MAIDAN - UKRAINE: MỘT NĂM NHÌN LẠI
- Thứ bảy - 29/11/2014 06:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Những đốm lửa cha ông ấp ủ đã cháy bùng thành ngọn lửa” - Bài tổng hợp của Huy Nguyễn (Việt Nam) và Hoàng Thị Vinh (Hoa Kỳ) về những sự kiện diễn ra trong vòng 1 năm Maidan.
Maidan, Kiev
Ngày 21-11 vừa rồi là kỷ niệm tròn một năm ngày Cách mạng Phẩm giá Maidan - Ukraine.
Bắt đầu là một nhóm mấy chục, sau đó tăng lên hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học ở Ukraine - phần đông là sinh viên Đại học Quốc gia Lviv và trường Mageland (Kiev) - làn sóng biểu tình đã mở rộng ra toàn quốc với hàng trăm ngàn người đổ về Kiev tham gia, phạm vi đòi hỏi đã đi từ hội nhập Châu Âu đến chống tham nhũng, lạm quyền và thay đổi căn bản thiết chế xã hội.
Các cuộc đàn áp, mà điển hình là cuộc giải tán biểu tình bằng bạo lực ngày 30-11, đã chỉ làm cho sức hút của Euromaidan mạnh mẽ thêm. Làn sóng phản kháng mang tầm vóc của một cuộc cách mạng.
Từ những đốm lửa nhen nhóm
Người dân từ khắp nơi đổ về Maidan như đi hội. Gặp nhau, chia sẻ, đứng bên nhau khi lúng túng, hoảng loạn: chính phủ từ chối tiếp tục quá trình ký kết hiệp định hiệp hội với Liên hiệp Châu Âu (EU) dự định vào cuối tháng 11 tại Litva trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh các nước đồng sự phía Đông của EU. Ukraine sẽ đi về đâu?
Mức độ tham nhũng, lạm quyền đã ở mức không thể phình to thêm, giới công quyền đối xử với dân như rơm rác. Nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng... xơ xác. Người dân đứng trên bờ đói nghèo. Suốt hơn hai mươi năm qua, Ukraine đã thực hiện các chính sách hướng đến hội nhập EU, NATO. Những nỗ lực đó bị Tổng thống Yanukovych vứt bỏ trong một ngày, phản bội lại chính lời hứa hẹn của ông ta khi tranh cử Tổng thống.
Toàn dân, nhất là lớp trẻ đang trưởng thành với các giá trị Châu Âu, đã đứng lên. Mặc mùa đông tuyết giá, hàng nghìn người đứng trên quảng trường Độc lập đòi hỏi chính quyền đối thoại. Hình ảnh sinh viên trang trọng đặt tay lên ngực hát Quốc ca, đứng dưới tuyết mùa đông lạnh giá, đứng dưới súng đạn của chính quyền đã thức tỉnh toàn dân tộc Ukraine.
Khơi dậy cội nguồn, trở về từ hình thức xã hội tự do của người Cô-dắc - một nước Ukraine thu nhỏ được hình thành trong lòng thủ đô Kiev trên quảng trường Độc lập. Có nhà bếp, bệnh viện, quân đội, công an trật tự... Sưởi ấm lòng dân, vũ khí của những người biểu tình là Quốc ca Ukraine, quốc kỳ Ukraine. Ca sĩ Ruslana đã hát Quốc ca suốt ngày đêm.
Từ phong trào biểu tình, tuần hành ôn hòa phản đối chính quyền, ủng hộ hội nhập Châu Âu đã phát triển thành cuộc “Cách mạng Phẩm giá”. Và cho đến ngày hôm nay, Maidan đã trở thành biểu tượng của ý chí tự do, lòng yêu nước quả cảm và tình yêu hòa bình, hướng tới văn minh, hạnh phúc.
Rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra, kể cả những “nghi vấn” về “động cơ bên trong” của phong trào Maidan, cũng như về những người tham gia nó. Theo thống kê, 60% người tham gia Maidan có trình độ cao đẳng, đại học. Nếu ai còn phân vân rằng mọi việc ở Maidan là thái quá, đi quá giới hạn, thì chỉ cần xem xét một số thực tế sau.
Mực lương hưu của người dân (1.000 hrivnia - tương đương 125 UD), và lương của người tạm coi là có địa vị trong xã hội (như bác sĩ, 2.000 hrivnia) quá tương phản với những dinh thự xa hoa của Tổng thống Yanukovych. Người dân luôn sống trong cảnh bất an, nơm nớp trước cảnh sát cướp bóc và hành xử tùy tiện của hệ thống CSGT, tòa án, chính quyền....
Khi Maidan nổ ra, người biểu tình ôn hòa không vũ khí (từ cụ già, phụ nữ đến giới sinh viên, học sinh) đã bị hành hung dã man, nhiều người đã bị đưa vào rừng và sát hại. Sự “thái quá”, “đi quá giới hạn”, như thế, đã đến từ phía chính quyền thân Nga!
