Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGHI CAN KHỦNG BỐ Ở ĐỨC TỪNG XUNG PHONG “CẢM TỬ QUÂN” CHO IS

(NCTG) Dấu vân tay của Anis Amri đã được tìm thấy trong phòng lái của chiếc xe vận tải lao vào khu chợ Noel ở Berlin hôm thứ Hai, theo khẳng định của Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Thomas de Maizière. Điều này nghĩa là rất có khả năng chính nghi can là người lái xe.
Hành khách xem tin tức về việc truy nã nghi can khủng bố ở Berlin - Ảnh: Lê Ngọc Sơn (từ Đức Quốc)
Đây là điểm mới so với những gì mà giới chức Đức - vốn rất thận trọng - cho biết vào hôm qua, khi họ thông báo người đàn ông đến từ Tunisia này sở dĩ bị truy nã vì đương sự có thể có liên quan tới vụ khủng bố.

Dấu vân tay được phát hiện trên trên cánh cửa và tay lái của xe tải. Đồng thời, như NCTG đã đưa tin, một giấy chứng nhận (về việc tạm hoãn trục xuất) do chính quyền Đức cấp cho Anis Amri cũng được tìm thấy dưới ghế ngồi của tài xế.

Một thông tin có liên quan là trước đây, nghi can từng xung phong làm “cảm tử quân”, khi duy trì quan hệ với mạng lưới Thánh Chiến ở Dortmund chuyển kêu gọi và tuyển lựa chiến binh cho tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS).

Kẻ đứng đầu mạng lưới này, Abu Walaa (người Iraq) đã bị bắt vào hồi tháng 11 và trong quá trình điều tra, điện thoại và việc trao đổi điện thư của kẻ này đã bị cảnh sát theo dõi. Các biên bản theo dõi cho thấy Anis Amri đã từng xung phong làm “cảm tử quân”, nhưng những lời lẽ này chưa đủ để có thể bắt đương sự.

Càng ngày, càng có những thông tin cho thấy Amri có quan hệ trực tiếp với IS. Viện dẫn những nguồn tin từ chính quyền Mỹ, tờ “Thời báo New York” (New York Times) đưa tin Amri từng học cách chế tạo bom trên mạng Internet, và đã trao đổi với IS ít nhất là một lần qua Telegram, dịch vụ nhắn tin được những kẻ Thánh Chiến rất ưa chuộng.

Thậm chí, Amri còn trong danh sách cấm bay của Mỹ, tất nhiên danh sách này rất đông đúc: trước cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 mới có 16 cái tên, thì cho tới năm ngoái, đã có tới 81 ngàn cái tên, trong đó gần một ngàn người mang quốc tịch Hoa Kỳ.
 
Lực lượng cảnh sát chống khủng bố tiến hành kiểm tra tại Dortmund - Ảnh: KDF-TV Picture 2016
Lực lượng cảnh sát chống khủng bố tiến hành kiểm tra tại Dortmund - Ảnh: KDF-TV Picture 2016

Theo tin của tờ “Bild” vào chiều hôm nay, hôm qua 21-12, ai đó đã truy cập vào tài khoản Facebook và điện thư của Amri tại một quán Internet ở Emmerich (đây là nơi trước đây Amri đã đệ đơn tỵ nạn, và trên nguyên tắc nghi can phải ở đây), và vài giờ sau, đã xóa một số thứ.

Khả năng điều này có liên quan tới việc hơn một trăm cảnh sát đã tiến hành kiểm tra tại một trại tỵ nạn ở Emmerich. Cũng theo “Bild”, vào rạng sáng hôm nay, tại Dortmund, chính quyền Đức cũng cho bắt giữ bốn người có thể có liên quan tới Amri, nhưng rồi cả bốn đều được thả.

Cũng trong nỗ lực kiếm tìm thủ phạm cuộc khủng bố, vào hồi 4h sáng nay, chính quyền Đức đã tiến hành khám nhà tại các quận Kreuzberg, Moabit và Prenzlauer Berg, nhưng không có nghi can nào bị bắt. Tối hôm qua, cảnh sát phát hiện một người trông giống Amri, nhưng rồi hóa ra không phải.

Giữa chừng, thông qua báo chí, gia đình Anis Amri kêu gọi nghi can hãy ra đầu thú. Abdelkader Amri và Walid Amri, trong trao đổi với hãng AP, đã nói điều đó và cho biết thêm, họ không có quan hệ gì mấy với nghi can. “Tôi xem trên Facebook mới biết anh tôi bị truy lùng”, Walid Amri cho hay.

Hiện sinh sống tại Oueslatia (Tunisia), gia đình nghi can bị sốc trước những tin dồn dập về nghi can này. Theo các thành viên gia đình, sau khi rời Tunesia, có lẽ Anis Amri đã trở nên kẻ cực đoan trong thời gian bị ngồi tù ở Ý bốn năm vì tội phá hoại và một số tội khác.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp