Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LIỆU SẼ VẪN CÒN NHỮNG CÂU “ĐÚNG VẬY, NHƯNG”?

(NCTG) “Tất cả những người đang có ý định bảo vệ người Hồi giáo bằng cách chấp nhận những phát ngôn tôn giáo toàn trị kỳ thực đang bảo vệ cho những tên đao phủ. Những nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa phát-xít Hồi giáo sẽ chính là những giáo dân Hồi giáo” - xã luận của TBT tờ báo trào phúng “Charlie Hebdo”, ông Gérard Biard.

TBT Gérard Biard và số báo mới - Ảnh: lefigaro.fr


Lời tòa soạn: Đồng thời với những tiếng súng của nhóm khủng bố vang lên tại trụ sở tờ báo “Charlie Hebdo”, cũng như trên đường phố của nước Pháp cách đây hai tuần, là những cuộc tranh luận bất tận trên mọi diễn đàn, mọi phương tiện truyền thông thế giới, mà câu hỏi chủ đạo được đưa ra là, tự do ngôn luận, tự do báo chí có giới hạn hay rào cản như thế nào?

Khủng bố là điều đáng lên án, nhưng các “biếm sĩ” của “Charlie Hebdo” có đi quá xa không khi công kích đến biểu tượng thiêng liêng của người Hồi giáo, điều bị coi là đặt tiền đề cho những hành vi trả thù man rợ, và cả những cuộc biểu tình đầy bạo lực diễn ra sau đó? Phải chăng đây là điều có thể khiến nước Pháp phải nhìn nhận lại những giá trị căn bản và truyền thống của mình?

Những câu hỏi đó, một phần đã được trả lời bởi cuộc xuống đường vĩ đại với sự hiện diện của nhiều triệu người hôm 11-1 trên toàn nước Pháp, cũng như làn sóng ủng hộ và đồng cảm hiếm thấy trên toàn thế giới. Một số phát biểu và cam kết sơ bộ của chính quyền Pháp cũng cho thấy, quốc gia này không có ý muốn siết chặt tự do biểu đạt để đánh đổi lấy an ninh viển vông.

Tuy nhiên, để hiểu được tinh thần và hành động của “Charlie Hebdo” khi nói câu “Tôi là Charlie” cho dù có thể không nhất thiết phải đồng tình với nội dung, “liều lượng” và hình thức tiếp cận vấn đề của tờ báo đi nữa, điều quan trọng và cần thiết nhất vẫn nên là tìm hiểu, và đọc chính những gì các nhà báo còn sống sót của “Charlie Hebdo” chia sẻ về quan niệm và chí hướng của họ.

Bảy triệu số báo mới đã được phát hành tròn một tuần sau vụ thảm sát, chứng tỏ Charlie không chết, không khuất phục và không chấp nhận đầu hàng, hay không chịu “sống quỳ” như lời chia sẻ định mệnh của Charb. Trong số báo ấy, các “biếm sĩ” của tờ báo vẫn cười, vẫn trào lộng, những không quên đưa ra những thông điệp sâu sắc như chúng ta có thể đọc trong bài xã luận sau đây.

Chân thành cám ơn Khánh Hà (từ Lyon) đã dịch bài viết từ nguyên bản tiếng Pháp, và nhà văn Thuận (từ Paris) đã giúp NCTG phần hiệu đính, chỉnh lý và biên tập. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)


*

Từ một tuần nay, “Charlie Hebdo”, tờ báo vô thần đã làm những điều kỳ diệu mà tất cả các thánh thần và các nhà tiên tri hợp lại có thể làm được. Điều mà chúng tôi tự hào nhất đó là việc các bạn đang cầm trên tay tờ báo mà chúng tôi vẫn làm, với sự đóng góp của tất cả những người đã từng làm ra nó. Điều làm chúng tôi buồn cười nhất đó là việc người ta đã gióng chuông Nhà thờ Đức Bà để tôn vinh chúng tôi...

