NGƯỜI HỒI GIÁO Ở PHÁP CÓ THỰC SỰ BỊ KỲ THỊ? (Phần 1)
- Thứ hai - 26/01/2015 12:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Luật pháp của nhà nước thế tục Pháp luôn đi theo tinh thần của Hiến pháp, đảm bảo quyền tự do, dân chủ, bình đẳng giữa con người với con người, giữa các tôn giáo tồn tại trên lãnh thổ. Bởi vậy nói những người theo đạo Hồi, hay đạo Hồi bị kỳ thị ở Pháp, trên phương diện pháp lý là hoàn toàn sai lầm”.
Người Hồi giáo cầu nguyện ngoài đường tại Pháp
Quan sát những cuộc tranh luận sôi nổi sau vụ thảm sát các nhà báo của tờ “Charlie Hebdo” xung quanh các đề tài thế nào là tự do ngôn luận, giới hạn của nó dừng ở đâu, trách nhiệm của nhà báo, của chính phủ Pháp trong vụ việc này, có thể thấy dù với thái độ tranh luận nghiêm túc, xác đáng hay hời hợt, ngụy biện do bị cảm xúc chi phối hoặc do thiếu thông tin, nhưng các thảo luận ấy cũng đã đem lại cho người tham gia và người quan sát những thông tin và cái nhìn đa chiều về vấn đề.
Nói đến nguyên nhân gián tiếp của vụ thảm sát, nhiều người đã không ngại ngần nhận định rằng, đạo Hồi cũng như người theo Hồi giáo ở Pháp không được tôn trọng, họ bị kỳ thị, qua những ví dụ rất “dễ dàng” mà ở đây tôi có thể nói là sai thực tế, như “bắt học sinh theo đạo Hồi ăn thịt lợn ở căng-tin”, “không cho ăn thịt Halal”, “cấm trùm khăn”, “cấm thể hiện tín ngưỡng”, v.v...
Người theo đạo Hồi ở Pháp có bị kỳ thị hay không? Hãy cùng nhau nhìn nhận vấn đề này qua hai góc độ: pháp luật và cảm tính.
Góc nhìn pháp luật
Như chúng ta đều biết, kể từ năm 1905, Pháp áp dụng chính sách biệt lập tôn giáo và chính trị. Nói đến nhà nước thế tục mô hình của Pháp, người ta nói đến tổ hợp của các giá trị dân sự, công dân, và chính trị có từ Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1789 và những nguyên tắc cơ bản được công nhận bởi luật pháp của nền Cộng hòa. Những giá trị này tạo nên lương tâm đạo đức của nền Cộng hòa và là tôn giáo dân sự của nhà nước - Tự do, Bình đẳng, Bác ái.
Chính vì vậy, các điều luật đều được xây dựng trên tinh thần của Hiến pháp Pháp và để đảm bảo quyền lợi của mỗi con người, mỗi công dân, bất kể nguồn gốc, tôn giáo sinh sống trên lãnh thổ nước này.
Ở Pháp, có điều lệ quy định tinh thần đạo đức của công nhân viên chức nhà nước thế tục, “tất cả công nhân viên chức nhà nước phải tôn trọng và có nghĩa vụ áp dụng tính trung lập khi làm việc”. Công nhân viên chức nhà nước không được phép thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của mình nơi làm việc, phải đảm bảo sự bình đẳng không phân biệt đối xử (sắc tộc, tôn giáo, giới tính) trong các hoạt động của nhà nước.
Hãy cùng nhau xem lại những điều luật hay được đưa ra như một minh chứng cho sự kỳ thị người theo đạo Hồi trên đất Pháp.
Luật 2004-228 ra ngày 15-3-2004 nghiêm cấm “tất cả các hình thức biểu hiện tôn giáo lộ liễu ở trường học”, điều này áp dụng không chỉ cho khăn trùm đầu hijab của đạo Hồi, mà cho cả việc đeo dây thánh giá của Công giáo, mũ kippa của đạo Do Thái. Không thể nói đây là một điều luật kỳ thị nhằm vào những người theo đạo Hồi.
Luật này được áp dụng ở các trường công cấp 1, cấp 2, cấp 3, nơi có học sinh là những vị thành niên. Tất cả các trường đại học, học nghề, trường tư đều không nằm trong chế tài luật này. Trường học là môi trường đặc biệt, trẻ em vị thành niên đến thụ hưởng kiến thức, trên tinh thần thế tục hóa. Việc giảng dạy kiến thức về tôn giáo không đồng nghĩa với việc tuyên truyền tôn giáo. Các giáo viên không thể hiện tín ngưỡng của mình theo điều luật của công nhân viên chức để không ảnh hưởng đến đến học sinh.
