MỘT SỐ GIẢ THIẾT VỀ SỰ “MẤT TÍCH” CỦA PUTIN
- Chủ nhật - 15/03/2015 12:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Những gì đang và sẽ xảy ra ở Kremlin không còn phụ thuộc vào sự xuất hiện hay biến mất của Putin nữa. Đây là một quá trình quay trở lại sự ổn định, sẽ đòi hỏi các thay đổi chính trị và tái sắp xếp nhân sự một cách vô cùng nghiêm túc”.
Mười ngày nay không rõ Putin biến đâu? - Ảnh: Kirill Kudryavtsev (AFP)
Kể từ ngày 5-3 tới giờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn “bặt tăm” trước truyền thông và công luận thế giới, khiến có một số giả thuyết đã được đưa ra về khả năng có cuộc đảo chính nội bộ ở Kremlin, nhưng những tình tiết có liên quan tới vụ ám sát cựu Phó Thủ tướng, thủ lĩnh ưu tú của phe đối lập Boris Nemtsov vẫn tiếp tục được mổ xẻ.
Các nhà phân tích không loại trừ khả năng âm mưu lật đổ Putin xuất phát từ chính Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) và họ đã dàn dựng vụ án Nemtsov bằng cách nào đó để làm cớ làm suy yếu Putin. Một số phân ích sau đây cho thấy tầm ảnh hưởng của vụ Nemtsov đến chính trường nước Nga.
Sự hoảng hốt ở Kremlin sẽ không kết thúc nhanh chóng
Đó là nhận định của nhà báo Vitali Portnhicov trên tờ lb.ua. Portnhicov lưu ý tới ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của vụ ám sát nhà hoạt động đối lập Boris Nemtsov đến tình hình chính trị của Nga. Dựa vào sự tương tác của những gì đã xảy ra, ông cho rằng có thể so sánh vụ ám sát Nemtsov với vụ bắn hạ máy bay Boeing 777 (MH17) của Hãng Hàng không Malaysia.
Chính các thảm họa mà (có thể) Putin không gây ra và không muốn xảy ra này đã làm suy yếu vị thế của ông ta trên trường quốc tế. Trước vụ MH17, mặc cho Putin đã phá hoại mọi chuẩn mực quốc tế bằng việc sáp nhập Crimea vào Nga, nhưng các đồng minh Phương Tây của Nga vẫn cho rằng họ đang đối phó với một quy trình được kiểm soát.
Nhưng sau vụ MH17, người ta hiểu ra rằng đây là một quá trình hoàn toàn mất kiểm soát, rằng chính quyền Nga đã không thể chịu trách nhiệm trước các hành động của quân đội cũng như của lính đánh thuê mà chính họ điều khiển. Và thế là quá trình khó khăn nhằm thống nhất các quan điểm đã trở thành cuộc tranh đấu thật sự với thể chế của Putin.
Ám sát Nemtsov cũng chính là một vụ Boeing, nhưng đó là vụ việc nằm trong nội bộ nền chính trị nước Nga.
Vị cựu phó thủ tướng vẫn tự cho phép mình viết các báo cáo chống tham nhũng, vẫn tham gia các hoạt động đối lập vang dội và vẫn đi lại, di chuyển không cần vệ sĩ vì ông tin tưởng vào sự ổn định của tầng lớp tinh hoa, vào sự bền vững của ngôi nhà đã được dựng nên từ những năm tháng Boris Yeltsin còn cầm quyền.
Và nếu ông có nói về khả năng mình bị ám sát thì chỉ vì ông có cảm giác ngôi nhà này đang dần sụp đổ.
Còn bây giờ chẳng ai có cảm giác ấy nữa vì họ đã tự nhìn thấy điều đó rồi.
Hiện nay chẳng ai dám dự đoán cán cân quyền lực.
Những gì đang và sẽ xảy ra ở Kremlin không còn phụ thuộc vào sự xuất hiện hay biến mất của Putin nữa. Đây là một quá trình quay trở lại sự ổn định, sẽ đòi hỏi các thay đổi chính trị và tái sắp xếp nhân sự một cách vô cùng nghiêm túc.
Do đó, không quan trọng là liệu Putin có còn ngồi trên ghế tổng thống nữa hay không mà quan trọng là việc ông ta có quyền hạn thực tế nào trên vị trí đó, và liệu những quyền hạn ấy có lớn như thời trước Crimea hay không? Và còn một điều quan trọng nữa là Medvedev có còn giữ được ghế thủ tướng hay không, hoặc cũng lại chỉ là “thủ tướng của Putin”?
Còn nếu như Medvedev phải ra đi thì ai sẽ tiếp nhận vai trò thủ tướng và sẽ có những quyền hạn gì?
Đấy chỉ là một phần nhỏ những thay đổi mà ta phải quan tâm bởi những thay đổi nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra ở các cơ quan an ninh, văn phòng tổng thống, trong đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn cực lớn của nhà nước. Vì vậy chẳng ai có thể dự đoán được cán cân quyền lực sẽ ra sao, chỉ có một điều là sự xáo trộn tháng Ba này sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Putin bị chính “quân mình” gài bẫy
Blogger Igor Edman cho rằng, cho đến hôm nay, nhìn chung có thể vẽ một bức tranh như sau. Putin đặt hàng (lãnh đạo Chechen) Kadyrov vụ ám sát Nemtsov. Kadyrov lại giao nhiệm vụ này cho (đại tá, Tư lệnh Tiểu đoàn Phương Bắc thuộc Bộ Nội vụ Chechnya, một trong những đồng minh thân cận nhất của Kadyrov) Alibek Delimkhanov.