Từ một tuần nay, Charlie đã làm được những điều lớn hơn rất nhiều so với việc nhấc bổng những trái núi, ở khắp nơi trên thế giới. Từ một tuần nay, như bức tranh tuyêt đẹp của Willem đã vẽ, Charlie có thêm rất nhiều những người bạn mới. Những người vô danh và những người nổi tiếng thế giới, những ngưới bình dân và những người giàu có, những người ngoại đạo và những người lãnh đạo tôn giáo, những người thành thật và những người xảo trá, những người bạn đồng hành trên suốt chặng đường dài và những người chỉ đến cùng chốc lát.

Ngày hôm nay, chúng tôi xin nhận tất cả, chúng tôi không có thời gian cũng như không có lòng nào để chọn lựa. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi dễ bị lừa. Từ tận sâu trái tim mình, chúng tôi cảm ơn tất cả, hàng triệu người, từ những người công dân bình thường đến các đại diện công sở, những người thực sự đứng bên canh chúng tôi, những người là Charlie một cách chân thành, sâu sắc, và những người sẽ tự nhận ra nhau. Và chúng tôi mặc xác những vị khác, những vị mà dù có thế nào thì cũng chẳng quan tâm.

Dù vậy chúng tôi vẫn có một câu hỏi nhức nhối, liệu cuối cùng người ta có xóa khỏi bộ từ vựng của giới chính trị và trí thức cái từ bẩn thỉu “vô thần cực đoan” hay không? Cuối cùng thì liệu họ có thôi sáng chế ra những “vòng vèo ngữ nghĩa thông thái” để đánh đồng những kẻ giết người và và các nạn nhân của chúng?

Những năm trở lại đây, chúng tôi cảm thấy hơi đơn độc, khi cố gắng, với cây bút chì, đẩy lùi những điều rác rưởi được nói toạc ra và cả các những ngón giả trí thức mà họ đã ném vào mặt chúng tôi, vào mặt những người bạn của chúng tôi, những người kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa vô thần: nào là bọn căm ghét Hồi giáo, bọn căm ghét Cơ-đốc giáo, nào là lũ khiêu khích, lũ vô trách nhiệm, lũ ném dầu vào lửa, lũ phân biệt chủng tộc, lũ cố tình gây rối…

Đúng vậy, chúng tôi lên án khủng bố, nhưng. Đúng vậy, đe dọa giết các họa sĩ là không tốt, nhưng. Đúng vậy, đốt cháy tòa soạn là điều tồi tệ, nhưng. Chúng tôi đã nghe hết những điều này, và những người bạn của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã thường xuyên cố gắng cười trước những từ ngữ này bởi gây cười đó là việc chúng tôi làm tốt hơn cả. Nhưng bây giờ đây thì chúng tôi lại muốn cười về một điều khác. Bởi nó lại bắt đầu quay trở lại.

Khi máu của Cabu, Charlie, Honoré, Tignous, Wolinsky, Elsa Caya, Bernard Maris, Mustapha Ourrad, Michel Renaud, Franck Brinsolaro, Frédéric Boisseau, Ahmed Merabe, Clarissa Jean-Philippe, Philippe Braham, Yoha Cohen, Yoav Hattab, Francois-Michel Saada chưa kịp khô thì Thierry Meyssan đã giải thích cho các fan Facebook của mình rằng đây là một âm mưu của Do Thái - Mỹ và Châu Âu.

Trong buổi tuần hành Chủ nhật tuần trước, chúng tôi đã nhìn thấy những cái bĩu môi bất đồng, đã nghe thấy những câu gian trá ra vẻ có lý được lặp lại quanh năm suốt tháng nhằm mục đích biện hộ cho khủng bố và phát-xít tôn giáo; còn một số người khác thì tỏ ra phẫn nộ vì với họ, tuyên dương các nhân viên cảnh sát đồng nghĩa với SS.

Không, trong vụ thảm sát này, không có cái chết nào ít bất công hơn cái chết nào. Franck, người cảnh sát đã bị sát hại trong trụ sở của Charlie và tất cả những đồng nghiệp của anh đã bị chết thảm khốc tuần vừa qua để bảo vệ cho những tư tưởng mà có thể chính bản thân họ cũng không tin.

