Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGƯ DÂN HÒA LỘC: HỒI HƯƠNG TRONG CAY ĐẮNG!

(NCTG) Ngày 14-2-2004, mạng tin "VietNamNet" là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Việt Nam loan tin các ngư dân Việt Nam bị tuần duyên Trung Quốc bắt giam trái phép ngày 8-1 đã được hồi hương quãng 8-2, sau khi được "xử trắng án" trong một phiên tòa ở Hải Nam ngày 6-2-2005, mà không rõ là có đại diện của nhà nước Việt Nam, hay đại diện pháp luật Việt Nam hay không? (*)

Người Việt ở Sydney (Úc) biểu tình phản đối hành vi bạo ngược của tuần duyên Trung Quốc

Tin nói trên, lẽ ra phải là một tin mừng đối với người dân Việt Nam, thì lại gây nên những cảm giác cay đắng ở rất nhiều người trong và ngoài nước. Cho dù, phía Trung Quốc đã thực hiện lời hứa là trao trả cho Việt Nam các ngư dân trước ngày Tết cổ truyền dân tộc. Cho dù, thi thể các nạn nhân bị tuần duyên Trung Quốc thảm sát dã man, cũng đã được về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Nhưng...

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra ở đây.

Thứ nhất, truyền thông Việt Nam, sau 5-6 ngày chậm trễ trong việc đưa tin về vụ thảm sát ngày 8-1, đã rất tích cực vào cuộc trong những ngày sau đó, với nhiều phóng sự đồng cảm với số phận của những ngư dân Việt Nam vô tội và lên án hành động phi nhân của tuần duyên Trung Quốc. Tuy nhiên, được chừng 2 tuần (cuối tháng 1-2005) thì đột nhiên... báo chí "đồng loạt" im ắng hẳn, cho đến ngày 14-2, tức là chừng 5 ngày sau khi các ngư dân bị bắt giữ oan ức được về Việt Nam. Lý do tại sao? Tại sao người dân Việt Nam, đáng lý ra được quyền thông tin thật đầy đủ trong sự kiện này, lại phải biết đến việc Trung Quốc mở phiên tòa xét xử những "hải khấu" (cướp biển, theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khổng Tuyền, và báo chí nước này) Việt Nam qua nguồn tin "hành lang", đăng tải trên các website ở nước ngoài?

Thứ nhì, phía Việt Nam có cử luật sư, phiên dịch và đại diện của chính quyền tham dự phiên tòa ngày 6-2 vừa qua hay không? Nếu có, tại sao các ngư dân Việt Nam lại "nghe câu được câu không" sau khi các luật sư bảo vệ (người Việt Nam? Trung Quốc?) nói bằng tiếng Trung Quốc? (Xin xem lời kể của các ngư dân trở về, bài báo đã dẫn). Tại sao tòa xử trắng án mà các ngư dân Việt Nam lại bị trục xuất tức thì khỏi Trung Quốc, tàu của họ (vốn liếng làm ăn của cả gia đình chủ tàu, và là phương tiện làm ăn của bao ngư dân) lại bị giữ lại?

Và cuối cùng, tại sao chúng ta lại quá "nhẹ nhàng" trong sự kiện này? Chúng ta thỏa mãn vì, mặc dầu có 9 người bị bắn chết dã man, nhưng 8 người còn lại vẫn được về nước (sau 1 tháng bị giam cầm trái phép, bị đối xử không lấy gì làm tốt đẹp cho lắm, theo lời thuật lại của chính các ngư dân, và trái với khẳng định của tổng lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc khi đến thăm họ, rằng "họ được đối xử tử tế"!), không bị tù đày?

Phải chăng, như vậy là xong chuyện? Cho qua tất cả?

Câu trả lời, chắc chắn phụ thuộc vào sự hành xử của chính quyền và giới ngoại giao Việt Nam (và Trung Quốc). Tuy nhiên, rất nhiều đồng bào Việt Nam đã tỏ ý đồng tình với ý kiến sau đây của một trí thức Việt kiều có uy tín, đã nhiều lần về quê hương và đem trí tuệ của mình đóng góp cho đất nước:

"Nếu gọi là trắng án thì chính quyền Trung Quốc phải trả lời với nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới các vấn đề sau:

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi các ngư dân Việt Nam là "cướp biển", chính quyền Trung Quốc phải chính thức đính chính và xin lỗi ngư dân Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung về lời mạ lỵ này.

- Phải bồi thường thỏa đáng cho các gia đình ngư dân bị nạn.

- Chính quyền Trung Quốc phải công nhận sai trái: Trung Quốc đã vi phạm hiệp định đã ký với Việt Nam về biển Đông về khoản Trung Quốc đã tự tiện bắn giết và bắt cóc người của phía Việt Nam, khi có sự cố xảy ra đã không liên lạc với cảnh sát biển của Việt Nam để giải quyết tại hiện trường. Điều này cho thấy Trung Quốc coi thường chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Vì vậy chúng ta vẫn phải tiếp tục đòi hỏi chính quyền Trung Quốc nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam và thế giới những sai trái đã làm!"

Nếu chúng ta không làm được, ít nhất là một trong những điểm trên, thì có thể nói sự trở về của những ngư dân Việt Nam vẫn nhuốm màu cay đắng!

(*) Xin xem bài "Hòa Lộc: Nỗi niềm những người trở về" của ký giả Hà Đồng ("VietNamNet").

Tác giả bài viết: Bằng An