MẶC CÁC SỰ CỐ HẠT NHÂN, CHÂU ÂU VẪN THIÊN VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
- Thứ hai - 25/04/2011 13:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo một thăm dò dư luận mới nhất được thực hiện nhân 25 năm ngày xảy ra tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, 70% số người được hỏi lo ngại rằng sẽ lại xảy ra tai nạn tại các nhà máy điện nguyên tử ở nước này, hơn 78% vẫn coi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl là nguồn nguy hiểm.
Nhà máy điện nguyên tử ở TP Paks (Hungary)
Ðược thực hiện bởi Viện Gorshenin, thăm dò dư luận này còn cho thấy tỉ lệ hơn 66% cho rằng không nên tiếp tục xây nhà máy điện nguyên tử tại Ukraine và cũng không nên mở rộng các nhà máy đang có với những lò phản ứng hạt nhân mới.
Dưới cái bóng thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima (Nhật Bản) mới đây, nhiều nước ở Châu Âu đã phản đối các nhà máy điện nguyên tử, tuy nhiên, giới chính khách thì vẫn cho rằng năng lượng nguyên tử có thể giúp các quốc gia thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Trong đó, Pháp là một ví dụ điển hình: 58 lò phản ứng hạt nhân tại 19 nhà máy điện nguyên tử cung cấp trên 75% nhu cầu điện năng ở nước này.
Trong thập niên 70 thế kỷ trước, Pháp phải đối mặt với tình cảnh “không dầu lửa, không than và không còn khả năng lựa chọn” và do đó, nước này đã chuyển sang năng lượng nguyên tử, vừa có được điện rất rẻ tiền, vừa giảm được đáng kể lượng khí thải công nghiệp độc hại (hiệu ứng nhà kính) và tới nay, 16% sản lượng điện do Pháp sản xuất được đã được xuất khẩu sang các nước láng giềng.
Hiện tại, 143 nhà máy điện nguyên tử ở 14 quốc gia Liên hiệp Châu Âu đáp ứng được 1/3 nhu cầu sử dụng điện hàng năm. Cho dù vấn đề an toàn năng lượng và xử lý rác thải nhiễm xạ chưa được giải quyết trọn vẹn khiến đa số các chính phủ vẫn ngại ngần khi đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng trong cảnh khủng hoảng hiện tại, cần có điện với giá đặc biệt rẻ, chính khách Châu Âu không thể bỏ qua điện nguyên tử.
Ðặc biệt, trong vùng Ðông - Trung Âu, việc sử dụng năng lượng điện nguyên tử càng dễ được thuyết phục bởi một lý do là như thế, sẽ tránh được sự phụ thuộc năng lượng vào Liên bang Nga (hiện đã bị gia tăng tới tỉ lệ 80%). Còn nhớ, trong những năm qua, nhiều lần hệ đường ống khí đốt từ Nga bị khóa do những xung đột năng lượng khiến nhiều nước trong vùng bị khủng khoảng về nhiên liệu, chất đốt.
Hiện tại, ở Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech và Bulgaria, đa số cư dân đều tán đồng việc sử dụng năng lượng nguyên tử, còn ở Romania tỉ lệ ủng hộ cũng khá cao, chừng 40%. Trong thực tế, các quốc gia Ðông - Trung Âu đều quan tâm đến việc xây mới hoặc mở rộng các nhà máy điện nguyên tử hiện đang có, mặc dù muốn làm điều này, thường phải đi kèm với quyết định của Quốc hội, hoặc khảo sát kỹ càng về môi trường.
Số liệu năm ngoái cho hay Ba Lan, Cộng hòa Czech, Romania và 8 quốc gia khác trong vùng Ðông - Trung Âu đều tuyên bố xây thêm các nhà máy điện nguyên tử. Ba Lan đặt kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ xây thêm 1-2 nhà máy điện nguyên tử và trong quá trình lựa chọn địa điểm, đa có tới 27 tỉnh, thành đăng ký, với hy vọng được nhận dự án đầu tư lớn này, kèm việc gia tăng lượng nhân công có công ăn việc làm trong vùng.
Cộng hòa Czech và Romania đều đã có nhà máy điện nguyên tử, nhưng cả hai đều dự tính tiếp tục xây thêm các lò phản ứng hạt nhân trong tương lai gần. Các nước vùng vịnh Baltic – Lithuania, Estonia và Latvia - thì cùng nhau nhà máy điện nguyên tử mới tại Lithuania, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động năm 2015 với công suất 1.600 MW - đây sẽ là nhà máy điện nguyên tử lớn thứ hai trong khu vực Ðông Âu.
Còn tại Croatia, nơi chưa có nhà máy điện nguyên tử, thủ tướng nước này cũng đã ra tuyên bố ủng hộ một dự án đầu tư như thế.
Xét trên góc độ an toàn điện hạt nhân, các lò phản ứng hạt nhân tại Ðông Âu có tuổi trung bình 19,1 năm, tức là “trẻ” hơn so với các lò ở Tây Âu (26,6 năm) và Bắc Mỹ (29,7 năm). Do đó, sau thảm họa ở Fukushima, trong khi Tây Âu có thể phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân đã hoạt động lâu năm (như CHLB Ðức đã phải làm với 7 lò “đứng tuổi” nhất), thì các hãng năng lượng Ðông Âu lại có thể “kiếm lời” trên thị trường năng lượng.
Chẳng hạn, các hãng điều hành và quản lý những lò phản ứng hạt nhân tại Cộng hòa Czech và Slovakia, chịu trách nhiệm vận hành hàng chục lò phản ứng ở hai nước. Còn tại Hungary, nhà máy điện nguyên tử duy nhất ở TP Paks - tính tới nay đã có 25 năm tuổi - thoạt tiên được dự tính sẽ hoạt động cho đến năm 2017, nhưng sau khi được mở rộng và nâng cao năng suất vào năm 2008, và kéo dài tuổi thọ các lò phản ứng hạt nhân, với trạng thái như hiện tại có thể vận hành tới năm 2037.
Cần nói thêm là tại Ðông Âu, mô hình các lò phản ứng hạt nhân kiểu Liên Xô thời xưa đã được thay thế bằng mô hình mới, áp dụng những kỹ thuật mới nhất, được hoàn thiện liên tục và được cho là có thể giảm thiểu độ nguy hiểm của các nhà máy điện nguyên tử. Do đó, với tình hình khủng hoảng và khan hiếm năng lượng như hiện tại, có lẽ chỉ khoản tiền đầu tư rất lớn cho những dự án xây dựng mới là còn hạn chế các nước Ðông Âu trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân.
(*) Một phần bài viết đã đăng tại RFI.