NGA MUỐN GÌ QUA CUỘC DIỄU BINH NGÀY CHIẾN THẮNG 9-5 TẠI MOSCOW?
- Thứ sáu - 09/05/2008 11:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tên lửa Topol-M tại cuộc đại diễu binh ở Moscow, Ngày Chiến thắng 9-5-2008 - Ảnh: AFP
Hai ông Sz. Bíró Zoltán (CTV chính của Học viện Khoa họa Lịch sử, Viện Hàn lâm Hungary) và Deák András (CTV khoa học trực thuộc Học viện Đối ngoại Hungary) đã có một cuộc trò chuyện nhân dịp Liên bang Nga, sau một thời gian rất dài, đã tái tổ chức diễu binh tại trung tâm thủ đô Moscow.
Hai chuyên gia nhấn mạnh: cuộc diễu hành có một ý nghĩa tượng trưng, nó muốn khẳng định rằng nước Nga lại trở thành một cường quốc hùng mạnh và không biết sợ ai. Tuy nhiên, chi phí cho quân sự của Nga vẫn chỉ bằng một phần nhỏ của Hoa Kỳ.
Ông Sz. Bíró Zoltán nhắc lại: một cuộc diễu binh hoành tráng như thế tại trái tim của thủ đô Moscow nhân Ngày Chiến thắng, lần cuối được tổ chức vào tháng 5-1990, một năm trước khi Đế chế Liên Xô tan rã. Cuộc diễu binh lần này cho thấy, thế giới phải làm quen với việc Liên bang Nga đã trở lại đóng vai trò quan trọng trên chính trường thế giới: không phải muốn làm gì với Nga thì làm, mà bản thân quốc gia này cũng muốn trở thành một tác nhân không thể bỏ qua của những biến động quốc tế.
Theo ông Deák András, người Nga không quan tâm đến chuyện buổi diễu hành hôm nay có thể gợi nhớ “thời đại Xô-viết” không mấy đẹp đẽ. Bởi lẽ, trên cương vị một đế chế, Nga luôn tỏ ra hơi đi ngược lại với thế giới. Liên bang Nga hiện tại cũng giữ nét đặc thù ấy: họ dám chấp nhận việc “trơ lại một mình” trong một vài vấn đề gì đó, trong khi thế giới đi theo hướng khác.
Đồng thời, chuyên gia này cũng nhấn mạnh: Nga không còn cách nào khác là củng cố một nền quân sự mạnh. Điều này, một phần, được lý giải bởi vị trí địa chính trị của nước này: Liên bang Nga có thể tan rã bất cứ lúc nào vì lượng cư dân “thiểu số” đông đảo sinh sống ở nơi đây, ấy là chưa nói đến chuyện láng giềng của Nga cũng có vài quốc gia “bất trị” như Trung Quốc hay Iran. Mặt khác, một đòi hỏi mang tính nội trị, là một đại cường cần phải có quân đội hùng mạnh. Ông Deák András nói thêm: với những phát triển quân sự, người Nga đang tìm cách bù đắp lại sự tụt hậu 20-30 năm, tuy nhiên, số tiền được chi ra cho mục đích này chỉ bằng một phần nhỏ so với khoản chi 50-60 tỉ USD hàng năm của người Mỹ. Điều này cho thấy: quân đội Nga mạnh hơn Châu Âu, nhưng vẫn yếu hơn Hoa Kỳ.
Vẫn theo ông Deák András, sự phát triển công nghiệp quân sự không có nghĩa là nước Nga muốn trở thành kẻ chinh phạt hung hãn. Vladimir Putin thường xuyên nhấn mạnh rằng Liên bang Nga không muốn lặp lại sai lầm của Liên Xô trên địa hạt phát triển quân bị. Tất cả những điều này, cố nhiên, không có nghĩa là Châu Âu không cần lo ngại nước Nga, tuy nhiên, nếu không có lý do gì đặc biệt thì Lục địa già quả thực không phải lo sự xâm lăng quân sự đến từ Điện Kremlin.
Ông Sz. Bíró Zoltán cũng nhận định rằng chưa có dấu hiệu gì cho thấy Nga trực tiếp biểu lộ sự đe dọa đối với Châu Âu, nhưng rõ ràng là Liên bang Nga đã hiện diện như một đối tác càng ngày càng quả quyết bảo vệ những lợi ích của mình và nếu cần, họ có thể chấp nhận đụng độ. Nhà bình luận này cho rằng những khoản doanh thu từ năng lượng đã đặt tiền đề cho sự phát triển quân sự ở Nga. Tuy nhiên, ngoại trừ đối với các quốc gia thuộc Liên bang Xô-viết (cũ), Nga chưa dùng vũ khí năng lượng trong quan hệ với Châu Âu.
Ông Deák András cũng không tin vào vũ khi năng lượng của Nga, bởi lẽ, như lời ông, trong vấn đề này, Nga còn thua các quốc gia Cận Đông “nhiều năm ánh sáng”.