MƠ TẾT XƯA
- Thứ tư - 29/01/2014 11:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Hình như đang mưa rất nhẹ, hình như trong không gian se lạnh ngửi được cả mùi bánh chưng. Bỗng nhiên muốn về nhà... ngồi khóc. Nỗi nhớ Hà Nội ngày xưa, nhớ Tết hay nhớ nhà, nhớ ai đó… không biết nữa, cứ đầy mãi, đầy mãi. Và mình đang mơ Tết như Tết năm nào”.
Bánh chưng, giò chả, những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết - Ảnh tư liệu
Hồi ấy, nhà mình ở một khu tập thể mà mọi người hay gọi đùa là khu tập thể Yên tĩnh và Lãng quên, hình như ít ai biết đến vì xa trung tâm. Khu có nhiều dãy nhà, mỗi dãy là mười căn hộ hai tầng sát vách, y hệt nhau nên trẻ con bọn mình toàn phân biệt và nhớ hàng xóm bằng cây gì trồng ở cổng từng nhà kiểu như bác Toản nhà có cây ổi, cô Vinh nhà cây bưởi, bác Côi cây táo…
Những ngày cuối năm như bây giờ nhà ai cũng tíu tít. Các chị lớn thì ngâm gạo, đãi đỗ xanh, lũ lau nhau như mình chỉ phải lau lá, đếm lá, xếp ngay ngắn, tranh nhau chỗ ngồi hồi hộp chờ xem gói bánh. Lần nào cũng thế, mình mắt tròn ra ngưỡng mộ nhìn người lớn thoăn thoắt tay trải lớp gạo trắng, lớp đỗ xanh mịn màng, một miếng thịt, lại đỗ, lại gạo rồi gọn gàng gấp lại, vỗ vỗ mấy góc, buộc, thế mà thành một rồi chả mấy chốc là cả chồng bánh chưng vuông vức xanh đến nhức mắt, thật đẹp! (Chắc vì thế mà đến giờ mình vẫn chưa dám gói bánh chưng lần nào vì nghĩ khó lắm mình làm sao gói được).
Bánh gói xong được cho vào nồi cao hay thùng phi to, rồi luộc ngay sân trước, các bác trai hoặc các anh lớn chia nhau trông chừng thêm củi, thêm nước và canh nồi bánh cả đêm. Bọn trẻ con, tranh thủ được dịp không phải ngủ sớm, hai má hồng hanh nẻ, áo bông, áo len đủ kiểu môi vẫn bợt bạt vì rét, rủ nhau chạy từ sân nhà này sang nhà khác, đâu cũng ngồi xuống một lúc, hớn hở vùi củ khoai lang hay khoai tây vừa xin được của mẹ vào bếp lửa, vừa hơ tay cho ấm vừa nghe lỏm chuyện của các anh, nhưng chốc chốc lại sốt ruột hỏi khoai chín chưa, lấy ra cho em với.
Bánh chưng xong là đến bánh quy. Có lẽ hay hồi đó có phong trào, hoặc vì có nhiều bột mì ăn độn gạo, gần Tết, cả khu rủ nhau mang bột mì lên phố - thấy bảo là xa lắm - và phải đợi lâu lắm để làm bánh quy... gai. Mình vẫn còn nhớ ở trên gác nhà mình có hẳn một thùng sắt đựng bánh - với mình, bánh quy gai là quà bánh ngon nhất trong dịp Tết. À ngoài ra, món kẹo “trứng chim” trắng muốt, bên trong có hạt lạc, cũng là món mình thích nhất trong số các loại mứt tết bày trong hộp nhựa lục giác hay bát giác, bày biện trang trọng trên bàn cạnh lọ hoa rực rỡ gồm thược dược đỏ, violet tím và hoa cánh bướm trắng tinh hay hồng phấn.
