Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LIÊN BANG NGA VÀ NỖ LỰC BÀNH TRƯỚNG TRÊN HỒ SƠ NĂNG LƯỢNG

Trong khi Liên hiệp Châu Âu đang tiếp tục theo đuổi dự án đường ống dẫn khí đốt Nabucco với nỗ lực đa dạng hóa nguồn khí đốt, gia tăng an toàn năng lượng và giảm thiểu sự phụ thuộc vào Liên bang Nga thì trong những ngày qua, Moscow cũng đã có những bước tiến rất quan trọng trong việc gia tăng sự bành trướng và tìm kiếm các “ngả” phân khối khí đốt tại Châu Âu cũng như trên thế giới.

Khởi động chặng đầu của Hải lưu phía Bắc

Chiến lược bành trướng và lan tỏa của Moscow

Thượng tuần tháng 8-2011, trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật, đôi bên đã có những thỏa thuận sơ bộ về việc xây dựng một tuyến đường ống dẫn khí đốt dài hơn 1.100km, khởi đầu từ Nga, một phần đáng kể (700km) chạy qua lãnh thổ Bắc Hàn và chở khí tới Nam Hàn.

Dự tính, thông qua hệ thống đường ống dẫn này, hàng năm Nam Hàn có thể mua của Nga 10 tỉ m3 khí đốt và Bắc Hàn cũng giải quyết được tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng, cùng khoản doanh thu chừng 100 triệu USD hàng năm (phí chuyển tiếp). Về mặt chính trị, Moscow còn cho rằng đề án nói trên góp phần ổn định hóa tình hình căng thẳng ở bán đảo Cao Ly.

Cũng vẫn trong nỗ lực xuất khẩu khí đốt sang các nước Châu Á - Thái Bình Dương,  ngày 8-9 vừa qua, chặng đầu của hệ thống đường ống Sakhalin - Khabarovsk - Vladivostok (với chiều dài tổng cộng 1.822km) đã được tập đoàn Gazprom đưa vào khởi động với sự chứng thực của Thủ tướng Vladimir Putin.

Ðây là một trong những đề án cơ bản của cái gọi là Chương trình Khí đốt Phương Ðông của Liên bang Nga, với mục tiêu phát triển sự cung ứng khí đốt tại vùng Viễn Ðông nước Nga, đồng thời, tạo dựng những điều kiện chuyển chở, hậu cần cho việc xuất khẩu khí đốt từ Nga sang các quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương.

Cuối cùng và quan trọng nhất, vào ngày 6-9, trong khuôn khổ một phép thử về sức bền vật liệu trước khi đưa vào sử dụng chính thức, khí đốt công nghệ đã được bơm vào chặng thứ nhất của đề án Hải lưu phía Bắc (Nord Stream). Ðề án này có chức năng dẫn khí đốt từ TP Viborg của Nga chạy dưới lòng vịnh Baltic sang CHLB Ðức mà bỏ qua các quốc gia trung gian như Ukraine, Belarus hay Ba Lan hoặc các nước vùng vịnh.

Theo dự tính, nếu cả hai chặng của Hải lưu phía Bắc được hoàn thành vào năm 2012, hàng năm, Nga có thể chuyên chở 55 tỉ m3 khí đốt qua Châu Âu, phục vụ khu cầu khí đốt của 25 triệu hộ gia đình, tức 1/4 nhu cầu khí đốt của toàn Châu Âu. Theo ông Matthias Warnig, Tổng giám đốc đề án, Hải lưu phía Bắc được xây dựng với khoản đầu tư gần 7,5 tỉ USD sẽ hoàn vốn sau 14-15 năm và sau đó, sẽ có lãi.

Ðặc biệt, đối với Liên bang Nga, việc Hải lưu phía Bắc được đi vào hoạt động còn mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, như lời Thủ tướng Vladimir Putin: “Nước Nga thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào các quốc gia chuyển tiếp”. Ðiều này liên quan tới những xung đột liên miên giữa Moscow và Kiev (và phần nào, với Minsk) trong những năm qua trong hồ sơ khí đốt, đe dọa sự an toàn năng lượng của cả Châu Âu.

Xung đột Nga - Ukraine

Theo cách nhìn của Nga, đường ống nối trực tiếp giữa Nga và Tây Âu đã khiến Ukraine mất đi vai trò mà trước nay nước này vẫn độc quyền: quốc gia chuyển tiếp chính của khí đốt Nga. Moscow cho rằng, cuộc tranh luận do Ukraine khởi xướng nhằm được nhận khí đốt với giá “rẻ một cách vô cớ”, nay đã hoàn toàn hết ý nghĩa và Kiev sẽ phải có thái độ kiên nhẫn và sẵn sàng thỏa hiệp hơn.

Một thực tế là thời điểm Hải lưu phía Bắc đưa vào hoạt động lại đúng vào lúc phía Ukraine thúc giục Châu Âu đẩy nhanh tiến độ đề án Nabucco, đồng thời, đe dọa rằng sẽ giảm rất đáng kể lượng khí đốt mua của Nga và tái tổ chức tập đoàn „Naftogaz Ukraini” là hãng nhập khẩu khí đốt từ Liên bang Nga. Moscow cho đây là hành động vi phạm thỏa thuận giữa hai chính phủ và lợi dụng vị thế quốc gia trung chuyển khí đốt để gây áp lực cho Nga.

Về phía Nga, những đòi hỏi, thậm chí “mưu mô” của Ukraine liên quan đến vấn đề giá cả khí đốt của Nga là vô căn cứ. Tổng giám đốc tập đoàn năng lượng Gazprom Alexey Miller cho rằng, giá vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine mà Nga phải trả cao hơn rất nhiều so với vận chuyển tại Ðức, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Slovakia, trong khi giá khí đốt mà Nga cung cấp cho Ukraine thì thấp hơn cho Ba Lan, Hungary và Romania.

Tuy nhiên, xét về phía Ukraine, Kiev cảm thấy việc Moscow đơn phương định ra giá cả khí đốt là để ép nước này gia nhập Liên minh Thuế quan giữa Nga - Belorus - Kazakstan, hoặc buộc tập đoàn “Naftogaz” hợp nhất với Gazprom, là những điều mà giới chức Ukraine không thể chấp nhận. Dầu sao đi nữa, theo Moscow, chỉ trong vòng 1 tháng nữa là Hải lưu phía Bắc có thể hoạt động hết công suất để chuyển khí đốt trực tiếp qua Tây Âu.

Như thế, Kiev có thể bị loại khỏi danh sách các nước trung chuyển khí đốt của Nga và trong số các quốc gia sẽ sử dụng lượng qua hệ thống đường ống gas này, có những quốc gia rất quan trọng như Anh, Pháp, Ðức, Ðan Mạch, Hà Lan và Bỉ. Ngoài ra, Nga còn dự tính sẽ dùng Hải lưu phía Bắc để cung cấp cho đại đa số các nước trong vùng Ðông - Trung Âu, hiện vẫn sử dụng khí đốt qua đường Ukraine.

Nga và EU trên bàn cờ năng lượng

Tuy nhiên, Hải lưu phía Bắc chỉ là một trong số những đề án đáng kể nhất về mặt năng lượng của Liên bang Nga trong thời gian gần đây, được khởi thảo để đáp ứng tham vọng “bá chủ” của nước này tại Châu Âu trên hồ sơ năng lượng. Sự cạnh tranh từ lâu nay giữa hai đề án đang được tiến hành gần như song song - Nabucco của Châu Âu và Hải lưu phía Nam (South Stream) của Nga - cho thấy cuộc chạy đua giữa hai “người khổng lồ” này ngày một trở nên khốc liệt.

Nhắc lại, hệ thống mang tên Hải lưu phía Nam của Nga được xây dựng bằng cách bỏ qua Ukraine, đưa khí đốt dưới lòng Hắc Hải tới Bulgaria (Nam Âu) - từ đó, gas được chuyển tới Serbia, Hungary, Slovenia, Áo và Bắc Ý, với những nhánh phụ vươn sang Croatia, Macedonia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Với chi phí xây dựng ước tính là 15,5 tỉ USD, theo kế hoạch, Hải lưu phía Nam sẽ được đưa vào vận hành cuối năm 2013 và đạt công suất cực đại 62 tỉ m3 hàng năm vào năm 2018.

