LIÊN MINH CẦM QUYỀN ROMANIA TIẾP TỤC TRONG “TẦM NGẮM” CỦA CHÂU ÂU
- Thứ bảy - 11/08/2012 19:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Victor Ponta và đảng trung tả hiện đang cầm quyền đã, đang và sẽ làm tất cả để lật đối thủ chính trị của mình. Theo nhiều nhà bình luận chính trị nhận định, họ cũng sẽ không từ cả việc gây sức ép lên Tòa Bảo hiến, định chế duy nhất còn có thể duy trì một cán cân quyền lực tương đối giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp tại Romania.
Thủ tướng Victor Ponta đang trong “tầm ngắm” của Châu Âu
Nhắc lại, tháng 5 năm nay, ông Victor Ponta lên ghế thủ tướng không thông qua bầu cử, mà bởi các đảng cầm quyền rơi vào cảnh bị thiểu số trong Quốc hội. Ông Ponta và nội các mang tính tạm thời này, như vậy, có vài tháng nắm quyền, tính đến cuộc tổng tuyển cử Quốc hội Romania sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay.
Tuy nhiên, tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi này, Victor Ponta và phe cầm quyền - Liên minh Xã hội Tự do - đã có chuỗi công kích liên tục, có hệ thống và mạnh mẽ chưa từng thấy nhằm vào các định chế căn bản của Romania. Hàng loạt các quan chức bị coi là đứng về phe đối lập hoặc thân với Tổng thống Băsescu đều bị thay thế.
Có thể kể đến ở đây các lãnh đạo cơ quan phát thanh và truyền hình quốc gia, các chủ tịch Hạ và Thượng viện, cũng như Cao ủy Quốc hội. Bản thân Hội đồng khoa học tuyên bố ông Ponta từng đạo văn khi làm luận án TS Luật cũng bị giải thể. Trầm trọng nhất là việc quyền hạn của Tòa Bảo hiến bị thu hẹp, hoạt động và thành phần của Tòa cũng bị chi phối.
Đỉnh điểm của các sự kiện là việc Tổng thống Traian Băsescu đã bị tạm ngưng cương vị nguyên thủ quốc gia, theo đề xuất của các dân biểu phe cầm quyền vào ngày 6-7, và ghế tổng thống của ông bị đưa ra định đoạt trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 29-7 vừa qua.
Số phận của ghế Tổng thống
Tổng thống Romania Traian Băsescu tạm thời thoát nạn khi cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng đã không đủ ngưỡng 50% cử tri tham gia như theo luật định. Tuy nhiên, số phận ông vẫn chưa hoàn toàn được định đoạt vì Tòa Bảo hiến nước này chỉ đưa ra khẳng định vào ngày 31-8 tới, rằng cuộc trưng cầu dân ý vừa qua có là vô hiệu lực hay không.
Như vậy, cho dù có tới hơn 87% phiếu bầu (của hơn 46% cử tri đi bỏ phiếu) đã tán đồng việc truất phế Tổng thống Băsescu, cuộc đấu giành quyền lực giữa hai phe - phe của tân Thủ tướng Victo Ponta và phe của Tổng thống Băsescu - đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Tòa Bảo hiến Romania với 9 thẩm phán, phải đưa ra phán quyết với hai phần ba số phiếu, nhưng đã hai lần trì hoãn thời hạn việc ra quyết định. Trong số 9 thẩm phán, 5 người bỏ phiếu thuận, 4 người bỏ phiếu chống và do đó, quyết định chưa thể được đưa ra, với lý do chính thức là Tòa Bảo hiến chưa có các dữ liệu chính xác về con số các cử tri đi bỏ phiếu.
Lý do của câu chuyện là phe cầm quyền, khi cảm thấy khó đạt được ngưỡng 50% cử tri đi bỏ phiếu phế truất Tổng thống Băsescu, đã đưa ra đề nghị rà soát lại danh sách cử trị. Theo họ, thay vì 18,2 triệu cử tri trong danh sách, nhưng có nhiều người sinh sống ở nước ngoài, nên thực sự chỉ có chừng 15,5 triệu cử tri thực sự có khả năng đi bỏ phiếu.
Nếu điều này được xác nhận, ví dụ bằng một cuộc điều tra dân số chớp nhoáng, rất có thể tỉ lệ cử tri đi bầu trong cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng 7 vừa qua sẽ đạt mức như luật định để có thể coi cuộc bỏ phiếu là có hiệu lực. Chính vì thế, Tổng thống Băsescu đã lập tức phản ứng, coi đây là một “âm mưu lừa đảo” về phía chính phủ.
