Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NĂM ĐỊNH KIẾN NỔI CỘM TRONG KHỦNG HOẢNG TỴ NẠN HIỆN TẠI

(NCTG) Cuộc khủng hoảng tỵ nạn từ nhiều tuần nay là đề tài được bàn tán rất sôi nổi, và tạo nên những phản ứng trái ngược xung quanh một số vấn đề khá phổ biến, mà với những nghiên cứu và số liệu thống kê, có thể tạm gọi là những định kiến.
Khủng hoảng lớn nhất mà Liên Âu phải chịu từ nhiều thập niên nay
Mạng EuroNews đã đưa ra những câu trả lời như sau cho các chủ đề nổi bật đó.
 
1. Đa số là di dân kinh tế chứ không phải tỵ nạn chiến tranh

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho biết trong số 244.000 người vượt biển tới Hy Lạp trong năm nay có 90% đến từ Syria, Afghanistan và Iraq, những quốc gia mà người dân bỏ chạy rõ ràng là vì chiến tranh và do đó, trường hợp của họ là tỵ nạn.

Iverna McGowan, phát ngôn viên của Amnesty nói: “Trái ngược với các cáo buộc họ là di dân kinh tế, cái chúng ta đang đối mặt là cuộc khủng hoảng về tị nạn. Chúng tôi không thấy bất cứ bằng chứng rõ ràng nào về việc phần lớn là di dân kinh tế.

Chúng tôi có các điều tra viên khắp nơi ở Châu Âu, đã tiếp xúc trực tiếp với họ và nghe nhiều câu chuyện về con người để biết rằng họ là những người chạy trốn khỏi chiến tranh. Sẽ có thể có những di dân kinh tế lẫn vào đó? Vâng, có thể có, nhưng trước hết phải có bằng chứng xác đáng đã
”.

2. IS gửi các chiến binh Jihad (Thánh chiến) trà trộn vào dòng người tỵ nạn

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha kêu gọi thắt chặt biên giới và phát biểu với tờ ABC rằng “phần lớn những người tỵ nạn chạy trốn chiến tranh và khủng bố nhưng chúng ta không thể quên lũ IS và bọn man rợ ở Syria và rằng chúng có khả năng thực hiện các sự đe dọa”.

Trong khi đó, tờ “Daily Express” của Anh cho rằng có khoảng bốn ngàn chiến binh jihadist đã thâm nhập Châu Âu qua dòng người tỵ nạn.

Tuy nhiên, Charlie Winter, chuyên viên cấp cao về các chiến binh Thánh chiến tại Quilliam Foundation nói rằng chưa hề có bằng chứng về việc này và nói rằng IS đang có những ưu tiên khác. Mặc dù không thể loại trừ khả năng này.

Ông Charlie Winter nói: “IS sẽ tiếp cận những rủi ro rất cao nếu chúng cài người kiểu liều lĩnh đó, và tôi không nghĩ rằng nó nhất thiết là cách logic nhất để thực hiện. Lãnh đạo IS hiện nay đang quan tâm đến việc giữ kiểm soát lãnh thổ ở Iraq và Syria và đang cố gắng để không mất đất trước các cuộc tấn công của nhiều lực lượng”.

Phát ngôn viên về tỵ nạn của Amnesty thì khẳng định: “Những người chạy khỏi Syria là chạy trốn IS, các lực lượng vũ trang khác và thậm chí là muốn trốn khỏi chế độ ở Syria”.

Về truờng hợp khủng bố ở Pháp năm nay, đa số những kẻ tấn công hoặc nghi phạm tấn công đều sinh tại nước đó chứ không phải nhập lậu từ bên ngoài. Trong đó có Yassin Salhi (nghi phạm tấn công gần Lyon), anh em Kouachi (vụ “Charlie Hebdo”) và Amedy Coulibaly (vụ ở Paris).

3. Đa số những người nộp đơn xin tỵ nạn ở Châu Âu để hưởng trợ cấp

Thủ tướng Serbia cho rằng chính các khoản trợ cấp tỵ nạn đã khiến số di dân tăng lên.

Theo nguồn EuroStat và Hội đồng Châu Âu, mỗi người xin tỵ nạn đuợc trợ cấp 88,5 Euro /tuần ở Đức, 85,87 Euro ở Pháp, 56,5 Euro ở Thụy Điển, 47,05 Euro ở Anh, 42,56 Euro ở Hà Lan và 3,75 euro ở Hungary.

Phát ngôn viên Ân xá Quốc tế nói: “Nếu bạn thấy được hành trình của họ cực nhọc đến thế nào, số người chết và những người bị chà đạp trên chặng đường đó ra sao, thì bạn mới hiểu được yếu tố nào thúc đẩy họ.

Đó không phải là một hành trình dễ dàng để tới châu Âu. Đó là một hành trình đau đớn phải được dừng lại bằng cách chấp nhận hợp pháp những người cần được bảo vệ
”.

4. Chấp nhận nhiều người tỵ nạn và di dân sẽ càng khiến họ đổ tới đông hơn

Thủ tướng Anh, ông David Cameron nói về đề xuất của Ủy ban Châu Âu về việc di dời 40 ngàn người tỵ nạn từ Ý và Hy Lạp năm nay, rằng đó không phải ý kiến hay bởi vì sẽ khiến càng nhiều người muốn tới Châu Âu.

Nhưng Ân xá Quốc tế bác bỏ cáo buộc này. Bà McGowan nói: “Chúng tôi cũng đã nghe những lời lẽ tương tự như thế xung quanh câu chuyện về Mare Nostrum nếu anh còn nhớ, rằng nếu không có một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn tích cực, người ta sẽ dừng đổ tới. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra.

Sau khi giải tán Mare Nostrum, số người kéo đến đông hơn. Anh nghĩ gì về những yếu tố thúc đẩy sự việc? Cái thúc đẩy người ta vượt một chặng đường nguy hiểm như thế chính là để trốn khỏi các cuộc xung đột tuyệt vọng, chiến tranh, nghèo đói. Đó là một thực tế!
”.

Mare Nostrum, chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ của Ý đã bị thay thế bằng Triton, một chiến dịch rẻ hơn, vào tháng 11-2014. Khoảng hai tháng sau, người tỵ nạn tiếp tục đổ tới, và giờ thì ai cũng thấy. Thống kê cho thấy bốn tháng đầu năm 2015, số người tỵ nạn tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.

5. Dân nhập cư sẽ mang những bệnh dịch mới vào Châu Âu

Có thể thấy trên những tấm ảnh, nhiều cảnh sát Hungary đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người tỵ nạn.

Gregory Hartl, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với EuroNews: “Mặc dù nhận thức chung rằng có mối liên hệ giữa di cư và nhập khẩu các bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên nó không là mối liên hệ có tính hệ thống.

Các bệnh truyền nhiễm chủ yếu liên quan tới nghèo đói. Người tỵ nạn và di dân cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh phổ biến ở Châu Âu.

Nguy cơ các tác nhân nhiễm bệnh, như virus Ebola hoặc MERS-CoV sẽ nhập vào Châu Âu là cực thấp, và kinh nghiệm cho thấy rằng, khi nó xảy ra, nó thường dính đến dân du lịch hoặc những người làm công việc chăm sóc y tế hơn là từ người tỵ nạn hay di dân
”.

(*) Tin cuối ngày nhận được từ cảnh sát Stuggart (Đức), theo đó họ đã bắt được một tên khủng bố IS đang nộp đơn “xin tỵ nạn”.

Tác giả bài viết: Tâm An chuyển ngữ, từ Brussels