Hiện tại, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đang chiếm vai trò độc quyền trong cung cấp khí đốt tại 7 nước thành viên của EU, và tại 4 nước khác thì 2/3 nhu cầu khí đốt được mua từ các hãng Nga. Do đó, trong các hợp đồng dài hạn, Nga có thể đơn phương đưa ra những giá cả ngất ngưởng, trong khi các nguồn khí đốt khác ở Tây Âu càng dần dần cạn kiệt. Vấn đề đảo bảo sự an toàn năng lượng và giảm thiểu sự phụ thuộc khí đốt với Nga được đặt ra một các cấp thiết.

Với suy tính ấy, trên vai trò một hệ thống dẫn khí đốt đối trọng trực tiếp, từ 7 năm nay, EU đã đề xướng cho mình đại dự án Nabucco: dài 3.900km, có công suất tối đa 31 tỉ m3 hàng năm, Nabucco xuất phát từ vùng biển Caspian (Trung Á), bỏ qua Liên bang Nga và Ukraine, qua Thổ Nhĩ Kỳ tới 3 nước Châu Âu (Bulgaria, Romania, Hungary) và có điểm dừng ở gần thủ đô Vienna của Áo Quốc.

Theo kế hoạch ban đầu, Nabbuco có tham vọng bắt đầu cung cấp khí đốt cho Châu Âu từ năm 2014 và đại công suất tối đa vào năm 2020. Có điều, do nhiều trở ngại về chính trị, ngoại giao và các nguồn cung cấp khí đốt, cho đến nay, Nabucco vẫn mang tiếng là một đề án chỉ có trên giấy tờ, mọi “đường đi nước bước” luôn chậm trễ và ngay Ủy ban Châu Âu mới đây cũng có những phát biểu chán nản về nó.

Tuy nhiên, cho đến cuối hè 2011, có những yếu tố cho thấy lần đầu tiên, Nabucco có phần vượt Hải lưu miền Nam. Tại Hungary, một trong số 6 quốc gia tham gia đề án Nabucco, đồng thời cũng là nước đóng vai trò tương đối đặc biệt xét trên phương diện địa chính trị, hai trong số bốn khu vực có liên quan tới đề án đã cấp phép về môi trường và tại hai nơi còn lại, chính quyền đã tiến hành thông báo và “đả thông” dư luận về đề án này.

Chặng quan trọng tiếp tới của dự án Nabucco là chuẩn bị ký kết các hiệp định giữa Liên hiệp châu Âu và những quốc gia cung cấp khí đốt như Azerbaijan và Turkmenistan, khả năng sẽ được tiến hành vào tháng 9 này tại Warsaw (Ba Lan). Trong khi đó, Hải lưu phía Nam của Nga đã thay đổi theo hướng làm chậm tiến trình xây dựng do những cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đình trệ, và một phần cũng bởi nước này phải tập trung cho Hải lưu phía Bắc.

*

Những diễn biến nói trên cho thấy, trên cương vị một quốc gia xuất khẩu khí đốt, Liên bang Nga không những muốn duy trì sự bá chủ của mình tại Châu Âu và nhiều vùng trên thế giới, mà còn phải luôn tìm kiếm những nguồn tiêu thụ gas, và tránh những rủi ro mà họ cho là dễ gặp phải khi vận chuyển khí đốt qua các nước cộng hòa cũ như Ukraine và phần nào đó, Belarus.

Trong khi đó, với nỗ lực tiến hành dự án Nabucco để có được sự độc lập và mức an toàn năng lượng cao hơn, nhưng Châu Âu vẫn buộc phải hợp tác với Nga trong các dự án Hải lưu của nước này, dầu sao cũng trên tư thế tự chủ hơn. Tính đến hè năm nay, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Châu Âu đã tăng 30%, tức là bằng những tháng mùa đông thông thường.

Con số này cho thấy Châu Âu chỉ có thể tiết giảm, chứ không thể loại bỏ con bài năng lượng hiện đang nằm trong tay Moscow!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest