Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT NGÀY KHÓ QUÊN TRONG ĐỜI HỌC SINH

(NCTG) "Và khi đó, chắc hẳn tôi sẽ có dịp về thăm mái trường cũ, ngồi lại vào chiếc ghế dài ngày xưa, nơi trong mấy năm ròng tôi và ba bốn đứa trời đánh khác đã mài đũng quần và gây ra không ít ưu phiền cho các thày cô. Chắc chắn, vào một ngày 20-11 nào đó, tôi sẽ lại đến thăm những thày cô chẳng biết còn hay mất, như một đứa con bất trị đi xa lâu ngày, mang trong mình biết bao mối nợ với quê hương...".
Hà Nội, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2003 - Ảnh: Mai Hồng (từ Hà Nội)

Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 là một ngày thật đặc biệt đối với mọi học sinh từng trưởng thành ở miền Bắc Việt Nam trước 1975 hoặc ở nước Việt Nam thống nhất sau 1975.

Có thời, đã khá xa xưa, 20-11 mang tên "Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo", chắc hẳn dựa vào một điển tích "quốc tế" nào đó mà tôi đã quên. Tuy nhiên, thế hệ chúng tôi, những kẻ chào đời đúng vào lúc cuộc chiến Việt Nam lên đến hồi căng thẳng nhất, luôn nghĩ và coi 20-11 là một ngày rất "Việt Nam", như thể nó đã có tự ngàn đời nay chứ không hề là một "sản phẩm du nhập", bởi một lý do đơn giản: vào ngày ấy, chúng tôi có dịp bày tỏ tấm lòng biết ơn và kính trọng chân thành đối với các thày cô giáo.

Tôi còn nhớ như in cái cảnh hơn hai chục năm trước, cứ đúng vào dịp 20-11, từ sáng sớm đến tối mịt, đường phố Hà Nội tràn ngập những toán, những nhóm học sinh đủ các lứa tuổi, ríu rít cầm hoa, xách quà đến thăm các thày cô. Mà đâu phải chỉ có các em nhỏ: không ít người đã thành đạt, đã là giáo sư tiến sĩ, thậm chí còn rất nhiều bậc phụ huynh cũng cùng con cháu đến thăm thày cũ, mừng mừng tủi tủi. Không hiếm trường hợp một một nhà giáo già đã kèm cặp mấy thế hệ học sinh: xưa dạy cha mẹ, nay lại dạy con. Truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam, có lẽ không bao giờ được thể hiện rõ nét như trong ngày này.

Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, Việt Nam vẫn còn theo nền kinh tế tập trung, "bao cấp", chưa "mở cửa" như bây giờ. Những ai chỉ sống bằng đồng lương - thường được gọi bằng một khái niệm đầy vẻ "quan liêu": "cán bộ công nhân viên chức" - như các thày cô, bao giờ cũng rất chật vật với lương bổng ít ỏi. Nhiều người, sau giờ dạy, phải nuôi gà, nuôi lợn (có khi ngay trong căn hộ tập thể), trồng rau hoặc nhận thêm việc về nhà để kiếm thêm chút tiền chợ búa hàng ngày. Tôi nhớ ở trường tôi, một ngôi trường có truyền thống vào bậc nhất ở đất Hà thành, nhiều thày cô chỉ có độc một hai bộ quần áo gọi là tươm tất (hiểu là không vá chằng vá đụp) để lên giờ giảng. Phần lớn là những người "bần tiện bất năng di" nhưng có lòng tự trọng, tôi chắc các thày cô không khỏi thấy tủi hổ khi ăn mặc nhếch nhác trước mặt lũ học trò quỉ sứ, đa phần cũng khá rách rưới. Dù sao đi nữa, chứng kiến cảnh các thày cô đạp chiếc xe đạp cà tàng (hồi đó ai có xe gắn máy thì vênh vang, tự hào lắm!), ăn vận sơ sài giữa mùa đông buốt giá, cả những đứa ngỗ nghịch và láo toét nhất trong đám "nhất quỉ, nhì ma..." chúng tôi cũng có lúc phải ứa nước mắt.

