Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LIÊN HIỆP CHÂU ÂU VỚI VIỆC KOSOVO TUYÊN BỐ ĐỘC LẬP

(NCTG) Thứ Hai ngày 18-2-2008, một ngày sau khi Kosovo chính thức thể hiện ý nguyện trở thành một quốc gia độc lập, ngoại trưởng các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu đã đưa ra những tuyên bố liên quan đến vấn đề này.

Dân Kosovo mừng Ngày độc lập tại Pristina - Ảnh: Móricz Simon ("Tự do Nhân dân")

Một “công thức” chung đã được đưa ra: “EU ghi nhận…” (những nỗ lực mà Kosovo tuyên bố, trong số đó, có việc tuân thủ những nguyên tắc căn bản của dân chủ, cũng như, tôn trọng những quyển lợi của thiểu số Serbia tại xứ này).

Ngay trong phiên họp để thống nhất quan điểm, như có thể dự đoán từ trước, đã có 6 nước thành viên EU – Tây Ban Nha, Cyprus, Slovakia, Romania, Hy Lạp, Bulgaria – không chấp nhận việc thừa nhận Kosovo độc lập, với nỗi quan ngại điều này sẽ gây nên một “hiệu ứng”, một tiền lệ về sự ly khai đơn phương. Với sự đề xuất của nhóm này, EU đã phê chuẩn một điều khoản, theo đó, EU coi động thái của Kosovo không phải là một vấn đề mang tính tiền lệ, ngoài ra, EU cũng cho phép các nước thành viên hoàn toàn được tự do trong vấn đề có thừa nhận Kosovo hay không.

Pháp và Ý là hai nước đầu tiên – thông qua các đại diện ngoại giao - cho biết là sẵn sàng thừa nhận nền độc lập của Kosovo. Sau đó chút ít là Đan Mạch và Phần Lan. Theo ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt, chẳng bao lâu nữa, chỉ nội trong tháng Hai – Ba, đa số các nước thành viên EU sẽ “gia nhập” khối các quốc gia thừa nhận Kosovo.

Ngoại trưởng Hungary Göncz Kinga, trong một cuộc họp báo, cho biết Hungary cũng tham gia nhóm này. “Trở về nước từ Bruxelles, tôi sẽ đề xuất với nội các thực hiện quá trình thừa nhận Kosovo. Điều này bao gồm một quyết định của chính phủ, kèm theo một đề nghị lên tổng thống Sólyom László để hai nước có thể đặt quan hệ ngoại giao”. Ngoại trưởng Hungary cho rằng việc Hội đồng Ngoại giao của EU đã thỏa thuận được để ra một văn bản chung, là có ý nghĩa rất đáng kể. “Hungary đã phải có những quyết định chính trị trong một khung cảnh khá khó khăn: đối với quốc gia này, điều quan trọng căn bản là giữ gìn sự ổn định của khu vực, cũng như hiện trạng của người thiểu số gốc Hung tại vùng Vajdaság*”.

Bà Göncz Kinga cho rằng điều thiết yếu là người Albania tại Kosovo phải tuân thủ những bổn phận mà họ đã chấp nhận và quốc tế có quyền kiểm tra điều này. Bà cũng cho rằng, dịp này là “lửa thử vàng” để Serbia chứng tỏ sự tồn tại ‘hợp lý” của mình giữa lòng Châu Âu và để Hungary tiếp tục có mối quan hệ hữu hảo với quốc gia này.

Văn kiện chung nói trên của EU nhấn mạnh: Kosovo vẫn tiếp tục chịu sự kiểm sát của quốc tế, và sự hiện diện của các tổ chức ngoại quốc tại đây sẽ mang tính liên tục và thường xuyên. Liên hiệp Châu Âu sẽ thực hiện những cam kết của mình trong vùng Tây Balkans một cách dài hạn và từ đêm thứ Sáu, phái đoàn dân sự EULEX - sẽ đạt được mức chuẩn bị toàn diện trong vòng 4 tháng - sẽ bắt đầu “sứ mệnh” của mình tại Pristina. Có “quân số” tối đa là 2.210, chừng 30-40 đại diện của Hungary sẽ tham gia phái bộ này.

Những đạo quân của NATO sẽ tiếp tục đồn trú tại Kosovo, “nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không có quyết định khác” – đó là quyết định ngày thứ Hai của Hội đồng khối Minh ước Bác Đại Tây Dương ở tầm đại sứ. Căn bản pháp luật cho sự tồn tại lực lượng NATO tại Kosovo, vẫn là nghị quyết số 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

(*)  Gọi theo tiếng Serbia là Vojvodina; cùng Kosovo, đây là một trong hai tỉnh tự trị của Serbia, nơi có rất đông người gốc Hung sinh sống.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo “Tự do Nhân dân”