Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG KỶ NIỆM CỦA MỘT NGƯỜI ÚC VỀ VIỆT NAM

(NCTG) “Hành động của Trung Quốc vừa rồi là sự leo thang mạo hiểm và xuẩn ngốc. Theo tôi, giải pháp phù hợp cho Việt Nam lúc này là nên theo cách của Philippines: đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế” – trao đổi với Giáo sư Rob Hurle (Đại học Quốc gia Úc) về một số vấn đề của Việt Nam.

Giáo sư Rob Hurle và một người bạn ở Việt Nam


Nhân chuyến sang thăm Việt Nam dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa qua, Giáo sư Rob Hurle (1) - một trong những người đầu tiên đưa email vào Việt Nam trong những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước – đã có cuộc trò chuyện khá thú vị về những kỷ niệm của mình về Việt Nam.

Từ ý tưởng của một khách du lịch “Tây ba lô”

- Được biết ông là người đầu tiên đưa email vào Việt Nam, vậy do đâu để ông có ý tưởng này?

Giáo sư Rob Hurle: Năm 1990, tôi làm ở bộ phận máy tính của Đại học Quốc gia Úc (ANU). Nơi tôi phụ trách khi đó có rất nhiều sinh viên Việt Nam du học, trong đó có cả ông Phạm Bích San. Ông San sau này trở thành Tiến sĩ, giữ chức Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Khi đó tôi đã dạy ông San cách sử dụng máy vi tính.

Tuy nhiên, sau đó tôi được biết rằng ông San học xong về Việt Nam thì không có máy tính, trong khi bên tôi thì có rất nhiều. Về Việt Nam mà không có máy tính thì kiến thức học xong cũng không giải quyết được gì, tôi hiểu điều đó.

Sau này, khoảng năm 1991, tôi đã sang Việt Nam với tư cách là một khách du lịch theo kiểu “Tây ba-lô”. Tại chuyến đi này, tôi đã chủ động gặp ông San để hỏi xem tình hình Việt Nam thế nào. Tôi cũng bàn với ông San xem có thể làm cách nào đó để Việt Nam có điều kiện tiếp cận với máy tính bên Úc. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi gặp khó khăn là không có tiền (cười).

- Vậy sau đó ông làm thế nào để có thể thực hiện ý tưởng của mình?

Giáo sư Rob Hurle: Lúc đầu tôi rất buồn. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Trở về Úc, tôi đã gặp một đồng nghiệp của tôi cùng làm ở Đại học Quốc gia Úc là Giáo sư David Marr và kể lại câu chuyện về chuyến sang Việt Nam cùng với ý tưởng của tôi. Sau khi nghe xong, Giáo sư Marr đã hứa sẽ tìm cách giúp tôi thực hiện ý tưởng.

Giáo sư Marr đã giới thiệu tôi gặp ông Jame Đỗ là một Việt kiều ở Úc. Tôi đã kể lại ý tưởng của mình và công việc của mình cho ông Jame Đỗ. Ông Jame Đỗ rất chăm chú lắng nghe và rất ủng hộ ý tưởng này của tôi.

Ông Jame Đỗ đã chủ động gặp ông Trần Bá Thái khi đó cũng phụ trách bộ phận máy tính ở Úc và hai ông đã bàn với nhau làm thế nào để xúc tiến công việc trên.

Khi đó tôi nghĩ rằng nên đưa ông Trần Bá Thái (2) về Việt Nam để thực hiện công việc này. Ông Thái sau này đã trở thành Giám đốc Công ty Netnam, một nhà cung cấp dịch vụ Internet có uy tín ở Việt Nam. Cần nói thêm là từ những năm 1990, bên Úc đã có thể nói chuyện điện thoại qua máy tính ra bên ngoài, điều mà ở Việt Nam chưa có.

Đến “cha đẻ” của email ở Việt Nam

- Vậy quá trình biến ý tưởng của mình thành hiện thực của ông mất bao lâu?