Rốt cục, theo quyết định của Tòa Bảo hiến - cần tính cả những công dân Romania ở nước ngoài vào danh mục cử tri -, Thủ tướng Ponta và nội các đành lùi bước, không đòi hỏi thống kê dân số mà hứa sẽ chỉ gửi các dữ liệu chính xác cho Tòa. Giới bình luận cho rằng, sẽ không có thay đổi gì đáng kể liên quan đến kết luận về tính vô hiệu lực của cuộc trưng cầu vừa qua.
Nếu ba tuần nữa, Tòa Bảo hiến xác nhận kết quả (bất thành) của cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống Băsescu sẽ tiếp tục tại vị và cuộc chiến giữa ông với nội các Ponta sẽ kéo dài ít nhất đến mùa thu năm nay, khi Quốc hội Romania tiến hành bầu cử. Theo lịch trình bình thường, bầu cử tổng thống chỉ diễn ra vào năm sau, 2013.
Sự độc lập của Tòa Bảo hiến bị xâm phạm tại Romania
Tòa Bảo hiến là một trong những thành quả quan trọng nhất của các quốc gia Đông - Trung Âu trong quá trình biến chuyển từ thể chế độc tài sang định chế dân chủ cách đây 20 năm. Bên cạnh việc đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật, Tòa Bảo hiến trên nguyên tắc bảo vệ những thành quả của Hiến pháp, của nhà nước pháp quyền, tránh sự độc đoán của đa số lập pháp với thiểu số hoặc với từng cá nhân.
Để làm được điều đó, Tòa Bảo hiến phải hoạt động hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc đảng phái và có nguồn ngân sách riêng. Tuy nhiên, tính độc lập của Tòa Bảo hiến luôn là vấn đề bị tranh cãi. Trái với một số nước khác, chẳng hạn như Hungary, các thẩm phán của Tòa Bảo hiến do Quốc hội bầu chọn trực tiếp, thành viên Tòa Bảo hiến Romania được chọn bởi sự thỏa thuận giữa các đảng phái, chính phủ và Văn phòng Tổng thống.
Chính vì thế, trong cuộc “quyết đấu” đang diễn ra giữa thủ tướng và tổng thống Romania, tính trung lập của Tòa Bảo hiến đã bị vi phạm nặng nề. Đây cũng là điều mà Ủy ban Châu Âu, Ủy ban Venice và giới ngoại giao Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo nội các Romania, khiến thủ tướng Ponta, về sau, đã phải cam kết là sẽ tuân thủ mọi phán quyết của Tòa Bảo hiến, cho dù những quyết định đó có thể bất lợi cho chính phủ.
Sự can thiệp của chính phủ vào những quyết định và hoạt động của Tòa Bảo hiến là điều có thể thấy trong những thời điểm nhất định tại sinh hoạt chính trị các quốc gia Đông Âu, đặc biệt là Hungary trong thời gian gần đây, khi liên minh cầm quyền chiếm được đa số 2/3 ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, không ở đâu, nó diễn ra ở mức gay gắt và liên tục như tại Romania.
Có thể nhắc đến ở đây sự đe dọa đến từ nội các Ponta, liên quan đến thay đổi nhân sự trong số các thẩm phán Tòa Bảo hiến. Đáng nói hơn cả là việc hạn chế thẩm quyền của Tòa đúng vào lúc Tòa ra phán quyết đi ngược lại ý muốn của chính phủ, như khi nội các Ponta muốn sửa đổi Luật Bầu cử để dễ bề có được chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.
Ngay cả khi Quốc hội họp để ra nghị quyết tạm ngưng cương vị nguyên thủ quốc gia của Tổng thống Traian Băsescu vào ngày 6-7 theo đề xuất của các dân biểu cầm quyền, thì Tòa Bảo hiến cũng chịu áp lực để phải lập tức chuẩn y quyết định đó. Tòa cũng buộc phải nhắm mắt trước khiếu nại của các cựu chủ tịch Hạ và Thượng viện Romania, bị nội các Ponta truất chức một cách phi dân chủ.
Sự tụt hậu và dễ thương tổn của các định chế dân chủ
Thông qua sự bất lực của Tòa Bảo hiến Romania trong cuộc tranh giành quyền lực tại nước này, có thể thấy các định chế dân chủ tại Rumani dễ bị thương tổn, không vững chắc bằng nhóm các nước Đông Âu hội nhập thành công vào Châu Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech hay Hungary. Lý do ở đây, một phần là hệ lụy của nhiều thập niên dưới chế độ toàn trị, và sự thiếu vắng của văn hóa chính trị.
