Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NÔ LỆ THỜI HIỆN ĐẠI

(NCTG) Họ là những nạn nhân của tệ lừa đảo, hoặc của sự bạo hành. Họ bị chở từ nước này sang nước khác như những con vật. Họ bị cưỡng bức làm việc vô cùng cực nhọc, không hề có chút bảo đảm về tính mạng và cuộc sống; để đổi lại, họ chỉ được một hai bộ quần áo, khẩu phần ăn đói khát và một chỗ để ngả lưng trong những ổ chuột. Nếu tìm cách chống cự hay trốn thoát, họ có thể bị chặt chân tay, hoặc thiệt mạng.

Đó là những nô lệ trong thời hiện đại, thời đại của điện toán và của "toàn cầu hóa". Theo một số dữ liệu thống kê, hiện nay, có chừng ba chục triệu người phải chịu số phận như thế trên toàn thế giới.

Trong những chừng mực khác nhau, lao động nô lệ vẫn tồn tại trong ít nhất là 50 quốc gia trên thế giới, từ châu Âu đến châu Mỹ. Một số nước hay được nhắc đến là Sudan, Mauritania, Trung Quốc, Brasil...; cho dù, thời trước, tất cả những quốc gia này đã từng ký bản hiến chương Liên Hiệp Quốc về việc bãi bỏ hình thức lao động nô lệ...

"Khi bị bắt cóc, tôi mới 12 tuổi" - năm nay 20 tuổi, Abu Chol Alea, cô gái người Sudan hồi tưởng trong bài phóng sự được đăng tải trên tờ báo Nga "Kommersant" (Thương mại). "Những người lính giết hại cha tôi và tất cả đàn ông trong làng, rồi họ phóng hỏa đốt nhà cửa. Sau đó, chúng tôi bị tập trung lại, họ trói gô chúng tôi và chở đi Hartum. Tại đó, một ông chủ đã bỏ tiền mua chúng tôi. Chúng tôi phải làm việc từ mờ sáng đến tối mịt và không được trả chút lương nào cả, chỉ được ăn và phải ngủ đêm ngoài trời. Chúng tôi bị khắc lên mặt để không thể trốn đi đâu được. Tuy thế, có một cậu bé vẫn tìm cách đào tẩu; để trừng phạt, người ta đã thiến hoạn cậu". Bằng một giọng nhỏ nhẹ, cô gái nhớ lại những năm tháng của cuộc đời nô lệ; trong lúc kể, cô đung đưa người hệt như một kẻ bị bệnh tâm thần.

Theo một tổ chức của Anh, có trụ sở ở Sudan, nhằm bảo vệ quyền lợi của những nạn nhân bị bắt làm nô lệ, chỉ riêng ở Mauritania và Ghana đã có chừng 1 triệu nô lệ theo đúng nghĩa của từ này; tất cả bọn họ đều là dân da đen. Trong thực tế, chính phủ Sudan thừa nhận hình thức lao động nô lệ và mọi gia đình Ả Rập đều cố gắng "nuôi" ít nhất là 2 nô lệ, vì một lý do rất đơn giản: có thể mua nô lệ vô cùng dễ dàng và cái "giá" của họ cũng khá rẻ, chỉ độ 15 - 20 USD một người!

Hàng năm, cứ sau mùa mưa, quân đội nước này lại nhằm hướng Nam, nơi có những vùng dân da đen sinh sống. Sau khi cướp bóc và phá phách tan tành các làng bản, quân đội sát hại đàn ông và người già; phụ nữ và trẻ em bị đưa lên miền Bắc làm nô lệ. Thoạt đầu, các nạn nhân bị cưỡng bức theo Hồi giáo: những ai chống cự sẽ bị cắt gân chân. Phụ nữ thường bị biến thành những "con sen", "con ở", đàn ông phải đi làm việc đồng áng. Họ chỉ có thể trở về quê hương nếu ai đó chịu trả món tiền chuộc. Thỉnh thoảng, các bộ lạc có thể làm việc này, nhưng đôi lúc, những tổ chức nhân đạo cũng tận dụng "khả năng" trên, ví dụ tổ chức Đoàn kết Thiên Chúa giáo Quốc tế (CSI), một cơ quan từ thiện có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Cái giá phải trả cho một nô lệ là 50 USD, hoặc 2 con dê. Một số liệu cũ: năm 1998, các thành viên của CSI đã giải phóng khoảng 15 ngàn nô lệ bằng "phương pháp" này.

Ở Ghana, có hàng vạn thiếu nữ bị cha mẹ trao cho các thày phép sa-man để làm vật tế thần, chuộc tội lỗi cho gia đình, dòng họ. Từ đó trở đi, các cô gái phải làm theo bất cứ điều gì mà các sa-man ra lệnh cho họ: họ phải làm việc quần quật, hoặc trở thành hầu thiếp, thực chất là một hình thức nô lệ "tại gia". Đa số những cô gái này, nếu không tìm cách trốn thoạt, đều bỏ mạng vì công việc cực nhọc. Trong nhiều trường hợp, họ bị chính các sa-man giết hại vì một lý do gì đó, chẳng hạn vì họ "trót" có thai với các thày phù phép...

*

"Tôi đang chơi với bạn bè trên hè phố thì có hai người đàn ông phóng xe hơi đến, họ cho chúng tôi đi xem phim và ăn kem" - cậu bé 16 tuổi người Ấn Độ Santos thuật lại. "Từ đó trở đi, không bao giờ tôi được nhìn lại quê hương. Tôi bị đưa đến Allahabad và bị quẳng xuống một hố to. Rồi người ta thả một máy dệt xuống hố và chúng tôi phải dệt vải. Từ tờ mờ sáng, chúng tôi bị đánh thức, họ cho chúng tôi ăn một chút cơm và chúng tôi phải làm việc đến đêm khuya".

Tại Ấn Độ, Pakistan và Burma, có vài triệu người chịu chung số phận như cậu bé Santos. Đại đa số những tấm thảm phương Đông rất được ưa chuộng ở châu Âu - cũng như rất nhiều mặt hàng vải được bán với giá "rẻ như cho không" - đã ra đời dưới bàn tay những nô lệ châu Á. Năm 1993, Liên hiệp châu Âu đã mở một chiến dịch mang tên "Rugmark" để chống lại việc nhập khẩu những sản phẩm có xuất xứ tồi tệ như thế, song chiến dịch này đã không đạt được kết quả như ý muốn. Những đợt "xuất quân" của cảnh sát Ấn Độ, với mục đích giải cứu các nạn nhân của tình trạng lao động nô lệ, cũng không có kết cục khả quan. Các em bé dở sống dở chết vì đói khát và vì công việc nặng nhọc hầu như không nhớ gì về những gì xảy ra với họ và như thế, rất khó kiếm được các bằng chứng có trọng lượng.

"Tôi mới 13 tuổi khi mẹ tôi mất" - Linlin, một thiếu nữ Thái Lan 23 tuổi, kể lại. "Bác tôi bán tôi cho ông chủ một nhà chứa. Khi tôi tìm cách lẩn trốn, tôi bị nhiều người đánh đập và hãm hiếp". Đã 10 năm nay, Linlin "hành nghề" tại một nhà chứa cạnh thủ đô Băng Cốc, một trong những trung tâm đáng kể nhất của "công nghệ tình dục" trên thế giới. Tại các "lầu xanh" ở Thái Lan, Phi Luật Tân, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc, có khoảng 10 triệu phụ nữ, trẻ em chịu cùng số phận như Linlin. Nếu đào tẩu và bị phát hiện, họ có thể bị đánh đập đến chết. Mặc dù các nhà chức trách địa phương tìm cách chống lại "công nghệ tình dục" bất hợp pháp, nhưng kết quả đạt được không là bao: nhiều khi, chính cảnh sát trong vùng cũng được "lót" tiền để nhắm mắt trước hoạt động của các băng đảng tội phạm, buôn bán phụ nữ.

*

Một xã nghèo thuộc tỉnh Tolna (Hungary) có tỉ lệ thất nghiệp lên tới 17%, nhung trong một xưởng may lớn ở địa phương, số nhân công Mông Cổ chiếm tới hai phần ba. Dù bất đồng ngôn ngữ và không thể hội nhập, đồng thời, hàng năm phải về nước gia hạn giấy tờ rất tốn kém, các nữ công nhân Mông Cổ vẫn bằng lòng với mức lương gấp 5 lần ở trong nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như họ: trong số các nữ thợ may Mông Cổ tại Hung, nhiều người đã phải làm việc cật lực như những nô lệ... - Ảnh: "Tự do Nhân dân" (Hungary)

Dạo trước, kênh BBC (Anh) có chiếu một cuốn phim tài liệu về sự bóc lột những người nhập cư trái phép vào nước này. Đa số tới từ vùng Đông Âu: thường thường, họ bị lừa bởi những quảng cáo nghe rất "kêu" trên báo chí, đại loại như "bằng một khoản tiền nhỏ, bạn có thể sang Anh làm việc với thu nhập cao; công ty chúng tôi sẽ lo việc đi lại, ăn ở và tìm cho bạn việc làm". Tuy nhiên, khi đặt chân đến xứ Anh quốc, họ không được nhận gì khác, ngoài những công việc chân tay nặng nhọc - với giá rẻ mạt -  tại một điều trang nào đó. Một phóng viên BBC đã đóng vai một người nhập cư để quay những thước phim quí giá; qua đó, người xem được biết vô số loại hàng hóa trưng bày trên giá của các hãng thực phẩm nổi tiếng đã được dân nhập cư bất hợp pháp làm ra như thế nào.

Hiện tượng này cũng không xa lạ với những quốc gia thuộc loại "phát triển" ở vùng Đông Âu, như Hungary. Đối với nhiều người châu Á, Hung đã là "phương Tây". Nhiều doanh nghiệp nước này đã phát đạt trông thấy nhờ công sức những công nhân ngoại quốc, những kẻ cam chịu làm việc ngày đêm với mức lương tối thiểu. Cho dù có giấy tờ hợp pháp đi nữa, họ cũng rất giống những nô lệ hiện đại ở nhiều điểm. Chẳng hạn, một công nhân dệt người Mông Cổ cho biết: "chủ" của cô, người đứng đầu một doanh nghiệp rất nổi tiếng thuộc ngành dệt Hungary, đã cấm cô và các đồng hương không được có thai; ai "phạm luật", người đó sẽ bị đuổi việc ngay...

Tại các tòa án châu Âu, đôi lúc cũng tồn tại những vụ kiện cáo liên quan đến tệ lao động nô lệ. Tuy nhiên, đại đa số đều kết thúc với phần thắng thuộc về người chủ. Trong đa số các trường hợp, những nạn nhân không đưa ra được các bằng chứng cụ thể: lý do vì họ không thạo tiếng bản xứ, họ sợ bị trả thù và cuối cùng, dù phải lao động cực nhọc, họ vẫn muốn ở lại "miền đất hứa" chứ không muốn trở về quê nhà, mảnh đất mà họ đã rời bỏ trong cảnh bần hàn. Do đó, tệ kinh doanh nô lệ vẫn còn phát triển ở các quốc gia tự do nhất và dân chủ nhất...

Tác giả bài viết: H.Linh tổng hợp, theo báo Hung