Giáo sư Rob Hurle: Cũng phải mất hơn một năm. Ban đầu tôi phải viết một vài phần mềm cho hệ thống UNIX để có thể sử dụng modem liên lạc sang Việt Nam và sau đó còn phải hướng dẫn cho người ở Việt Nam biết cách truy nhập vào hệ thống UNIX của chúng tôi để có thể vào được internet. Khi công việc chuẩn bị hoàn tất thì chúng tôi quyết định thực hiện thí nghiệm liên lạc tới Việt Nam. Và thí nghiệm đã thành công.

Năm 1992, Viện Công nghệ Thông tin ở Hà Nội có hộp thư điện tử riêng để trao đổi email với tôi. Và có lẽ đó là lần đầu tiên người ở Việt Nam gửi email ra nước ngoài. Tuy nhiên, mỗi khi kết nối chúng tôi thường phải gọi điện thoại từ Úc. Cũng trong thời gian này, tôi đã viết tên miền có đuôi “com.vn”. Bây giờ thì “vn” là của Việt Nam, nhưng khi đó thì nó lại nằm ở tận máy chủ bên Úc.

Về sau, chúng tôi đã cải thiện hệ thống phần mềm, tình hình sử dụng internet ở cả hai bên Việt Nam và Úc đều được cải thiện. Đến năm 1994 thì mọi thứ đều hoạt động trơn tru. Lúc đầu internet ở Việt Nam chỉ phục vụ cho các cơ quan Nhà nước, trường đại học... và không nhằm mục đích thương mại vì người dân Việt Nam khi đó chưa thể sử dụng rộng rãi internet vì giá còn quá đắt và cũng chưa phổ biến.

- Khi đó để đưa được internet vào Việt Nam ông có gặp phải khó khăn gì không?

Giáo sư Rob Hurle: Khó khăn lớn chúng tôi gặp phải lúc này lại cũng như lúc bắt đầu thực hiện ý tưởng đó là cạn tiền (cười). Tới năm 1995, nhu cầu sử dụng internet tăng rất nhanh. Tiền tài trợ từ Chính phủ Úc cho chúng tôi không còn nhiều. Lúc này chúng tôi bắt buộc phải thu tiền của người Việt Nam sử dụng email. Lúc đầu cũng có sự phản đối, nhưng hầu hết mọi người ủng hộ.

Chúng tôi là một nhóm nhỏ ở ANU đảm đương vai trò trung gian nên phải làm việc rất vất vả để đảm bảo hoạt động. Mãi đến năm 1997, Công ty Telstra mới thiết lập một đường truyền dữ liệu trực tiếp dành riêng cho internet từ Việt Nam tới Úc.

Nhưng đổi lại, chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía Việt Nam, đặc biệt là từ Chính phủ Việt Nam khi đó mà đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

- Theo ông, giá trị mà internet mang lại là gì?

Giáo sư Rob Hurle: Giá trị lớn nhất mà internet mang lại đó là giúp mở cửa hơn, thông thoáng hơn, cập nhật tin tức được nhanh hơn và mọi người cũng gần gũi nhau hơn. Nhưng đôi khi internet cũng trở nên phức tạp hơn.
Những kỷ niệm khó quên với Việt Nam

- Quá trình làm việc với Việt Nam, kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất?

Giáo sư Rob Hurle: Kỷ niệm của tôi với các bạn Việt Nam thì nhiều lắm. Tôi có rất nhiều bạn là người Việt Nam và tôi cũng rất quan tâm đến tình hình của đất nước các bạn. Kỷ niệm của tôi nhớ nhất là với người đứng đầu Chính phủ của nước các bạn khi đó – Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Năm 1994, chúng tôi được mời tới Văn phòng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để cài đặt thiết bị và chương trình cho các máy tính để có thể gửi và nhận email. Tôi chính là người đã lập hộp thư điện tử riêng cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tên miền .vn.

Ngày 3-4-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận được email của Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nói về chuyến thăm chính thức Việt Nam trong vài ngày tới của ông. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi email trả lời Thủ tướng Carl Bildt. Đây là cuộc trao đổi bằng thư điện tử đầu tiên của Chính phủ Việt Nam với bên ngoài và nếu tôi không nhầm thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là nguyên thủ Việt Nam đầu tiên sử dụng email.

