Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LUẬT MAGNITSKY GIÚP CHÂU ÂU TRỪNG PHẠT VI PHẠM NHÂN QUYỀN

(NCTG) EU sẽ mạnh tay hơn để đối phó với các cá nhân có quyền lực mà vi phạm nhân quyền tại Nga và cả các nơi khác, trên cơ sở một điều luật được viện dẫn là Magnitsky.
Cái chết của kế toán Sergei Magnitsky trong nhà tù Nga đến tới sự ra đời của một đạo luật có thể hiệu quả trong việc bài trừ những vi phạm nhân quyền trên thế giới
Liên Âu đang có một công cụ để trừng phạt một cách hữu hiệu hơn đối với các hành vi xâm phạm nhân quyền, lấy cảm hứng từ quyết định của Hoa Kỳ sau cái chết của Magnitsky (*).

Đầu tháng 12-2018, hơn 50 nghị sĩ Nghị viện Châu Âu và các Nghị viện của 18 nước thành viên đã đứng ra yêu cầu phải có một phương tiện mới, để qua đó có thể trừng phạt được hữu hiệu hơn các cá nhân cụ thể, có trách nhiệm trong việc nhân quyền bị xâm phạm.

Họ đã chỉ ra rằng, bằng biện pháp trừng phạt mang tên Magnitsky, những kẻ gây ra tội ác không chỉ tại Nga, mà cả tại các nước khác, cũng đã bị trừng phạt.


Các tướng lĩnh Miến Điện vẫn đang truy lùng người dân Rohing, những kẻ buôn bán vũ khí đang vi phạm quyết định cấm vận (của Liên Hiệp Quốc) đối với miền Nam Sudan, những kẻ xâm phạm tình dục tại Cộng hòa Trung Phi và cả những kẻ đã sát hại Jamal Ahmad Khashoggi không thể không bị trừng phạt”.

Vì thế mà chúng ta cần đi một bước mới và can đảm. Chúng ta cần điều luật Magnitsky tại Châu Âu”, nhóm các nghị sĩ nói trên tuyên bố. Ngày 10-12-2018, khi cả thế giới kỷ niệm 70 năm ngày ra đời bản “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người”, Liên Âu đã thực hiện bước đi đầu tiên ấy. 

Các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của các nước thành viên đã thống nhất về việc phác thảo “cơ chế các trừng phạt của Liên hiệp Châu Âu đối với các xâm phạm nhân quyền toàn cầu” (the EU Global Human Rights Sanctions Regime).

Mục đích của dự thảo này, vốn do chính phủ Hà Lan đề ra, là để có thể can thiệp tới mọi đối tượng xâm phạm nhân quyền trên toàn cầu. Như một tài liệu được RFE/RL công bố từ tháng 11-2018, các cơ chế trừng phạt hiện nay của Liên Âu là nhằm vào từng quốc gia riêng biệt. Ý nghĩa của chúng là “thay đổi cách xử sự của các quốc gia, và vì thế về bản chất nó mang tính chính trị”.
 
Với cơ chế mới này, Liên Âu sẽ có thể “nhắm tới các cá nhân trên toàn cầu, những ai xâm phạm nhân quyền, bất kể bối cảnh chính trị và các sự kiện diễn ra giữa các quốc gia”. Nó có thể được sử dụng để đối phó cả với các đối tượng không phải là người của chính quyền (có nghĩa là cả các nhóm nổi loạn), tài liệu này có viết.

Tồn tại các cơ chế trừng phạt nhắm vào các khu vực cụ thể”, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan, ông Stef Blok chia sẻ với tờ “Politico”. “Chúng tôi tin rằng, sẽ rất hữu ích nếu như có một công cụ đặc biệt mang tính pháp lý nhân quyền, không hướng vào một khu vực nào cụ thể, mà nhắm vào bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có liên quan tới việc xâm phạm nhân quyền, và tại bất cứ đâu trên thế giới”.

Để ví dụ, ông Blok nhắc đến việc buôn người hay là các gương mặt chỉ huy của các cuộc nổi loạn, nơi quyền con người bị xâm hại. Trong các trường hợp này, ông muốn hướng các biện pháp trừng phạt tới các cá nhân, bởi không nhất thiết phải có sự tham gia ở mức quốc gia. Theo vị ngoại trưởng, lợi thế của việc này là Liên Âu nhờ thế mà có thể không bị “lôi cuốn vào các ràng buộc địa chính trị”.
 
Ký thông qua đạo luật Magnitsky là một điểm sáng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama
Ký thông qua đạo luật Magnitsky là một điểm sáng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama

Liên Âu đã có các công cụ để truy tố trách nhiệm của các nước thứ ba và của các cơ cấu phi chính phủ, hay là của các cá nhân như là các nhóm khủng bố và những kẻ khủng bố. EU có thể áp dụng các biện pháp cấm vận vũ khí, hạn chế thương mại, tài chính hoặc đi lại (cấm nhập cảnh hoặc cấm thị thực). Cơ chế trừng phạt mới sẽ chuyển sang áp dụng với các cá nhân đúng trách nhiệm hơn.

Tạp chí “Forbes” còn để ý thấy một đề án khác, nhằm khắc phục việc các quốc gia không có đủ thiện chí về chính trị để quyết định cấm vận. Ủy ban Helsinki (Na Uy) và các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã kêu gọi chính phủ Hà Lan thiết lập một ủy ban đặc biệt khác cùng các nước thành viên EU. Ủy ban đặc biệt này sẽ chọn ra các cá nhân vi phạm nhân quyền sẽ cần phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt.

Chính việc chuyển thẩm quyền xác định kẻ xâm phạm nhân quyền sẽ là hữu ích trong trường hợp mà các nước riêng biệt không muốn điều tra. Bình luận về quyết định này của Liên Âu, tạp chí “Forbes” viết: “Để kỷ niệm sự ra đời của “Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người”, không có cách nào ý nghĩa hơn là một thỏa thuận về các tiến trình quan trọng để chống lại sự xâm hại về nhân quyền”.

Ghi chú:

(*) Luật Magnitsky được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua tháng 12-2012 dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nhằm trừng phạt các quan chức Nga bị coi là phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sergei Magnitsky, một kế toán thuế Nga bị thiệt mạng trong nhà tù Moscow năm 2009.

Kể từ năm 2016, dự luật được áp dụng trên quy mô toàn cầu bởi chính phủ Hoa Kỳ. Trên cơ sở Luật Magnitsky, Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky mở rộng chế tài với các cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

Các cá nhân, quan chức ở phạm vi toàn cầu nếu bị liệt vào dạng vi phạm nhân quyền - bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác - sẽ có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh, hoặc đóng băng tài sản.

Ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia sau đây cũng đã thông qua điều luật Magnitsky: Estonia (2016), Vương quốc Anh, Canada, Lithuania (2017) và Latvia (2018).

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Mai tổng hợp, từ Praha (Cộng hòa Czech)