TSKH. GS. Đại học Bách khoa Quốc dân Ukraine, cộng tác viên khoa học hàng đầu của Viện Điều khiển học mang tên V. M. Glushkov - ông Kuznhetsov và con trai trong những ngày Maidan, Kiev 2013
Cần biết, 17% dân Ukraine gốc Nga, 50% ấn phẩm văn hóa ở Ukraine bằng tiếng Nga. Tại sao tiếng Nga từng được ưu tiên là tiếng nước ngoài số một trong các trường học, nay đã đổi chỗ cho tiếng Anh? Tại sao giới trẻ Ukraine đã sáng tác bài hát “Chúng ta chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ là anh em”? Những câu hỏi đó, có thể tìm được lời đáp nếu chúng ta theo dõi những biến động sau đó của khủng hoảng chính trị tại Ukraine!
Biểu tình chuyển thành bạo động, chính quyền Yanukovych sụp đổ
Cuộc biểu tình phản kháng kéo dài từ tháng 12-2013 tiếp tục qua suốt tháng 1-2014. Khi Quốc hội Ukraine thông qua các biện pháp trấn áp, biểu tình chuyển thành bạo lực. Tổng thống Yanukovych buộc phải đồng ý gặp các lãnh đạo đối lập. Khi phong trào biểu tình lan rộng tới các thành phố trên toàn quốc, Yanukovych đành xuống thang, đề nghị dành chức thủ tướng cho Yatsenyuk, chức phó thủ tướng cho Klitschko, nhưng cả hai lãnh đạo đối lập này đều từ chối.
Vào tháng 2, cuộc đối đầu giằng co giữa người biểu tình và cảnh sát ở Quảng trường Độc lập đã biến thành bạo động khiến hơn một trăm người chết. Qua trung gian của Liên hiệp châu Âu, phe đối lập và Tổng thống Yanukovych đi tới thỏa thuận vào 21-2: tổng thống đồng ý tổ chức bầu cử vào cuối năm và chấp nhận sửa đổi Hiến pháp để giảm quyền lực của tổng thống. Quốc hội sau đó sẽ biểu quyết việc thả bà Tymoshenko và ân xá những người biểu tình chống chính phủ.
Lúc đầu, Nga không tham gia trên cương vị trung gian, chỉ có hai vị ngoại trưởng Pháp và Ba Lan hiện diện. Sau khi hai chính khách này thức suốt đêm đàm phán với lực lượng Maidan (bao hàm vài chục tổ chức khác nhau) để họ đồng ý ủy quyền cho bộ ba Klichko, Yarsenhiuk và Tiagnhibok thay mặt họ đàm phán thì khi đó Nga mới xin tham gia làm trung gian.
8 giờ sáng ngày 21-2, Lukin là người phụ trách về nhân quyền tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đến Kiev. Dưới sức ép của làn sóng biểu tình, Yanukovych phải đi đến những thỏa thuận đã liệt kê ở trên. Nhưng chính Lukin lên tiếng phản đối vì cho rằng chính quyền Ukraine đã quá nhượng bộ Maidan. Ông ta không ký vào thỏa thuận đó và bỏ về Moscow lúc 3 giờ chiều cùng ngày.
Theo luật thì thỏa thuận đã ký nhưng cần tổng thống đưa trình để Quốc hội thông qua trong vòng 24 tiếng sau đó. Tuy nhiên, Yanukovych đã bỏ trốn tức thì, vì thế ông ta bị bãi nhiệm bởi chính Quốc hội của ông ta. Như thế, thỏa thuận kể trên chưa có hiệu lực về pháp lý và chính Yanukovych đã vi phạm việc không thực thi thỏa thuận đó. Sau này, truyền thông Nga lờ sự việc trên, đòi chính quyền Kiev phải thực hiện thỏa thuận ngày 21-2, khi chính Nga không ký!
Ngày 22-2, khi Yanukovych đã trổn khỏi Kiev, Chính phủ Lâm thời được thành lập và ngày hôm sau, Turchynov được Quốc hội giao cương vị quyền Tổng thống. Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Avakov ra lệnh bắt Yanukovych. Quân đội và Đảng Các Khu vực ra tuyên bố lên án việc đàn áp biểu tình bằng vũ lực. Biểu tình chống lại các thay đổi ở Kiev xảy ra ở thủ phủ Simferopol thuộc bán đảo Crimea. Các tay súng bịt mặt, được cho là người sắc tộc Nga, chiếm một số trụ sở chính quyền và treo cờ Nga.
Cuộc xâm lược Ukraine ở Crimea, nơi có Hạm đội Biển Đen của Nga thuê đóng tại Ukraine, đã bắt đầu nổ ra. Quyền tổng thống Turchynov cảnh báo quân đội Nga không được can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine. Ngược lại, Nga phủ nhận sự can dự về quân sự tại đây. Cùng thời gian này, khi xuất hiện ở TP. Rostov trên sông Đông (miền Nam nước Nga), Yanukovych tuyên bố ông ta vẫn là tổng thống Ukraine.