- Lần đầu sử dụng email, phía Việt Nam có gặp khó khăn gì không?

Giáo sư Rob Hurle: Có đấy, tất cả đều bỡ ngỡ vì mới lần đầu. Khi đó ở trong hộp thư điện tử đã bắt đầu xuất hiện thư rác từ các nơi gửi đến, rất phiền toái. Tôi còn nghe kể Thủ tướng Võ Văn Kiệt có khi mở thư rác đã không hiểu những thư ấy từ đâu chuyển đến và ý đồ thư là gì, và thế là thông báo cho bộ phận an ninh. Nhưng ngay cả an ninh Việt Nam khi đó cũng chưa biết cách làm thế nào để có thể xóa thư rác ấy đi (cười).

Rồi chuyện gửi thư điện tử nhưng nhầm địa chỉ cũng là điều thường xuyên xảy ra.

Những chuyện nhầm lẫn trên hoàn toàn dễ hiểu, cũng như ở bên Úc, vào những năm 1980, khi internet mới khai sinh, điều đó cũng thường xuyên xảy ra. Về sau, những khó khăn này được nhanh chóng khắc phục.

“Tôi ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông”

- Được biết, khi làm luận án tiến sĩ, ông đã chọn đề tài liên quan đến chiến tranh Việt Nam với nội dung “kỹ thuật tuyên truyền của Việt Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông có thể cho biết xuất phát ý tưởng là do đâu?

Giáo sư Rob Hurle: Ồ, ý tưởng của tôi bắt đầu từ chính các cuộc trò chuyện với các bạn Việt Nam. Khi làm việc với các bạn Việt Nam về internet, tôi đã gặp và thường xuyên trò chuyện với hai người là ông Thái và cô Hương (3). Đây là hai người rất muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài và đưa Việt Nam sớm hội nhập với cộng đồng quốc tế. Đó là vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.

Khi đó tôi đã tự đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao những người như vậy lại muốn vươn ra thế giới? Và rồi cũng tự tôi đã tìm ra được câu trả lời cho mình. Cũng như những người nông dân làm ngoài đồng ruộng, công việc nặng nhọc nhưng không đưa lại những thành quả lao động như mong muốn, nên họ cần tìm đến một công việc khác ít nặng nhọc hơn nhưng thành quả cao hơn. Cũng qua các cuộc trò chuyện với họ, tôi biết nhiều hơn về Điện Biên Phủ, về Việt Minh, về Cụ Hồ, về hai cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của các bạn.

Tôi tự hỏi tại sao nhân dân Việt Nam lại đoàn kết một lòng và tại sao bộ đội Việt Minh lại có thể đánh thắng quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ trong khi Pháp mạnh hơn rất nhiều? Câu trả lời thì có nhiều. Nhưng một điều tôi nhận thấy là trong cuộc kháng chiến chống Pháp và ở trận Điện Biên Phủ, kỹ thuật cổ động Việt Minh đã làm rất tốt. Và rồi ý tưởng một công trình nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này đã hình thành và thúc giục tôi. Tôi đã đi tìm hiểu trong Bảo tàng Cách mạng và nhiều nhân chứng khác nữa.

- Sao ông lại dùng từ “cổ động” mà không dùng “tuyên truyền”?

Giáo sư Rob Hurle:
Tôi thích dùng “cổ động” hơn “tuyên truyền”. Trong tiếng Việt, ý nghĩa của từ “tuyên truyền” mang hàm ý tốt. Nhưng trong tiếng Anh, từ “tuyên truyền” mang sắc thái ý nghĩa không được hay lắm. Nó không mang ý nghĩa đẹp như tiếng Việt.

Trong tiếng Anh, nhất là các nước Phương Tây, khi nói “tuyên truyền” người ta sẽ nghĩ ngay đến chủ nghĩa phát-xít, đến Hitler. Đó là điều mà nếu bạn làm ngoại giao, hay đi sang các nước phương Tây, bạn không nên sử dụng từ này (cười).

