Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MƯỜI THẮC MẮC VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG DI DÂN (Phần 2)

(NCTG) “Những người mà chúng tôi tiếp xúc, thường là những người chạy trốn khỏi bạo lực và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Khác với chúng ta, họ là nạn nhân trực tiếp. Họ ao ước có được bình yên, một tương lai an toàn cho bản thân và con cái”.
Mong muốn cho một tương lai bình an - Người tỵ nạn tại ga Keleti (Budapest) - Ảnh: Földes András (index.hu)
Xem Phần 1 của bài viết.

Bài viết của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International - AI) phân bộ tại Cộng hòa Czech nhằm giải đáp một số thắc mắc mang màu sắc định kiến liên quan tới làn sóng tỵ nạn Trung Đông hiện tại. Bản tiếng Việt do Ngô Thúy Vân chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Czech (NCTG).

7. Tại sao ai cũng muốn đến Đức chứ không phải Czech?

Phần lớn những người mà chúng tôi có dịp trao đổi ý thức rõ nơi mà họ muốn đến. Họ lên đường với một tờ giấy ghi rõ địa chỉ nơi họ đã có người quen và những người quen này sẽ giúp họ trong lúc ban đầu.

Ở Đức, tình hình này còn chịu tác động mạnh hơn bởi phát biểu của Thủ tướng Đức Merkel, theo đó nước Đức sẽ không trục xuất bất cứ người đệ đơn xin tỵ nạn nào đến từ Syria. Nước Đức cũng đảm bảo cho họ có được điều kiện tốt và lối cư xử nhẹ nhàng.

Về phía Hungary thì theo như điều tra của chúng tôi, người tỵ nạn ở Hung thường xuyên bị đối xử rất tồi tệ “như những con vật” (theo lời kể của họ). Còn về phía Czech, phần lớn người tỵ nạn biết rất ít về đất nước này, nhưng thông tin về phát ngôn của Tổng thống Miloš Zeman thì được lan truyền rất nhanh trong các nhóm người di cư và tỵ nạn.

Người tỵ nạn nghe nói rằng, chẳng ai mời họ tới đây cả (phát ngôn của Tổng thống khi lựa chọn những người đệ đơn tái định cư trên cơ sở hạn ngạch). Kinh nghiệm xấu tại các trung tâm tiếp nhận người tỵ nạn cũng được lan truyền, đây cũng là nơi mà họ rất sợ.

Một điều dễ hiểu là nước Đức không thể nào cáng đáng gánh nặng này trong một thời gian dài, vì vậy cần phải cân bằng lại điều kiện đệ đơn xin tỵ nạn cho toàn EU: đối xử nhân đạo và chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng giữa các nước thành viên.

Đến cuối tháng 8-2015, số người đệ đơn xin tỵ nạn tại Czech là 990 người, trong khi ở Đức đã lên tới con số hàng trăm nghìn.

8. Phần lớn người tỵ nạn là người Hồi giáo, liệu họ có thể và có muốn hòa nhập vào xã hội Châu Âu hay không?

Bạn đọc nên nghe cuộc hội thoại dưới đây giữa kênh DVTV và cô Fatima Rahimi (người Afghanistan) về lý do mà người dân chạy trốn khỏi Afghanistan, về chi phí cho việc tỵ nạn và thực tế về những kẻ buôn người.

Tiếp theo là cuộc phỏng vấn với bác sĩ Mansour al-Rajab, là người Syria đang sinh sống tại Czech. Cũng xin nhắc là, trong Thượng viện Czech có sự hiện diện của một người Syria - ông Hassan Mezian.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những người đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội Czech và còn rất nhiều người như thế nữa trên thế giới. Những người mà chúng tôi tiếp xúc, thường là những người chạy trốn khỏi bạo lực và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Khác với chúng ta, họ là nạn nhân trực tiếp. Họ ao ước có được bình yên, một tương lai an toàn cho bản thân và con cái.

Hội nhập là quá trình hai chiều và không được phép xem nhẹ. Bắt buộc phải có tác động từ hai phía - những người nhập cư mới cũng như với phần còn lại của xã hội. Quá trình hội nhập nhờ vậy mà trở nên dễ dàng hơn, đồng thời “làm giàu” thêm cho cả hai phía.

9. Cộng hòa Czech không có kinh nghiệm với việc nhận và tạo điểu kiện hội nhập cho một số lượng lớn người di cư

Trong quá khứ, Czech đã từng có kinh nghiệm với một lượng lớn người tỵ nạn hơn bây giờ. Sau sự sụp đổ của Liên bang Nam Tư cũ, Châu Âu phải đối mặt với làn sóng hàng triệu người tỵ nạn và Czech đã từng giúp đỡ hàng nghìn người trong số họ.