Cho đến tận bây giờ mình vẫn nghĩ Tết thì phải có lọ hoa như thế, hay ngược lại, cứ nhìn thấy ba loại hoa ấy là nghĩ ngay đến Tết. Trong khi, đối với mình, một cành đào hay một cây quất lại không gợi nhớ đến thế, chắc là vì suốt những năm ấy, đào và quất vẫn là thứ xa xỉ với nhà mình. Nhỏ tí nên chưa được tham gia tiết mục “đi chợ hoa Tết” với bạn, hoặc là lớn hơn rồi, nhưng vì mẹ hay át đi “đi làm gì, có gì đâu, toàn người với người chen lấn nhau” nên hồi ấy, mình toàn “được” ở nhà, chỉ biết ghen tị ngóng chị đi chợ hoa với bạn về, rồi đòi chị kể chuyện..
Ngày cuối cùng của năm hình như bao giờ cũng rất ngắn so với chờ mong. Mình ngồi trong nhà, nhìn qua cửa sổ ra ngoài sân sau có bố và chị đang làm gà... rồi khóc nức nở vì thương gà quá. Mẹ luôn chân luôn tay với nồi măng trên bếp, con gà luộc trong nồi, bao nhiêu nem đang cuốn cùng đủ các loại rau, đỗ phải thái, bóng bì phải tẩy, chuẩn bị cho mâm cơm cúng Tất niên. Loáng một cái đã đến chiều, có cảm giác như chẳng ai muốn ra đường, hoặc ai đang ở ngoài đường cũng vội vàng về nhà, ấm cúng cả gia đình bên nhau ăn bữa cơm tiễn đưa một năm chỉ còn vài giờ nữa sẽ kết thúc.
Những năm sau này, xa nhà, đến chiều ngày cuối năm, bao giờ mình cũng nhớ đến quặn lòng những bữa cơm ấy, và thấy chơ vơ, tủi thân, có khi hơi hoảng hốt. Y như một năm nào đấy, một buổi chiều như thế, mình đi theo chị đến nhà người quen, chị bảo đợi chị tí nhé. Mình đứng một mình ngoài cổng, nhìn ra đường thấy ai cũng vội vã đạp xe, gió lạnh buốt, nhưng thoảng đầy hương của nồi nước mùi nhà ai đang nấu. Bất giác mình òa khóc, sợ hãi nhỡ chị mãi không ra và mình cứ đứng đây, làm sao về nhà với bố mẹ được...
Nỗi nhớ còn hướng mình về những ký ức rất cụ thể trong ngày Tết, đến giờ vẫn không hề phai. Khi mình lăng xăng giúp mẹ và chị bày bàn, còn bố rót rượu vào bốn cái cốc bé tí rồi trịnh trọng: “Nào nâng cốc chúc mừng năm mới! Chúc mẹ trẻ đẹp và hai con gái lớn nhanh”. Cả nhà cười vang hạnh phúc và căn phòng rạng rỡ thơm mùi năm mới…
Không khí xuân thời bao cấp tại Hà Nội - Ảnh tư liệu
Tết, có lẽ với mình và nhiều người, được định nghĩa như thế nhỉ, nghĩa là đương nhiên, Tết là gói bánh chưng, nấu chè kho, làm chả nem. Cũng như sẽ mãi là mỗi năm, những ngày cuối tháng Chạp rồi ngày Giao thừa bận rộn để đến sáng mùng Một, chỉ sau một đêm, tất cả đều như mới toanh và ai cũng thảnh thơi. Nhà sạch tinh tươm, bàn uống nước thường ngày nay trải khăn thật đẹp, có hoa, hộp mứt, hạt bí, cả chai rượu mơ... đợi khách đến xông nhà.
Bố mẹ quần áo chỉnh tề, còn mình xúng xính trong quần nhung mới, áo len đỏ, áo khoác xanh, cố đợi đến giờ được ra đường (là gần trưa, khi nhà ai cũng đã xông nhà xong), hớn hở chạy đi khoe bạn những tờ tiền mừng tuổi mới cứng “có thể cạo râu”. Vì Tết, nên đất trời cũng khác, hình như khác hẳn hôm qua - năm cũ. Yên tĩnh hơn và lất phất rất nhẹ mưa phùn, không đủ ướt những quả pháo xịt nằm lẫn trong hồng hồng xác pháo từ giao thừa trước cửa. Còn không khí thì thơm mùi măng, mùi hương trên bàn thờ trưa mùng Một, trong bữa cơm đầu năm họ hàng gặp nhau, ai má cũng đỏ bừng vì chút rượu vang và những lời chúc tốt lành năm mới..
