Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MERKEL NHẬN TỐI HẬU THƯ, BIÊN GIỚI ĐỨC CHUẨN BỊ ĐÓNG?

(NCTG) Một bộ trưởng trong nội các Đức công khai chỉ trích đường lối tỵ nạn của Thủ tướng Đức, hàng trăm dân biểu thuộc liên minh cầm quyền gửi thư đề nghị chấm dứt việc tiếp nhận dễ dãi người tỵ nạn và trở lại áp dụng những luật định nghiêm ngặt..., đó là những áp lực chưa từng có mà Angela Merkel phải đối mặt trong những ngày này.
Bộ trưởng Alexander Dobrindt - Ảnh: Adam Berry (Europress)
Ông Alexander Dobrindt, Bộ trưởng phụ trách về giao thông và phát triển hạ tầng kỹ thuật số khẳng định trong một bài phỏng vấn với tờ “Münchner Merkur” hôm thứ Ba 19-1, rằng việc đóng cửa biên giới Đức là điều không thể tránh khỏi.

Vị chính khách thuộc Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo Bayern (CSU) tỏ ra nghi ngờ nền tảng của chính sách tỵ nạn mang tên Merkel, theo đó việc đóng biên giới sẽ khiến sự tồn tại của Liên Âu gặp hiểm họa.

Theo ông bộ trưởng, thực tế chủ yếu đi “ngược lại so với “định lý” nói trên: nêu không khóa biên giới, tiếp tục theo đuổi chinh sach tỵ nạn theo hướng “cứ để vậy đi” sẽ khiến Châu Âu ngã quỵ”, theo cách diễn đạt của ông.

Trong số các thành viên nội các Liên bang, trước nay chưa ai công khai phản đối Angela Merkel trong vấn đề tỵ nạn như thế. “Chỉ phô diễn gương mặt thân thiện không đủ”, vị bộ trưởng phát biểu thẳng thừng với truyền thông.

Theo ông, thủ tướng Đức “cần đưa ra thông điệp rõ ràng cho thế giới, rằng không phải cứ muốn tới Đức để đổi đời là được”, nước Đức không phải là nơi tiếp nhận tất cả những ai muốn đến đó để có đời sống sung túc hơn.

Không phải Alexander Dobrindt là người duy nhất gay gắt chỉ trích Merkel như thế. Hàng trăm dân biểu thuộc nhóm nghị sĩ chung CDU/CSU trong Quốc hội Đức cũng gửi thư yêu cầu chính quyền Đức phải thay đổi ngay chính sách tỵ nạn.

Lá thư được chuyển trong ngày thứ Ba 19-1 đòi hỏi Merkel đoạn tuyệt với cung cách nhận người tỵ nạn dễ dàng được thực thị từ tháng 9 năm ngoái, và tái áp dụng những điều khoản luật chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với người tỵ nạn.
 
Angela Merkel chụp ảnh kỷ niệm cùng người tỵ nạn. Ngày càng có nhiều người cho rằng nước Đưc đã qua tải - Ảnh: Bernd Von Jutrczenka (DPA)
Angela Merkel chụp ảnh kỷ niệm cùng người tỵ nạn. Ngày càng có nhiều người cho rằng nước Đức đã quá tải - Ảnh: Bernd Von Jutrczenka (DPA)

Angela Merkel đang trải qua những ngày gian nan trong sự nghiệp chính trị, khi tâm trạng của công luận nước này thay đổi khá nhiều kể từ những cuộc tấn công tình dục xảy ra đêm Giao thừa tại TP. Köln, mà một số nghi can là người đang xin tỵ nạn.

Điều này được thể hiện qua một thăm dò mà Kênh Truyền hình Quốc gia ZDF công bố vào tuần trước, theo đó đa số cư dân Đức nghĩ rằng nước Đức không đương đầu được với con số người tỵ nạn tới quá đông ở quốc gia này.

Vì vậy, sự ủng hộ dành cho chính sách tỵ nạn của Thủ tướng Angela Merkel, và dành cho chính bà cũng đang giảm nhiều. Điều đó diễn ra trong bối cảnh bất lợi của Liên Âu, khi lãnh đạo Châu Âu chưa tìm được lối thoát khả dĩ cho vấn đề.

Phát biểu tại Nghị viện Châu Âu, cựu Thủ tướng Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho rằng, Liên Âu chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa để chế ngự vấn đề tỵ nạn, bằng không “không gian phi thị thực” Schengen sẽ sụp đổ.

Donald Tusk nhìn nhận tương lai của Châu Âu theo hướng rất bi quan: theo ông, nếu lãnh đạo EU không có được sự đồng thuận trong vấn đề người tỵ nạn thì điều đó đồng nghĩa với sự cáo chung của Liên Âu như một dự án chính trị.

Trong năm ngoái, có hơn 1 triệu di dân nhập cảnh Châu Âu, và Bộ trưởng Ngoại giao Đức ước tính con số trong năm nay cũng  ở mức tương tự.
 
Trần Lê tổng hợp, theo index/hu, origo.hu

* Theo bạn, Liên Âu cần xử lý và có lối thoát ra sao trong vấn đề tỵ nạn? Hãy chia sẻ với NCTG.