Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHẠC THỢ XÂY Ở HÀ NỘI PHỐ

(NCTG) “Những lúc như thế, tôi biết không chỉ là khoảng khắc, mà là một món quà mà Hà Nội cho mình, để bù đắp lại những gì đã mất đi” – cảm nhận về Hà Nội của nha văn Phạm Hải Anh.
 
Nhà văn Phạm Hải Anh tại vùng hồ Inle (Myanmar, 2011)

Thư Hà Nội viết trong tiếng nhạc rung tường, do thợ xây nhà hàng xóm bật lên thưởng thức. Trái tim, nhớ thương, cô đơn, tình ta… nở bung trong tất cả các ca khúc, hối hả luồn vào bản hợp xướng rít lên của cưa máy, khoan đục, tiếng người quát tháo và còi xe ngoài phố vọng vào.

Mười năm trước, sống cách Hà Nội hơn 10.000 km, tôi không hình dung ngày trở về, mình sẽ được ngâm tẩm trong nhạc pop, sến đặc quánh và kinh dị theo cách này. Tôi sực nhớ đến nhận xét của một bác Việt kiều: “Sao tiếng Hà Nội bây giờ khác quá, cao choe chóe chứ không êm ái thỏ thẻ như giọng gái Bắc ngày xưa.” Có ai thỏ thẻ nổi giữa bè âm thanh của Hà Nội bây giờ nhỉ?

Thêm vào tập thể dục buổi sáng vốn có, người Hà Nội ngày nay có 3 mốt phổ biến là tập thiền, nhảy đầm và karaoke. Không phải thiền âm thầm ở góc giường đâu. Vào tầm 6, 7 giờ sáng, ra công viên tập thiền cười, tất cả vài trăm con người nhìn nhau há miệng cười ha hả, sặc sụa. Nhảy đầm cũng ở đấy, ăn mặc thì đồ ngủ, quần short xen lẫn với váy đuôi cá đính kim sa, ai thích gì mặc nấy, từng đám tụm vào nhau quay theo điệu nhạc xập xình từ một chiếc cassette vặn volume hết cỡ. Nhìn những cảnh ấy cũng hơi choáng, nhưng sống ở đây mới hiểu vì sao cần như thế.

Còn karaoke với trợ lực của giàn loa khủng có thể giúp sức người cũng tạo ra tiếng ồn với cường độ cao và mạnh chẳng kém gì những thứ đã phải hứng vào tai suốt 24/24. Chuyện này chẳng biết thật hay bịa, nhưng có một chú Tây sau mấy năm ở Hà Nội, khi về nước đã phải mang theo một đĩa CD thu âm thanh đường phố, mỗi tối bật lên nghe còi xe ồn ào thì mới ngủ nổi, nghiện ồn mất rồi, sự yên tĩnh đâm ra rờn rợn, giống như phút lắng xuống trong phim kinh dị.

Có một chuyện hơi quái đản đã xảy ra với tôi. Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tivi phát chương trình Các tình khúc về Hà Nội hát ở Sài Gòn. Sân khấu làm rất đẹp. Tôi nhớ nhất là một cô gái mặc áo dài xanh, đeo kiềng bạc, tóc dài kẹp trễ, tay ôm bó huệ trắng đi thướt tha trong sương khói, và Mỹ Linh, trang điểm kiểu mỹ nhân Thượng Hải hồi Chiến tranh Thuốc phiện, đẹp lộng lẫy với đôi môi đỏ thắm, hát thật nồng nàn về Hà Nội.

Rồi tôi bắt quả tang mình, ngồi thu lu trong một căn phòng ở giữa Hà Nội mà quẹt nước mắt vì nhớ Hà Nội da diết. Tôi nhận ra Hà Nội tuổi thơ tôi, Hà Nội của cha tôi và những người bạn ông… cái Hà Nội nghèo mà sang trọng ấy, cũng giống như một con người, đã sinh ra thì cũng phải chết đi cùng với thời gian. Nó đã mất ở chính mảnh đất mà nó lớn lên. Bây giờ là một Hà Nội mới, của lớp người sinh sau và dân tứ xứ tràn về, nói bằng thứ tiếng có âm vực cao hơn, và sống kiểu khác, không nên so sánh làm gì.

Hà Nội bây giờ có những thứ hay khác. Ở châu Âu, thật dễ hình dung rồi mình sẽ già đi ra sao, nhưng ở Hà Nội thì không. Một năm ra đường đã khác rồi, đừng nói tới 10 năm. Sống ở Hà Nội như mò vào một khu rừng nhiệt đới, mỗi bước đi có thể thót tim vì sợ hoặc vì mừng, mọi thứ níu vào nhau chằng chịt, không ai biết đích xác lối nào ra. Một mét vuông đất mặt đường ven hồ Tây bây giờ được rao giá hơn 400 triệu VNĐ (tương đương gần 20.000 USD).

Trên miếng đất vào loại đắt nhất thế giới đó, người ta xếp ghế nhựa để bán trà xu, hoặc ốc luộc, củ đậu. Nhà biệt thự triệu đô có thể là một khối bê tông chẳng ra hình thù gì, xây trên miếng đất chừng trăm mét vuông và hàng xóm có thể thả sức xách bếp lò đặt ngay giữa cửa quạt khói than bay thẳng vào. Và ở tại một quán café sang trọng bậc nhất nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, có những anh chàng láng coóng như người mẫu sắp lên sàn catwalk, mặt cũng lạnh lùng y như thế, hạ cố tới ghi thực đơn cho đám khách ăn mặc chẳng khác gì bồi bàn.

Có một thú vui ở Hà Nội, hơi giống với chương trình Discovery đi tìm những loài chim thú tuyệt chủng. Đó là vào lúc sáng sớm hoặc đêm khuya, lẩn thẩn mò ra đường. Những tán cây cao vút, xanh biếc trong ánh đèn đường, mùi thơm của hoa sấu, nhẹ, hơi chua và êm đềm, đưa tôi trở về Hà Nội xa xưa.

Cũng có khi phát giác ra Hà Nội biến thể trong những kiến trúc cơi nới ở các khu tập thể, phình ra đủ hướng như một con quái thú nhiều đầu, bộc lộ sức tưởng tượng rất phong phú và ý chí quyết liệt để sinh tồn của cư dân thời sau bao cấp. Hoặc một đêm nọ, trời gió rất lạnh, ngồi với bạn trên cái ghế thấp bên vỉa hè, co ro ăn một bát cháo đêm…

Những lúc như thế, tôi biết không chỉ là khoảng khắc, mà là một món quà mà Hà Nội cho mình, để bù đắp lại những gì đã mất đi.

Tác giả bài viết: Phạm Hải Anh, từ Hà Nội – Ngày 11-12-2011