Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG CÂU CHUYỆN Ở QUẢNG NGÃI

(NCTG) “Vợ tui tui biết chứ, nhưng máu me tùm lum hết, rồi không thấy rõ nữa, nhưng hai tai không có đôi bông tai, tui biết không phải vợ tui. Tui mới vòng xuống xin nhà xác cho coi lại. Họ để mấy cái thùng như cái ngăn kéo bàn vậy, tui kéo ra, thấy đôi bông, biết chắc là vợ tui rồi. Tui nói vợ tui đây”.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng - Ảnh: Cơ quan công an

Gần 1 giờ sáng 8-3, trên QL 1A đoạn qua phường Cam Nghĩa (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 12 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.

Tai nạn xảy ra khi xe khách 30 chỗ BKS 76M-1154 do tài xế Võ Ngọc Phương (31 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) điều khiển chạy theo hướng Bắc - Nam đấu đầu trực diện vào xe khách 77B-00369 của hãng xe Cúc Dũng do anh Lý Thanh Dũng (42 tuổi, Hoài Nhơn, Bình Định) điều khiển.

Những câu chuyện trên đây là lời kể của thân nhân những người bị nạn ở Quảng Ngãi trong chuyến thăm viếng của tác giả.


Chuyện 1: Trở về trong chiếc quan tài

“Con là người Quảng Nam hả? Đồng hương đó. Bác dân Duy Xuyên nè, ở trên Duy Thu đó con. Hồi nớ kháng chiến, rồi bác đi thoát ly vô đây, mới lấy vợ ở luôn trong đây. Trong đây là quê má thằng Phương chứ không phải quê bác. Mà thôi, cũng là may, còn sống thì đẻ ra mấy đứa con đứa cháu nối dõi, chứ xui thì chết thì chôn gốc môn, bụi chuối mất rồi.

Mà... thằng Phương đó, hắn con út đó, hai thằng anh hắn tê. Còn con bé Na là vợ nó. Tội hắn con nờ… Thằng con trai hắn bị bịnh tim bẩm sinh đó, rồi ra Huế mổ. Vợ hắn thì ở nhà ba mẹ vợ, còn hắn thì chạy xe miết. Năm ngoái hắn tính sửa cái nhà với bác nì, để về ở, mới mua được đống đá đổ trước nhà tê. Năm nay tính tiếp tục chữa bịnh cho thằng con hắn với sửa cho xong cái nhà. Vậy mà…


Nhà ba má anh Phương, nơi có bà ngoại già còng lưng, nắm tay tôi mà nước mắt chảy, không biết nói gì...

Hắn đi… từ bữa 20 tháng Chạp tê. Chạy xe Tết. Chạy miết luôn, không nghỉ chi hết nớ. Tết cũng không về ăn Tết, không ôm con hắn một cái. Chạy tới bữa 27 âm lịch đây thì hắn về đến nhà trong cái quan tài, chứ bác cũng chưa gặp lại hắn con ơi!”.

Ba anh Phương

Chuyện 2: Nhà chỉ để ở ngày Tết

“Má tụi nó đi bán bánh flan, đông sương trong Sài Gòn. Năm mô cũng đi. Thằng con lớn đi bộ đội, bữa má hắn mất, hắn về đám tang xong rồi vô lại đơn vị, đang xin xuất ngũ sớm đó. Hắn 20 rồi. Con bé Liễu mới 17 thôi. Con Liễu vô Sài Gòn làm công nhân. Bữa má hắn chuyển vô Nha Trang, hắn mới về tới bịnh viện, lúc đó má hắn cũng mê man lắm rồi, không biết gì nữa. Ba con Liễu đi lấy vợ khác rồi. Cái nhà ni làm ra vầy chứ ba mẹ con hắn đi miết, Tết mới về nhà thôi.”

Anh chị Mai

Chuyện 3: Em nó là người chết sau cùng

“Thằng Bình vô Sài Gòn làm nhôm sắt đó con. Năm nào cũng đi. Nghề ni bữa nay mới bắt đầu có việc lại, hắn mới vô. Hắn ngồi ghế đầu nên bị nặng, mặt mày bị sứt hết.


Nhà em Bình ở Nghĩa Hà, Tư Nghĩa

Mà người ta nói hắn còn sống con ạ. Em nó còn thở. Nhưng kẹt trong xe từ 1 giờ khuya mà 4 giờ sáng mới đưa ra được. Em nó chết… trên đường đến bệnh viện. Nó còn 3 đứa em nữa, một đứa lấy chồng rồi, đứa ở nhà bán mấy đồ lặt vặt với cô, còn 1 đứa đi học.”

Mẹ em Bình

Chuyện 4: Con cô nó còn con nít lắm con!