Cả cho đến khi mình sống ở phương Nam ấm áp đã được hơn mười năm, đã xa lắm lắm khu nhà ngày nào, hễ gần Tết mình vẫn bần thần, chông chênh, có khi cả tuần vì cứ nhắm mắt lại thấy Tết. Phải là Tết ngày ấy, và nhất định là Hà Nội vì chỉ Hà Nội mới có không khí Tết mà. Cho dù, từ lâu, mình chẳng còn dám nhận khi ai đó hỏi có phải người Hà Nội không. Đơn giản là sợ, nhỡ bị hỏi tiếp sẽ không biết giới thiệu Hà Nội thế nào, cho dù giọng nói thì vẫn thế, nhưng lâu quá rồi, “Hà Nội của mình” đã thành cũ kỹ và lạc hậu.
Ấy thế mà vẫn mong được ra Hà Nội ăn Tết mỗi năm và sung sướng vô vàn khi có lần thực hiện được ước mơ bé nhỏ ấy, lãng mạn được tay trong tay người yêu đi một vòng quanh hồ Gươm ngay đêm Giao thừa rét run lập cập. Giờ lẩn thẩn nghĩ, thật ra mình đóng khung Tết trong bánh chưng, pháo Tết, mưa phùn và Hà Nội vì đó là những thứ mình đã biết từ những năm ấu thơ. Giả sử mình sống ở Sài Gòn từ bé thì có lẽ vào dịp Tết mình không còn khắc khoải mong ra Hà Nội nữa, và sẽ rất vui với mai vàng và nồi thịt kho trứng, lạp xưởng, bánh tét với củ kiệu…
Hoặc có khi như bọn trẻ con nhà mình, khi lớn lên, chúng sẽ chỉ nhớ Tết là chơi thả diều, giở mực, giở giấy khai bút viết một hai chữ Hán và món ăn Tết vừa Việt vừa truyền thống của... Nhật thì sao? Vậy mình nhớ Tết là vì nhớ Tết cụ thể với món ăn này khác, hay thật ra chỉ là sự hoài niệm thời bé thơ đã quá xa? Hay nhớ vì đấy là dịp mình được về nhà, tập trung cả gia đình, họ hàng, có nhiều thời gian nhất để quây quần bên nhau và chỉ rất vui không lo lắng gì?
Bây giờ cũng đang là những ngày cuối năm như thuở xa xưa ấy. Nhưng chỉ là một ngày thứ Hai bình thường như rất rất nhiều thứ hai khác trong hơn mười năm ở đây, một nơi thật xa cả Hà Nội lẫn Sài Gòn. Trừ ra hai lần sắp xếp trở về đúng dịp, với mình, những năm khác, cũng như tuần này, Tết hay không, mọi sự cũng lặng lẽ, không gì đặc biệt. Mình vẫn nghĩ mình dần quen rồi, thích nghi với cuộc sống mới mẻ và bận rộn rồi, thoải mái với tập quán ở đây rồi, và chắc không sao khi những hoài niệm đã dần mờ phai vì có cách nào khác đâu…
Thế rồi sáng nay trên đường đi làm, mình nhận được tin nhắn của bạn “em nghe nhé”, và thử nghe bài hát bạn gửi. “Hà Nội ngày tháng cũ, mãi mãi theo tôi trôi trên biển đời. Hà Nội ngày tháng cũ, như mây như mưa trong cuộc tình tôi” (*). Hình như đang mưa rất nhẹ, hình như trong không gian se lạnh ngửi được cả mùi bánh chưng. Bỗng nhiên muốn về nhà... ngồi khóc. Nỗi nhớ Hà Nội ngày xưa, nhớ Tết hay nhớ nhà, nhớ ai đó… không biết nữa, cứ đầy mãi, đầy mãi. Và mình đang mơ Tết như Tết năm nào.
(*) “Hà Nội ngày tháng cũ”, sáng tác của Song Ngọc.