Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGƯỜI VIỆT MÌNH MÀ...

(NCTG) Hôm ấy tôi đang lang thang dạo bộ, cố tìm lấy chút không khí trong lành hiếm hoi chốn thành thị thì đột nhiên "ào... àooo".

Trước cổng chùa Xá Lợi, đường Sư Thiện Chiếu, quận 3, là nơi thu gom và phân loại rác - Ảnh: "Công an TP HCM"

Trời đất, cái gì vậy? Tôi thực sự bị "khủng hoảng" khi nhìn thấy những "tàn dư" còn lại trên chiếc quần Jean trắng bóc của mình, giờ lép nhép dính toàn gạo với xương cá, thật kinh khủng. Và trước mặt tôi bay giờ là một "sinh vật lạ" to béo, mà không, chính xác là tôi có vẻ mới là "sinh vật lạ" trong mắt bà ấy. Bằng chứng là bà ấy đang trợn mắt nhìn lại tôi khi thấy tôi đang trố mắt nhìn bà ấy với cái bộ dạng không thể thảm thương hơn được nữa. Hình như đoán biết tôi sẽ nói gì, ngay lập tức bà ta chống nạnh hai tay vào hai bên hông, la lối um sùm: "Sao? Bây giờ còn nhìn cái gì? Vừa nãy cần nhìn thì không nhìn? Cửa nhà tui, tui dội, tui xả, khiến chi nhà cô đi qua không dòm trước ngó sau, mà có phải đui què sứt mẻ gì cho cam" (!?) Trời ạ, đến nước này thì biết mình gặp phải thứ dữ rồi, có nói gì cũng thua là cái chắc, tôi đành ngậm cục tức ấy về nhà. Vừa đến nhà, tôi hậm hực nói với bà chị, thì được bà ấy phán xanh rờn: "Thôi em, tức làm gì cho tốn ca-lo, chuyện đó là bình thường, có đến Tết Maroc cũng còn lâu mới chịu bỏ, chấp làm gì, người Việt mình, vốn xưa đã thế mà..."

Câu nói nghe có vẻ phiến diện, nhưng không phải là vô căn cứ. Sống ở Việt Nam bao nhiêu năm nay, tôi đã thấy biết bao nhiêu chuyện không hay ho của dân mình, đơn giản nhất là cái chuyện về ý thức giữ vệ sinh như tôi đã nói ở trên, thật là căn bệnh nan y khó chữa.

Vệ sinh? Nghe thì đơn giản mà sao nhìn đâu cũng thấy toàn những hạt sạn to đùng của dân mình! Hàng ngày, ta thấy ra rả trên các phương tiện thông tin những bảng hiệu, những câu cổ động giữ gìn vệ sinh - môi trường thấy "không khí" vô cùng. Nhưng hãy nhìn vào thực tế mà xem, bạn sẽ sợ hết hồn.

Này nhé, nói đâu xa xôi, như cô bạn tôi, hôm ấy nàng nhận được lời mời đi dự sinh nhật một người bạn ở tận thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Xa quá, mà nàng lại không có xe. Thế là người chủ trì bữa sinh nhật mới "gửi gắm" nàng cho anh bạn thân, nhà cũng ở Sài Gòn, để chàng làm tài xế cho nàng. Bí quá nên dù là người lạ, nàng cũng phải đồng ý. Dù sao cũng là bạn của bạn mình mà, chắc không có vấn đề gì. Lúc đến tiệc, bia khui từng két, từng két... Chàng "tài xế" của nàng đúng là bụng không đáy, uống hết vại nọ đến vại kia mà chẳng biết say xỉn là gì. Hôm ấy tiệc kết thúc khuya, mãi hơn 11 giờ đêm mới tàn. Tất nhiên, chàng trai vẫn làm tài xế bất đắc dĩ cho nàng. Đang ten ten đi ngon lành thì tự dưng, tới một đoạn đường vắng, anh chàng dừng xe lại. Trời đất ơi, nàng nhìn quanh chẳng có người nào qua lại. Run quá! Không hiểu "thằng cha" này tính giở trò gì? Nàng tím tái mặt mày. Nhưng bất chợt thấy anh chàng lóc cóc chẳng nói chẳng rằng, chạy vô một góc tường và trút luôn bầu tâm sự của mình. Kết quả là mặt mũi cô bạn tôi chuyển từ tím tái sang... đỏ lựng vì mắc cỡ. Thật là hết biết! Sau nay, nàng thề từ lần sau không bao giờ ngồi sau xe những anh chàng mê bia bọt.

Thật lòng mà nói thì cái kiểu "giải quyết nỗi buồn" ở ngoài đường là chuyện muôn đời của ta. Có người đã từng hóm hỉnh hỏi: "Căn bệnh nào theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà người Việt Nam hay mắc phải?" thì - xin lỗi - câu trả lời tất nhiên là bệnh... đái đường. Thật không thể hiểu nổi tại sao lại còn tồn tại nhiều "thổ dân" như thế ngay giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. Bằng chứng là những trường hợp tương tự như thế rất dễ bắt gặp, kể cả giữa thanh thiên bạch nhật. Có lẽ trong suy nghĩ của họ, "lịch sự" là một cái gì đó rất xa xỉ thì phải. Tôi từng được nghe một câu chuyện, có ông bố rước đứa con trai đi học mẫu giáo về. Đang đi tự dưng thấy một người đang làm "nhiệm vụ tối mật", đứa con hồn nhiên: "Ba ơi, chú kia làm gì vậy?" Ông bố bối rối quá, đành bảo: "À, chắc là chú ấy hư nên bị cô giáo bắt đứng úp mặt vào tường đấy mà".