Các trẻ vị thành niên được tôn trọng như một công dân tự do, có toàn quyền tự nhận thức, tự tìm cho mình niềm tin tín ngưỡng khi trưởng thành. Việc quy định cấm học sinh tuổi vị thành niên mang trên mình biểu tượng tôn giáo (ở đây có thể hiểu là do cha mẹ áp đặt) ở trường công là sự tôn trọng tinh thần đạo đức của nhà nước thế tục, tôn trọng quyền con người của trẻ nhỏ. Khi trưởng thành, theo luật ở Pháp là 18 tuổi, các công dân này có đầy đủ quyền được thể hiện tín ngưỡng tôn giáo của mình. Bởi vậy điều luật này không áp dụng cho các trường đại học, học nghề công dành cho sinh viên trên 18 tuổi.
Luật ra ngày 11-10-2010 “cấm che mặt” tại nơi công cộng. Luật này nghiêm cấm việc che mặt ở những nơi công cộng dù bằng mũ bịt mặt hay, mặt nạ, hay trùm burqa (khăn trùm kín từ đầu đến chân mắt nhìn qua lưới) hay niqab (khăn trùm kín từ đầu đến chân chỉ hở hai mắt). Ở đây vấn đề không phải ở việc thể hiện tín ngưỡng mà là vấn đề đảm bảo điều kiện chung sống và an ninh, một đòi hỏi hoàn toàn hợp lý. Chính vì vậy khăn hijab (khăn trùm đầu và cổ) không nằm trong luật cấm này.
Điều luật này áp dụng ở các nơi công cộng như trên đường phố, trên các phương tiện giao thông công cộng, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, bệnh viện, trường học, tòa án, và các công sở nhà nước. Luật này đã được Tòa án Nhân quyền Châu Âu chấp thuận. Ngày 19-11-2011, một người đàn ông 24 tuổi đã phản ứng bằng vũ lực với đội ngũ y bác sĩ tại một bệnh viện khi họ yêu cầu vợ của ông này bỏ khăn trùm trong phòng đẻ. Người đàn ông này đã bị kết án sáu tháng tù ngày 21-12-2011.
Gần đây, có nhiều phụ huynh theo đạo Hồi đòi hỏi thị trưởng thành phố nơi mình sinh sống thay đổi thực đơn căng-tin ở trường học, không đưa thịt lợn vào menu, hay phục vụ thịt halal cho con em họ. Họ cũng đề nghị dịp Giáng sinh không được trang trí cây thông Noël ở trường, ở tòa thị chính các thành phố (cây thông Noël, chứ không phải Chúa Jesus, biểu tượng của Công giáo). Nếu đáp ứng những nhu cầu này, liệu nhà nước Pháp có còn là nhà nước thế tục, không chịu ảnh hưởng của tôn giáo ?
Nếu đáp ứng những nhu cầu này, liệu quyền bình đẳng giữa những người theo đạo Hồi và những người không theo đạo này còn được tôn trọng? Không ! Nếu nhà nước Pháp đáp ứng tất cả những yêu cầu mang tính tôn giáo như thế này trong trường học, những yêu cầu tưởng chừng như đơn thuần chỉ là đòi quyền tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì chính là đang truất đi quyền tự do của tất cả những người không theo đạo này. Không! Chính bởi vậy, những người công dân Pháp theo đạo Hồi đòi hỏi những điều này có lẽ nên nhìn lại quyền hạn và nghĩa vụ công dân của mình.
Luật pháp của nhà nước thế tục Pháp luôn đi theo tinh thần của Hiến pháp, đảm bảo quyền tự do, dân chủ, bình đẳng giữa con người với con người, giữa các tôn giáo tồn tại trên lãnh thổ. Bởi vậy nói những người theo đạo Hồi, hay đạo Hồi bị kỳ thị ở Pháp, trên phương diện pháp lý là hoàn toàn sai lầm. Trong một đất nước đa tôn giáo, đa văn hóa như ở Pháp, mỗi công dân được hưởng quyền lợi như nhau và nhà nước Pháp cũng có quyền đòi hỏi các công dân này phải có nghĩa vụ như nhau với nhà nước, với xã hội họ đang sinh sống.
Liệu tất cả các công dân theo đạo Hồi, những người đang hưởng thụ các quyền lợi trên đất Pháp có ý thức được nghĩa vụ của mình?