MARX VÀ ENGELS “CHUYỂN NHÀ”
- Thứ bảy - 16/05/2009 21:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quần thể tượng đồng khổng lồ khắc họa Karl Marx và Friedrich Engels, hai người cha của chủ nghĩa cộng sản khoa học (tác phẩm của điêu khắc gia Ludwig Engelhard) được đặt tại quảng trường trước Fernsehturm vào năm 1986, trong “những ngày tàn” của CHDC Đức. Sau khi nước Đức thống nhất, chính quyền CHLB Đức quyết định rằng, cần giữ lại các pho tượng Marx (trong tư thế ngồi) và Engels (tư thế đứng) ở vị trí ban đầu của nó, như một dấu hiệu tượng để nhắc nhớ đến lịch sử.
Sự đúng đắn của quyết định nói trên đã được chứng tỏ: trong những năm qua, quần thể tượng trở thành danh thắng đưọc ưa chuộng bậc nhất đối với các nhóm du khách Đức và ngoại quốc đến thăm tháp truyền hình, đồng thời là nơi trèo leo rất được lũ trẻ “chiếu cố”. Đặc biệt, phụ nữ (và cả đàn ông) đều rất thích chụp hình cùng hai tác giả của bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và như thế, Marx – Engels đã là một phần của khu Alexanderplatz, niềm tự hào và trung tâm phần Đông của thủ đô Berlin.
Riêng với đa số người Việt sinh sống hoặc có dịp du ngoạn Berlin, sự tồn tại của Marx – Engels tại trung tâm thủ đô của cường quốc tư bản hàng đầu Châu Âu được diễn giải như một bằng cứ cho thấy, CNTB cũng kính trọng và biết ơn những người từng muốn “đào mồ chôn” họ.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa, theo quyết định của chính quyền, hai nhà tư tưởng hàng đầu của phong trào công nhân quốc tế sẽ phải “chuyển nhà”. Lý do được nêu ra không liên quan đến chính trị: các nguồn tin từ Berlin cho hay một công trình xây dựng chuẩn bị được khởi công trong khu vực, cũng như một ga tàu điện ngầm dự định sẽ hiện hiện tại đó khiến quần thể tượng Marx – Engels không còn chỗ tại đây!
Theo báo chí Đức, Marx – Engels chỉ còn được “trấn giữ” tháp truyền hình Berlin trong vài tuần hoặc cùng lắm là vài tháng nữa, rồi họ phải ra đi. Trước mắt, chưa biết quần thể tượng sẽ bị rời đi đâu và nhất là, sau khi chấm dứt xây dựng, có được trở lại vị trí cũ của mình hay không. Một số nguồn tin sơ bộ cho thấy các nhà đầu tư dự tính sẽ sắp đặt những “kỳ quan” tại khu quảng trường tương đối trống rỗng, nơi hiện nay còn tọa lạc quần thể tượng, và hoàn toàn không có gì chắc chắn rằng Marx và Engels được họ hình dung trong số các “kỳ quan” đó.