Và có lẽ đó là lý do vì sao mà đến những trạm xe buýt ở TP HCM, bạn luôn thấy cảnh người ta chen chúc nhau, đứng lon nhổn ở cách xa cái trạm tới cả chục mét. Mắt mũi lúc nào cũng đăm đăm liếc ngang liếc dọc. Hễ thấy bóng dáng xe buýt đến là tay thì ôm đồ, chân thì chạy như vận động viên ma-ra-tông. Vì sao lại vậy? Bạn sẽ tìm được câu trả lời khi nhìn thấy những gì tồn tại ở mặt đất, nơi "đóng đô" của các trạm buýt. Xung quanh còn bộn bề toàn những "chất thải" từ cơ thể, hình như chẳng bao giờ được dọn dẹp, bốc mùi vô cùng khủng khiếp. Thấy mà thảm thương cho mấy ông Tây hay đi qua, cứ vừa bịt mũi vừa chạy như gặp cướp. Đảm bảo sau mỗi lần như vậy, ấn tượng về ta trong mắt họ chỉ còn là con số 0 (không). Thương thay cho bộ mặt du lịch nước nhà!

Mà cứ nói đến du lịch lại buồn thê thảm. Khi du khách đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), rất nhiều khách chọn quá cảnh lại tại chính khách sạn của sân bay, là Khách sạn Tân Sơn Nhất. Vậy mà hỡi ôi, chẳng hiểu vì lý do gì mà người ta thiết kế cho cái toilet rất lớn nằm "lòi" hẳn ra ngoài đến cả nửa cái vỉa hè, quanh năm bốc mùi khai nồng nặc làm điếc mũi người qua lại, trong khi khách sạn thì thụt rất sâu vô trong. Chẳng lẽ không còn vị trí nào hợp lý hơn? Mà trời ơi, vỉa hè này là nơi dành cho dân tình Sài Gòn mê đi bộ. Đó là đường Hoàng Văn Thụ, một trong những con đường lớn nhất của Sài Gòn. Thế mà mỗi lần đi qua là một lần khủng hoảng tinh thần. Tôi chưa có dịp vào "tham quan" tận bên trong của cái WC này, nhưng chỉ cần nghe mùi thôi là đã muốn lợm giọng rồi. Chẳng có gì có thể biện minh cho cái lý do của sự tồn tại rất "thâm niên" của một cái WC như vậy của một khách sạn quan trọng ngay giữa trung tâm thành phố!

Vâng, thực ra bài viết này không có ý đề cập quá nhiều đến cái phần "tế nhị" nhất ấy. Thế nhưng nói ra để thấy rằng chỉ mỗi một việc như vậy, quanh quẩn mỗi cái toilet mà ta đã chẳng làm được, thì nói chi đến những dự định đao to búa lớn về môi trường. Có lẽ vì thế mà người ta sẽ bớt ngạc nhiên hơn khi thấy dân mình thản nhiên vứt rác ra giữa đường, dù cách thùng rác công cộng có vài bước chân. Ta cũng sẽ bớt ngạc nhiên hơn khi thấy nhiều bà bán xôi trong chợ chỉ có 5-6 cái bát con để bán, lại chẳng có xô nước nào để rửa, thế mà vẫn bán cho hết lượt khách này đến lượt khách kia. Có gì đâu, bí mật là ở tấm khăn lau bát. Cứ lau đi là coi như sạch. Tiết kiệm là quốc sách mà.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng lời của ông Đỗ Văn Thông, đang công tác tại Tổng cục Du lịch Việt Nam, như sau: "Dân mình hay thiệt, giỏi thiệt. Dám nghĩ dám làm. Mà hay hơn cả là dám làm cả nhưng việc nước ngoài không dám nghĩ tới. Và một trong số đó là Việt Nam ta là nơi duy nhất trên thế giới "thích" quăng xác chuột ra ngoài đường!"

Buồn thay! (*)

(*) Vệ sinh công cộng tệ hại đang là một trong rất nhiều "vấn nạn" của Việt Nam, mà có lẽ xuất phát điểm là từ ý thức chung tương đối kém cỏi của người Việt, một vấn đề đã được mổ xẻ trong loạt bài nói về những nhược điểm trì níu dân Việt trong thiên kỷ mới này. Bài viết trên (của tác giả Trúc Quỳnh, CTV của NCTG tại TP HCM), cho thấy hiện thực đáng buồn hiện tại của một đất nước đang phấn đấu là "Điểm đến của thiên kỷ mới". Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều, để cải thiện trong mặt này! (BBT)

Tác giả bài viết: Trúc Quỳnh, Sài Gòn 28-1-2005