LIÊN BANG NGA: LẠM PHÁT - VẤN ĐỀ KHÔNG CỦA RIÊNG AI!
- Thứ tư - 23/04/2008 21:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Rau xanh đắt hơn thịt!
Cái từ này rõ là một thuật ngữ kinh tế, nhưng giờ đây đã là một từ cửa miệng của dân Nga, thậm chí, là câu để họ tự an ủi mỗi lần đứng tần ngần trước các mác giá thực phẩm.
Sau ngày lễ năm mới, giá cả sinh hoạt bao gồm giá thực phẩm, giá xăng dầu, giá thuê nhà, ga, nước, điện, cước phí giao thông… tăng đột ngột khiến người Nga trung lưu nhiều nơi rơi vào tình cảnh tiêu pha dè xẻn, hạn chế mời khách khứa đến nhà (một thú vui truyền thống của người Nga), cắt giảm bớt những niềm vui văn hóa như đi xem ca nhạc, nhà hát…, và thậm chí, lượng… “chất cồn” dự trữ trong nhà cũng giảm đi đáng kể khi mà giá các loại rượu đã tăng lên hơn 20%. Mùa đông Nga năm nay có lẽ cũng vì thế mà bớt băng giá và có vẻ ngắn đi nhiều!
Hàng xóm nhà tôi, ông chồng mê rượu (phàm đã là đàn ông Nga, ai không có đôi chút ham mê chất cồn!!!), suốt mấy tháng nay bị vợ cằn nhằn vì không cắt được khoản rượu bia ấy, “lạm” cả vào ngân quỹ gia đình. Gặp tôi ở cầu thang, bà rền rĩ: “Thế này thì sống làm sao được hả Giời? Ngay cả bánh mỳ còn đắt lên từng ngày! Có bao giờ như thế này không?”
Có bao giờ như thế này không? Thực ra, có chứ. Lạm phát ở nước Nga, chỉ tính thời điểm từ khi bước vào thiên niên kỷ mới đến nay, đã và đang diễn ra không ngừng. Số liệu về chỉ số lạm phát được ghi lại từng năm cho thấy, năm 2000, chỉ số ấy là rất lớn: 20,2%. Năm 2007: 11,9%!
Cuối năm 2007, chính phủ Nga ký kết thỏa thuận với các nhà sản xuất thực phẩm, các nhà phân phối về việc “đóng băng” giá bán lẻ một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Nhưng điều đó cũng chỉ là một giải pháp tình thế, không giúp gì cho việc giải quyết triệt để vấn đề lạm phát ở Nga.
Mới đây, trả lời phỏng vấn tờ “The Financial Times” (ra ngày 21-3-2008, đăng tải cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên của Dmitry Medvedev với tư cách là tân tổng thống vừa đắc cử), ông Medvedev đã khẳng định: “Lạm phát hiện giờ là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước Nga” và đây cũng là sự trả giá cho quá trình hội nhập của nước Nga vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, ông Medvedev vẫn tỏ ý lạc quan, tin tưởng rằng nước Nga hoàn toàn có thể vượt qua được khủng hoảng vì “trong tám năm qua, nước Nga đã xây dựng được một hệ thống kinh tế vĩ mô ổn định”. Ông cho rằng, để chiến thắng được lạm phát, nước Nga cần chú trọng phát triển kinh tế trong nước, đặc biệt là nông nghiệp.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, lượng thực phẩm nhập khẩu của Nga tăng với cấp số nhân. Tháng 1-2008, theo báo cáo của Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Liên bang Nga, nước Nga đã nhập một lượng thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp tăng hơn 60% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, điểu chú ý là mặt hàng thịt tươi và đông lạnh tăng gấp hai lần. Chất cồn (rượu) và những đồ uống khác tăng 70%, cá tươi và đông lạnh – tăng 1,5 lần, cà phê – tăng 1,4 lần.
Như vậy, đồ nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường Nga manh mẽ, đang lấn át ngành chế biến thực phẩm và sản xuất nông nghiệp của nước Nga.
Việc này rất dễ nhìn thấy trên thực tế. Mùa thu vừa qua, chỉ cần rời Moscow đi ra ngoại ô độ chừng hơn 100 cây số, ghé vào một số cơ sở nông nghiệp tìm hiểu, bạn sẽ được biết diện tích trồng hoa màu gần đây bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí, số lượng gia súc như bò, lợn cũng bị giảm nhiều. Nhiều lò mổ của các vùng nhỏ bị đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Các nhà máy chế biến thịt thích dùng hàng nhập khẩu hơn, chủ yếu vì vấn đề chất lượng. Công nghệ chăn nuôi, mổ, bảo quản thịt của các vùng ở Nga hiện đã bị lạc hậu rất nhiều so với nước ngoài.
Chợ tạm của các bà về hưu kiếm thêm
Vấn đề này hiện nay đang được nhà nước Nga tìm cách giải quyết, mà một trong những phương cách ấy là đề án cấp nhà nước đã được đưa ra, như “Đề án phát triển cấp tốc chăn nuôi gia súc” và “Đề án mở rộng cấp tốc diện tích trồng ngũ cốc, hoa màu”.
Trả lời phỏng vấn báo “Vedomosty” ngày 15-3, ông Ghennady Kulic, phó chủ tịch Hội đồng Ngân quỹ Duma Quốc gia, cho rằng, trong một thời gian ngắn nhất, nước Nga cần phải tăng việc sản xuất ngũ cốc lên ít nhất là 6 đến 8 triệu tấn – và tính đến năm 2011-2012, tổng sản lượng ngũ cốc phải đưa lên đến 100 triệu tấn mới đủ để giải quyết được các vấn đề đang đặt ra. Từ ngũ cốc, có thể giải quyết được vấn đề chăn nuôi gia súc, chế biến thực phẩm…, v.v… Và đương nhiên, các nhà sản xuất, đầu tư cũng như nông dân đang chờ đợi ở chính phủ một kế hoạch có tính chiến lược để khuyến khích nền nông nghiệp trong nước phát triển vượt bậc. Nước Nga hoàn toàn có tiềm năng vượt qua những chấn động của lạm phát cũng như ảnh hưởng của sự khủng hoảng kinh tế thế giới.
Kết thúc bài viết nhỏ này, tôi muốn nhắc đến một bức tranh biếm họa được đăng trên báo “Vedomosty” cuối năm 2007 với lời đề từ: “Làm người nghèo tính về mặt kinh tế thật là… không có lãi!”
Quả vậy. Người nghèo ở Nga hiện tại sống không dễ chịu chút nào. Một lần, tôi thấy một cụ già về hưu đứng phân vân “Mua hay không mua?” vài lạng thịt, bị người bán hàng khó chịu càu nhàu, cụ lủi thủi quay ra. Thắt lòng vì cảnh ấy. Cho dù lương hưu đã tăng lên đáng kể, nhưng giá cả thực phẩm cộng với giá các dịch vụ tăng còn “đáng kể” hơn khiến cho cuộc sống của những cụ già cô độc trong xã hội Nga rất dễ đi vào bế tắc.
Nhưng, có một cụ già hưu trí đã nói khi tôi hỏi về cuộc sống có vẻ như ngày một khó khăn hơn của cụ trong lúc giá cả leo thang như thế này: “Tôi thì tôi không kêu ca. Kêu nhiều chỉ làm mình mất tinh thần, trong khi các vấn đề lớn nhà nước chắc chắn phải tìm cách giải quyết, nhưng không thể ngày một ngày hai được. Suy cho cùng, tôi đã từng sống qua những ngày khốn khó nhất thời chiến tranh, giờ chẳng lẽ không sống nổi sao?”
Chỉ còn biết mong, chính phủ Nga sẽ có phương cách khéo léo giữ được cân bằng giữa sự tăng mức lương của người lao động và tăng trưởng thực sự của nền kinh tế.
Những vấn đề này hiện nay, rõ ràng, không chỉ của riêng ai!
Chùm ảnh về tác động của lạm phát với đời thường ở Nga:
Thực phẩm nhập nhiều hơn đồ trong nước
Mua hoa quả cũng phải nhẩm tính thu chi
Rượu vẫn là thứ không thể thiếu!
Dân hưu trí tần ngần khi đi mua thực phẩm