Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGA PHẢN ĐỐI NGHỊ QUYẾT LÊN ÁN CHỦ NGHĨA STALINIST CỦA OSCE

(NCTG) Thứ Ba 7-2009, cả Thượng viện lẫn Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) đều thống nhất với nhau trong một tuyên bố chung, phản đối việc Liên Quốc hội của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã đặt dấu bằng giữa vai trò làm bùng nổ Đệ nhị Thế chiến của nước Đức phát-xít và Liên bang Xô-viết của Stalin.

Các sĩ quan quân đội phát-xít Đức và Hồng quân Liên Xô hợp tác trong chiến dịch xâm lược Ba Lan (tháng 9-1939)

Tuyên bố nói trên khẳng định: với quyết định của mình, OSCE đã “cố tình xúc phạm vong linh của nhiều triệu binh lính Xô-viết, đã hy sinh đời mình để Châu Âu thoát khỏi ách phát-xít”.

Được biết, vào thứ Sáu tuần trước, chỉ có 8 trên tổng số 385 đại biểu đại diện cho 56 quốc gia thành viên trong Liên Quốc hội của OSCE bỏ phiếu chống nghị quyết trên, và già nửa số đại biểu thì nhất trí tán thành nghị quyết. Các đại biểu Nga đã giận dữ phản đối và sau khi nghị quyết được phê chuẩn, họ đã rời phòng họp.

Nghị quyết của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu được thông qua trong phiên họp tại Vilnius (thủ đô Cộng hòa Lithuania) nêu rõ: “Trong thế kỷ XX, đã tồn tại hai thể chể toàn trị lớn: chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Stalinist. Hai thể chế này đã gây ra những cuộc diệt chủng, đã vi phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, những tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại”. OSCE “khẳng định rằng chúng tôi phản đối mọi thể chế toàn trị, cho dù cơ sở ý thức hệ tư tưởng của chúng có như thế nào đi nữa”.

Liên Quốc hội OSCE, trong bản nghị quyết mà thực chất là một tuyên bố chính trị không có hiệu lực ràng buộc, cũng kêu gọi để lấy ngày 23-8 hàng năm làm “Ngày tưởng nhớ các nạn nhân của chủ nghĩa Stalinist và chủ nghĩa Quốc xã”.

Như đã biết, 23-8 là ngày mà vào năm 1939, Đức quốc xã và Liên Xô đã ký Hiệp ước Bất tương xâm (thường được gọi theo tên hai ngoại trưởng Molotov và Ribbentrop) để phân chia Ba Lan và làm bùng nổ Đệ nhị Thế chiến sau đó ít tuần.

Đại biểu Lithuania, ông Vilija Aleknaite-Abramikiene, người tham gia khởi thảo nghị quyết quan trọng kể trên, phát biểu: “Sự phê chuẩn nghị quyết đồng nghĩa với việc liên minh của 56 quốc gia đã lên án chủ nghĩa Stalinist, đây là điều có tầm quan trọng chủ chốt”.

Hoạt động theo hiến chương Liên Hiệp Quốc, OSCE là tổ chức an ninh liên chính phủ lớn nhất thế giới, tổ chức ban hành các vấn đề về kiểm soát vũ khí, quyền con người, quyền tự do báo chí và bầu cử tự do, với sự tham dự của 56 quốc gia thành viên đến từ Châu Âu, Caucasus, Trung Á và Bắc Mỹ.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp theo báo chí Hungary