Sau khi tình hình lắng xuống, một số đã chọn phương án ở lại, một số đã trở về quê hương. Một phần lớn trong số họ là người Hồi giáo và không hề gây ra vấn đề gì to tát và cũng không làm cho Czech bị chia rẽ.

Cơ chế tỵ nạn thời đó còn ở bước đầu, chưa hoàn thiện như bây giờ. Chúng ta đang có một cơ chế hội nhập khá tốt và các chính sách cấp nhà nước về hội nhập cho những người được công nhận là tỵ nạn. Các biện pháp chính gồm việc học tiếng Czech và hỗ trợ trong vấn đề giải quyết chỗ ở.

Trong những năm trở lại đây, số người xin bảo hộ quốc tế ít hơn nhiều so với trước đây và so với khuynh hướng chung của thế giới.

10. Người tỵ nạn vượt biên trái phép vào lãnh thổ của chúng ta, không tuân thủ luật pháp và không tôn trọng các giá trị của chúng ta.

Vượt biên không bị quy kết là phạm tội hình sự, nhưng là vi phạm hành chính theo Luật Cư trú dành cho người nước ngoài của Cộng hòa Czech. Tài liệu cơ bản quy định quyền và nghĩa vụ của người tỵ nạn là Công ước Liên Hiệp Quốc về vị thế của người tỵ nạn (Công ước Geneva 1951).

Theo đó, chúng ta bảo đảm cho người tỵ nạn quyền được xin bảo hộ quốc tế và tham gia vào quá trình xét duyệt tỵ nạn để xác đinh xem, họ có thực sự có quyền xin tỵ nạn hay không.

Công ước cũng quy định rằng, những người đi tỵ nạn không có đủ điều kiện để xuất trình giấy tờ hợp lệ và đang gặp nguy hiểm về tính mạng không nên bị trừng phạt khi họ vượt biên tới một quốc gia khác. Trong Công ước cũng quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người tỵ nạn đối với nước sở tại.

Trích dẫn Công ước 1951, phần liên quan tới định nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của người tỵ nạn (có thể xem toàn văn Công ước, bản Việt ngữ, tại đây):

Khoản 1: Định nghĩa “người tỵ nạn”

Người tỵ nạn là người ở ngoài lãnh thổ đất nước mình và có nguy cơ bị đàn áp vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc gia hoặc là thành viên của một nhóm xã hội nào đó hoặc vì bất đồng về quan điểm chính trị. Người tỵ nạn là người không thể nhận sự bảo vệ công dân của chính quê hương mình hoặc từ chối nó vì những lý do nêu trên.

F. Các quy định của Công ước này không áp dụng đối với những trường hợp dưới đây:

a. Phạm tội ác chống lại hòa bình, tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người theo các công ước quốc tế đã được soạn thảo bao gồm các quy định liên quan;

b. Trước khi được công nhận là tỵ nạn, đã phạm tội nghiêm trọng (không chính trị) tại một nước khác so với nơi đã đệ đơn xin tỵ nạn;

c. Hành động trái với mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.


Khoản 2: Các nghĩa vụ chung

Mỗi người tỵ nạn có nghĩa vụ đối với quốc gia nơi mình sinh sống, có nghĩa là phải tuân thủ pháp luật và các quy định của quốc gia đó, kể cả việc giữ trật tự chung.

Khoản 31: Những người tỵ nạn lưu trú bất hợp pháp

1. Những nước tham gia Công ước cam kết rằng sẽ không trừng phạt việc vượt biên hoặc sự hiện diện của những người đến từ những vùng đang bị đe dọa về mạng sống và tự do - được quy định tại khoản 1. Họ cũng không bị những nước này buộc tội nếu kịp thời khai báo cho các cơ quan có thẩm quyền và chứng minh lý do chính đáng cho hành động vượt biên hoặc nhập cảnh bất hợp pháp của mình


 2. Các nước tham gia Công ước sẽ không hạn chế sự di chuyển của người tỵ nạn khi không thực sự cần thiết và nếu có sự hạn chế nào thì nó có hiệu lực đến khi tình trạng cư trú của họ được điều chỉnh, hoặc là cho đến khi họ được cấp phép nhập cảnh đến một nước khác. Các nước thành viên cũng cho họ một thời hạn vừa đủ và tạo mọi điều kiện cần thiết để họ được phép nhập cảnh vào nước khác.

Tác giả bài viết: Ngô Thúy Vân chuyển ngữ, từ Praha (Cộng hòa Czech)