Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LÀNG VÂN

(NCTG) “Những ngày đó, tôi luôn nghĩ về một thời, những người bệnh phong từng ở đây hẳn buồn lắm khi ngó thành phố kia, khi nghe tiếng còi tàu ngay sau lưng mà không bao giờ thoát được ra khỏi ốc đảo. Còn bây giờ, ốc đảo đã không còn, nhưng người Làng Vân có hết buồn không?”.

Làng phong cuối cùng của Việt Nam

Bàn tay cong queo của bà già trên bảy mươi nắm chặt tay tôi, dắt tôi đi thăm ngôi nhà mới trong khu tái định cư. Ngôi nhà cấp bốn, liền kề cả dãy, gồm một phòng khách, hai phòng ngủ, một toilet, một bếp, phía sau là khoảng trống làm sân phơi chung. Bà vừa đi vừa nói, giọng đặc âm điệu người Quảng.

- Chô cha, con ngó ri có đẹp không? Nhà khéo xây khéo hỉ?

- Dạ, gọn gàng quá bà heng! Mà răng bà không nấu chi dưới bếp hà?

- Không. Họ cho cái bếp gas, cái quạt ni đây, bộ bàn nữa nì, với cái đồng hồ trên tường tê. Mà bà không biết nấu gas, đổ gạo vô trong cái nồi cơm điện, nấu cháo ăn với muối.

- Ui trời! Chứ hồi xưa ở ngoài làng bà ăn cái chi?

- Thì ăn cơm, cá mắm biển ngang (*) người ta đánh lên, không có thì ăn rau trong vườn sau nhà. Ở đây có chỗ mô trồng rau mô con!

Bà ngồi xuống lại cái võng, ngó ra ngoài cửa. Đây là khu nhà màu xanh dương, gồm 6 dãy nhà dọc đánh dấu từ A đến F và một dãy nhà ngang đang xây dở. Sáu mươi sáu hộ dân ở đây được di dời từ Làng Vân, xã Hòa Vân dưới chân đèo Hải Vân để lại ngôi làng với bờ biển đẹp, hàng dương xanh cho một khu resort mới.

Cách đây hai năm, khi làm phim tài liệu, tôi chọn chủ đề về cô giáo Oanh, mỗi ngày đi bộ 1km đường hầm, 3km đường sắt, 4km đường đất, đường núi để đi dạy mỗi sáng, và đến trưa, trở về đúng một tour như vậy. Khu làng này được người Mỹ lập hồi những năm 60 thế kỷ trước, là nơi dưỡng bệnh của những người bị bệnh phong được chuyển trại từ Quy Hòa về. Khi tôi lội xuống tới làng để khảo sát và thở hồng hộc, tôi thấy đám trẻ con ngó tôi e dè, người lớn cười cười mà né xa xa. Họ hỏi:

- Chớ cô đi mô ri?

- Dạ, con đi làm phim!

- Chô cha, mần phim thì phải hỏi chú Đức trưởng thôn nè! Đi thẳng tới nữa, nhà chú Đức bán tạp hóa đó.

Vợ chồng anh Đức hiền lắm, chị có cái tủ lạnh, bán vài chai nước ngọt, đá lẻ, dăm gói mì tôm, còn anh làm cán bộ thôn, rồi làm vườn linh tinh. Mẹ vợ anh ở bên cạnh, chạy qua chạy về nấu cơm. Bà chỉ cái võng:

- Nằm đó đi con. Bà nấu cơm trưa rồi ăn!

Cơm trưa có canh bí nấu tôm, rau luộc, thịt kho. Bà nói:

- Chớ bay không sợ hay răng mà xuống đây mần phim?

- Dạ không. Con đọc trên mạng rồi, chỉ người còn bệnh mới lây, mà cũng không dễ lây đâu. Mà làm người, không bệnh ni cũng bệnh kia, quan trọng là phải biết giữ sức khỏe.

- Ờ, chớ có mấy người tới đây mà họ không dám ăn. Họ nói ăn đồ người cùi nấu là bị bịnh cùi! Bà vừa ăn vừa nói.

Những lần sau đó, người dân Hòa Vân đã quen với sự có mặt của tôi, vài ngày lại lầm lũi cầm máy quay, lội đường hầm, băng qua ruộng đến trường, qua nhà người này, ghé nhà người kia. Họ cười nói, họ nắm tay. Cái nắm tay đối với người Làng Vân có lẽ là một cử chỉ quan trọng lắm. Bởi khi mình nắm tay họ không ngại ngần, là mình tin họ không còn bệnh nữa, là mình tin rằng bệnh của họ không phải là thứ đáng sợ nữa.

Năm nay quay về lại Đà Nẵng, chị gái tôi kể ngay:

- Em, mấy người ngoài Làng Vân hồi xưa dời vô ngay sau nhà chị nè, chỗ chợ nè em!

- Thôi rồi, rứa là xong cái làng! Hồi xưa đi lại cũng cực lắm, mà có cái ăn chị ơi. Vô đây chừ làm chi ăn?

- Thì kệ, có rứa mới xóa đi cái tên làng cùi, chứ ở ngoài nớ miết thì răng được em. Mà vô đây có chi khá hơn không chị?

- Cũng tội lắm em ơi. Hồi mới có quy hoạch, dân Hòa Hiệp Nam ở đây phản đối kinh lắm. Họ nói tui không sống chung với người cùi, đi mô thì đi. Nhà tái định cư mới xây lên, họ ra đập, rồi xây lại, rồi phản đối, rồi dừng công trình… Từ hồi em nghỉ làm phim tới chừ, mới xong đây chứ mô. Họ mới về ở đó. Bữa trước chị bỏ bánh mì cho con bé trong khu nớ, người ta nói nhà chị bán bánh mì cho bọn cùi, như rứa ăn bánh mì nhà chị cũng lây.

- Chi tội rứa trời!

- Ừ, thành ra rồi sau đó con bé trong nớ cũng không bán bánh mì nữa, lâu ni không thấy hắn kêu bánh. Mà dân trong cụm nớ thấy cũng giống tự cung tự cấp rứa em ơi. Có cái tiệm tạp hóa nhỏ nhỏ trong nớ. Với hình như bà Chung bả có ra vô bán bánh mì lẻ nữa thôi.

- Hồi nớ người ta gọi Làng Vân là ốc đảo Hansen. Chừ ở đây thì có khác chi mô!

- Ừ, không khác. Bữa con bé trong xóm nớ ra quán bà Tư ăn bún. Hắn vừa ăn xong, đứng dậy, là bà Tư cầm cái bát đập trước mặt hắn luôn. Ý bả là cái thứ chi mấy bọn cùi đụng vô đều không thể dùng lại được. Từ đó, trong nớ không ai bén mảng ra ngoài. Sống quanh quẩn rứa thôi!

Hai chị em tôi chạy xe qua xóm định cư mới, hỏi thăm nhà anh Đức nhưng anh chị ở nhà cũ thuộc khu vực khác, nhà ở đây chỉ để con cái anh ở thôi. Mẹ vợ anh cũng không có ở nhà. Bà già lúc nãy tôi gặp là mẹ ruột của anh Đức. Tôi không chắc bà nhớ tôi đâu, vì tôi gặp bà chỉ có một lần duy nhất. Nhưng không quan trọng, bà cứ kéo tôi vô nhà, cứ ngồi nghe bà kể linh tinh vầy là bà vui rồi.

Tôi hỏi thăm một chị khác về chị Tâm cờ lê. Nếu chị Tâm biết tôi dám gọi chị như vậy, hẳn chị giận. Chị có một ngón tay thừa, và mọi người ghẹo chị là Tâm cờ lê. Mỗi sáng, chị Tâm mua thức ăn từ Nam Ô, gánh băng qua đường hầm xe lửa, băng núi, lội cát đi xuống Làng Vân. Đôi gánh của chị thường có mấy gói sữa chua đông đá, bánh mì, bột lọc, cá, thịt, rau. Chị gánh đi vòng quanh làng là bán vừa hết, lại mua về con gà, trái mít… từ dưới làng gánh lên chợ Nam Ô bán lại. Tất nhiên, Làng Vân dời về đây thì chị Tâm cũng thất nghiệp luôn. Nhưng nhắc tới tên chị, ai ai cũng mỉm cười, vì chị là người mau miệng, giận thì la om sòm mà chẳng để bụng bao giờ.

Đi dọc theo mấy dãy nhà, những ánh mắt nhìn ra thoáng tò mò, những nụ cười mỉm một cách dè dặt dành cho tôi, nhưng cũng có những ánh mắt chào đón dù không nhận ra tôi là ai. Và cũng có những ánh mắt vô hồn, nhìn ra mảng tường xanh trước mặt. Tôi nhớ những buổi trưa vắng vẻ, nằm trên võng nhà anh Đức, ngó ra biển xanh trước mặt, ngó ra Đà Nẵng phía xa, nghe tiếng gió, tiếng sóng, tiếng đoàn tàu chạy trên núi sau lưng.

Những ngày đó, tôi luôn nghĩ về một thời, những người bệnh phong từng ở đây hẳn buồn lắm khi ngó thành phố kia, khi nghe tiếng còi tàu ngay sau lưng mà không bao giờ thoát được ra khỏi ốc đảo. Còn bây giờ, ốc đảo đã không còn, nhưng người Làng Vân có hết buồn không?

(*) Cá biển tươi, đánh bắt gần bờ.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Lan Phương, từ Sài Gòn – Tháng 12-2012