Dù thế nào, chúng tôi vấn cố lạc quan, có thể không đúng lúc. Chúng tôi hy vọng rằng mỗi người sẽ tự mạnh mẽ bảo vệ chủ thuyết thế tục hóa (laïcisme*), rằng người ta cuối cùng sẽ thôi không vì vị thế cá nhân, hay số phiếu của cử tri, hay vì hèn nhát mà hợp pháp hóa hoặc thậm chí dung thứ cho thuyết cộng đồng tập trung (communautarisme) và thuyết tương đối văn hóa (relativisme culturel), bởi điều này sẽ dẫn tới một điều duy nhất: chủ nghĩa tôn giáo toàn trị (totalitarisme religieux).

Đúng thế, xung đột Israel - Palestine là một thực tế. Đúng thế, ngành khoa học nghiên cứu chính trị - địa lý quốc tế là một chuỗi những thủ đoạn và những đòn lừa bịp. Đúng thế, hoàn cảnh xã hội của cái mà người ta gọi là “các cộng đồng gốc Hồi giáo” ở Pháp rất bất công. Đúng thế, phải tiếp tục đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.

Thật may mắn, có nhiều công cụ để thử giải quyết những vấn đề nghiêm trọng này, nhưng chúng sẽ hoàn toàn vô hiệu hóa nếu thiếu đi một thứ: sự thế tục hóa. Không phải sự thế tục tích cực, không phải thế tục ba phải, hay thế tục gì gì nữa, mà thế tục, vậy thôi. Chỉ nó mới cho phép, vì nó tiến cử sự phổ cập toàn dân của luật pháp, sự thực thi “bình đẳng, tự do, bác ái”.

Chỉ nó mới cho phép toàn quyền tự do về nhận thức, cái quyền bị từ chối một cách thẳng thừng (nhiều hay ít phụ thuộc vào tọa độ marketing) bởi tất cả các tôn giáo, tất cả các tôn giáo ngay khi chúng vượt ra ngoài khuôn khổ đức tin cá nhân để bước vào sân chơi chính trị. Thật mỉa mai, chỉ nó mới cho phép các tín đồ và những người ngoại đạo được sống trong hòa bình. Tất cả những người đang có ý định bảo vệ người Hồi giáo bằng cách chấp nhận những phát ngôn tôn giáo toàn trị kỳ thực đang bảo vệ cho những tên đao phủ. Những nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa phát-xít Hồi giáo sẽ chính là những giáo dân Hồi giáo.

Hàng triệu những người vô danh, tất cả các tổ chức, tất cả các nhà lãnh đạo các quốc gia và chính phủ, tất cả các chính trị gia, các nhân vật trong giới chính trị, trí thức, truyền thông, tất cả quan chức tôn giáo đã tuyên bố “Tôi là Charlie” tuần vừa rồi phải hiểu rằng điều đó cũng có nghĩa là “Tôi ủng hộ sự thế tục hóa”. Chúng tôi tin tuởng rằng, phần lớn những người ủng hộ chúng tôi tự biết điều này. Và chúng ta hãy để những người còn lại tự mà đánh vật xoay sở với nó.

Điều cuối cùng, cũng quan trọng. Chúng tôi có một thông điệp muốn gửi tới Đức Giáo hoàng Phanxicô (François), người mà tuần vừa qua cũng là một Charlie, rằng: chúng tôi chỉ chấp nhận những tiếng chuông vinh danh từ Nhà thờ Đức Bà nếu nó được gióng lên bởi các nàng nữ quyền ngực trần Femen.

Ghi chú:

(*) Thuyết chủ trương biệt lập tôn giáo với chính trị, tách biệt hoàn toàn giữa (quyền lực) tôn giáo và nhà nước, một trong những nền tảng của tư tưởng cộng hòa Pháp.

Khánh Hà chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp

Tác giả bài viết: Hiệu đính, chỉnh lý và biên tập: Thuận