20-11 cũng là ngày chứa chất bao kỷ niệm buồn vui của đời học trò. Có năm, một cô giáo đứng tuổi, nổi tiếng là nghiêm khắc, đã quá cảm động khi nhận được bó hoa từ tay thằng học trò ngỗ nghịch nhất và lười lĩnh nhất (mà ai cũng nghĩ là bị cô "trù úm"), nên đã quên khuấy cú kiểm tra bài cũ vào đầu giờ, một "tiết mục" mà chúng tôi đứa nào cũng ngán vì "chẳng phải đầu cũng phải tai". Năm khác, đúng vào dịp trái dưa lê rất rẻ vì người ta đồn đại là chúng được chăm bón bằng một loại chất "kích thích" nào đó (hình như là thuốc trừ sâu?!) có hàm lượng độc dược nguy hiểm, các thày cô nhìn nhau cười muốn... mếu khi biết chuyện nhà ai cũng có hàng... tạ dưa lê: đám học trò nghèo chả có tiền, đành góp mỗi đứa vài hào, rủ nhau mua dưa lê "cho nó có vẻ nhiều"!

Nghĩ lại, cái việc mua quà tặng các thày cô thật tế nhị và cũng thật khó xử, lắm lúc đã khiến chúng tôi phải căng óc ngẫm nghĩ: mua thứ gì vừa hợp với các thày cô, vừa phù hợp với túi tiền trống rỗng của từng đứa? Thoạt đầu chưa có "kinh nghiệm", đứa nào đứa nấy cứ nhằm bút máy, sổ tay, sách... (tôi nhớ có cô giáo được tặng tới ba quyển "Ngõ hẻm dưới ánh trăng" của Stefan Zweig, một trong vài cuốn sách dịch được ưa chuộng nhất thời bấy giờ) hay đường, cam, chuối... mà mua, khiến các thày cô "xử" không sao hết, phải đem đi... biếu lại! Về sau, "khôn" ra, có đầu óc "chiến lược" hơn, cả lũ hợp nhau lại bàn bạc, làm sao có thể mua chút quà gì "toàn diện" và khỏi trùng lặp cho các thày cô. Ngần ấy năm trôi qua, nghĩ lại niềm vui nho nhỏ của lũ nhóc được tặng quà thày cô, và của thày cô khi nhận tấm lòng đơn sơ, mộc mạc của học trò, sao tôi thấy lòng mình như mềm đi, dịu lại, trẻ lại với những hoài niệm của một thuở ngây thơ cắp sách đến trường.

Rồi cái ngày mà bất cứ đứa học sinh nào cũng mơ ước và chờ đợi, đã đến. Tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi lao vào luyện thi đại học như những con thiêu thân, rồi mỗi đứa tản mát một phương. Đậu đại học với điểm số cao và được đi du học nước ngoài, đó là ước mơ tột bực của bọn tôi, lớp người trưởng thành ở Việt Nam đầu thập niên 80: tìm đến một chân trời mới mà đa số đều nghĩ là "miền đất hứa", tìm đến những khả năng mới cho tương lai của mình. Chẳng đứa nào là không bùi ngùi và cảm động trong dịp chia tay bạn bè, thày cô ở lại. Tôi còn nhớ như in cái buổi đi với mấy đứa bạn cùng lớp từ giã một thày giáo già, đã từng dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh Hà Nội: đã bao nhiêu lần chia tay với học trò thân yêu mà thày của chúng tôi vẫn không giấu nổi những giọt nước mắt cảm kích; chúng tôi, đứa nào cũng lúng búng trong họng lời hứa "chúng em sẽ về thăm thày vào một dịp gần nhất" mà dường như cả thày lẫn trò đều biết rằng khó chờ được đến ngày ấy. Vài năm sau, ở bên này, tôi được biết rằng thày đã qua đời trong cảnh nghèo khổ, bần hàn vì bệnh lao phổi, một căn bệnh rất phổ biến của nhiều nhà giáo Việt Nam, kết quả của mấy chục năm "gõ đầu trẻ" trên bục giảng, thường xuyên phải hít bụi phấn đầy độc hại và kiệt lực vì cuộc sống khó khăn, căng thẳng về cả tinh thần lẫn vật chất.

Bao nhiêu năm ở xứ ngoài, cách quê nhà nửa vòng trái đất, chúng tôi ít được biết tin về các thày cô đã từng dạy dỗ mình. Thỉnh thoảng, qua thư từ của bạn bè ở nhà, được hay "thày Đ. giờ khá lắm, đi dạy thêm nhiều và có xe máy, có nhà to rồi, không như hồi mày ở nhà đâu", "cô L. vẫn thế, vẫn nghèo, vẫn ở vậy, tóc bạc trắng và già đi nhiều, chúng mày về chắc khó nhận ra"... Cũng có khi, qua những dòng trao đổi vội vã qua e-mail, qua những dịp "chat" triền miên trên Liên mạng, bất ngờ thay, chúng tôi được "gặp" lại các thày cô đang tu nghiệp tại nước ngoài. Nhưng bùi ngùi nhất là cảnh một vài thày cô đành phải bỏ nghề, bươn chải tại những chợ trời khắc nghiệt vùng Đông Âu, chật vật kiếm sống với đôi bàn tay vốn chỉ quen cầm phấn suốt bấy năm ròng: đôi lúc trò đi mua hàng gặp cô, cả hai cười xòa mà biết rằng mỗi người đều mang trong lòng những nỗi đau âm ỉ khôn nguôi. (Về đề tài này, một tác giả ở Ba Lan đã có một truyện ngắn vô cùng xúc động mà tôi cho rằng tất cả những gì anh viết đều là cuộc đời thực, không chút tô vẽ, cường điệu*).

Ở bên này, quen với lối sống phương Tây, dần dần chúng tôi cũng không thấy lạ lẫm mấy với mối quan hệ thày trò rất "dân chủ", rất "tự do". Trừ mấy ông bà giáo đứng tuổi còn giữ nguyên tác phong "mô phạm" và chừng mực như ở Việt Nam, còn thì đại đa số các thày giáo của chúng tôi đều rất thoái mái, tự nhiên với học sinh: có thày lúc nào cũng ăn vận như một nhà thể thao sắp ra trường đấu, thày khác đầu tóc bù xù như Einstein đến nỗi nếu ở Việt Nam thời sau 1975, ắt ông phải bị mấy "chú" công an hộ khẩu xạc cho một trận vì tội "trông như du côn". Đã đành là "đầu óc là quan trọng, phải đâu mái tóc" như một câu ngạn ngữ của dân bản xứ, nhưng không hiểu sao, ở đây, chúng tôi chỉ cảm thấy tôn trọng và khâm phục trình độ của các thày cô giáo, chứ không có được một tình cảm, một mối quan hệ tương kính như thời ở nhà. Phải chăng vì chúng tôi đã trưởng thành và thời gian cũng đã trôi qua?

Hơn một thập niên nay, từ khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, khẩu hiệu "tự cứu lấy mình" được buông ra như một thứ cứu cánh, dường như mối quan hệ thày trò ở Việt Nam có phần bị chuyển sang xu hướng thực dụng, thuần vật chất. Không ít người coi việc giảng dạy cũng là một "dịch vụ", trò lắm tiền bỏ ra mua "dịch vụ" của thày, thày cũng thản nhiên coi đó là chuyện "tiền trao cháo múc", xong khóa học "anh đi đường anh tôi đi đường tôi" không hề có chút quyến luyến. Đọc báo trong nước, tôi thấy đau trước tệ nạn học sinh hành hung, sỉ nhục thày cô, hoặc một vài nhà giáo chỉ lo chạy "", coi tiền là trên hết, học sinh chỉ là "con bò" để vắt càng nhiều sữa càng tốt... Tưởng như đã đến lúc cần phải gióng một hồi chuông cảnh tỉnh trước vài hiện tượng "xuống cấp" của đạo lý thày trò ở Việt Nam!

Nhưng, không hiểu sao, sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn coi đây là chỉ tình cảnh tạm thời, "chuyển tiếp", chứ không hề, không thể là bản chất dân Việt, những con người hằng tâm niệm "không thày đố mày làm nên", "muốn con hay chữ thì yêu lấy thày"... Trong thâm tâm, tôi thầm nghĩ một cách lạc quan rằng khi đất nước mình phát triển hơn, văn minh hơn, thế nào các thày cô cũng sẽ được sự kính trọng và hàm ơn thỏa đáng từ xã hội vì chính họ đã dạy dỗ những tâm hồn non dại nên người.

Và khi đó, chắc hẳn tôi sẽ có dịp về thăm mái trường cũ, ngồi lại vào chiếc ghế dài ngày xưa, nơi trong mấy năm ròng tôi và ba bốn đứa trời đánh khác đã mài đũng quần và gây ra không ít ưu phiền cho các thày cô. Chắc chắn, vào một ngày 20-11 nào đó, tôi sẽ lại đến thăm những thày cô chẳng biết còn hay mất, như một đứa con bất trị đi xa lâu ngày, mang trong mình biết bao mối nợ với quê hương...

(*) Truyện ngắn "Thày" của cố tác giả Thiên Nam.

Tác giả bài viết: Phương Dung, từ Budapest - Ngày 20-11-2003