“Thằng Tuấn… tội nghiệp thằng Tuấn cô lắm. Nó mất mà cô không tin nổi. Nó mới học xong Đại học Nông Lâm con à, em nó thì còn học Sư phạm. Nhà cô có hai đứa thôi. Thằng Tuấn… nó to con lớn xác chứ nó hiền queo. Con nói cái chi nó cũng không cãi, nó cười thôi à. Nó cười suốt ngày con à…

Tội nghiệp nó. Bữa hôm Tết nó mới về, nó đem ba mẹ con ra đo nè. Nó vạch ba cái vạch trên cửa. Nó cao nhứt, 1m8, em nó cao 1m7, cô lùn nhứt. Ba cái vạch trên cửa còn kia kìa, con!


Ba vạch trên cửa:  “Con cô nó ra đường là người lớn, chứ ở nhà nó con nít lắm, nó cứ chui vô ôm thương cô hoài. Nó học xong, đi nhận bằng tốt nghiệp, mà...”

Thằng Tuấn cô nó còn con nít lắm con ơi. Nó về nhà là nó ôm cô suốt ngày. Tết đây mà nó còn chui vô ôm mẹ, nó thương mẹ. Thằng Tuấn cô…”

Mẹ em Tuấn

Chuyện 5: Tui biết không phải vợ tui

“Người ta báo tin lúc nửa đêm. Tui với ông anh khâu rựa (1) mới bắt xe vô. Công an nói vô sớm, 5 giờ sáng là phải có mặt để nhận xác. Tui bắt xe đò vô, mà họ nói 8 giờ sáng mới tới. Nóng ruột quá, tui xuống bắt taxi đi, nói nhà xe thông cảm, cho xin lại nhiêu thì cho, vậy mà họ không cho.

Vô tới Cam Ranh là 5 giờ sáng rồi. Họ để hai chị em nằm bên nhau. Họ nói dời bé Bảy – vợ tui ở nhà không kêu là Thơm mà kêu bé Bảy – nằm bên chị Hoa đó cho gần. Vợ tui tui biết chứ, nhưng máu me tùm lum hết, rồi không thấy rõ nữa, nhưng hai tai không có đôi bông tai, tui biết không phải vợ tui. Tui mới vòng xuống xin nhà xác cho coi lại. Họ để mấy cái thùng như cái ngăn kéo bàn vậy, tui kéo ra, thấy đôi bông, biết chắc là vợ tui rồi. Tui nói vợ tui đây.

Tiền khâm liệm, tiền hòm, tiền xe về tới Quảng Ngãi, mỗi người là 17 triệu. Hai anh em tui xin họ coi xét giùm, nhà mất cả hai người mà. Họ chịu chở hai hòm vô một xe, lấy 19 triệu. Xe chật quá, không có chỗ ngồi, phải gửi bớt mấy người qua xe chở hòm thằng nhỏ đi nhận bằng đại học đó (2).

Có mấy người nói gửi cho vợ tui 3 triệu, đem vô cho con cái học trong nớ. Chừ đồ đạc trong xe, người ta giữ hết rồi. Mình phải lo trả lại tiền cho họ gửi cho con cái đi học chứ.

Hai chị em bả vô trong nớ, buổi sáng bán báo, bán kèm thêm vé số, chiều thì bán trứng cút, đậu phộng, tré, xoài. Bán linh tinh vậy. Hai anh em tui ngoài ni làm ruộng, rồi phụ hồ thêm để nuôi con. Mỗi năm bả về chừng 3-4 lần thôi. Hồi xưa hai chị em ở chỗ Kỳ Đồng, đi bán quanh gần ga Hòa Hưng. Mấy năm sau này tách ra riêng, vợ tui lên trên Tân Phú bán. Trên nớ ít người mà nhiều khách nên cũng kiếm đỡ hơn hồi dưới đây.”

Chồng chị Thơm

Chuyện 6: Chị là bà con nhà anh Phan hả?

“Chị là bà con nhà anh Phan hả?

Em tưởng chị bà con với ảnh trong Sài Gòn ra. Em không biết gia đình ảnh lắm. Đất xây nhà này của mẹ ảnh cho. Mẹ ảnh tự túc, có mình ảnh thôi. Rồi cách đây vài năm, trong nhà đó mới ra tìm ảnh thì ba ảnh đã mất rồi. Mấy bà chị con ông bác cũng quý ảnh lắm nên kêu ảnh vô làm.

Hồi xưa ở đây, ảnh làm điện, sửa mô-tơ đó chị. Mà ở đây ế lắm, có công việc gì đâu. Từ dạo bà chị kêu vô làm đá hoa cương, bả lo chỗ ăn chỗ ở hết, mỗi tháng còn được 4 triệu lận. Ảnh đi nửa năm, cuối năm về, anh em trong nớ cũng cho thêm ít nữa. Vợ chồng em tính ảnh đi thêm năm nay nữa, trả hết nợ tiền xây nhà rồi thôi.”

Vợ anh Phan

Ghi chú:

(1) Khâu rựa: người Quảng Ngãi gọi anh em cột chèo là anh em khâu rựa.

(2) Tức em Tuấn bị mất trong cùng vụ tai nạn.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Lan Phương, từ Sài Gòn