Moscow đưa quân vào Crimea, nhập vùng này vào Nga
Vào 1-3, Nga điều quân tới bán đảo Crimea, lấy cớ bảo vệ người Nga trước sự khỏi những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan (ám chỉ những người biểu tình chống chính phủ ở Kiev). Quân đội Nga bao vây các căn cứ quân sự của Ukraine. Ngày 3-3, Nga tuyên bố đã kiểm soát Crimea.
Hành động của điện Kremlin gây nên sự giận dữ và lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi sự can thiệp quân sự đó là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.
Tổng thống Yanukovych (phải) ký thỏa thuận với các lãnh đạo phe đối lập hôm 21-3, nhưng rồi chọn cách đào tẩu và xin tị nạn tại Nga, làm gia tăng khủng hoảng chính trị tại Ukraine - Ảnh: Sergei Supinsky
Tại cuộc họp báo ngày 4-4, Putin nói ông ta không nhìn thấy lý do tức thời nào để khởi phát một xung đột quân sự, nhưng Nga “giữ cho mình quyền dùng mọi phương tiện mà mình có để bảo vệ” các công dân Nga và người sắc tộc Nga ở trong vùng. Trong không khí khủng hoảng ấy, Nga cho thử tên lửa hành trình liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tuyên rằng Nga đã dự kiến thử từ trước khi có khủng hoảng.
Từ “khủng hoảng” tại Ukraine cũng là một từ do truyền thông Nga tự đặt ra, bắt đầu cho cuộc xâm lăng mà họ tiến hành đối với Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Kiev để cho thấy sự ủng hộ của Mỹ với chính phủ tạm quyền. Kerry hứa khoản viện trợ và cho vay trị giá một tỷ đô-la cho Ukraine. Ông lên án cuộc tấn công quân sự bất ngờ vào Crimea: “Đó không thể là là hành vi của một nước lớn, thuộc G8, ở thế kỷ XXI này”.
Nga lẽ ra đã là chủ nhà của cuộc họp vào tháng 6-2014 của G8, nhưng các nước thành viên đã ngừng lên kế hoạch cho sự kiện này. Vào ngày 6-3, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức có liên quan đến sự kiện Crimea. Ngày 16-3, trưng cầu ý dân ở bán đảo Crimea; ngày hôm sau, Quốc hội Crimea tuyên bố vùng này tách khỏi Ukraine và trông đợi được sáp nhập vào Nga.
Putin ủng hộ “quyền tự quyết” của Crimea trong khi Obama nói rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu này, cho rằng nó nó “vi phạm hiến pháp Ukraine và xảy ra dưới sức ép của cuộc can thiệp quân sự của Nga”. Cùng ngày Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên 11 quan chức Nga.
Ngày 18-3, Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga. Bước đi này chắc chắn sẽ hủy hoại mối quan hệ của Nga với Mỹ và châu Âu, làm tiêu tan hy vọng cho hiệp định hòa bình ở Syria và phủ bóng đen lên cuộc đối thoại về vấn đề hạt nhân Iran. Ngày 21-3, EU và Ukraine ký một phần Hiệp định Liên kết EU, mang lại cho Ukraine sự ủng hộ về chính trị.
Ngày 24-3, Ukraine tạm rút quân đội khỏi Crimea nhằm bảo toàn tính mạng cho các quân nhân và gia đình họ. Cùng ngày, các thành viên G8 tuyên bố treo tư cách thành viên của Nga và chuyển cuộc gặp sắp tới từ Shochi sang Brussels. Ngày 27-3, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết tuyên bố việc nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp.
Cùng ngày, IMF đồng ý cho Ukraine vay 18 tỷ đô-la Mỹ nếu đáp ứng được một số điều kiện, và Quốc hội Mỹ chấp thuận gói cho vay 1 tỷ đô-la Mỹ.
Phong trào thân Nga tiếp tục ở Đông Ukraine
Ngày 12-4, người biểu tình và phiến quân thân Nga ở các thành phố Donetsk, Kharkiv, Luhansk và Mariupol chiếm một số tòa nhà chính phủ và đồn cảnh sát. Họ cũng tuyên bố sẽ lập nên các nước cộng hòa độc lập và sẽ nhập vào Nga theo như kịch bản ở Crimea. Tổng thống tạm quyền Turchynov tuyên bố sẽ tiến hành “hoạt động chống khủng bố” nếu các phiến quân thân Nga không rút khỏi nơi chiếm đóng.