- Theo ông, điểm nổi bật nhất trong “kỹ thuật cổ động” của Việt Minh là gì?

Giáo sư Rob Hurle: Đặc điểm và cũng là nghệ thuật cổ động độc đáo nhất nhưng đã đem lại hiệu quả cao nhất trong cổ động của Việt Minh là “càng đơn giản càng tốt”.

Người giỏi nhất trong lĩnh vực này là Cụ Hồ. Khi còn ở chiến khu Việt Bắc, Cụ Hồ làm thơ nhưng dùng loại thơ lục bát vì nó dễ thuộc, dễ nhớ, gần gũi với ca dao truyền thống. Bên cạnh đó, những hình ảnh và câu từ trong thơ Cụ Hồ cũng đơn giản, mộc mạc, gần gũi để người dân dễ nhớ, vì lúc đó đa phần dân số đều không biết đọc, biết viết. Hãy nói những gì đơn giản nhất để người dân dễ hiểu nhất.

- Được biết ông cùng với nhiều bạn bè bên Úc rất quan tâm đến các tin tức về Việt Nam, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Gần đây nhất, Trung Quốc tự ý ngang ngược đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam và gây hấn với Việt Nam, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Rob Hurle: Bạn tôi là ngài Giáo sư Carlyle A.Thayer (4) am hiểu về vấn đề này sâu sắc hơn tôi và ông cũng rất ủng hộ Việt Nam. Tôi được biết hiện nay Việt Nam đang muốn thực thi Luật quốc tế đối với sự kiện Biển Đông, trong khi phía Trung Quốc lại không muốn thế.

Hành động của Trung Quốc vừa rồi là sự leo thang mạo hiểm và xuẩn ngốc. Theo tôi, giải pháp phù hợp cho Việt Nam lúc này là nên theo cách của Philippines: đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế. Tôi được biết Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này, nhưng không mạnh mẽ. Nếu Mỹ ủng hộ mạnh mẽ và ra mặt thì có thể lại đụng chạm đến quyền lợi và quan hệ với các nước lớn khác, chính vì vậy mà Mỹ cũng sẽ cân nhắc vì liên quan lợi ích của mình.

Thái độ của Chính phủ Úc trong vấn đề xung đột Biển Đông là cố gắng giữ trung lập. Bạn hiểu cho, đôi khi đó cũng chỉ là thái độ của cá nhân của người đứng đầu Chính phủ chứ không phải của nhân dân Úc. Người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ phải tính toán đến lợi ích lâu dài của quốc gia và đôi khi là cả cái ghế của họ ngồi. Chính phủ Úc không thể phản ứng mạnh mẽ khi Mỹ không phản ứng mạnh mẽ vì Úc được Mỹ bảo trợ.

Nhưng tôi và các bạn bè của tôi luôn ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tôi tin rằng nhân dân Úc vẫn luôn sẵn sàng đứng về phía lẽ phải của các bạn.

- Xin cảm ơn ông.

Ghi chú:

(1) Sinh năm 1940, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Rob Hurle trở thành giáo viên sinh học tại các trường trung học bang Victoria (Úc) trong vòng bốn năm. Sau đó ông Rob bắt đầu quan tâm tới máy vi tính và gia nhập CSIRO, được xem như Trung tâm Khoa học Tự nhiên Quốc gia Úc.

Năm 1987, khi trở thành giáo sư Đại học Quốc gia Úc (ANU), ông Rob không chỉ là một chuyên gia công nghệ thông tin mà còn nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội và con người. Giáo sư Rob đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học, ngôn ngữ Indonesia, Malaysia. Hiện Giáo sư Rob đang nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử Việt Nam.

(2), (3) Ông Trần Bá Thái (Giám đốc Công ty NetNam) và bà Nguyễn Thu Hương. Cả hai người đều trở thành những chuyên gia, giám đốc của các công ty kinh doanh internet nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay.

(4) Giáo sư Carlyle A.Thayer là cựu giảng viên bộ môn Chính trị học tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc.

Tác giả bài viết: Mã Thần Ninh thực hiện, từ Hà Nội