Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LƯƠNG HƯU - ĐỂ SỐNG VÀ ĐỂ CHẾT?

(NCTG) Bà Vera Nhikolaevna Romanova, 85 tuổi, một người quen của gia đình tôi, vừa từ trần. Tôi nhận tin buồn với một ý nghĩ nghẹn ngào: “Số tiền bà tích cóp hơn 10 năm nay bằng việc… dạy thêm chắc hẳn đủ lo cho bà một nơi yên nghỉ cuối cùng tử tế!”

Trong số những người gia hưu trí tại các khu chợ này, không hiếm người làm lụng... để chết! - Minh họa của báo Hungary

Khi nhận lời kèm thêm Toán và tiếng Nga cho em trai tôi lúc ấy vừa mới sang Nga học phổ thông, bà đã ngoài 70, da mặt nhăn nheo cả, nhưng vô cùng minh mẫn và nhanh nhẹn. Tôi thực sự “choáng” khi thấy bà “chạy sô” ngày hai buổi, miệt mài cả tuần. Và miệt mài cả hơn chục năm nay, cho đến khi trí nhớ không còn sáng suốt nữa, bà mới chịu ngồi nhà. Tôi tự hỏi, bà có con trai, con gái, đều là những người thành đạt –  thì làm thêm như thế để làm gì? Tôi hỏi thì bà cười, bảo: “Không phải để sống đâu, mà để chết!

Thì ra, với người già ở Nga, việc chết cũng đắt đỏ không kém gì việc sống.

Nhà thờ Chính thống Nga không khuyến khích việc hỏa táng, vì thế, với người già, khi nhắm mắt xuôi tay, tìm được một chỗ yên nghỉ là một việc lớn cuối cùng của đời người. Giá bất động sản tăng chóng mặt, mà chỗ trên mặt đất cũng là một dạng bất động sản!

Theo thông tin của tờ Gazeta.ru, tại Moscow, giá rẻ nhất cho một chỗ mai táng là 32 000 Rúp (23 Rúp =1 USD). Nhưng cái giá ấy cũng đã rất khó tìm. Hầu hết những nghĩa trang “rẻ” ở Thủ Đô đã không còn chỗ. Giá trung bình hiện giờ ở các nghĩa trang ngoại thành dao động từ 50 000  đến 120 000 Rúp!

Thế thì thử hỏi, những người già như bà Vera không lo lắng sao được!

Những năm gần đây, thu nhập của người dân Nga đang được tăng lên đáng kể, bao gồm cả lương hưu. Song, lương hưu tăng nhanh vẫn thua dài trong “cuộc chạy đua” với giá cả với tình hình lạm phát hiện nay. Một người hưu trí nhận số tiền lương trên dưới 3000 Rúp, tưởng là to, nhưng đã tốn khoảng 800-900 Rúp trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước cho căn hộ 1 phòng. Số tiền còn lại, đủ để tồn tại. Vì thế, để có một chỗ “nằm xuống” một cách xứng đáng, bà Vera làm thêm là việc dễ hiểu. Hơn nữa, lại là kết quả của nhiều năm tích cóp chứ không phải một sớm một chiều.

Nhưng bà Vera còn hơn người ở chỗ khỏe mạnh, có thể “làm thêm” bằng nghề giáo mà bà đã gắn bó bao năm. Một số bà già khác nhận trông trẻ, bán báo hay quét dọn thuê. Một số ông bà rủ nhau nhặt nhạnh rau củ trồng được mang bán ở các “chợ tạm”, kiếm đồng ra đồng vào. Ở các bến tàu điện ngầm Moscow, đôi khi ta có thể gặp hình ảnh những mái đầu già cả ngồi bên những chiếc hộp giấy, đợi đón những đồng xu bố thí của thiên hạ. Thậm chí, buồn hơn nữa, có thể thấy bóng dáng họ bên những bãi rác công cộng, đang nhặt nhạnh đồ cũ, hay những thức ăn thừa. Tôi không nói quá lên, vì chính mắt tôi không phải một lần nhìn thấy cảnh ấy.