Nga từ chối cáo buộc cho rằng nước này dàn dựng nên các sự kiện này. Ngày 17-4, các đại diện từ Mỹ, Nga, Ukraine và EU đạt được thỏa thuận ở Geneva (Thụy Sĩ) về việc giảm leo thang căng thẳng ở Đông Ukraine, tuyên bố rằng các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải hạ vũ khí và trao lại các tòa nhà chiếm giữ trái phép; các bên chấm dứt bạo lực và thù địch; những người biểu tình mà không phạm tội tử hình sẽ được ân xá nếu hạ vũ khí.
Đề xuất của quyền Thủ tướng Yatseniuk về phi tập trung hóa quyền lực được thảo luận. Những người ly khai thân Nga đã từ chối rời bỏ các tòa nhà chiếm họ chiếm giữ, nói rằng sẽ không rời đi cho tới khi chính phủ ở Kiev đổ. Sự bất tuân này đã phá vỡ hoàn toàn bản thỏa thuận nói trên.
Đáp lại sự bất ổn ngày càng tăng ở Đông Ukraine và thái độ của Nga, Mỹ áp đặt trừng phạt bổ sung lên các quan chức và công ty Nga thân cận với Putin vào ngày 28-4. Bản chất của cái gọi là “ly khai”, hay “quân nổi dậy” ở Lugansk, Donhets chính là sự xâm lược của Nga. Bằng chứng sự châm ngòi cuộc chiến chính là trụ sở công an ở Slovyansk đã bị chiếm đóng bởi những công dân, tướng lĩnh quốc tịch Nga đến từ Liên bang Nga!
Dần dà, Nga hiện nguyên hình là kẻ xâm lược không thể chối cãi. Quân Nga được đưa vào Crimea rồi nhưng tổng thống Nga vẫn cho rằng quân phục Nga mà những chiến binh ấy mặc “có thể mua ở chợ”! Ngày 18-11, thủ lĩnh ly khai tại Ukraine Strelkov phát biểu trên truyền thông Nga, nhận rằng chính ông ta là kẻ tạo nên cuộc xâm lược ở Đông Ukraine!
Phiến quân vũ trang thân Nga trên một chiếc xe tăng gần TP. Slovyansk - Ảnh: Baz Ratner (Reuters)
Trở lại dòng chảy sự kiện: tháng 5-2014, giao tranh leo thang ở Đông Ukraine. Vào ngày 2-5, chính phủ Ukraine mở cuộc phản công vào Slovyansk. Sự hỗn loạn xảy ra ở Odessa khiến hàng chục người chết trong cuộc đụng độ giữa phe ly khai và những người ủng hộ sự thống nhất của Ukraine.
Ngày 7-5, khi giao tranh và hỗn loạn tăng lên ở Đông Ukraine, đồng thời với việc bị Mỹ và EU đe dọa trừng phạt thêm, Putin tuyên bố rút 40.000 quân khỏi vùng biên giới với Ukraine, thúc ly khai từ bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý về tự chủ, và nói rằng Nga sẽ tham gia đàm phán để chấm dứt khủng hoảng.
Tổng thống Nga tuyên bố: “Tôi tin rằng nếu chúng ta muốn tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, một cuộc đối thoại cởi mở, trung thực và công bằng là giải pháp duy nhất có thể được”. Mỹ và EU đáp lại tuyên bố này với đầy sự hoài nghi rằng Putin sẽ có làm như ông ta nói hay không.
Rốt cuộc, ngày 11-5, cuộc trưng cầu dân ý về tự chủ cho khu vực đã diễn ra ở Donetsk và Luhansk, với hơn 90% số người tán thành tự chủ, bất chấp đòi hỏi của Putin. Mỹ và EU bác bỏ tính hợp pháp của cuộc trưng cầu này. Một cuộc thăm dò dư luận cùng thời gian cho thấy hầu hết dân chúng trong vùng vẫn muốn vùng này là một phần của Ukraine.
Theo truyền thông Nga, Moscow không muốn sát nhập khu vực này vào Nga do lo ngại gánh nặng về kinh tế và sự rủi ro về trừng phạt tăng thêm. Ngày 15-5, hàng ngàn công nhân mỏ và ngành thép (làm cho công ty của tỷ phú Akhmetov) chiếm các con phố ở Mariupol, thành phố lớn thứ hai của khu vực. Những kẻ ly khai phải rút đi.
Doanh nhân tỷ phú trở thành tổng thống
Ngày 25-5, Petro Poroshenko giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với 54,7% số phiếu bầu, bỏ xa người về thứ hai là cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko.
Tổng thống Poroshenko vừa phải đón nhận một đất nước bị tàn phá bởi nội chiến và kiệt quệ về tài chính, vừa phải xử lý mối quan hệ căng thẳng giữa Ukraine và Nga. Trong diễn văn tuyên bố chiến thắng, ông tuyên bố: “Những bước đầu tiên của nhóm chúng tôi ở lúc bắt đầu của công việc tổng thống sẽ là kết thúc chiến tranh, chấm dứt hỗn loạn và mang lại hòa bình, thống nhất cho đất nước Ukraine”.
