Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“NGƯỜI BIỂU TÌNH” GIÀNH DANH HIỆU “NHÂN VẬT CỦA NĂM” CỦA TẠP CHÍ “TIME”

(NCTG) Có thể coi đây là một lựa chọn không quá bất ngờ của tờ tạp chí Hoa Kỳ, vì trong năm qua, hàng triệu người biểu tình ở nhiều quốc gia đã làm xoay chuyển tình thế ở cả những nơi tưởng không gì thay đổi được, chấm dứt những thể chế độc tài, quân phiệt kéo dài nhiều thập niên.

“Nhân vật của năm 2011” trên bìa tạp chí “Time”


Các BTV tờ tạp chí có uy tín cho rằng, với quyết định này của họ, họ đã vinh danh “Mùa xuân Ả Rập” tại nhiều quốc gia Cận Ðông, cũng như, chuỗi biểu tình lan sang cả Châu Âu và Hoa Kỳ. Theo “Time”, những người biểu tình - đa phần là vô danh - đã “tái định dạng nền chính trị toàn cầu” và “đưa lại một ý nghĩa khác cho sức mạnh con người” trên toàn thế giới.

Ðược thông báo trong chương trình “The Today Show” của Kênh truyền hình NBC vào ngày hôm qua, thứ Tư 14-12, sự kiện trên đã gây nên sự hứng khởi trong lòng rất nhiều người yêu chuộng tự do, dân chủ, cũng như các quyền dân sự và chính trị trên thế giới.

Từ năm 1927, hàng năm, tạp chí “Time” bình chọn danh hiệu “Nhân vật của năm”, cho những nhân vật, đồ vật hoặc suy tưởng mà BBT báo cho rằng đã có ảnh hưởng lớn nhất đến những sự kiện của năm qua, có thể theo hướng tích cực hay tiêu cực.

Một ví dụ điển hình của những “đối chọi” trong bình chọn, là việc trong năm 1956, người biểu tình - chiến sĩ đấu tranh về độc lập dân tộc Hungary trong cuộc cách mạng mùa thu ở nước này đã được chọn là “Nhân vật của năm”.

Nhưng đến năm 1957, người đoạt danh hiệu đó lại là Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, người đã đưa quyết định dìm cuộc cách mạng Hungary trong biển máu.

Tuy nhiên, chính vì tiêu chí như vậy mà “Nhân vật của năm” không chỉ là các chính khách, mà có thể là các doanh nhân (năm ngoái, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg, hay năm 2009, Giám đốc Fed Ben Bernanke được nhận danh hiệu này), hoặc thậm chí một đồ vật nào đó (máy điện toán cá nhân, năm 1982).

Tác giả bài viết: Trần Lê