Mới đây, Duma Quốc gia Nga đã thông qua việc tăng mức lương tối thiểu từ 2.300 Rúp lên 4330 Rúp từ tháng 1-2009, nhưng lương hưu trung bình thì chỉ được hứa sẽ điều chỉnh trong “những năm tới” mà chưa có gì cụ thể! Như vậy, những người hưu trí ở Nga vẫn phải chịu đựng cảnh “khéo co thì ấm” thêm một thời gian nữa.

* Cô đơn trong gia đình, cô đơn trong xã hội

Hiện tượng “những người già cô đơn” trong xã hội Nga không phải là hiếm. Những người sống một mình, đàn bà thì làm bạn với một chú mèo uể oải, đàn ông thì đánh bạn với chai rượu để quên sầu hay đôi khi chỉ là một thói quen. Vì thế mà từ lâu đã xuất hiện thêm một nghề: “tình nguyện viên”  - chăm sóc người già đau yếu hàng ngày mà cái giá cho sự tình nguyện ấy là việc… thừa kế căn hộ! Tôi quen một người đàn bà từng chăm sóc cho hai người già như thế và đã nhận được căn hộ sau khi những người già cô đơn nằm xuống. “Nhận lộc từ một cái chết, không cảm thấy áy náy gì sao?” – trả lời câu hỏi ấy của tôi, bà ta nói nghiệt ngã: “Áy náy gì? Mình làm việc tốt, được hưởng là đương nhiên. So với lũ con cháu của cụ già kia, thì đối với cụ, tôi là thiên thần đấy!

Bà Vera Nhikolaevna mà tôi nhắc đến trên đây không ở một mình. Bà ở cùng con gái và ba đứa cháu trai. Ngoài việc kèm cháu học để con gái bươn chải vì mưu sinh, bà vẫn dành tiền để mua quà đón tay cho cháu, góp tiền ăn, tiền nhà cho con gái. Bà tính toán rất kỹ xem nên mua loại cá nào, xúc xích giá bao nhiêu, thích mua thịt vụn hoặc xương, bạc nhạc để nấu xúp, hoa quả, kẹo bánh là thứ bà luôn phải đắn đo. Tôi từng đến thăm bà nhiều lần, đủ có thể cảm nhận sâu sắc rằng, bà cô đơn cả ở trong gia đình của mình. Bà nói nhiều và nhanh, vui sướng khi có một người lắng nghe. Cứ như thể trước đó phải im lặng hàng tuần vậy!

Những người già đương nhiên cũng tìm cách giải tỏa nỗi cô đơn. Một số người thường ngồi trò chuyện với nhau trên ghế gỗ ngoài sân, khi trời nắng. Một số lại tìm đến những tổ chức truyền đạo, không phải đạo Chính thống. Những tổ chức này tụ họp hàng tuần, rồi cắt cử nhau đi từng nhà tuyên truyền về Chúa, về ngày tận thế, về cách giữ cho gia đình hạnh phúc! Gõ cửa từng căn hộ, họ bị người ta xua đuổi khá thẳng thừng, đôi khi tàn nhẫn. Nhưng họ vẫn đi, từng nhóm một – những người già mãn nguyện vì được cùng nhau hoạt động cho một tổ chức, phấn khởi vì thoát khỏi cô đơn nhiều hơn là vì truyền giảng được điều gì đó về Chúa của mình.

* Ngày lễ Gia đình

Tôi viết những dòng này khi nước Nga đang tưng bừng kỷ niệm Ngày lễ Gia đình và Tình yêu. Nước Nga đang cố gắng củng cố các giá trị tinh thần của một Gia đình Nga theo chuẩn mực của Đạo Chính thống. Người ta kêu gọi gìn giữ mối quan hệ vợ chồng, khuyến khích các gia đình sinh nhiều con. Thế nhưng, liệu khi tỷ lệ sinh đã tăng lên, khi đã có “con đàn cháu đống”, hình ảnh tuổi già ở nước Nga có gì khác hơn với bức tranh hiện thực khá buồn hiện nay về những người hưu trí này không?

Những người già ở Nga không chỉ cần tăng lương hưu, đủ tiền để “sống và chết”. Họ còn cần sự quan tâm về mặt tinh thần của xã hội và tình cảm của những người thân nữa.

Tác giả bài viết: Thụy Anh, từ Liên bang Nga