Tổng thống Petro Poroshenko được dân bầu với xu hướng tiếp tục con đường dân chủ, hướng Âu của dân Ukraine. Bầu cử thời chiến, thành công ngay từ vòng một, chứng tỏ việc cho rằng Ukraine đang theo hướng chia cắt, nội chiến, dân Ukraine muốn theo Nga, không muốn phát triển và hội nhập cùng Cộng đồng Châu Âu là những vu khống quá hoang đường, dối trá.
Quân đội Ukraine phản công, sự việc máy bay Malaysia MH 17 rơi, Mỹ và EU tăng trừng phạt đối với Nga
Ngày 26-5, quân ly khai chiếm sân bay Donetsk. Quân đội chính phủ đưa quân đội tới chiếm lại. Vào ngày 20-6, Tổng thống Poroshenko tuyên bố ngừng bắn đơn phương kéo dài một tuần sau khi phiến quân bắn rơi một máy bay vận tải quân sự giết chết 49 người. Poroshenko kết thúc lệnh ngừng bắn sau mười ngày, nguyên nhân nêu ra, rằng: phiến quân vẫn tiếp tục tấn công quân chính phủ.
Vào tháng Bảy, quân đội Ukraine bắt đầu một chiến dịch phản công quyết liệt, sử dụng cả không kích để yểm trợ cho bộ binh. Ngày 5-7, quân đội đã buộc phiến quân rút khỏi các thành phố Slovyansk, đầu não quân sự của phiến quân, và Kramatorsk. Tiếp đó, quân đội đã giải phóng thêm nhiều thị trấn, làng mạc; bao vây Donetsk, thành phố lớn nhất ở đông Ukraine; và kiểm soát một số trạm kiểm soát biên giới, nơi mà qua đó Nga cung cấp vũ khí cho phiến quân.
Cuộc chiến với phiến quân được trang bị vũ khí hiện đại, nấp sau lưng dân lành gây nhiều thiệt hại cho Ukraine. Tính đến cuối tháng 7 đã có 1.130 người chết, trong đó có 800 thường dân. Rất nhiều người và quân nhân Ukraine bị thương, mất tích. Phương Tây buộc phải đưa ra vòng trừng phạt mới nhằm vào các công ty năng lượng, quốc phòng và các ngân hàng lớn của Nga. Trước đó, chỉ các cá nhân và doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến việc làm mất ổn định ở Ukraine bị trừng phạt.
Giữa lúc chiến sự ở đông Ukraine đang diễn ra căng thẳng thì ngày 17-7, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng Hàng không Malaysia trên đường từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã bị rơi ở Đông Ukraine, trong vùng có giao tranh giữa phiến quân với quân chính phủ - toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Tổng thống Poroshenko cho rằng đây là một hành động khủng bố.
Thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay xấu số đến nay vẫn chưa được công bố chính thức - Ảnh: John Macdougall (AFP)
Các quan chức Mỹ và Ukraine, căn cứ vào hình ảnh vệ tinh, cho rằng máy bay bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không do Nga chế tạo. Tổng thống Poroshenko kết tội phiến quân đã phóng tên lửa này. Tổng tống Putin từ chối việc Nga có vai trò nào đó trong thảm họa. Ngày 18-7, Tổng thống Obama nói rằng ông tin là phiến quân đã bắn hạ máy bay, coi đây là một “bi kịch toàn cầu” và buộc lỗi, cho rằng Putin đã vũ trang cho phiến quân và đã không làm gì để dừng cuộc xung đột.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng phiến quân có thể nghĩ rằng họ đã nhằm bắn vào một máy bay vận tải quân sự hơn là một máy bay thương mại. Phiến quân bị chỉ trích là đã ngăn cản các đội cứu hộ và điều tra tiếp cận các thi thể và hiện trường máy bay rơi. Ngày 29-7, EU áp đặt lệnh trừng phạt rộng rãi hơn lên Nga. Lệnh này bao gồm cấm hợp đồng bán vũ khí mới cho Nga, hạn chế bán một số công nghệ và thiết bị cho công nghiệp dầu mỏ, và cấm các công ty châu Âu giao dịch với các ngân hàng do Nga sở hữu.
Các doanh nghiệp và một số cá nhân có quan hệ gần gũi với Putin cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận này, vốn là mức cấm vận khắc nghiệt nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Cục diện đảo chiều và thỏa thuận ngừng bắn ngày 5-9
Quân đội Ukraine tiếp tục tấn công mạnh vào các thành trì của quân ly khai trong tháng 8. Diện tích vùng chiếm đóng của quân ly khai bị thu hẹp. Quân đội chính phủ đã có thể tiến vào vùng ngoại ô các thành phố Luhansk và Donetsk. Nhiều phiến quân đã đảo ngũ. Nhưng vào những ngày cuối tháng Tám, quân đội Ukraine đã bị đánh bật khỏi các thị trấn nằm giữa Donetsk và Luhansk (đặc biệt là Ilovaisk) và các dải đất sát biên giới Nga.
Báo cáo từ NATO cho rằng Nga đã đưa quân vào phía Đông Nam, mở ra mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột. Tuy nhiên Moscow luôn từ chối việc công nhận quân Nga tham chiến ở Ukraine. Nếu có tù binh Nga bị bắt thì họ nói rằng những quân nhân này “tình cờ đi lạc vào đất Ukraine”. Vào ngày 5-9, các đại diện từ chính phủ Ukraine, phiến quân do Nga hậu thuẫn, Nga, và OSCE đã họp ở Minsk, thủ đô Belarus, thông báo rằng họ đã đồng ý về một thỏa thuận ngừng bắn.
Các điều khoản bao gồm chấm dứt xung đột, trao đổi tù nhân, ân xá cho những người không phạm các tội ác nghiêm trọng, mở một vùng đệm sáu dặm dọc biên giới Nga - Ukraine, phi tập trung quyền lực ở vùng Donbas, và tạo ra một hành lang phát chuyển viện trợ nhân đạo.
Trong một tuyên bố nhân dịp này, Tổng thống Poroshenko phát biểu: “Toàn thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, toàn thể Ukraine đang đấu tranh cho hòa bình, bao gồm hàng triệu công dân ở Donbas. Giá trị cao nhất là mạng sống con người, và chúng ta phải làm mọi điều có thể để chấm dứt đổ máu và đặt dấu chấm hết cho nỗi thống khổ”.
Kẻ xâm lược hiện nguyên hình: chiếm Crimea, gây hấn phá hoại Đông - Nam Ukraine. Từng đoàn xe quân sự Nga vẫn rùng rùng vào đất Ukraine. Các thỏa thuận ngừng bắn, thỏa thuận ký với Nga tại Minsk chỉ có giá trị không hơn bằng trị giá tờ giấy ký đó!
Thái độ của thế giới đối với lãnh đạo Nga trong cuộc gặp bàn về các vấn đề kinh tế thế giới G20 tại Úc đã nói lên tất cả. Xã hội Nga hoảng loạn bởi các nền tảng đạo đức lung lay. Dưới mọi hình thức, các cuộc biểu tình chống chiến tranh đang diễn ra trong lòng nước Nga. Đến nước, chính quyền Nga đã dọa thế giới về vũ khí hạt nhân.
Quốc hội mới và Liên minh điều hành
Ukraine hiện đã và đang thực hiện quá trình làm trong sạch đội ngũ cán bộ. 100% nhân viên mật vụ KGB cũ đã không còn làm việc trong các cơ quan điều hành Ukraine. Giải tán Quốc hội cũ thông qua trưng cầu ý dân, 82% dân nhất trí và được sự phê duyệt của Tổng thống.
Ngày 26-10, bầu cử Quốc hội Ukraine đã diễn ra tốt đẹp. Đảng Mặt trận Nhân dân của Thủ tướng Arseni Yaseniuk giành chiến thắng với 22,14% số phiếu, đứng thứ hai là Khối Petro Poroshenko của Tổng thống 21,18% số phiếu. Khối Petro Poroshenko tuy về thứ hai nhưng số thành viên trong Quốc hội chiếm đông nhất, gần 130 người. (Bầu cử ở Ukraine theo Hiến pháp từ 2004, là bầu từ các đảng (chọn ra 29) và từ danh sách tự ứng cử).
Nga đưa tin Đảng Các khu vực đạt phiếu cao nhất ở Donbas là vùng chiến sự do quân đội Ukraine kiểm soát. Nhưng cộng lại hai đảng của tổng thống và thủ tướng, Lyashko, Tymoshenko thì phiếu cho các đảng “vì Ukraine, xu hướng Âu” cao hơn. Quan trọng nhất, mới mẻ nhất là Quốc hội mới Ukraine hướng đến việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO, tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine. Và đó cũng là đường lối Ukraine đã vạch từ những năm 1994-2005.
Một điểm mới khác: sau 96 năm, không còn các thành viên Đảng Cộng sản trong Quốc hội. Các tượng đài Lenin dần được dỡ bỏ trên toàn đất nước Ukraine (bức tượng Lenin lớn nhất ở Kharkov cũng đã được dỡ bỏ).
Vị tổng thống dẫn dắt Ukraine theo hướng và tinh thần Châu Âu
Năm đảng vì Ukraine, vì xu hướng hội nhập Âu Châu trong khối đa số hợp hiến thuộc Quốc hội Ukraine đã đi đến những thỏa thuận liên minh như sau:
1. Loại bỏ quyền bất khả xâm phạm của các đại biểu quốc hội.
2. Soạn thảo, phê duyệt quy trình luận tội và thoái vị chức vụ tổng thống.
3. Hội nhập EU và thực hiện các thỏa thuận liên kết với EU.
4. Xóa bỏ quy chế không liên kết với NATO. Thỏa thuận sẽ gia nhập NATO một cách toàn diện.
5. Thông qua cơ chế bầu cử mới: xóa bỏ hình thức bầu cử mà người được coi là trúng cử là người có số phiếu cao nhất tại điểm bầu cử. Thay vào đó sẽ áp dụng hệ thống tỷ lệ thuận với danh sách mở.
