Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MTI ÐƯA TIN VỀ CUỘC BIỂU TÌNH NGÀY 21-8 TẠI HÀ NỘI

(NCTG) “Chính phủ Việt Nam không tiếp tục dung thứ các phong trào chống Trung Quốc. Những hành động này sở dĩ xảy ra vì Trung Quốc đã ngăn chặn một tàu khảo sát của Việt Nam khi con tàu này thực hiện đo đạc tại biển Nam - Trung Hoa”, Hãng Thông tấn Hungary MTI đưa tin.

Cuộc biểu tình lần thứ 11 sáng 21-8-2011 - Ảnh: Phan Tất Thành


Trong bản tin được đưa vào sáng 21-8 (giờ Budapest), MTI cho hay: “Công an mặc thường phục đã bắt giữ chừng 50 người biểu tình, những người đã không để tâm đến lời cảnh cáo của chính quyền được đưa ra vào thứ Năm qua - thông báo này được phát lại nhiều lần qua hệ thống loa phóng thanh công cộng tại thủ đô của Việt Nam trong ngày Chủ nhật - theo đó, chính quyền sẽ không dung thứ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, được tiến hành thường xuyên vào cuối tuần từ hơn hai tháng qua”.

Lặp lại lý do đã đưa ra ở đầu bài của những cuộc biểu tình, bản tin MTI cho rằng, “tại Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng xung đột trên là xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”. MTI cũng cho biết thêm: “Theo lý do của thông báo chính thức cấm các cuộc tụ họp, những người biểu tình quấy rối trật tự an ninh và gây ùn tắc giao thông”.

Theo các quan sát viên, sự căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc có giảm sau khi Hà Nội cử đặc phái viên sang Bắc Kinh và trong tháng qua, tại Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia Ðông Nam Á có liên quan trong tranh chấp biển Nam - Trung Hoa đã ký thỏa thuận sơ bộ” - MTI nhận định và trích lời ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam của Ðại học New South Wales: “Ban lãnh đạo Việt Nam đã hiểu rằng đây là ranh giới, không thể đưa ra áp lực hơn thế đối với Trung Quốc trong vụ việc biển Nam - Trung Hoa”.

Bản tin của Hãng Thông tấn Hungary cũng nhắc lại: “Căng thẳng gia tăng vào tháng 6 giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines vì vấn đề chủ quyền những hòn đảo có trữ lượng khí đốt, dàu lửa và cá lớn - trong đó có quần đảo Trường Sa. Cuối tháng 7, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thỏa thuận thiết lập đường dây nóng giữa các lãnh đạo hải quân các nước để ngăn chặn các xung đột diễn ra vì các vùng lãnh thổ tranh chấp”.


Hình ảnh bị cho là phản cảm... - Ảnh: Phan Tất Thành

Theo những nguồn tin từ Việt Nam, sáng 21-8, mặc dù chính quyền Hà Nội đã công bố trước đó một thông báo cấm biểu tình tự phát (bị nhiều người coi là vi hiến vì không có số, không người ký và do đó, đã bị nhiều trí thức, nhân sĩ lên tiếng phản đối), nhưng vẫn có nhiều thanh niên, trí thức tham gia cuộc biểu tình lần thứ 11 với những băng-rôn, biểu ngữ và hô khẩu hiệu “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam là sứ mệnh của toàn dân”, “Tổ Quốc lâm nguy, xin đừng vô cảm!”, “Ðảo đảo Trung Quốc xâm lược”, “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh - Trường Sa - Hoàng Sa - Việt Nam!”...

Sau đó ít phút, lực lượng an ninh, bảo vệ đã dồn những người biểu tình lên hai chiếc xe buýt đậu sẵn tại hiện trường và đưa họ về đồn Công an Mỹ Đình (Từ Liêm - Hà Nội). Các nguồn tin ghi nhận thêm một sự kiện: xung quanh Hồ Gươm và tại các địa điểm lịch sử hay được đoàn biểu tình đi qua và dừng lại trong các dịp trước, Ðoàn Thanh niên Cộng sản đã cho dựng nhiều sân khấu ngoài trời và tổ chức trình diễn văn nghệ, trong đó có một số tiết mục bị coi là phản cảm với sự hiện diện của các thiếu nữ trong trang phục hở hang trước tượng đài Lý Thái Tổ...

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ và tổng hợp