NHẬT KÝ MAIDAN (Phần 2)
- Chủ nhật - 26/03/2017 16:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Kiev có rất nhiều cầu vượt sông Dnepr. Hàng tuần mình vẫn qua sông sang bên tả ngạn bằng tuyến tàu điện ngầm của thành phố. Và lúc tàu vượt sông mình luôn nhìn thấy một tấm pano cực lớn có ghi hàng chữ: “Làm sao có thể không yêu người, Kiev của tôi!”.
Xem Phần 1 của loạt bài.
1-3-2014
(Đoạn này đã từng được chia sẻ trên trang nào đó thân Nga, nhưng bị bóp méo khiến tôi rất bức xúc - ghi chú của tác giả).
Cuộc đời của một con người là mấy chục năm? Và trong mấy chục năm ấy có ai không bao giờ trải qua một biến động nào? Gạt sang một bên những biến cố buồn vui cá nhân của mỗi người, chắc hẳn những dấu mốc lịch sử của dân tộc, đất nước mà ta sống thể nào cũng lưu lại dấu vết gì đó trong ta!
Trong trí nhớ lờ mờ của tuổi thơ, mình còn nhớ một buổi trưa ra ngóng ở đầu khu tập thể Dư Hàng (Hải Phòng), chờ mẹ đi làm về như mọi ngày. Trưa ấy mẹ không về. Buổi chiều mẹ về với một vết thương nhỏ trên đầu. Ngày ấy là ngày 16-4-1972. Máy bay Mỹ quay trở lại ném bom miền Bắc Việt Nam sau vài năm yên ắng, và cảng Hải Phòng là địa điểm đầu tiên bị tấn công!
Sau ngày ấy, chốc chốc mình lại bị bắt chui xuống gầm giường khi có tiếng còi báo động. Chừng một tuần sau, vào một đêm trăng (mình còn nhớ rõ, trăng rất sáng) bố mẹ đặt hai anh em mình ngồi lên thùng của một chiếc xe tải lớn màu xanh. Trên xe đã có nhiều người, bạn bè trong khu tập thể và cả những người xa lạ. Anh em mình được đưa đi sơ tán về xã Quốc Tuấn, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Bố mẹ ở lại trực chiến trong thành phố. Mẹ nắm tay anh trai, dặn dò: “Nếu bố mẹ không còn, con phải nuôi nấng chăm sóc em!”. Về sau này mình được nghe kể lại như vậy, chứ khi đó, một đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi thì làm sao biết được! Và như thế, chiến tranh đã để lại dấu ấn đầu tiên trong tiềm thức của mình! Sau này, mình cũng trải qua nhiều giai đoạn có tên gọi chiến tranh.
Từ những buổi lên lớp cứ vắng dần bè bạn năm 1978 (mình học trường Hồng Hà - Tân Việt Hoa, nơi gần một nửa số học sinh là người Hoa) cho đến buổi lễ truy điệu các cựu học sinh trường Trần Phú đã hy sinh trong các trận đánh miền biên giới. Từ cái nhìn buồn thảm của một người họ hàng khi cô kể lại với mẹ hành trình cô bất chấp hiểm nguy lần sang tận Campuchia tìm mộ con trai hy sinh trong trận đánh đầu tiên anh ra trận cho đến người bác sĩ quân y trẻ mới ra trường bị lũ cuốn trôi trên đường đi nhận nhiệm vụ tại Lào.
Anh là bạn của anh trai mình, mẹ anh khóc ngất, và buồn thay, anh còn không được công nhận là liệt sĩ vì chưa kịp đến nhiệm sở đầu tiên của đời quân ngũ! Chiến tranh, một từ bé nhỏ và dễ đọc trong kho từ vựng vô tận của loài người mà lại bao hàm những nỗi đau không thể nói được bằng lời! Và hôm nay, mình lại nhìn thấy khuôn mặt của chiến tranh ở một nơi mà ta không bao giờ tưởng được - mảnh đất Ucraina thanh bình, hiền lành và trù phú!
Đã hơn ba tháng nay, Kiev cổ xưa tiếp sức cho những con người bền bỉ đứng trong cái lạnh -25 độ đấu tranh đòi sự công bằng. Các chính trị gia say sưa diễn thuyết, các nhà phân tích miệt mài trả lời phỏng vấn, giới truyền thông cả thế giới không ngừng khai thác Maidan với những nhận định to tát, xung đột Đông - Tây, cũng như những nhận xét phỉ báng về một dân tộc hèn nhát, chia rẽ và thụ động!
Nhưng, có điều đơn giản nhất, dễ nhìn thấy nhất thì những học giả uyên thâm kia chẳng nhận ra: những người đàn ông và đàn bà, những thanh niên và cả những em bé kia xuống đường không phải chỉ đại diện cho chính họ, không phải đòi lật đổ tổng thống này để thay thế một tổng thống khác, mà chỉ đòi lại sự công bằng cho cả một thế giới những con người đã viết lên lịch sử bằng sự cần mẫn trong lao động, sáng tạo trong công việc, dũng cảm trong chiến đấu mà hình như đang bị các chính trị gia, các nhà tài phiệt và cả giới truyền thông bỏ quên.
Họ đại diện cho mình, cho bạn, cho hàng tỷ con người sống trên trái đất này bất kể tôn giáo hay chính kiến, bởi đã có ai trong số chúng ta là người thấy sự phân chia xã hội hiện nay là hoàn hảo? Vậy những kẻ gây hấn, mượn danh hay tự huyễn hoặc mình kia có phải đang cố tình viết hai chữ “chiến tranh” vào trang sử tuy mới mẻ nhưng cũng thấm đẫm máu và nước mắt của một dân tộc hiền lành!
Kiev có rất nhiều cầu vượt sông Dnepr. Hàng tuần mình vẫn qua sông sang bên tả ngạn bằng tuyến tàu điện ngầm của thành phố. Và lúc tàu vượt sông mình luôn nhìn thấy một tấm pano cực lớn có ghi hàng chữ: “Làm sao có thể không yêu người, Kiev của tôi!” (Как тебя не любить, Киев мой!).
Mỗi một viên đá lát Maidan bị lật lên làm vũ khí, mỗi một công trình kiến trúc bị hư hỏng vì đụng độ đều làm tan nát trái tim mình, nhưng mình hiểu, các chiến sĩ Maidan còn đau hơn mình nữa và họ chẳng còn cách lựa chọn nào khi ngay cả tính mạng của bản thân, họ cũng không màng. Xin thay lời kết với các bạn bằng dòng nhắn gửi cuối cùng của một sinh viên 19 tuổi trên mạng xã hội ít phút trước lúc em hy sinh ngày 18-2-2014: “Bây giờ hoặc không bao giờ nữa, tất cả hãy có mặt trên đường Hrushevsky!”. (*)
Ghi chú:
(*) Hrushevsky là phố nơi tọa lạc có tòa nhà Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada).
1-3-2014
(Đoạn này đã từng được chia sẻ trên trang nào đó thân Nga, nhưng bị bóp méo khiến tôi rất bức xúc - ghi chú của tác giả).
Cuộc đời của một con người là mấy chục năm? Và trong mấy chục năm ấy có ai không bao giờ trải qua một biến động nào? Gạt sang một bên những biến cố buồn vui cá nhân của mỗi người, chắc hẳn những dấu mốc lịch sử của dân tộc, đất nước mà ta sống thể nào cũng lưu lại dấu vết gì đó trong ta!
Trong trí nhớ lờ mờ của tuổi thơ, mình còn nhớ một buổi trưa ra ngóng ở đầu khu tập thể Dư Hàng (Hải Phòng), chờ mẹ đi làm về như mọi ngày. Trưa ấy mẹ không về. Buổi chiều mẹ về với một vết thương nhỏ trên đầu. Ngày ấy là ngày 16-4-1972. Máy bay Mỹ quay trở lại ném bom miền Bắc Việt Nam sau vài năm yên ắng, và cảng Hải Phòng là địa điểm đầu tiên bị tấn công!
Sau ngày ấy, chốc chốc mình lại bị bắt chui xuống gầm giường khi có tiếng còi báo động. Chừng một tuần sau, vào một đêm trăng (mình còn nhớ rõ, trăng rất sáng) bố mẹ đặt hai anh em mình ngồi lên thùng của một chiếc xe tải lớn màu xanh. Trên xe đã có nhiều người, bạn bè trong khu tập thể và cả những người xa lạ. Anh em mình được đưa đi sơ tán về xã Quốc Tuấn, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Bố mẹ ở lại trực chiến trong thành phố. Mẹ nắm tay anh trai, dặn dò: “Nếu bố mẹ không còn, con phải nuôi nấng chăm sóc em!”. Về sau này mình được nghe kể lại như vậy, chứ khi đó, một đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi thì làm sao biết được! Và như thế, chiến tranh đã để lại dấu ấn đầu tiên trong tiềm thức của mình! Sau này, mình cũng trải qua nhiều giai đoạn có tên gọi chiến tranh.