6. Thỏa thuận kế hoạch phân quyền.
7. Ukraine sẽ trở lại kiểm soát bán đảo Crimea, kiện Nga ra toàn án Quốc tế, thành lập các điểm đóng quân thường trú của lực lượng quốc phòng tại khu vực miền Đông Ukraine với ngân sách 3% tổng sản lượng quốc gia.
8. Thành lập cơ quan chống tham nhũng, thành lập lực lượng cảnh sát quốc gia trong khuôn khổ cải cách Bộ Nội vụ.
9. Thực thi các hoạt động từ chối tư tưởng cộng sản, ngăn cấm những biểu tượng và tuyên truyền Xô-viết và dân tộc chủ nghĩa.
10. Quá trình bầu cử thị trưởng tại các thành phố lớn sẽ tiến hành làm hai vòng. Số lượng đại biểu trong hội đồng địa phương sẽ ít hơn
Tình thế không thể đổi khác, chính quyền là đại diện cho nhân dân, không thể đi chệch nguyện vọng của nhân dân!
Tiềm năng của đất nước
Ukraine là nước có diện tích lớn nhất Châu Âu, đã từng là một quốc gia sản xuất vũ khí hạt nhân, kinh tế, công nông nghiệp phát triển. Nga đã tự cấm vận mình, không nhập thực phẩm từ Ukraine. Châu Âu có cần đến các sản phẩm của Ukraine khi Ukraine đã liên kết với EU? Những người chống lại việc ký kết liên minh với châu Âu “dọa” rằng khi đó Ukraine sẽ chỉ biến thành phần phụ thuộc nguyên liệu Châu Âu mà thôi.
Sự thực, Ukraine có những lĩnh vực, những sản phẩm tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đó là:
1. Dầu hướng dương: Ukraine là nước sản xuất và xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, chiếm 60% thị phần xuất khẩu sản phẩm này. Sản lượng dầu hướng dương tăng lên hàng năm. Trong 9 tháng đầu năm 2014 đã sản xuất được 3,1 triệu tấn, tăng 43,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán năm nay sẽ sản lượng sản xuất đạt hơn 4 triệu tấn.
2. Các chương trình phần mềm máy tính: Ukraine đứng thứ tư trên thế giới về số lượng các chuyên gia tin học có chứng chỉ chuyên môn sau Mỹ, Ấn độ , và Nga.
3. Mật ong: Tính trên đầu người Ukraine sản xuất mật ong nhiều nhất thế giới (1,5 kg). Vì vậy Ukraine cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất về mặt hàng này. Những khách hàng lớn nhất của Ukraine là Đức 4.733 tấn, Ba Lan 1.700 tấn, Mỹ 1.424 và Tây Ban Nha 531 tấn.
4. Hàng không: Mặc dù đang khủng hoảng trong lĩnh vực chế tạo máy, Ukraine vẫn là nhà xuất khẩu và là thủ lĩnh tiềm năng trong lĩnh vực chế tạo máy bay. Khối NATO và các nước thuộc liên minh Châu Âu rất quan tâm tới việc sử dụng loại máy bay vận tải siêu trọng Ruslan (không có loại tương tự tại Châu Âu) và các tên lửa mang đầu đạn của Ukraine. Trường Đại học Hàng không Kiev, Ukraine và một trường tại Mỹ có phòng thí nghiệm bay lớn nhất thế giới.
5. Ngũ cốc: Ukraine được mệnh danh là vựa lúa của Liên bang Xô-viết xưa. Hiện nay xuất khẩu ngũ cốc là một trong những nền tảng của nền kinh tế Ukraine. Chỉ tính trong năm 2014 Ukraine đã xuất khẩu 32,3 triệu tấn ngũ cốc, và đứng trong hàng ngũ ba nước và khối các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới là Mỹ (72,3 triệu tấn) và EU (38,5 triệu tấn). Trong vòng 10 năm trở lại đây, lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ucraine tăng 77%.
Tình hình Ukraine hôm nay thế nào?
Đất nước còn bị chia cắt, Crimea nằm trong vòng kiềm tỏa của quân xâm lược. Các chủ doanh nghiệp tư nhân tại Crimea như bị cướp trắng. Bản án “chống lại nhà nước Nga” luôn rình rập người dân ở bán đảo này. Tiền gửi ngân hàng ở Crimea dân không lấy ra được! Dân hai vùng Lugansk và Donetsk đi bỏ phiếu dưới họng súng.
