Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LIÊN ÂU VẪN LAO ĐAO TRONG VẤN ĐỀ TỴ NẠN

(NCTG) Làn sóng tỵ nạn vẫn ảnh hưởng mạnh đến Châu Âu: trong khi tại Đức, số các vụ tấn công bạo lực cực hữu năm ngoái tăng 30% so với một năm trước đó thì tại Hy Lạp, chính phủ nước này “hục hoặc” với Hungary vì những công kích thường xuyên đến từ Budapest.
Biểu tình bày tỏ thiện cảm với người tỵ nạn ở Köln - Ảnh: Patrik Stollarz (AFP)
Theo tin của tờ “Tấm gương” (Spiegel), năm 2014, con số các hành động phạm tội mang tính chất cực hữu là 10.541 trường hợp, và trong năm ngoái thì cảnh sát ghi nhận được 13.846 trường hợp, tức là tăng hơn 31%. Đích của những cuộc tấn công bạo lực này đa phần là những người tỵ nạn hoặc nhập cư, khiến 691 người bị thương.

Một nữ dân biểu cánh tả Đức, bà Petra Pau, người theo dõi thường xuyên và liên tục những số liệu do cảnh sát cung cấp, nói rằng không chỉ những nhóm tân phát-xít tổ chức những cuộc tấn công này. Ngày càng xuất hiện nhiều nhóm tự phát, tự tổ chức và đích tấn công của họ là những trại tỵ nạn, những người tỵ nạn và cả những người dân hỗ trợ họ.
 
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp, ông Nikos Xydakis phàn nàn với nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) rằng, chính phủ Hungary liên tục chỉ trích đất nước ông vì sự xử lý khủng hoảng tỵ nạn của Hy Lạp, trong khi đến một cái chăn, một túp lều Budapest cũng không hề gửi cho Athens, trái với sự nhiệt tình của nhiều thành viên Liên Âu khác.

Từng là một ký giả, giữ chức TBT tờ báo nổi tiếng “Kathimerini” phát hành ở Athens thời kỳ 2003-2014, ông Nikos Xydakis hiện là chính khách phụ trách các vụ việc EU của nội các Hy Lạp. Vừa có mặt ở Budapest để đàm phán với chính phủ Hungary, vị thứ trưởng cho hay, Hy Lạp chưa bao giờ kêu ca gì về chính sách tỵ nạn của Budapest, nhưng phía Hung thì ngược lại.

Thừa nhận rằng Hy Lạp còn có những thiếu sót trong quá trình xử lý người tỵ nạn, nhưng ông Nikos Xydakis cũng nói thêm, quả thực làn sóng tỵ nạn nổ ra năm ngoái đã như một trái bom đối với nước ông. Trong khi năm 2014 mới chỉ có 41 ngàn người, thì 2015, đã có tới hơn 850 ngàn người tỵ nạn cập bến Hy Lạp, đa phần đến từ những nơi đang có chiến sự như Syria hay Iraq.

Vị chính khách cho hay, đang trong cảnh khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, Athens lại phải chịu thêm gánh nặng tỵ nạn. Năm ngoái, nước này phải bỏ ra 350 triệu Euro để xử lý tỵ nạn, con số đó trong năm nay có thể tăng lên 600 triệu. Mà, “theo luật quốc tế, phải cứu tất cả mọi người trên biển, không thể bắt những “thuyền nhân” quay trở lại - đồng nghĩa với việc bảo họ chết chìm”, theo ông Nikos Xydakis.
 
Trẻ em tỵ nạn sau khi tới được đảo Lesbos (Hy Lạp). Tháng 12-2015 - Ảnh: Móricz-Sabján Simon (“Tự do Nhân dân”)
Trẻ em tỵ nạn sau khi tới được đảo Lesbos (Hy Lạp). Tháng 12-2015 - Ảnh: Móricz-Sabján Simon (“Tự do Nhân dân”)

Mối quan hệ Hy Lạp - Đức vốn chịu nhiều vết thương chí mạng trong khủng hoảng tài chính, giờ cũng đã khả quan hơn. Khủng hoảng tỵ nạn đã khiến hai nước gần nhau hơn, chỉ có thể xử lý khủng hoảng bằng sự đồng lòng. Biện pháp quân sự không đi đến đâu cả, chưa nói tới chuyện việc oanh tạc Aleppo và các thành phố khác chỉ làm gia tăng số người tỵ nạn”, ông Nikos Xydakis khẳng định.

Nói về việc hai quốc gia láng giềng - Bulgaria và Macedonia - cũng xây hàng rào ngăn biên giới để ngăn dòng người tỵ nạn đến từ Hy Lạp, và do đó khiến nước này lâm vào thế khó khăn, ông Nikos Xydakis gọi đó là một “bước đi thiếu thân thiện, nhưng có thể chấp nhận được, vì họ muốn bảo vệ biên giới của họ”. Vị chính khách chỉ cảm thấy bức xức khi các nước EU khác cũng ủng hộ quyết định trên.

Vậy ai là kẻ thù? Hy Lạp à?”, ông đặt câu hỏi khi một số quốc gia Liên Âu, trong đó có Hungary, gửi quân nhân, cảnh sát tới biên giới Hy Lạp - Macedonia và Hy Lạp - Bulgaria để giúp hai nước kia ngăn dòng người tỵ nạn đến từ Hy Lạp. Đặc biệt, ngoài nhân lực, Budapest còn cung cấp khá nhiều dây thép gai cho Macedonia, và đây là điều Athens thực sự cảm thấy phật lòng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp, theo index.hu và “Tự do Nhân dân”