Trong khu vực Đông - Trung Âu, Romania là quốc gia duy nhất không có truyền thống dân chủ và vì những lý do lịch sử, luôn là mảnh đất chứa chất những sự cực đon của chủ nghĩa dân tộc. Nước này không có những nỗ lực dân chủ như của Ba Lan vào năm 1956 và đặc biệt, năm 1980 với phong trào Công đoàn Đoàn kết, như Tiệp Khắc với Mùa xuân Praha năm 1968 hay như Hungary với cách mạng mùa thu 1956.
Do đó, không có được nỗ lực hoạt động lâu dài và kiên trì của phe đối lập dân chủ, biến chuyển 1989 của Romania đã mang tính bạo lực và đổ máu, khác với tất cả các nước trong vùng. Kề từ ngày đó, nền dân chủ tại Romania vẫn hết sức bếp bênh, nước này không có được một gương mặt lãnh đạo dân chủ thực sự nào.
Như thế, những ngôn từ dân chủ, pháp quyền... nhiều khi mới chỉ tồn tại trên văn bản, giấy tờ, chứ chưa được đưa vào thực tế, thực thi trong đời sống chính trị hàng ngày. Bên cạnh đó, văn hóa nghị trường, văn hóa trong chính trị, cũng như sự độc lập của các cơ quan, các định chế quyền lực là điều chưa có tại xứ sở này.
Hệ lụy của cuộc đấu tranh giành quyền lực
Nhiều dấu hiệu cho thấy trong thời gian qua, đã có những rạn nứt ngay trong nội các của Thủ tướng Victor Ponta. Gần đây nhất, đã có ba vị bộ trưởng phụ trách các bộ Nội vụ, Hành chính và bộ Không bộ đã đệ đơn từ chức. Trong số đó, Bộ trưởng Nội vụ Rus cho hay ông đã bị áp lực từ Tổng thống Băsescu và Chủ tịch Quốc hội Antonescu, nhưng sự ra đi của ông rõ ràng là sự chỉ trích chính sách của chính phủ Ponta.
Theo nhận định của giới bình luận, bộ trưởng Rus thuộc một nhóm đối lập trung nội bộ phe Xã hội Dân chủ hiện đang cầm quyền, và ông ta là thành viên chính phủ đầu tiên đã công khai đối đầu với Thủ tướng Victor Ponta. Lý do là ông không ưa thủ lĩnh phe Tự do, Chủ tịch Quốc hội Antonescu, đồng minh của phe Xã hội của Thủ tướng Ponta trong cuộc chiến chống Tổng thống Băsescu.
Một điều đáng chú ý: vụ bê bối đạo văn và những quyết định liên quan tới việc tạm ngưng cương vị nguyên thủ quốc gia của ông Băsescu đã khiến Thủ tướng Ponta mất điểm khá nhiều trong cư dân và cử tri. Theo thăm dò dư luận mới nhất của Viện Nghiên cứu Công luận ÌMAS, thực hiện từ ngày 11-7 đến 17-7-2012, trong vòng 1 tháng, chỉ số ưa thích của ông Ponta đã giảm 7%, còn 38,1%. Trong khi đó, chỉ số này ở Tổng thống Băsescu lại là cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây, nhưng cũng chỉ đạt 15,5%.
Giới bình luận chính trị nhận định rằng trong ba tuần tới, chừng nào số phận của Tổng thống Băsescu chưa được định đoạt, áp lực của Châu Âu đối với nội các Romania sẽ không giảm. Sau hai lần nhận được báo cáo của Tòa Bảo hiến Romania, khiếu nại về việc họ chịu sức ép của chính phủ, Ủy ban Venice đã phải cảnh cáo chính quyền và các đảng phái Romania phải chấm dứt hành vi can thiệp này.
Hệ lụy dễ nhận ra nhất của tình trạng mất dân chủ tại Romania là mọi dấu hiệu đều cho thấy rằng, nước này sẽ không được gia nhập Không gian phi thị thực Schengen vào tháng 9 tới, hoặc giả vào cuối năm nay. Trước đây, Romania từng bị phê phán là tham nhũng tràn lan và yếu kém trong tư pháp, thì nay còn bị cáo buộc thêm là “đang theo con đường chính trị đáng nghi ngại”, theo nhận định của Bộ trưởng Nội vụ Đức.
Để trả lời sự trừng phạt này của Châu Âu, Thủ tướng Victor Ponta tuyên bố rằng “chắp nối Schengen với một cuộc chiến chính trị mà người dân Romania sẽ tự giải quyết” là một điều không công bằng. Tuy nhiên, có lẽ ông quên một thực tế, rằng người dân Romania đã quá chán ngán với cuộc chiến đó, và với cả những nhân vật chính của nó, là ông và Tổng thống Băsescu!
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.