Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LƯỢC BÍ VÀ NHÍP

Mình đã đứng lặng người chiêm bái hai hiện vật “thiêng liêng” này trong một bảo tàng nghệ thuật ở Berlin. Lược bí và Nhíp. Nhớ Bà nhớ Mẹ. Nhớ chấy và lông quặm. Nhớ tuổi thơ...


Lược bí làm bằng gỗ, bên thưa chải tóc mây, bên khít chải chấy tóc tơ. Ngày xửa ngày xưa ai cũng có... chấy. Nhất là bọn trẻ con. Kinh khủng! Có con chấy béo mẫm, gọi là chấy xù thì phải. Để lên nền gạch đỏ, dùng móng ngón tay cái giết nó nổ đánh tách, máu nó (hay máu mình) tóe ra. Thỉnh thoảng “trúng quả” một chấy xù bố mẹ đen xì, chấy con chấy nhỡ nâu nhạt nâu đậm thì nhiều vô kể. Có lúc chải ra cả một ổ chấy. Chấy bố mẹ chạy rất nhanh, nhiều khi ngón tay cái bé xíu của con bé tuổi thò lò mũi xanh đuổi theo không kịp, mắt bà kèm nhèm cũng chịu. Và nó sổng mất.

Thường là bà chải chấy cho mỗi lần về quê. Và sẽ bị bà củng vào đầu cho mấy cái đau ơi là đau tội ở bẩn sinh chấy rận cùng với câu mắng tục phũ phàng. Nhưng mà mắng đây là mắng mẹ mình, nàng dâu “tân thời” Hà thành “lười biếng” không chăm sóc cẩn thận lũ cháu gái lít nhít của bà. Oan cho mẹ quá! Lấy bố trưởng nam, phải đẻ một đàn... “bướm” năm con liền tù tì cho đến khi ra bằng được thêm một “chim” nữa, có “cái nối dõi tông đường” theo ý nguyện của... bà, kiếm đủ gạo thời chiến tranh bao cấp đủ mệt, thời gian đâu chăm con chu đáo.

Để phản ứng lại bà tội mắng oan mẹ mà không biết cãi thế nào, mình vùng vằng định tót ra vườn hái lá sấu chấm muối ăn cho đỡ tức. Bà tóm chặt lại nịnh mình nhổ lông quặm. Ôi trời, sao mà ngày bé suốt ngày phải nhổ lông quặm cho các bà già, hết bà nội đến bà ngoại, rồi đến mẹ. Nghĩ mà tức cười. Cái nhíp vừa thô vừa nặng (so với hai ngón tay bé tí của mình hồi ấy), mình run run nín thở muốn tóm bằng được một “con lông quặm” đã ngắn tũn lại nằm ở vị trí “trêu ngươi” mắt bà, làm bà ngứa ngáy khó chịu. Bà cũng nín thở dụ dỗ cháu: phen này tóm được nó bà sẽ thưởng cho vài xu chạy sang ông Sơn hàng xóm mua kẹo vừng. Hihi.

Hai bà cháu cùng “hạ quyết tâm“ ghê gớm bằng cách không thở, không run rẩy, không động đậy... Thế rồi, bỗng dưng vút lên lanh lảnh một tràng âm thanh man dại, bà đẩy phắt mình ngã ngồi xuống đất, “mày định giết bà à, mày định giết bà à”... làm mình ngơ ngác run rẩy rụng rời. Thì ra cái nhíp đáng ghét đã không chịu tuân theo hai ngón tay mỏi rã rời của mình mà lại đi quặp vào thịt mí mắt bà (hoặc con ngươi cũng nên). Vừa thương bà đau, vừa sợ bà giận, vừa lo không được ăn kẹo... mình cố cãi: “Tại mắt bà động đậy, tại mũi bà thở mạnh quá, tại lông quặm của bà ngắn quá, tại cái nhíp của bà to quá...”. Túm lại là... không phải tại cháu... hu hu hu. Khóc nhè chè thiu! Tất nhiên, làm gì có cái võ gì ngoài... khóc.

Lớn tí nữa, ngồi nhổ lông quặm cho mẹ, kể lại chuyện ấy, hai mẹ con cười chảy nước mắt. Sau đó thì sao, mẹ hỏi, có nhổ được cái lông quặm ấy không? Còn sao nữa, sau đó, mình còn lòng dạ nào mà “chiến đấu” với nó, mình để bà “chiến” tiếp. Bà tự lần mò quặp quặp nhổ nhổ. Chẳng cần biết đấy là lông quặm hay lông mi. Cứ lông là bà nhổ. Chủ yếu bà tự nhổ là chính chứ có phải lúc nào cũng có người để nhờ đâu. Chẳng có lông thì bà cũng cứ nhổ và bắt mình... nhổ. Đến khổ.

Mình bảo bà (lúc đó mình thành teen rồi) rằng cháu chẳng thấy bà còn cái lông nào để nhổ cả. Bà ngọt ngào, cứ tìm đi, cháu tinh mắt, nó nằm tít bên trong ấy, rõ ràng là nó đâm vào con ngươi của bà mà. Chán chẳng buồn cãi nữa, mình dùng cái nhíp (đã được bà cho lên đời bằng nhôm nhẹ màu trắng), nhè nhẹ gãi vào cả hai mí mắt của bà một hồi. Lúc này mình đã khéo léo hơn một tí, “gian tà” hơn một tí, mình tuyên bố, cháu nhổ được rồi. Bà bảo, cho bà xem nào. Mình phịa, nó nhỏ lắm, nó biến vào không khí rồi bà ạ. Bà ừ hữ, thảo nào, bà thấy dễ chịu hẳn. Hi hi.

Cả hai bà nội ngoại đều mất đã lâu, mẹ cũng về trời hơn chục năm rồi. Ba ngày nữa giỗ mẹ. Sẽ lau ban thờ bố mẹ, sẽ thắp hương từ hôm nay, nhờ hương khói dẫn đường đưa mẹ sang Úc. Sẽ đồ xôi, luộc gà, nấu miến cúng vọng về Hà Nội dấu yêu. Về với Mẹ. Sẽ mời mấy chị bạn Úc đến ăn giỗ. Sẽ kể cho các chị ấy nghe chuyện về cái lược bí và cái nhíp. Các chị ấy cũng có rất nhiều chuyện về mẹ các chị để kể cho nhau nghe. Để cười với nhau, khóc với nhau. Để nhớ một thời đã qua của các Bà, các Mẹ.

Và cả của mình nữa.

Ai biết bây giờ còn ai dùng lược bí?

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bùi Mai Hạnh, từ Úc