lại thêm đau đáu nhớ về. Thảng hoặc nghe những âm thanh da diết vọng từ một làng nào đó lại dừng chân ngơ ngẩn, ngỡ đâu đón được tiếng vọng tuổi ấu thơ. Những ký ức chẳng thể phai mờ giục bước chân tôi ngẫu hứng về làng nhiều dịp cuối tuần. Làng tôi giờ đã đổi thay nhiều nhưng vóc dáng tuỏi thơ vẫn ẩn khuất đâu đây để thêm mỗi lần về chơi lại thêm thẫn thờ khi xuôi phố.

Chính thực làng tôi đây lại không phải là quê nội, quê ngoại, nhưng lại là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Gia đình tôi không phải người làng, tôi không được đi học trường làng, cũng không có bạn trong làng. Nhà tôi cũng không được giữa làng mà lại rìa làng, sát đường cái quan. Cuộc sống thực của tôi gắn với những gì chẳng thuộc về làng: những lớp học nghiêm trang của bố, những phòng đọc trong thư viện cơ quan bố mẹ, những giờ học ngoài thị trấn cách cả cây số, những bài học tiếng Nga, những cuốn truyện tranh in trên giấy đẹp... Để rồi ngoài những giấc mơ đuổi ong, bắt bướm rìa làng còn có cả những giấc mơ về một làng thảo nguyên xa xôi.

Nhưng tôi lại có may mắn được ở cạnh làng, được chứng kiến hơi thở của làng mỗi ngày nắng, ngày mưa, mỗi vụ chiêm, mùa,... nên tôi được yêu làng. Tôi cảm rõ ràng rằng cuộc sống tinh thần và cả hồn tôi thấm đẫm ảnh hưởng của làng. Nếu cho tôi chọn lại một lần sống nữa, tôi vẫn mơ sẽ lại được sinh ra nơi thị trấn bình yên, bên một làng quê nhỏ nhắn với mái nhà bình dị, ấm cúng xưa cùng bố mẹ và các chị thân yêu.

Mẹ sinh tôi ở trạm xá làng. Còn làng, làng sinh ra tuổi thơ tôi mơ mộng.

Những ngày bị nhốt trong nhà một mình, sau khi ê a dăm ba vần tập đọc, cô bé tha hồ thả hồn ra vườn với những chú chim sâu, những chị bướm đa sắc đa tình, nhìn ngắm mảnh sân rêu tróc lở hay bâng khuâng ngước nhìn khoảng trời xanh bé tí qua góc cửa nước sơn đã bạc nắng mưa. Ngày ấy sao cái gì cũng đẹp, cũng thơ. Nhà thì không có ao, không gần kênh, không gần suối mà hình dung mồn một quanh nhà những chú rô ron vui tính, những chú ếch con tinh nghịch mắt tròn bi ve, những rặng tre bờ chuối đẹp như câu hát...

Khi ở làng, cô bé mải miết đọc truyện cổ tích, mơ đến những làng xa trời Âu của góc trời xa lạ. Tay bậu cửa sổ trông nhà một mình lại mơ đến một bà hoàng hậu ngồi khâu bên cửa sổ, ước mình được là Bạch Tuyết và luôn thắc mắc tuyết trông thế nào mà trắng thế, đẹp thế?

Mái ấm ấy rồi cũng xa làng. Cô bé ấy cũng đã xa làng nhanh lắm, bỏ lại tuổi thơ với bao giấc mơ cỏ may nhặt hoài chẳng hết, về với chốn đô thị phồn hoa, rực rỡ ánh đèn. Rồi cô bé đi xa làng hơn, mỗi ngày mỗi một xa hơn, như thể phía bên kia của trời. Nơi ấy tuyết đã không chỉ còn là cái đẹp tinh khôi khát khao ngày thơ mà còn là nỗi buồn, nỗi cô đơn trắng thăm thẳm đến nao lòng.

Làng ngày xưa đã hóa thành cổ tích, một cổ tích tuổi thơ lung linh khiến cô chỉ có thể thốt lên: "Nơi ấy là thiên đường!"

Tác giả bài viết: Đinh Thi Nhi, 16-11-2001