Vụ việc này sẽ được che chắn bởi FSO (Cục Bảo vệ Liên bang). FSB (Tổng cục An ninh Liên bang) là nơi đang đối đầu với Kadyrov lại không được tham gia vào vụ này và thậm chí còn không được thông báo. Theo dự định thì những kẻ thực hiện vụ ám sát sẽ không bị bắt bởi tội ác sẽ được đổ vấy cho các thế lực nước ngoài đang có âm mưu phá vỡ sự ổn định của Nga.
Nhưng dự định này đã không thành công. Lãnh đạo của FSB đã lợi dụng tình hình để tính sổ với Kadyrov, kẻ mà trong những năm gần đây đã xâm lấn thị trường tội phạm của an ninh và cảnh sát Moscow (tống tiền, bảo kê...). Vì vậy FSB đã giả vờ tin vào phát biểu của Putin về mong muốn tìm ra kẻ giết người và (lợi dụng điều đó để) đã bắt giữ thủ phạm vụ án.
Tới lúc này, Kremlin đành phải đổ tội cho những kẻ bị bắt và nghĩ ra kịch bản vụ ám sát có nguyên nhân là báng bổ tôn giáo. Nhưng FSB lại xấc xược và đòi xử cả Delimkhanov và Geremenov. Tất nhiên Kadyrov phải từ chối giao nộp những chiến hữu này, còn Putin thì sửng sốt vì đã bị chính “quân mình”, những đồng nghiệp, những người thân thiết của mình bán đứng.
Bởi ai cũng rõ rằng Delimkhanov không thể giết Nemtsov nếu không có lệnh của Kadyrov, còn Kadyrov thì không bao giờ giao một nhiệm vụ như vậy cho chiến hữu mà không được sự đồng ý của ông chủ của hắn (là Putin). Để giả quyết vấn đề đau đầu này, Putin đã lánh đến dinh thự của mình ở vùng đồi Valdai và suy nghĩ cách đối phó.
Bằng cách nào đó, Putin đã buộc FSB quay lại huyền thoại đã được chuẩn bị từ lúc đầu. Chính vì thế SMI đã lại tung ra giả thuyết đầu tiên về những kẻ đặt hàng từ nước ngoài mà giả thuyết này sẽ được khẳng định bởi sự thú nhận từ Zaur Dadayev, một trong những nghi can chính của vụ ám sát.
Nếu Dadayev sống sót, thì vấn đề này sẽ được giải quyết nhưng với điều kiện xã hôi không còn quan tâm nhiều đến chuyện này nữa. Và về nguyên tắc thì Putin cũng thảo mãn với kết quả này.
Putin phải lặn mất tăm vì FBS “kịch chiến” Kadyrov
Cho đến ngày 13-3, cuộc đối đầu giữa cơ quan mật vụ FSB và (lãnh đạo Chechchen) Ramzan Kadyrov đã diễn ra gần như công khai. FSB quy kết Kadyrov là thủ phạm vụ án Nemtsov và yêu cầu bắt hắn. Putin không thể cho phép, đồng thời cũng không thể cản trở FSB nên quyết định lặn đi đâu đó một thời gian, theo phán đoán của nhà phân tích chính trị nổi tiếng Stanislav Belkovski.
Theo ông Belkovski, “đây là lần đầu tiên trong suốt 15 năm nắm quyền Putin mới gặp một vấn đề lớn cỡ này, đó là sự đối đầu gần như công khai của hai lực lượng đặc biệt của chính quyền: Tổng cục An ninh Quốc gia và Ramzan Kadyrov”.
Belkovski cho rằng ông chủ điện Kremlin không thể hy sinh các nhân viên an ninh vì họ đảm bảo an toàn cho chính Putin. Và bởi Putin luôn cho mình là chính nước Nga nên việc các nhân viên an ninh đảm bảo an toàn cho ông ta có nghĩa là đảm bảo an toàn cho chính nước Nga. Nếu có điều gì xảy ra với Putin cũng đồng nghĩa với việc nước Nga không còn tồn tại như hiện có nữa.
Điều này không chỉ chính tổng thống thấy vậy mà tất cả các đồng minh, cộng sự của ông đều quan niệm như thế. Trong khi đó, Kadyrov lại là lực lượng giữ ổn định cho toàn vùng Bắc Kavkaz và là biểu tượng của sự bình định của Nga đối với Cộng hòa Chechnya, là thành tựu quan trọng nhất của Putin trong suốt thời gian nắm quyền trước khi vụ Crimea xảy ra.
Cuộc đối đầu này Putin không thể giải quyết ổn thỏa bởi theo Belkovski thì FSB đã thẳng thừng quy kết Kadyrov tham gia vào vụ Nemtsov và yêu cầu bắt giữ y. Putin không thể làm việc này cũng như không thể xúc phạm đến toàn bộ hệ thống an ninh FSB nếu không để họ tiến hành điều tra đến tận cùng sự vụ.
Chính vì thế, theo lời của nhà phân tích, Putin quyết định lặn mất tăm để cho tình hình tự được giải quyết.