Giới trẻ kỷ niệm 1 năm Euromaidan
Đã có hơn 80 người chết đói tại hai nước “cộng hòa” tự phong. Nhiều nơi trong hai vùng trên, dân đã liều mạng nổi dậy chống phiến quân. Cuộc chiến còn tiếp diễn, những chàng trai, cô gái vẫn tình nguyện ra trận chiến đấu chống kẻ xâm lược giấu mặt, nấp sau lưng đồng bào mình! Và trong hàng người tình nguyện đó, có cả thanh niên, doanh nhân, nhà báo, nhà giáo, người hưu trí... cùng ra trận.
Ukraine đang gặp vô vàn khó khăn: khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, nguồn khí đốt cho mùa Đông này còn phụ thuộc Nga, nguồn năng lượng thứ hai là than thì nằm ở vùng miền Đông đang bị phiên quân quấy phá. Nhưng quốc gia này đã trỗi dậy. Về với Châu Âu để phát triển, dân chủ và hạnh phúc.
Các nước EU và Hoa Kỳ đã rất nỗ lực giúp Ukraine bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và khôi phục kinh tế, phát triển đất nước. Ukraine đã nhận được từ Mỹ hệ thống Radar đối pháo. Chậm nhất là trong ít tuần tới Mỹ sẽ giúp Ukraine các loại vũ khí chính xác cao khác.
Rất tiếc vẫn có một số người dân trong khối Châu Âu vẫn chưa nhận thức được cốt lõi giá trị EU là bảo đảm hòa bình cho EU, chính tại nơi diễn ra hai cuộc thế chiến rùng mình nhân loại. Nhận thức lại về kẻ phá hoại hòa bình, gây chiến, có thể nói không quá lời rằng hôm nay Ukraine chiến đấu để chiến tranh không xảy ra trên đất châu Âu!
Để mặc Nga dùng sức mạnh quân sự buộc Ukraine khuất phục sẽ dẫn đến việc phá vỡ trật tự hòa bình ở châu Âu với những nguyên tắc cơ bản: không sử dụng vũ lực, không xâm phạm biên giới, và quyền tự quyết của người dân, hơn là phạm vi ảnh hưởng.
... Quân thù như sương đêm tan dưới mặt trời!
Huyền thoại giả dối nhằm lợi dụng, để “dìm” Ukraine như Nga và Ukraine hai nước anh em, người gốc Nga không được tự do nói tiếng Nga, miền Đông nuôi toàn bộ Ukraine, Ukraine là đất nước phụ thuộc vào Nga, ăn cắp khí đốt và nợ Nga tiền khí đốt, Crimea là của Nga mà bị Khrushchev “tặng” cho Ukraine năm 1954, v.v… và v.v… dần dần đã tan như như sương đêm tan dưới ánh sáng mặt trời.
Ukraine đã bộc lộ bản thân, là một đất nước Rus có lịch sử, văn hóa lâu đời. Con người Ukraine anh dũng, quả cảm. Ngôn ngữ Ukraine đẹp. Luật pháp Ukraine vì quyền con người. Người Ukraine đã đứng lên, vươn mình đi về phía trước. Ukraine viết bài ca đẹp về những giá trị làm người.
Ngày 21-11 chính thức được gọi là Ngày Tự do và Nhân phẩm tại Ukraine. Một trăm thiên sứ đã bay xa. Thể nguyện toàn dân, Tổng thống Poroshenco thay mặt dân Ukraine phong tặng danh hiệu Anh hùng cho các chiến sĩ Maidan đã hy sinh. Những đốm lửa cha ông ấp ủ đã cháy bùng thành ngọn lửa.
Những đoàn quân tình nguyện Ukraine mang theo tinh thần của những chiến sĩ Maidan hy sinh vì đất nước tiếp tục ra trận. Họ chiến đấu vì Tổ quốc. Chính nghĩa sẽ thắng bạo tàn, chân lý đó không bao giờ thay đổi!
Vẫn còn đây Ukraine vinh quang và tự do - ý chí,
Vẫn còn đây, anh em ơi, số phận sẽ mỉm cười.
Quân thù - như sương đêm tan dưới ánh mặt trời.
Ta - hồi sinh, anh em ơi, trên đất tổ tiên mình
Vì tự do, nguyện hiến dâng tâm hồn và sự sống.
Hỡi người anh em!
Chúng ta - dòng dõi Cô-dắc anh hùng (*).
Vẫn còn đây, anh em ơi, số phận sẽ mỉm cười.
Quân thù - như sương đêm tan dưới ánh mặt trời.
Ta - hồi sinh, anh em ơi, trên đất tổ tiên mình
Vì tự do, nguyện hiến dâng tâm hồn và sự sống.
Hỡi người anh em!
Chúng ta - dòng dõi Cô-dắc anh hùng (*).
Ghi chú:
(*) Quốc ca Ukraine (lời Pavlo Chubynskiy, 1865).