Từ những buổi lên lớp cứ vắng dần bè bạn năm 1978 (mình học trường Hồng Hà - Tân Việt Hoa, nơi gần một nửa số học sinh là người Hoa) cho đến buổi lễ truy điệu các cựu học sinh trường Trần Phú đã hy sinh trong các trận đánh miền biên giới. Từ cái nhìn buồn thảm của một người họ hàng khi cô kể lại với mẹ hành trình cô bất chấp hiểm nguy lần sang tận Campuchia tìm mộ con trai hy sinh trong trận đánh đầu tiên anh ra trận cho đến người bác sĩ quân y trẻ mới ra trường bị lũ cuốn trôi trên đường đi nhận nhiệm vụ tại Lào.
Anh là bạn của anh trai mình, mẹ anh khóc ngất, và buồn thay, anh còn không được công nhận là liệt sĩ vì chưa kịp đến nhiệm sở đầu tiên của đời quân ngũ! Chiến tranh, một từ bé nhỏ và dễ đọc trong kho từ vựng vô tận của loài người mà lại bao hàm những nỗi đau không thể nói được bằng lời! Và hôm nay, mình lại nhìn thấy khuôn mặt của chiến tranh ở một nơi mà ta không bao giờ tưởng được - mảnh đất Ucraina thanh bình, hiền lành và trù phú!
Đã hơn ba tháng nay, Kiev cổ xưa tiếp sức cho những con người bền bỉ đứng trong cái lạnh -25 độ đấu tranh đòi sự công bằng. Các chính trị gia say sưa diễn thuyết, các nhà phân tích miệt mài trả lời phỏng vấn, giới truyền thông cả thế giới không ngừng khai thác Maidan với những nhận định to tát, xung đột Đông - Tây, cũng như những nhận xét phỉ báng về một dân tộc hèn nhát, chia rẽ và thụ động!
Nhưng, có điều đơn giản nhất, dễ nhìn thấy nhất thì những học giả uyên thâm kia chẳng nhận ra: những người đàn ông và đàn bà, những thanh niên và cả những em bé kia xuống đường không phải chỉ đại diện cho chính họ, không phải đòi lật đổ tổng thống này để thay thế một tổng thống khác, mà chỉ đòi lại sự công bằng cho cả một thế giới những con người đã viết lên lịch sử bằng sự cần mẫn trong lao động, sáng tạo trong công việc, dũng cảm trong chiến đấu mà hình như đang bị các chính trị gia, các nhà tài phiệt và cả giới truyền thông bỏ quên.
Họ đại diện cho mình, cho bạn, cho hàng tỷ con người sống trên trái đất này bất kể tôn giáo hay chính kiến, bởi đã có ai trong số chúng ta là người thấy sự phân chia xã hội hiện nay là hoàn hảo? Vậy những kẻ gây hấn, mượn danh hay tự huyễn hoặc mình kia có phải đang cố tình viết hai chữ “chiến tranh” vào trang sử tuy mới mẻ nhưng cũng thấm đẫm máu và nước mắt của một dân tộc hiền lành!
Kiev có rất nhiều cầu vượt sông Dnepr. Hàng tuần mình vẫn qua sông sang bên tả ngạn bằng tuyến tàu điện ngầm của thành phố. Và lúc tàu vượt sông mình luôn nhìn thấy một tấm pano cực lớn có ghi hàng chữ: “Làm sao có thể không yêu người, Kiev của tôi!” (Как тебя не любить, Киев мой!).
Mỗi một viên đá lát Maidan bị lật lên làm vũ khí, mỗi một công trình kiến trúc bị hư hỏng vì đụng độ đều làm tan nát trái tim mình, nhưng mình hiểu, các chiến sĩ Maidan còn đau hơn mình nữa và họ chẳng còn cách lựa chọn nào khi ngay cả tính mạng của bản thân, họ cũng không màng. Xin thay lời kết với các bạn bằng dòng nhắn gửi cuối cùng của một sinh viên 19 tuổi trên mạng xã hội ít phút trước lúc em hy sinh ngày 18-2-2014: “Bây giờ hoặc không bao giờ nữa, tất cả hãy có mặt trên đường Hrushevsky!”. (*)
Ghi chú:
(*) Hrushevsky là phố nơi tọa lạc có tòa nhà Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada).