Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGA CÓ THỂ KHÔNG CHẤP NHẬN PHÁN QUYẾT TÒA QUỐC TẾ

(NCTG) Hôm nay thứ Ba 15-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật cho phép Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp) nước này có thể bỏ qua phán quyết của các phiên tòa quốc tế.
Đạo luật được cho là được phê chuẩn nhằm bác bỏ đòi hỏi bồi thường của các cựu chủ nhân Yukos - Minh họa: Internet
Cụ thể, những phán quyết của các tòa án quốc tế - trong số đó, chủ yếu là của Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại Strasbourg - mà bị coi là trái với Hiến pháp Nga, thì theo đạo luật mới này sẽ bị coi là thuộc dạng “không thể thực hiện được”.

Được biết, dự luật này được chính Tòa Bảo hiến đệ trình, và có ghi nhận rằng giữa Hiến pháp Nga và Công ước Châu Âu về Nhân quyền mà Liên bang Nga cũng ký vào năm 1996, thì đa phần không có mâu thuẫn, nhưng nếu có thì Hiến pháp Nga phải được ưa tiên.

Nhắc lại, Công ước Châu Âu về Nhân quyền - tên đầy đủ là Công ước bảo vệ Nhân quyền và các quyền Tự do căn bản - là một hiệp ước quốc tế, được khởi thảo và có hiệu lực từ tháng 9-1953 nhằm bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản ở Châu Âu

Để thực hiện các định chế trong Công ước này, Tòa án Nhân quyền Châu Âu được thành lập và bất cứ ai cảm thấy nhân quyền của mình bị xâm phạm bởi các nước ký kết Công ước, mà không được xử lý ổn thỏa trong nước, đều có thể đưa vụ việc ra tòa án thượng dẫn.

Trên nguyên tắc, các quốc gia có liên quan có bổn phận phải thi hành các phán quyết của Tòa án Strasbourg về những vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, đạo luật vừa được phê chuẩn tạo điều kiện để Nga tìm được “lỗ hổng” về pháp lý, trong một số trường hợp nhất định.

Theo tin của AFP, Moscow khởi thảo đạo luật nói trên để bác bỏ yêu cầu bồi thường của các cổ đông một thời của Yukos, một trong những tập đoàn lớn nhất Nga hoạt động trong ngành khai thác dầu khí và kỹ nghệ hóa học dầu hỏa do Mikhail Khodorkovsky sáng lập.

Từng là người giàu nhất nước Nga năm 2004, tỉ phú Khodorkovsky, một doanh nhân tham gia tích cực vào đời sống chính trị nước Nga, năm 2003 bị bỏ tù với tội danh trốn thuế và bị giam giữ trong nhiều năm. Yukos sau đó bị Tòa án Moscow tuyên bố phá sản vào năm 2006.

Theo một số tổ chức nhân quyền và tự pháp Châu Âu, vụ án Yukos - một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới - không đơn thuần là trốn thuế, mà còn mang màu sắc chính trị, khi chính quyền muốn triệt hạ một doanh nhân có ảnh hưởng và tham vọng chính trị.

Cuối tháng 7-2014, cả Tòa án Trọng tài Thường trực Hague ở Hà Lan và Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg đều ra phán quyết buộc Nga phải bồi thường cho các cổ đông của Yukos. Riêng khoản tiền bồi thường mà Tòa Strasbourg tuyên cũng đã lên tới 1,9 tỉ Euro.

Đạo luật mới do Tổng thống Putin phê chuẩn, như vậy, cho phép bỏ qua phán quyết này.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp